CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG Biên soạn Ts. Bùi Thị Nga 2008 - 10

- Công nghiệp tác động còn yếu vào nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản.

- Thị trường nông sản không ổn định, giá cả thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với nông dân.

- Tình trạng giảm sút đa dạng gen ở giống cây trồng, vật nuôi do trào lưu thay thế giống truyền thống bằng giống mới đang làm cho việc phòng chống sâu bệnh khó khăn hơn.

- Việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng một cách tuỳ tiện đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép của môi trường sinh thái, dẫn đến thoái hoá đất, ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho sức khoẻ con người.

- Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, sức cạnh tranh kém, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm là những nguyên nhân cản trở sự phát triển ổn định của khu vực này.

- Tình trạng bóc lột tài nguyên đất đai và trong lòng đất, rừng, động thực vật ở các vùng nông thôn cũng đang làm lãng phí nhiều nguồn tài nguyên quý không thể tái tạo được.

IV.2.4.6 Nông nghiệp và nông thôn bền vững

Nông nghiệp và nông thôn là mục tiêu của nhà nước Việt nam trong những năm tới. Để gia tăng sức sản xuất và điều kiện sống của nông dân ngày càng được cải thiện một số kế họach sau cần được thực hiện:

- Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đồng bộ về phát triển nông nghiệp; hệ thống quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, các giống cây trồng, vật nuôi, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp; các phương pháp canh tác tiên tiến và vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường và các cơ quan quản lý khác. Tiếp tục bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

- Quy hoạch phát triển nông thôn, khuyến khích đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý thông qua các chính sách tài chính, phát triển công nghệ và chính sách dân số, nhằm tạo sự phát triển bền vững ở cả nông thôn và đô thị, tạo lập mối quan hệ hợp lý về phân công lao động, trao đổi và thúc đẩy lẫn nhau giữa nông thôn và đô thị, làm cho đời sống vật chất ở nông thôn ngày càng đầy đủ tiện nghi và đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng văn minh, tiến bộ. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển các công trình thuỷ lợi nhằm tăng diện tích được tưới tiêu chủ động. Giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân và vật nuôi ở những vùng dân cư nghèo.

- Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất ở những vùng ruộng đất manh mún, phân tán, dồn điền đổi thửa. Áp dụng những hệ thống sản xuất kết hợp nông-lâm, nông- lâm-ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.

CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG Biên soạn Ts. Bùi Thị Nga 2008 - 10

- Mở rộng sản xuất và thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch, chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm tạo cho người tiêu dùng niềm tin vào mức độ vệ sinh, an toàn của

nông sản, thực phẩm. Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt để tăng chủng loại, quy mô và hiệu quả sản xuất lương thực, thực phẩm.

- Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại kinh tế, giống cây trồng vật nuôi và sử dụng nguồn lao động nông thôn. Đa dạng hóa cơ cấu sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động nông thôn, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định, giảm bớt sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị. Củng cố và hoàn thiện hơn nữa hệ thống dịch vụ kỹ thuật hiện có đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thuỷ sản. Thiết lập một hệ thống hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Phát triển các ngành nghề và doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn phải đi đôi với việc xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp tập trung, có đủ kết cấu hạ tầng bảo đảm hạn chế khả năng gây ô nhiễm. Nghiên cứu để hình thành mạng lưới các tổ chức làm công tác tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống. Chủ động quy hoạch và xây dựng các cụm làng nghề, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung ở vùng nông thôn để phát triển kinh tế, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường do các ngành nghề này gây ra.

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển những giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không thoái hoá, không làm tổn hại tới đa dạng sinh học. Thành lập các trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, nhập khẩu có chọn lọc và thẩm định kỹ những giống cây trồng, vật nuôi của nước ngoài.

- Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, phân bón phân giải chậm phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái. Mở rộng việc áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM).


IV.2.5 Tài nguyên khí hậu

IV.2.5.1. Giới thiệu

Tài nguyên khí hậu bao gồm các yếu tố về thời tiết khí hậu (khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời, lượng mưa...) địa hình, không gian trống. Các yếu tố khí hậu có vai trò to lớn trong đời sống và sự phát triển của sinh vật và con người (Bùi Thị Nga, 2000). Tác động của khí hậu đến con người trước hết thông qua nhịp điệu của chu trình sống: nhịp điệu ngày đêm, nhịp điệu mùa trong năm, nhịp điệu tháng và tuần trăng. Các nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy tình trạng sức khoẻ, tốc độ phát triển của sinh vật phụ thuộc vào thời điểm của các chu trình sống trên. Cường độ và đặc điểm của bức xạ mặt trời có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của sinh vật và tăng trưởng sinh khối.

Khí hậu thời tiết có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình trạng sức khoẻ con người, Trong giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế và giao lưu xã hội, khí hậu, thời tiết đang trở thành một dạng tài nguyên vật chất thiết yếu của con người. Khí hậu thời tiết thích hợp tạo ra các khu vực du lịch, nuôi trồng một số sản phẩm động thực vật có giá trị kinh tế cao (hoa, cây thuốc, các nguồn gen quý hiếm khác.)

Khí quyển là lớp vỏ ngoài của trái đất với ranh giới dưới là bề mặt thuỷ quyển, thạch quyển và ranh giới trên là khoảng không giữa các hành tinh. Khí quyển trái đất có ảnh hưởng rất lớn đối với thời tiết khí hậu trong vùng. Khí quyển trái đất được hình thành do sự thoát hơi nước, các chất khí từ thuỷ quyển và thạch quyển. Thời kỳ đầu, khí quyển chủ yếu gồm hơi nước, amoniac, metan, các loại khí trơ và hydro. Dưới tác dụng phân huỷ của tia sáng mặt trời hơi nước bị phân huỷ thành oxy và hydro. Oxy tạo ra tác động với amoniac và metan tạo ra khí nitơ và carbonic. Quá trình tiếp diễn, một lượng hydro nhẹ mất vào khoảng không vũ trụ, khí quyển còn lại chủ yếu là hơi nước, nitơ, carbonic, một ít oxy. Thực vật xuất hiện trên trái đất cùng với quá trình quang hợp đã tạo nên một lượng lớn oxy và làm giảm đáng kể nồng độ CO2 trong khí quyển. Sự phát triển mạnh mẽ của động thực vật trên trái đất cùng với sự gia tăng bài tiết, phân huỷ xác chết động thực vật, phân huỷ yếm khí của vi sinh vật đã làm cho nồng độ khí N2 trong khí quyển tăng lên nhanh chóng, để đạt tới thành phần khí quyển hiện nay.

Khí quyển là vỏ trên bề mặt Trái đất. Nó bao gồm hỗn hợp các khí như nitơ (79%), oxy (21%) và cacbon đioxit (0,03%)… hòa trộn với hơi nước. Khối lượng khí cấu thành khí quyển ước tính khoảng 5,15 x 1015 tấn (Sytnick, 1985). Khí quyển còn chứa nhiều khí khác ở lượng nhỏ và các hạt lơ lửng như bụi, phấn hoa, các vi khuấn, virut, bào tử nấm… không khí còn chứa mùi khác nhau như mùi của hoa, mùi của chất hữu cơ bị phân hủy và mùi khí thải từ công nghiệp. Các đám cháy rừng và đốt các nhiên liệu hóa thạch thải ra khỏi, tro, mùi và các chất gây ô nhiễm như HF, SO2. Trong thiên nhiên, không khí ở những vùng không chịu ảnh hưởng của công nghiệp và thành phố được xem là tương đối sạch, bởi vì nồng độ của các loại khí độc rất thấp, không thể tạo ra ô nhiễm. Thế nhưng rất nhiều chất lạ sinh ra do hoạt động của con người đã thâm nhập vào “không khí sạch” này. Sự xả các khí độc vào không khí đã tác động đến đời sống thực vật, động vật và sức khỏe con người, làm phương hại tới các công trình xây dựng hoặc các tính chất khác (Cartledge, 1994).

IV.2.5.2 Các tầng của khí quyển

Khí quyển trái đất có cấu trúc phân lớp với các tầng đặc trưng từ dưới lên trên như sau: Tầng

đối lưu, tầng bình lưu, tầng trung gian, tầng điện ly.

- Tầng đối lưu (Troposphere) là tầng thấp nằm ngay trên mặt đất và ở tầng này càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Tầng đối lưu có chiều cao thay đổi từ 8km ở các đới cực và khoảng 18 km ở đới xích đạo. Ở đó luôn có chuyển động đối lưu của khối không khí bị nung từ mặt đất, thành phần khí khá đồng nhất. Tầng đối lưu là nơi tập trung nhiều nhất hơi nước, bụi và các hiện tượng thời tiết chính như mây, mưa, tuyết, mưa đá, bão v.v...

- Tầng bình lưu: nằm trên tầng đối lưu với ranh giới trên dao động trong khoảng độ cao 50 km. Không khí tầng bình lưu loãng hơn, ít chứa bụi và các hiện tượng thời tiết, trong tầng này có một vùng ở độ cao vào khoảng 25 km cách mặt đất, có nhiệt độ gần như không đổi và luôn tồn tại một lớp không khí giàu khí Ozon (O3) thường được gọi là tầng Ozon. Trong khi đó tầng trên của nó, nhiệt độ tăng cùng với việc tăng độ cao.

- Tầng trung quyển (Mesosphere): Trong tầng này có sự giảm nhiệt độ ở độ cao 55 – 80 km.

- Đỉnh tầng trung quyển nằm ở phía trên tầng trung quyển trên nữa là tầng nhiệt quyển (Thermosphere) và ngoại quyển (Exosphere), ở đây nhiệt độ ban ngày thường rất cao, nhưng ban đêm xuống thấp. Tầng ngoại quyển chuyển dần vào tầng khoảng không vũ trụ (ourer space).

Cấu trúc tầng của khí quyển được hình thành do kết quả của lực hấp dẫn và nguồn phát sinh khí từ bề mặt trái đất, có tác động to lớn trong việc bảo vệ và duy trì sự sống trái đất.

IV.2.5.3 Thành phần của không khí

Thành phần khí quyển trái đất khá ổn định theo phương nằm ngang và phân dị theo phương thẳng đứng. Phần lớn khối lượng 5.1015 tấn của toàn bộ khí quyển tập trung ở tầng đối lưu và bình lưu. Thành phần khí quyển trái đất gồm chủ yếu là nitơ, oxy, hơi nước, CO2, H2, O3, NH4, các khí trơ.

Nitơ (N) = 78,08%

Oxygen (O) = 20,946%

Argon (Ar) = 0,934% Carbondioxit (CO2) = 0,0314% Neon (Ne) = 0,0018%

Heli (He) = 0,0005%

Metan (CH4) = 0.0002%

Krypton (Kr) = 0,0001%

Theo thống kê con người có thể nhịn ăn trong 2 tuần, nhịn uống trong 2 ngày nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Mỗi ngày một người chỉ cần 1,8 lít nước để uống, 1,4 kg thức ăn nhưng phải cần đến 14 kg không khí (tương đương 12m3) để thở. Không khí gắn liền với sự tồn tại và phát triển trong đời sống, hoạt động của mọi thế giới động thực vật. Vì vậy, khi không khí bị ô nhiễm rõ ràng sẽ là mối đe dọa cho cuộc sống của con người và tất cả động vật khác…

Khi nguồn nước bị ô nhiễm, chúng ta có thể đun sôi để diệt khuẩn, nấu chín thức ăn để hạn chế ô nhiễm. Nhưng khi không khí bị ô nhiễm thì việc xử lý nó rất phức tạp. Trên thực tế rất khó sản xuất ra không khí, chúng ta cũng không thể mua bán, vay mượn không khí. Vì vậy gìn giữ để bầu không khí được trong lành là một vấn đề rất quan trọng. Do tính chất lưu động của không khí nên vấn đề ô nhiễm không khí không phải là vấn đề cục bộ mà là vấn đề có tính chất toàn cầu.

IV.2.5.4 Hiệu ứng nhà kính (The green house effect)

Nhiệt độ bề mặt trái đất được tạo nên do sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời đến bề mặt trái đất và năng lượng bức xạ của trái đất vào khoảng không gian giữa các hành tinh. Năng lượng mặt trời chủ yếu là các tia sóng ngắn dễ dàng xuyên qua các lớp CO và tầng O3 rồi xuống đất. Trong khi đó, bức xạ của trái đất với nhiệt độ bề mặt trung bình +16oC là sóng

dài có năng lượng thấp, dễ dàng bị khí quyển giữ lại. Các tác nhân gây ra sự hấp thụ bức xạ sóng dài trong khí quyển là khí CO2, bụi, hơi nước, khí mêtan, khí CFC v.v...

"Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là Hiệu ứng nhà kính".

Thành phần của khí trong nhà kính như sau:

- CO2 chiếm 50%

- CFC chiếm 20%

- CH4 chiếm 16%

- O3 chiếm 8% (tầng đối lưu)

- NO chiếm 6%

Vấn đề ở đây là sự tích lũy ngày càng nhiều lượng CO2 và một số khí khác trong nhà kính. Từ đó phần lớn tia bức xạ từ mặt đất phân phối lại khí quyển bị giữ trong nhà kính, vì vậy làm nhiệt độ trung bình mặt đất ngày càng tăng lên.

a Nguyên nhân dẫn đến gia tăng nồng độ khí nhà kính

- Sự đóng góp của ngành năng lượng: 80 % khí CO2 tỏa ra do việc đốt các nhiên liệu hóa thạch để tạo nguồn năng lượng, còn lại là do sự tàn phá rừng và các hoạt động khác. Có khoảng 35% khí CH4 tỏa ra có thể quy về năng lượng (20% từ việc đốt sinh khối, còn 15% từ việc khai thác khí thiên nhiên). Hàng năm, con người thải vào khí quyển 550 triệu tấn CH4. Khoảng 50% khí NO có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

- Hậu quả của việc tàn phá rừng: thực vật mới có khả năng hấp thụ trực tiếp năng lượng của các dao động điện từ, trước hết là ánh sáng mặt trời. Nhờ năng lượng này, chúng có thể chuyển hóa các chất vô cơ, đặc biệt là nước và khí CO2 thành các chất hữu cơ như CH (Hydratcarbon). Quá trình quang hóa này trong đó clorophin (chất màu của lá và các bộ phận khác có màu xanh lá cây của thực vật) hấp thụ năng lượng ánh sáng chuyển nó thành năng lượng của liên kết hóa học của các chất hữu cơ gọi là “sự quang hợp”.Từ khái niệm trên, ta thấy vai trò của rừng nói riêng và thực vật nói chung là vô cùng to lớn trong việc hấp thụ CO2 và thải oxy trong tự nhiên, để duy trì và phát triển sống của thế giới thực vật trên hành tinh.

- Hoạt động công nghiệp phát triển liên tục, tăng nhanh và không được qui họach.

- Quy mô và mạng lưới giao thông tăng nhanh.

- Bùng nổ dân số trên quy mô toàn cầu.

Từ đó làm nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên không ngừng.

Ngoài khí CO2 còn một số khí khác do những hoạt động của con người cũng góp phần đáng kể trong việc làm tăng nồng độ trong khí nhà kính. Ví dụ

o CH4: Hàng năm, con người thải vào khí quyển 550 triệu tấn, khí methan giữ nhiệt gấp 30 lần lớn hơn khí CO2.

o CFC (chloro fluorocarbon): Nó tồn tại hàng trăm năm trong khí quyển và nó hấp thụ nhiệt 17.000 lần lớn hơn CO2. Chính sự tồn tại khá lâu trong khí quyển của các chất khí đó nên nó đã đóng góp đáng kể vào việc làm tăng nhiệt độ trái đất.

b Hậu quả của việc nóng lên của trái đất

Theo dự đoán, nếu nồng độ khí CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi thì nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng lên khoảng 3,60C. Sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch của loài người

đang làm cho nồng độ khí CO2 của khí quyển tăng lên. Sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển trái đất làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, thì nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên khoảng 3oC. Các số liệu nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trái đất đã tăng 0,5oC trong khoảng

thời gian từ 1885 đến 1940 do thay đổi của nồng độ CO2 trong khí quyển từ 0,027% đến 0,035%. Dự báo, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 1,5 - 4,5oC vào năm 2050.

Vai trò gây nên hiệu ứng nhà kính của các chất khí được xếp theo thứ tự sau: CO2 => CFC

=> CH4 => O3 =>NO2. Sự gia tăng nhiệt độ trái đất do hiệu ứng nhà kính có tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của môi trường trái đất.

Nhiệt độ trái đất tăng sẽ làm tan băng và dâng cao mực nước biển. Như vậy, nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, các khu đông dân cư, các đồng bằng lớn, nhiều đảo thấp sẽ bị chìm dưới nước biển.

Sự nóng lên của trái đất làm thay đổi điều kiện sống bình thường của các sinh vật trên trái đất. Một số loài sinh vật thích nghi với điều kiện mới sẽ thuận lợi phát triển. Trong khi đó nhiều loài bị thu hẹp về diện tích hoặc bị tiêu diệt.

Khí hậu trái đất sẽ bị biến đổi sâu sắc, các đới khí hậu có xu hướng thay đổi. Toàn bộ điều kiện sống của tất cả các quốc gia bị xáo động. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều loại bệnh tật mới đối với con người xuất hiện, các loại dịch bệnh lan tràn, sức khoẻ của con người bị suy giảm. Sự nóng lên trái đất sẽ dẫn đến sự thay đổi các chủng, loại trong sinh thái rừng (WHO, 1997).


IV.2.6 Tài nguyên nước

IV.2.6.1 Tài nguyên nước trên trái đất

Nước tham gia vào thành phần cấu trúc của sinh quyển và điều hòa các yếu tố của khí hậu, đất đai và sinh vật thông qua chu trình vận động của nó. Nước còn chứa đựng những tiềm năng khác, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người: Tưới tiêu cho nông nghiệp; dùng cho sản xuất công nghiệp, tạo ra điện năng và nhiều thắng cảnh văn hóa khác...

Trên trái đất, các đại dương chiếm một diện tích khoảng 361 triệu km2 (71% diện tích bề mặt Trái đất). Trữ lượng tài nguyên nước có khoảng 1,5 tỉ kilômét khối (km3) trong đó có khoảng 91 triệu km3 (0,07%) là các vực nước ngọt nội địa, 97,61% là đại dương và biển. Tài nguyên nước ngọt cần thiết cho sự sống của loài người, có khối lượng khoảng 28,25 triệu km3, chiếm 2,08% khối lượng chung của thủy quyển. Phần lớn nguồn nước ngọt này ở dạng đóng băng không thể sử dụng được. Trên thực tế, nước có thể sử dụng được chỉ có 4,2 triệu km3, tương ứng với 0,31%

IV.2.6.2 Chu trình nước và sự phân bố của nước

Nước trên hành tinh phân bố không đều. Nước tự nhiên tập trung phần lớn ở biển và đại dương, sau đó là khối băng ở các cực, rồi nước ngầm. Nước ngầm tầng mặt chiếm

một tỉ lệ không đáng kể. Nước không ngừng vận động và chuyển trạng thái, tạo nên vòng tuần hoàn của nước trong sinh quyển. Nước bốc hơi, ngưng tụ rồi mưa. Nước mưa rơi xuống đất một phần ngưng đọng trong các hồ, phần khác tạo nên dòng chảy bề mặt để đổ ra biển. Năng lượng cho quá trình này lấy từ Mặt trời, dưới dạng bức xạ nhiệt. Lượng mưa hoặc tuyết rơi trên hành tinh phân bố không đều phụ thuộc vào địa hình và khí hậu, lượng mưa (tuyết) trung bình hàng năm được tính như sau:

Khí hậu hoang mạc: dưới 120mm; khí hậu khô: 120-250mm; khí hậu khô vừa 250-500mm; khí hậu ẩm vừa 300-1.000mm; khí hậu ẩm: 1.000-2.000mm; khí hậu quá ẩm trên 2.000mm. Nói chung, đại dương là nơi nhận lượng mưa, tuyết nhiều nhất, trung bình hàng năm, lượng mưa (tuyết) trên đại dương khoảng 990mm so với 650-670mm ở lục địa.

IV.2.6.3 Quản lý và sử dụng nước

Từ khi sinh ra con người đã tác động vào chu trình nước, tất nhiên chỉ trong phạm vi của phần nước rơi trên bề mặt đất. Con người cần nước cho nhu cầu sinh sống của mình: nông nghiệp, công nghiệp nuôi trồng thủy sản và những nhu cầu về văn hóa, giải trí,... Người ta ước tính rằng, trên phạm vi toàn cầu nước dùng cho sinh hoạt chiếm khoảng 6% tổng số, cho công nghiệp 21%, số còn lại dành cho nông nghiệp. Trong công nghiệp, ví dụ, để sản xuất 1 tấn giấy cần 250 tấn nước; 1 tấn phân đạm cần 600 tấn nước. Còn trong nông nghiệp, để có được1 tấn đường, hoặc 1 tấn ngô, thực vật phải sử dụng tới 1.000 tấn nước. Như vậy, trong sản xuất, nguồn nước này không chỉ lấy từ sông, hồ mà còn rút ra từ nước ngầm.

Nước được sử dụng cần 2 tiêu chuẩn: số lượng và chất lượng.

- Về số lượng: Trên thế giới, nhiều nơi nước dư thừa nhưng không được sử dụng vì chất lượng kém, ngược lại, có nơi nước ít bị bẩn nhưng lại cạn kiệt. Nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa sự khủng hoảng nước. Hiện tại con người chưa thể can thiệp được vào sự cân bằng nước trong thiên nhiên. Vì khả năng tác động của con người đến lượng nước rơi trên bề mặt các lục địa còn quá nhỏ bé: 90% lượng nước rơi có nguồn gốc từ biển và chỉ 10% nhờ sự thoát hơi nước của lớp phủ thực vật và sự bốc hơi của các thủy vực. Nói một cách khác, con người chưa có thể điều khiển thời tiết và khí hậu, mà mới chỉ có khả năng tác động có hiệu quả đến sự phân bố của nước rơi (do mưa) như tác động đến hệ thực vật, canh tác lớp đất mặt, tạo ra vi địa hình, xây dựng các hồ chứa, đắp đê ngăn lũ lụt, khai thác nước ngầm...

Trong vùng khí hậu ẩm , rừng bảo vệ nguồn nước cho các sông suối và độ ẩm đất, ngăn chặn và hạn chế tác động của nước mưa rơi xuống đất. Ở những vùng có du canh, rừng bị tàn phá hoặc ở những nơi khô hạn có nền nông nghiệp và chăn nuôi truyền thống kiểu du mục, thường xảy ra cháy rừng hoặc thảm cỏ bị dẫm đạp quá mức, nạn rửa trôi, xói mòn xảy ra càng mạnh, lòng sông suối ngày càng nông do bồi đắp bởi các vật liệu xói mòn, nạn lũ quét đe dọa nghiêm trọng. Việc xây dựng các hồ chứa, các hệ thống đập ngăn lũ đã trở thành yêu cầu của cuộc sống nhằm sử dụng nước tưới cho nông nghiệp, phát triển nghề thủy sản và khai thác điện năng...

Khai thác nước ngầm cũng trở thành phổ biến, trước hết người ta khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng và xây dựng bản đồ phân bố của nó. Theo số liệu thống kê, mỗi người trên Trái đất có thể có được hơn 70 triệu gallon nước ngầm, tuy nhiên chưa xác định được lượng nước ngọt, vì trong số này một phần đáng kể là nước lợ và nước mặn.

- Về chất lượng: đây là vấn đề quan trọng khi đã có nguồn nước. Chất lượng nước phải phù hợp với từng nhu cầu sử dụng, ví dụ: dùng cho sinh hoạt; cho công nghiệp; cho nông nghiệp hoặc cho nuôi trồng thủy sản. Thực tế cho thấy, ở nhiều nước không phải thiếu nguồn nước mà là thiếu nước có chất lượng cần thiết, nhất là nước dùng cho sinh hoạt. Một biện pháp khả thi và hữu hiệu hiện nay là tái sử dụng nước, nghĩa là quay vòng số lượng nước đã sử dụng. Đây là một quy trình công nghệ thanh lọc nước có chất lượng xấu thành nước có chất lượng tốt.


IV.2.7 Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được. Cả nước hiện có tổng cộng trên 1.000 mỏ đang hoạt động và khai thác trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Hiện tại, do còn quản lý lỏng lẻo, tình trạng khai thác bừa bãi tương đối phổ biến, nhất là ở các mỏ nhỏ nằm phân tán, rải rác ở các địa phương. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Những hoạt động ưu tiên trong việc sử dụng khoáng sản:

- Đưa vào sử dụng các công cụ kinh tế, hành chính và chế tài pháp luật nhằm thực hiện kiên quyết và có hiệu quả hơn Luật Khoáng sản.

- Kiện toàn hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản ở Trung ương và các địa phương. Xây dựng quy hoạch thống nhất sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến nhằm tận dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu công nghệ sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp nhằm triệt để sử dụng khoáng chất trong các mỏ, đồng thời giảm khối lượng đất đá thải, thu hẹp diện tích bãi thải. Tìm giải pháp thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng để làm sạch môi trường và tránh lãng phí tài nguyên.

- Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ thì làm trước, mỏ khó thì bỏ lại, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, đánh giá và quy hoạch khai thác khoáng sản. Hạn chế và sớm tiến tới nghiêm cấm tình trạng khai thác mỏ một cách tự phát, bừa bãi.

- Đối với tài nguyên khoáng sản ở dưới lòng sông, cần khoanh khu vực khai thác, tránh làm sạt lở bờ và thay đổi dòng chảy.

- Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở các địa bàn khai thác mỏ.


IV.3. SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Vấn đề môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên có một tầm quan trọng thực sự đối với thế giới ngày nay. Khởi đầu, quan niệm bảo vệ môi trường được quan niệm thu hẹp trong việc bảo vệ thiên nhiên và vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm nên nhiều người nghĩ rằng chỉ liên quan đến các nước phát triển là chính. Thái độ này đã dần dần thay đổi khi loài người ý thức được sự huỷ diệt môi trường do quá trình phát triển không chú ý đến cân bằng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/11/2023