TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
KHOA TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
-------***-------
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Có thể bạn quan tâm!
- Cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp thực hiện - 2
- Doanh Nghiệp Nhà Nước Và Sự Cần Thiết Phải Tiến Hành Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước Tại Việt Nam
- Bài Học Kinh Nghiệm Từ Cổ Phần Hóa Ở Trung Quốc
Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.
Đề tài:
Cổ phần hoá các Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Sinh viên thực hiện : Nguyễn Thị Huyền
Lớp : Anh 5
Khoá 45
Giáo viên hướng dẫn : TS. Nguyễn Việt Dũng
Hà Nội, tháng 05/2010
LỜI MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Cổ phần hoá Doanh nghiệp Nhà nước là một giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong chủ trương đổi mới và sắp xếp lại khối Doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Xuất phát từ thực trạng kinh doanh kém hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước và mục đích chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường thì việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế cũng như hình thức sở hữu nền kinh tế là một điều tất yếu. Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhằm đa dạng hoá hình thức sở hữu, đổi mới phương thức quản lý đồng thời nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp Nhà nước. Hơn nữa, cổ phần hoá là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán ở Việt Nam – thị trường vốn yếu tố nội lực để phát triển nền kinh tế và hiện nay chưa thể nói là đã phát triển hoàn thiện nhưng lại rất quan trọng khi Việt Nam đang mở cửa để hoà nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới.
Khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam với những ưu thế rất lớn. Cổ phần hóa DNNN vừa nhằm xã hội hóa phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh, vừa nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được tiến hành ở Việt Nam trong gần 20 năm, nhưng việc đổi mới hệ thống doanh nghiệp này là một quá trình lâu dài và có rất nhiều những khó khăn thử thách.
Nhận định được mục tiêu, lợi ích cũng như tình hình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam, em đã chọn đề tài nghiên cứu khóa luận của mình là: “Cổ phần hoá các Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam:
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”. Qua đề tài, em nghiên cứu lý luận về công ty cổ phần, cổ phần hóa và phân tích thực trạng cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quá trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu là nhằm phân tích quá trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam để thấy được những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và từ đó đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu : đề tài nghiên cứu lý luận và thực tiễn về cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Phạm vi nghiên cứu : nghiên cứu và phân tích những nét khái quát cơ bản về nội dung, tính chất cơ bản của công ty cổ phần, cổ phần hóa và thực trạng cổ phần hóa dewoanh nghiệp Nhà nước
4. Phương pháp nghiên cứu
Khai thác thông tin từ các sách, báo, tạp chí nhằm tìm kiếm số liệu của tổng cục thống kê, các ban ngành chỉ đạo, tham khảo những nghiên cứu của những công trình trong nước và quốc tế, từ đó phân tích, tổng hợp lại những kết quả về vấn đề này.
5. Kết cấu của khóa luận
Khóa luận gồm có:
Chương I: Những lý luận cơ bản về cổ phần hóa và sự cần thiết phải tiến hành cổ phần hóa tại Việt Nam.
Chương II: Thực trạng cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam
Chương III: Giải pháp hoàn thiện cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam
Đây là một đề tài tương đối rộng và phức tạp chính vì vậy khóa luận không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Em rất mong nhận được sự đóng góp ý phê bình của các thầy cô, độc giả để có thể có những hiểu biết hơn về vấn đề này.
Em xin chân thành cám ơn sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của thầy giáo TS. Nguyễn Việt Dũng đã giúp em hoàn thành khóa luận này.
Hà Nội, ngày 15/4/2010
Sinh viên Nguyễn Thị Huyền
CHƯƠNG I
NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CỔ PHẦN HOÁ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾN HÀNH CỔ PHẦN HOÁ TẠI VIỆT NAM
I. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CỔ PHẦN HÓA
1. Công ty cổ phần
1.1 Khái niệm
Công ty cổ phần là một công ty có số vốn được chia làm nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và được thành lập gồm nhiều hội viên gọi là cổ đông và chỉ chịu lỗ lãi trong số vốn mà họ đã góp. Giấy chứng nhận cổ phần gọi là cổ phiếu.
Hiện nay ở Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp 2005,CTCP là doanh nghiệp, trong đó: vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp vào doanh nghiệp; cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
1.2 Đặc điểm
1.2.1 Là tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập
Pháp luật về công ty của các nước đều xác lập một cách cụ thể về các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công ty cổ phần với tư cách là một pháp nhân độc lập, có năng lực và tư cách chủ thể riêng, tồn tại độc lập và tách biệt với các cổ đông trong công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng chính tài sản của mình; với tư cách chủ thể là pháp nhân thông qua người đại diện của mình theo qui định của pháp luật. Khi công ty mua sắm các tài sản mới, thì tài sản đó thuộc sở hữu của công ty chứ không thuộc sở hữu của các cổ đông công ty vì lúc này
CTCP là một pháp nhân, tách biệt hoàn toàn với các cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông không được xem tài sản mà công ty mới mua sắm là tài sản của cá nhân mình; mặc dù trên thực tế cổ đông là chủ sở hữu một số quyền lợi có giá trị của công ty cổ phần như: quyền tham gia quản lý, điều hành công ty theo qui định, quyền được chia cổ tức, quyền được chia tài sản theo tỷ lệ cổ phần sở hữu khi công ty giải thể … Tuy nhiên, với tư cách là một pháp nhân, CTCP có quyền sở hữu tài sản riêng còn các cổ đông chỉ được sở hữu cổ phần trong công ty mà không có bất kỳ quyền sở hữu nào đối với tài sản của công ty.
1.2.2 Các cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn
Khi một tổ chức hay cá nhân mua cổ phiếu của CTCP tức là họ đã chuyển dịch vốn của mình theo những phương thức nhất định vào công ty cổ phần và trở thành tài sản thuộc sở hữu của CTCP, nhưng cổ đông vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn. Vốn thuộc sở hữu công ty chính là giới hạn sự rủi ro tài chính của các cổ đông trên toàn bộ số vốn đã đầu tư vào công ty, nên trách nhiệm của những cổ đông đối với các nghĩa vụ của công ty được hạn chế trong phạm vi mà họ đã đầu tư vào cổ phiếu của mình. Xét về phương diện sự tách bạch về tài sản thì các cổ đông không có quyền đối với tài sản của công ty cổ phần nên họ không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty cổ phần; công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Cả CTCP lẫn chủ nợ của công ty đều không có quyền kiện đòi tài sản của cổ đông trừ trường hợp cổ đông nợ công ty do chưa đóng đủ tiền góp vốn hoặc chưa thanh toán đủ cho công ty cổ phần số tiền mua cổ phiếu phát hành. Đây là điểm khác nhau cơ bản về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh, đối với công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân (theo pháp luật Việt Nam) và đối với công ty đối nhân hay doanh nghiệp một chủ của hầu hết các nước thì các thành viên hợp danh (hay thành viên nhận vốn) và chủ doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cá nhân vô
hạn về các nghĩa vụ của công ty hay của doanh nghiệp bằng tài sản của mình, bất kể tài sản đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh hay không.
Tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn trên đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đầu tư vào CTCP nhiều hơn so với đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác mà ở đó họ phải chịu trách nhiệm vô hạn. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hiểu rằng khi mình đầu tư vào công ty cổ phần với tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn của cổ đông thì không bao giờ mình bị mất nhiều hơn so với số vốn đã bỏ ra đầu tư vào công ty cổ phần nên họ ít sợ rủi ro hơn người đầu tư vốn vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân, những người này phải thấp thỏm lo âu khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xấu đi, vì họ có thể mất toàn bộ tài sản bất kỳ khi nào. Chính lợi thế này mà các CTCP có khả năng huy động rất lớn các nguồn vốn đầu tư của xã hội vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.
1.2.3 Chuyển nhượng phần vốn góp một cách tự do
Hầu hết pháp luật về công ty của các nước trên thế giới đều qui định và cho phép chuyển nhượng một cách dễ dàng và tự do các loại cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành từ cổ đông sang chủ sở hữu mới. Vì khác với các loại công ty khác, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Việc góp vốn vào CTCP được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu nên cổ phiếu được xem là hình thức thể hiện phần vốn góp của các cổ đông. Các cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành là hàng hoá nên các cổ đông khi sở hữu cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng; hơn thế nữa trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị các cổ phiếu mà họ sở hữu nên khi họ muốn rút lui khỏi công việc kinh doanh hay muốn bán cổ phiếu của mình cho người khác thì họ thực hiện rất dễ dàng. Trong khi đó đối với công ty trách nhiệm hữu hạn theo qui định của pháp luật Việt Nam thì khi chuyển nhượng các phần vốn góp của mình, thành viên đó phải chuyển nhượng
trước hết cho các thành viên còn lại trong công ty hoặc chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty trong trường hợp các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết. Đó là lý do giải thích vì sao có rất nhiều người muốn đầu tư vào CTCP chứ không muốn đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác. Đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết cho việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.
1.2.4 Cấu trúc vốn và tài chính linh hoạt
CTCP không thể được thành lập và hoạt động nếu không có vốn. Vốn là yếu tố quyết định và chi phối toàn bộ hoạt động, quan hệ nội bộ cũng như quan hệ với các đối tác bên ngoài. Trong quan hệ nội bộ, vốn của công ty được xem là cội nguồn của quyền lực. Với đặc trưng là loại hình công ty đối vốn, quyền lực trong CTCP sẽ thuộc về những ai nắm giữ phần lớn số vốn trong công ty. Trong quan hệ với bên ngoài, vốn của CTCP là một dấu hiệu chỉ rõ thực lực tài chính của công ty. Tuy nhiên, khác với nhiều yếu tố khác, vốn trong CTCP là yếu tố năng động nhất. Các qui luật kinh tế thị trường chỉ ra rằng cùng với sự lưu thông hàng hoá là sự lưu thông tiền tệ, tức là sự tru chuyển các nguồn vốn. Sự phát triển của CTCP tỷ lệ thuận với sự luân chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế. Sự vận động của vốn trong công ty cổ phần vừa chịu sự chi phối khách quan của các qui luật kinh tế, vừa bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của con người. Điều này đặt ra một đòi hỏi là con người phải tạo ra cách thức góp vốn, cách tổ chức và quản lý vốn để có thể đáp ứng được sự vận động linh hoạt của vốn. Sự linh hoạt trong vận động của vốn vừa phải thích ứng với yêu cầu đòi hỏi đa dạng của nhà đầu tư, vừa không mất đi bản chất vốn có của CTCP. Điều đó có nghĩa là phải tạo cho bản thân công ty cổ phần khả năng chuyển dịch các phần vốn góp một cách dễ dàng song tư cách pháp nhân của công ty không vì sự chuyển nhượng đó mà bị thay đổi.