Bảng 2.18. Thống kê số lượng doanh nghiệp ở mỗi nhóm theo năm
DA< 35,92% | DA> 35,92% | |
2013 | 119 (82,64%) | 25 (17,36%) |
2014 | 115 (79,86%) | 29 (20,14%) |
2015 | 114 (79,17%) | 30 (20,83%) |
2016 | 108 (75,00%) | 36 (25,00%) |
Tổng cộng | 456 (79,17%) | 120 (20,83%) |
Có thể bạn quan tâm!
- Phân Tích Tác Động Của Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Tài Chính Của Dndvdl Huế
- Kết Quả Kiểm Định Hiện Tượng Đa Cộng Tuyến
- Kết Quả Kiểm Tra Biến Nội Sinh Với Biến Phụ Thuộc Roa
- Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại thành phố Huế trong nền kinh tế thị trường - 12
- Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại thành phố Huế trong nền kinh tế thị trường - 13
Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.
Nguồn: tính toán của tác giả Qua thống kê các doanh nghiệp theo các ngưỡng nợ có thể thấy 79,17% doanh nghiệp đang sử dụng mức nợ thấp hơn 35,92%, mức mà sử dụng nợ có tác động tích cực đối với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Chỉ có khoảng 120 trường hợp chiếm 20,83% đang sử dụng mức nợ làm giảm hiệu quả tài chính doanh nghiệp. Như vậy, thực trạng các doanh nghiệp tại Huế đa phần chọn lựa ngưỡng nợ có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sử dụng mức nợ vượt 35,92% tăng dần qua các năm làm giảm chỉ số ROE trung bình của
các doanh nghiệp giảm.
2.7.4. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Sau khi thực hiện kiểm định khắc phục các khuyết tật của các mô hình, từ kết quả phân tích tác giả đưa ra một số nhận định sau về cơ cấu vốn của DNDVDL Huế như sau:
Mô hình phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp:
Kết quả mô hình GMM cho thấy có bốn nhân tố tác động đến hiệu quả tài chính của các DNDVDL Huế là tỉ suất nợ (DA), tăng trưởng tài sản (GROW), cơ cấu tài sản (TSDH) và GDP.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy: Hệ số hồi quy của biến DA trong mô hình ROE là -0.2890 và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, và trong mô hình ROA là -0.1937 với ý nghĩa 1%. Điều đó có ý nghĩa là nếu doanh nghiệp tăng tỷ số nợ, sẽ làm giảm hiệu quả tài chính. Nghiên cứu Lê Thanh Ngọc và cộng sự (2017) trên mẫu các Công ty cổ phần ngành du lịch niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng cho kết quả tương tự (khi tỉ số nợ giảm -0,6050% thì ROA tăng 1%).
Bên cạnh đó, kết quả hồi quy phi tuyến tính đã xác định được một ngưỡng nợ cho các DNDVDL Huế là 35,92%. DN nên sử dụng nợ thấp hơn ngưỡng nợ này vì kết quả hồi quy cho thấy cơ cấu vốn có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính DN. Trong trường hợp các doanh nghiệp có mức nợ lớn hơn ngưỡng tối ưu thì nên giảm nợ để tăng hiệu quả tài chính. Kết quả ngưỡng nợ trên cũng ủng hộ cho các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam như: Cuong và Canh cho rằng mức nợ dưới 59,92% sẽ làm tăng hiệu quả tài chính; Võ Hồng Đức và Võ Trường Luân tìm thấy ngưỡng nợ tối ưu ở mức dưới 55,67%; Võ Xuân Vinh và Nguyễn Thành Phú kết luận ngưỡng của ngành bán buôn là 15,87%-44,52%, ngành bất động sản là 41,02%-73,00%, ngành vận tải nhỏ hơn 79,66%, ngành xây dựng nhỏ hơn 61,28%. Ngoài ra, khảo sát các nhà quản trị DN trong chương 2 cũng cho kết quả tương tự, hệ số nợ mục tiêu là khoảng 33,33%.
Một số ví dụ điển hình của các doanh nghiệp có nợ vay cao như Công ty Cổ Phần Khách sạn Hoàng Cung (89,26%), Công ty TNHH dịch vụ và du lịch New Day (83,68%), Công Ty Cổ Phần Du Lịch Ngự Bình Huế (79,88%),… chịu áp lực chi phí nợ vay cao nên hiệu quả tài chính các doanh nghiệp này đều âm trên 20%. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lớn tại Huế sử dụng nợ vay cao ngay từ ban đầu đầu tư xây dựng dự án nên phải chịu áp lực nợ vay trong thời gian dài, nên chi phí đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài nhân tố tăng trưởng GDP, tỉ suất nợ cũng là nhân tố có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả tài chính, kết quả này ủng hộ kết quả khảo sát của nhà quản trị DN Huế khi cho rằng tỉ suất nợ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả tài chính.
Nhân tố tăng trưởng tài sản GROW có tác động cùng chiều với hiệu quả tài chính, Qua đó có thể thấy được các DNDVDL Huế tăng trưởng tài sản có tác động
tích cực đến hiệu quả tài chính. Khi phân theo nhóm ngưỡng nợ thì GROW có tác động giảm (0.0633 so với 0.0497) khi hệ số nợ vượt quá ngưỡng 35,92%. DN có nhu cầu tăng tài sản, mở rộng kinh doanh khi nhận thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, do đó tăng trưởng thúc đẩy hiệu quả tài chính tăng.
Nhân tố TSDH có ảnh hưởng ngược chiều với ROA và ROE, và mức độ ảnh hưởng giữa 2 ngưỡng nợ có khác biệt rất lớn (-0.0706 so với -0.2097). Khi DN sử dụng nợ vượt quá ngưỡng tối ưu thì mức độ tác động tiêu cực của TSDH đến hiệu quả tài chính tăng lên. Đối với đặc thù DNDVDL, TSDH luôn chiếm tỉ trọng cao, nhu cầu vay vốn là phổ biến đối với các DN có quy mô lớn. Vì vậy DN nên cân đối nguồn tài chính giữa nợ và vốn chủ sở hữu ở mức tối ưu để không làm giảm hiệu quả tài chính.
Nhân tố tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều đến hiệu quả tài chính ROA và ROE. Khi tăng trưởng GDP cao thì thu nhập của người dân được cải thiện và nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch cao hơn, từ đó gia tăng hiệu quả tài chính và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, trong giai đoạn nền kinh tế phát triển thuận lợi là cơ hội để DNDVDL gia tăng lợi nhuận và hiệu quả tài chính.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Chương 2 đã tiến hành phân tích kết quả khảo sát, nghiên cứu định tính và định lượng về hiệu quả tài chính, cơ cấu vốn tối ưu tại các DNDVDL Huế.
Nghiên cứu định tính cho thấy các nhà quản trị DN hiểu được ưu điểm và nhược điểm của từng nguồn tài trợ. DN có xu hướng sử dụng vốn chủ sở hữu hơn là nợ vay vì cho rằng hệ số nợ mục tiêu là dưới 33,33%. Ngoài ra, nhà quản trị cũng cho rằng cơ cấu vốn có ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả tài chính.
Kết quả nghiên cứu định lượng đưa ra bằng chứng rõ ràng hiệu quả tài chính có mối quan hệ ngược chiều với tỉ lệ nợ trên tổng tài sản, và là nhân tố nội tại DN ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả tài chính. Ngưỡng nợ tối ưu là 35,92% củng cố nhận định về hệ số nợ mục tiêu của DN được khảo sát, khi DN sử dụng nợ dưới ngưỡng này thì cơ cấu vốn có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính. Vì vậy, các DN phải thận trọng khi tăng vốn bằng cách vay nợ, vì khi vượt qua ngưỡng tối ưu thì hiệu quả tài chính bắt đầu giảm.
CHƯƠNG 3. CÁC GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU VỐN CHO DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ DU LỊCH HUẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Trong chương này, tác giả tổng hợp các kết quả nghiên cứu của luận án, từ đó đưa ra một số chính sách nhằm hoàn thiện quản lý cơ cấu vốn để doanh nghiệp đạt được tối ưu về hiệu quả tài chính. Bên cạnh đó, luận án còn có những gợi ý chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho DNDVDL từ Nhà nước, từ các định chế tài chính khác.
3.1. Kết luận kết quả nghiên cứu
Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhằm đạt được nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích của cổ đông. Để đạt được điều đó, nhà quản trị cần thực hiện công tác huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hợp lý, để vừa đảm bảo hiệu quả vừa hạn chế được rủi ro. Do đó, luận án đã phân tích mối quan hệ giữa cơ cấu vốn và hiệu quả tài chính doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Huế và đề xuất cơ cấu vốn tối ưu để tạo ra hiệu quả tài chính cao nhất cho doanh nghiệp.
Từ cơ sở trên, tác giả đã phân tích thực trạng cơ cấu vốn, và hiệu quả tài chính của DNDVDL Huế giai đoạn 2013 đến 2016. Ngoài ra, tác giả đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp về quan điểm quản lý cơ cấu vốn và cơ cấu vốn tối ưu. Từ đó, tác giả sẽ đưa ra những hạn chế về cơ cấu vốn và hiệu quả tài chính của DNDVDL tại Huế.
Với nghiên cứu thực nghiệm, tác giả đã sử dụng dữ liệu bảng với 576 quan sát của 144 doanh nghiệp từ năm 2013 đến năm 2016, theo phương pháp phân tích hồi quy là Pooled OLS, FEM, REM, GLS và GMM. Kết quả phương pháp GMM được chọn lựa và được tổng hợp tại bảng sau:
Bảng 3.1. Bảng so sánh giả thiết và kết quả nghiên cứu
Giả thiết | Biến phụ thuộc | Hồi quy ngưỡng nợ với ROE | |||
ROA | ROE | Từ 0%-35,92% | Trên 35,92% | ||
DA | +/- | - 0.1937*** | - 0.2890*** | 0.0962** | -0.6148*** |
TSDH | - | - 0.0540*** | - 0.0587*** | -0.0706*** | -0.2097*** |
SIZE | + | 0.0169*** | -0.0169** | ||
GROW | + | 0.0334*** | 0.0465*** | 0.0633*** | 0.0497* |
UNI | - | -0.0102* | |||
GDP | + | 1.4046*** | 1.4842*** | 1.7912** |
Nguồn: tác giả tổng hợp
Từ bảng 3.1, cơ cấu vốn có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả tài chính, có nghĩa là khi doanh nghiệp tăng sử dụng nợ thì làm giảm hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, kết quả hồi quy phi tuyến tính với biến phụ thuộc là ROE cho thấy tồn tại một ngưỡng nợ là 35,92%. Sau khi thực hiện hồi quy theo từng ngưỡng, doanh nghiệp sử dụng nợ dưới 35,92% thì tỉ suất nợ có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính, nếu doanh nghiệp tiếp tục huy động nợ vượt mức 35,92% thì hiệu quả tài chính bắt đầu giảm. Vì vậy, mức tối đa các doanh nghiệp huy động nguồn tài trợ bằng nợ nên là 35,92% tổng nợ trên tổng tài sản.
Ngoài ra, các nhân tố ảnh hưởng thuận chiều đến hiệu quả tài chính còn có tốc độ tăng trưởng tài sản, tốc độ tăng trưởng GDP đối với cả 2 tiêu chí đo lường ROA và ROE. Ngược lại, cơ cấu tài sản có mối quan hệ nghịch chiều với ROA và ROE. Biến đặc điểm kinh doanh có quan hệ nghịch chiều; và quy mô doanh nghiệp tác động thuận chiều với ROA, nhưng không tìm thấy ý nghĩa với ROE.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các giải pháp cần thiết để quản lý tốt cơ cấu vốn và nâng cao hiệu quả tài chính là sử dụng nợ dưới mức tối ưu, mở rộng kinh doanh và tăng quy mô doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần giảm tỉ lệ giá vốn hàng bán cũng như cơ cấu lại tài sản dài hạn và ngắn hạn.
3.2. Quan điểm cần quán triệt trong tái cấu trúc cơ cấu vốn DNDVDL Huế
3.2.1. Đặc điểm kinh doanh du lịch
Hoạt động kinh doanh du lịch có những đặc điểm như sau:
Du lịch là ngành kinh tế có hiệu quả cao, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh nhưng cần số vốn đầu tư ban đầu nhiều (Phan Thị Thanh Hà, 2007). DN dịch vụ du lịch phải đầu tư cơ sở vật chất ban đầu rất lớn, nên xu hướng sử dụng tỉ lệ nợ cao ban đầu là phổ biến, đặc biệt là DN kinh doanh lưu trú và ăn uống nên chi phí để duy trì hoạt động của DN du lịch lớn. Để kinh doanh có lãi, doanh nghiệp nào cũng phải bù đắp được các khoản chi phí bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định là các khoản chi phí không thay đổi tùy thuộc vào quy mô kinh doanh hoặc mức doanh số như tiền thuê nhà, thuế tài sản, tiền bảo hiểm hoặc chi trả lãi vay. Chi phí biến đổi là những khoản chi phí thay đổi theo quy mô kinh doanh hoặc doanh số như lao động, nguyên liệu hoặc chi phí hành chính.
Chi phí biến đổi cộng chi phí cố định bằng tổng chi phí. Trong khi tổng chi phí biến đổi thay đổi cùng với sự gia tăng của kinh doanh hoặc doanh số thì tổng chi phí cố định không đổi. Đặc thù của DN du lịch là chi phí cố định lớn, DN phải chi trả các chi phí này hằng năm cho dù tình hình kinh doanh có thuận lợi hay không. Do đó, giải pháp quan trọng nhất đối với DN là phải đưa ra chiến lược để tạo ra và gia tăng doanh thu càng lớn thì hiệu quả tài chính càng cao.
3.2.2. Tái cơ cấu vốn theo giai đoạn phát triển của DNDVDL Huế
Quá trình tái cơ cấu vốn không chỉ thực hiện khi tình hình kinh doanh DN không thuận lợi mà nên được thực hiện xuyên suốt quá trình hoạt động, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và nhu cầu vốn của DN. Đặc điểm kinh doanh du lịch khác biệt so với các ngành khác nên vòng đời DN du lịch có những giai đoạn không tuân theo quy luật chung. Theo Butler (1960) vòng đời lĩnh vực du lịch (Tourism area life cycle) trải qua 4 giai đoạn chính:
Hình 3.1: Vòng đời doanh nghiệp du lịch.
Nguồn: Butler (1960) và tác giả biên dịch. Giai đoạn hình thành: đây là thời điểm DN mới được thành lập hoặc sản phẩm dịch vụ bắt đầu đưa vào kinh doanh, do đó chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi doanh thu lại tăng trưởng chậm. Rủi ro kinh doanh thời điểm này là rất lớn, vì vậy đòn bẩy tài chính cần được giữ ở mức càng thấp càng tốt. Vì DN chưa đảm bảo tạo ra được lợi nhuận nên sẽ gặp khó khăn thanh toán lãi vay dù được phân bổ theo nhiều kì, nên rủi ro kinh doanh cùng với rủi ro tài chính khi không thanh toán được
nợ vay đẩy việc kinh doanh của DN sớm đi đến phá sản.
Cơ cấu vốn hợp lý cho DN mới thành lập nợ vay ở mức tối thiểu. DN cần ưu tiên huy động vốn chủ sở hữu và cổ đông góp vốn, sau đó là phát hành trái phiếu dài hạn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, và giải pháp cuối cùng là vay dài hạn. Với cơ cấu vốn nghiêng về vốn chủ sở hữu cao sẽ giúp cho DN không bị áp lực về trả lãi và rủi ro về tài chính, DN cũng không phải thanh toán lợi tức cho cổ đông khi hoạt động kinh doanh không có lãi. Mặc dù, cổ đông yêu cầu lợi tức cao hơn lãi suất vay ngân hàng và chia sẻ quyền kiểm soát DN với cổ đông sáng lập, cơ cấu vốn cho DN khởi sự vẫn hợp lý hơn khi ưu tiên sử dụng vốn chủ sở hữu.
Giai đoạn tăng trưởng: sau giai đoạn hình thành DN bước sang giai đoạn tăng trưởng với thành tựu là đã có khách hàng, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, tình hình hoạt động bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, DN vẫn còn rủi ro tài chính dù thấp
hơn xuất phát điểm vì DN vẫn phải tiếp tục đầu tư phát triển thị trường và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn trong ngành. Cơ cấu vốn hợp lý cho DN giai đoạn tăng trưởng nghiêng về vốn chủ sở hữu và có thể sử dụng một phần nợ vay ở mức thấp. Thứ tự ưu tiên nguồn huy động vốn giai đoạn này là lợi nhuận để lại tái đầu tư, phát hành cổ phiếu mới hoặc trái phiếu mới, và vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động. Giải pháp cho DN tăng trưởng là cần minh bạch thông tin tài chính và chiến lược phát triển DN. Một bản cáo bạch rõ ràng và tiềm năng sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Đối với quy mô của DNDVDL Huế đa phần vừa và nhỏ nên khả năng thu hút vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là khả thi. Ngoài ra, các DN cũng có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế thông qua trình bày ý tưởng và kế hoạch kinh doanh có triển vọng.
Giai đoạn bão hòa: kết thúc giai đoạn tăng trưởng DN hoạt động ổn định với mức doanh thu và lợi nhuận cao, rủi ro kinh doanh cũng như tài chính giảm xuống mức trung bình. Đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch thì giai đoạn này doanh thu tiếp tục tăng nhưng vốn đầu tư chủ yếu là vốn lưu động nên lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Do đó, DN có thể chuyển dần vốn cổ phần sang nợ để tận dụng lợi ích từ tấm chắn thuế, tối đa giá trị DN. Mức độ ổn định tài chính lúc này có thể đảm bảo cho DN khả năng thanh toán lãi và nợ gốc.
Giai đoạn tái đầu tư hoặc suy thoái: sản phẩm du lịch trải qua giai đoạn bão hòa thì bắt đầu vào giai đoạn cần sự tái đầu tư hoặc rơi vào suy thoái khi các sản phẩm xuống cấp như khách sạn, nhà hàng, di tích,… hoặc không còn sức cạnh tranh như tour du lịch đã lỗi thời. Doanh thu giai đoạn này tăng trưởng chậm lại hoặc bắt đầu sụt giảm tùy vào sản phẩm kinh doanh. Vì vậy, DN cần đầu tư để nâng cấp sản phẩm, thông qua sử dụng nguồn lợi nhuận để lại hoặc vay dài hạn để tái đầu tư. Lúc này, DN đã ổn định về tài chính nên có nhiều sự lựa chọn về hình thức huy động vốn dựa trên chiến lược phát triển của DN. Sự khác biệt của vòng đời DNDVDL khác với loại hình khác là có những sản phẩm không có giai đoạn suy thoái, mà chỉ là “tái đầu tư” như các di tích lịch sử, các tour du lịch.