Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thống kê...); các kết quả đã công bố của các hội nghị, hội thảo, các cuộc điều tra, khảo sát và đề tài nghiên cứu khoa học do các tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước thực hiện.
- Số liệu sơ cấp: những thông tin, số liệu thu thập thông qua việc đi khảo sát thực tế tại các địa phương trong Vùng KTTĐBB.
6. Những đóng góp của luận án
Luận án đã có những đóng góp chính sau đây:
- Góp phần làm rõ những vấn đề chủ yếu về lý luận và thực tiễn liên quan đến cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững; xây dựng được các nhóm chỉ tiêu đánh giá sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế về kinh tế, xã hội, môi trường.
- Đánh giá được quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững của Vùng KTTĐBB trong thời gian gần đây và dự báo cho cả thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2020.
- Xây dựng quan điểm, đề xuất được định hướng và các giải pháp chủ yếu bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững của Vùng KTTĐBB.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục và tài liệu tham khảo, luận án có kết cấu gồm 3 chương:
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 1
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 2
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 4
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 5
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 6
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
Chương 1. Những vấn đề chủ yếu về lý luận và thực tiễn chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững.
Chương 2. Hiện trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐBB trên quan điểm phát triển bền vững.
Chương 3. Định hướng và các giải pháp chủ yếu bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐBB trên quan điểm phát triển bền vững.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU VỀ LÝ LUẬN
VÀ THỰC TIỄN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
1.1. CƠ CẤU KINH TẾ: KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT
1.1.1. Khái niệm
Hiện nay có nhiều quan niệm về cơ cấu của nền kinh tế (hay nói gọn là cơ cấu kinh tế). Vấn đề quan trọng trong nhận thức về cơ cấu kinh tế là nhất thiết phải thể hiện rõ được bản chất của một hệ thống kinh tế, hệ thống này hợp thành bởi các bộ phận hay phân hệ kinh tế.
Theo quan điểm duy vật biện chứng và lý thuyết hệ thống, cơ cấu kinh tế là thuộc tính của hệ thống kinh tế, biểu thị nội dung, cách thức liên kết, phối hợp giữa các phần tử cấu thành nên hệ thống kinh tế. Nó phản ánh tính chất và trình độ phát triển của hệ thống kinh tế luôn luôn vận động và phát triển có sự điều khiển của con người. Trong những điều kiện kinh tế cụ thể, các bộ phận hợp thành có mối quan hệ tương tác, hữu cơ; số lượng và chất lượng của các bộ phận và quan hệ giữa chúng bị chi phối bởi yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ của đất nước nhằm đạt tới những mục tiêu nhất định. Sự liên kết, phối hợp giữa các bộ phận hợp thành hệ thống càng chặt chẽ, tương tác giữa các bộ phận hợp thành ở trình độ càng cao thì sự phát triển hài hoà được bảo đảm, hệ thống càng phát triển và cơ hội đem lại kết quả càng cao, hiệu quả càng lớn. [83, tr. 96], [84, tr. 210]. Vì vậy, có thể thấy rằng, cơ cấu kinh tế là tổng thể những mối quan hệ về chất lượng (được đo bằng mức độ chặt- lỏng của mối quan hệ tương tác giữa các phần tử cấu thành) và số lượng (được đo bằng tỷ lệ phần trăm của mỗi phần tử, %) giữa các bộ phận cấu thành đó trong một thời gian và trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. [55, tr. 29], [79, tr. 33].
Cơ cấu của hệ thống phải được nhìn nhận là một thực thể gồm rất nhiều phần tử hay phân hệ; có cấu trúc theo các kiểu cách nhất định. Khi thay đổi kiểu cách kết cấu hay thay đổi cấu trúc thì hệ thống sẽ thay đổi cả về hình dạng, tính chất và trình độ. Hệ thống lớn bao gồm nhiều hệ thống con, đến lượt mình hệ thống con lại có nhiều phần tử nhỏ hơn. Phần tử nhỏ hơn đó lại có cơ cấu riêng. Trong một hệ thống tồn tại tập hợp
các phần tử theo một trật tự và quan hệ tỷ lệ nhất định. Mỗi phần tử có vị trí trong trật tự cơ cấu và có vai trò khác nhau. Cơ cấu chuyển động và biến đổi không ngừng và làm cho tính chất, trình độ của hệ thống thay đổi theo. [83, tr. 97 - 98]. Nói cách khác, cơ cấu kinh tế được hiểu là cách thức kết cấu của các phần tử cơ cấu tạo nên hệ thống kinh tế. [79, tr. 33].
Cơ cấu kinh tế là thuộc tính của hệ thống kinh tế, một phạm trù kinh tế, thể hiện cả tính kinh tế, tính xã hội và tính lịch sử cũng như cả tính chất của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. [55]. Cơ cấu kinh tế là sản phẩm trực tiếp của phân công lao động xã hội. Những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ chủ đạo và có ý nghĩa động lực, mũi nhọn giữ vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của cơ cấu kinh tế. Khi nói về cơ cấu kinh tế phải nói cả về mặt số lượng (được đo bằng tỷ lệ phần trăm của các phần tử trong toàn bộ hệ thống) và mặt chất lượng (được đo bằng mức độ chặt hay lỏng của mối liên kết giữa các phần tử hợp thành hệ thống và kết quả hoạt động của hệ thống kinh tế). [84, tr. 208], [79, tr. 33].
Qua phân tích ở trên, tác giả đồng tình với định nghĩa về cơ cấu kinh tế được đề cập trong Từ điển bách khoa Việt Nam [75] “cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, các lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành”.
Khi xem xét cơ cấu kinh tế để thấy rõ bản chất của nó, tác giả đồng tình với một số học giả khi chia các phần tử cơ cấu thành hai nhóm [5], [83, tr. 98 - 99, 102 - 103]:
(i) Nhóm các phần tử cơ cấu: Đây là những phần tử (ngành, lãnh thổ, thành phần) có ý nghĩa quyết định tính chất, trình độ phát triển của cơ cấu kinh tế. Vị trí, vai trò của những phần tử cơ cấu là rất lớn.
(ii) Nhóm các phần tử phi cơ cấu: Đây là những phần tử ít hoặc không có ý nghĩa quyết định đến cơ cấu của nền kinh tế. Khi phân tích cơ cấu cần có sự hiểu biết các phần tử này để làm cho chúng không cản trở sự phát triển của các phần tử cơ cấu khác cũng như toàn bộ hệ thống.
Cơ cấu kinh tế của một vùng hay của một quốc gia là tổng thể những mối liên hệ giữa các bộ phận hợp thành nền kinh tế của vùng đó hay quốc gia đó, bao gồm các lĩnh vực (sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng); các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải...); các thành phần kinh tế (quốc doanh,
tập thể, tư nhân...); các vùng lãnh thổ kinh tế... Ngành, lĩnh vực cùng với thành phần kinh tế và vùng lãnh thổ là ba bộ phận hợp thành quan trọng nhất của nền kinh tế. Đến lượt mình, mỗi vùng, mỗi ngành lại có cơ cấu kinh tế riêng trong từng thời kỳ phát triển tuỳ theo các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cụ thể. Suy cho cùng, xí nghiệp hay doanh nghiệp là tế bào hay đơn vị cấp cơ sở của nền kinh tế. Dưới những góc độ khác nhau, các xí nghiệp đang hoạt động được "xếp" lại với nhau, hoặc theo ngành, hoặc theo lãnh thổ, hoặc theo thành phần kinh tế (dựa trên cơ sở sở hữu) thành các nhóm tạo nên cơ cấu - các phần tử cơ cấu.
1.1.2. Phân loại cơ cấu kinh tế
Để quan sát sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế, nhất thiết phải nghiên cứu làm rõ các loại hình cơ cấu kinh tế. Từ góc độ nhìn nhận của quá trình phân công lao động xã hội và tái sản xuất xã hội, có thể phân chia cơ cấu kinh tế theo các loại cơ cấu khác nhau. Các loại cơ cấu đều biểu hiện tính chất, đặc trưng chủ yếu của chúng, cụ thể gồm: cơ cấu kinh tế ngành, xét theo góc độ phân công lao động xã hội theo ngành; cơ cấu kinh tế lãnh thổ, xét theo góc độ phân công lao động theo vùng lãnh thổ; cơ cấu thành phần kinh tế, xét theo góc độ quan hệ sở hữu; cơ cấu kinh tế kỹ thuật, xét theo góc độ trình độ khoa học, công nghệ... (Sơ đồ 1.1).
Sơ đồ 1.1. Cơ cấu của nền kinh tế (yếu tố hình thành và hình thức kết cấu)
Nguồn: Ngô Doãn Vịnh, 2005 [84, tr. 222]
1.1.2.1. Cơ cấu ngành kinh tế
Cơ cấu ngành kinh tế là tổ hợp ngành kinh tế được hình thành trên các tương quan tỷ lệ, biểu hiện mối quan hệ tổng hợp giữa các ngành với nhau và phản ánh trình độ phân công lao động xã hội của nền kinh tế và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cơ cấu ngành kinh tế quyết định cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế. Cơ cấu lãnh thổ là sự hợp lý hoá cơ cấu ngành trên mỗi vùng lãnh thổ, kết hợp giữa chúng một cách tối ưu, cơ cấu thành phần kinh tế là sự vận động của từng loại thành phần kinh tế trong quá trình phát triển các ngành và các vùng lãnh thổ nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh kinh tế của từng vùng và toàn bộ nền kinh tế. Việc nghiên cứu cơ cấu ngành kinh tế là nhằm tìm ra những cách thức duy trì tỷ lệ hợp lý của chúng và những lĩnh vực cần ưu tiên tập trung các nguồn lực có hạn của quốc gia trong mỗi thời kỳ, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. [55, tr. 32 - 33].
Biểu thị cơ cấu ngành kinh tế bằng vị trí, tỷ trọng của mỗi ngành trong hệ thống nền kinh tế quốc dân. Cơ cấu ngành kinh tế là biểu hiện quan trọng nhất và đặc trưng nhất của cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và vai trò của từng ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào điều kiện thực tế để phát triển chúng. [34]. Thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ cơ cấu ngành là nét đặc trưng của nền kinh tế nước ta cũng như của nhiều nước đang phát triển khác.
Một số đặc trưng của cơ cấu ngành kinh tế bao gồm: bị chi phối bởi các quy trình kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu thị trường; bị ràng buộc bởi tính hệ thống và yêu cầu cân đối (hay ở chừng mực nào đó là yêu cầu đồng bộ); đan xen tính hiện đại và tính lạc hậu; bị chi phối nhiều bởi các yếu tố chính trị, xã hội.
Để xem xét số lượng các ngành tạo nên nền kinh tế và chất lượng các mối quan hệ giữa chúng với nhau ra sao, người ta thường chia nền kinh tế thành các nhóm ngành để quan sát. Về mặt định lượng, cơ cấu ngành kinh tế bao gồm số ngành kinh tế và tỷ trọng mỗi ngành đó trong tổng thể nền kinh tế quốc dân; về mặt định tính, cơ cấu ngành thể hiện mối quan hệ giữa các ngành kinh tế và vị trí của mỗi ngành trong nền
kinh tế quốc dân. Trong mối quan hệ giữa các ngành kinh tế thường biểu hiện hai mối quan hệ chủ yếu, gồm: ngành có mối quan hệ trực tiếp, trong đó có các ngành quan hệ ngược chiều, các ngành quan hệ xuôi chiều và ngành quan hệ gián tiếp. [83, tr. 99 - 100], [84, tr. 221- 228].
(i) Cơ cấu theo ba nhóm ngành lớn: Nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp hay còn được gọi là khu vực I (hay ngành nông nghiệp), gồm các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và ngư nghiệp; Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng hay còn được gọi là khu vực II (hay ngành công nghiệp), gồm các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, công nghiệp lọc dầu, ngành xây dựng; Nhóm ngành dịch vụ hay còn được gọi là khu vực III, gồm các ngành thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, bưu điện và các ngành dịch vụ khác.
Việc phân tích cơ cấu của nền kinh tế theo các khu vực dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội, tuy nhiên vẫn chưa thể thấy rõ những hạt nhân cần có của chính cơ cấu. Không phải khi nào tỷ trọng công nghiệp cao cũng nói lên cơ cấu kinh tế hiện đại hoặc cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Chẳng hạn, khi tỷ trọng công nghiệp chiếm trong GDP lớn và tỷ lệ nông, lâm, thuỷ sản qua chế biến tuy cao nhưng năng suất lao động thấp, ngân sách thu được ít, để tạo ra một đơn vị GDP cần mức tiêu hao điện năng lớn... thì cơ cấu kinh tế đó không hiệu quả. [83, tr. 100].
(ii) Cơ cấu theo hai nhóm ngành dựa trên phương thức, công nghệ sản xuất: Nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc phân chia cơ cấu kinh tế thành hai nhóm ngành này để quan sát trình độ của cơ cấu, yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Khi phân tích theo hai nhóm ngành này, chúng ta cần quan sát phương thức, công nghệ tạo ra sản phẩm. Khi nhóm ngành phi nông nghiệp càng phát triển và chiếm tỷ trọng càng lớn thì nền kinh tế càng phát triển ở trình độ cao. Nhóm ngành nông nghiệp gồm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; nhóm ngành phi nông nghiệp gồm các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đối với các nước đang phát triển thì việc xem xét cơ cấu kinh tế theo kiểu này có ý nghĩa to lớn. Việc chuyển dân cư nông thôn sang sống tại các đô thị và chuyển lao động nông nghiệp sang làm việc trong các
khu vực phi nông nghiệp là vấn đề có tính quy luật tiến tới sự hiện đại; sự chuyển động này đến một mức độ nào đó thì nền kinh tế được coi là đã phát triển. Ở các nước đang phát triển các ngành nông nghiệp thường chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế; khi đó công nghệ của nền kinh tế không cao. [83, tr. 100].
Để xác định một quốc gia đã thuộc vào nhóm các nước phát triển hay chưa, chúng ta cần dựa trên kết quả phân tích cơ cấu giữa các nhóm ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo nhiều nhà kinh tế, một nước khi các ngành phi nông nghiệp chiếm trên 85% lao động xã hội và tạo ra khoảng trên 80% GDP thì nước đó được coi là quốc gia phát triển.
Trong cách phân loại theo phương thức sản xuất, người ta còn chia các ngành thành 2 nhóm sau đây:
- Cơ cấu giữa các doanh nghiệp theo quy mô. Tức là cơ cấu giữa doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và doanh nghiệp quy mô lớn. Trong điều kiện kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng nhạy nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế trong một quốc gia hay trên phạm vi toàn thế giới. Nhờ đó có thể giảm thiểu tổn thất cho đầu tư và cho sản xuất. Mặt khác, một vấn đề quan trọng cần chú ý trong bối cảnh toàn cầu hoá là luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt. Những tập đoàn kinh tế lớn mạnh có điều kiện cạnh tranh tốt hơn. Vì thế bên cạnh việc khuyến khích phát triển những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đặc biệt chú ý tạo dựng những tập đoàn kinh tế lớn.
- Cơ cấu giữa các doanh nghiệp có công nghệ trình độ cao với các doanh nghiệp có công nghệ trình độ trung bình. Dù hiển nhiên là những doanh nghiệp có công nghệ cao sẽ quyết định sự phát triển của cơ cấu kinh tế, nhưng trong khi lao động cần việc làm có số lượng lớn và lực lượng lao động có chất lượng không cao nhiều thì việc phát triển các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động vô cùng cần thiết. Nó không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn có ý nghĩa toàn dụng lao động để tăng trường kinh tế.
(iii) Cơ cấu theo hai nhóm ngành dựa vào tính chất sản phẩm cuối cùng: Nhóm ngành sản xuất sản phẩm vật chất và nhóm ngành sản xuất sản phẩm dịch vụ. Việc phân chia cơ cấu kinh tế theo hai nhóm ngành này nhằm nghiên cứu về mức độ hài hoà giữa các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại
hoá nền kinh tế không thể không quan sát quan hệ giữa hai khối ngành này. Dịch vụ phát triển được coi như làm "trơn tru" các quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu khu vực sản xuất phát triển mà khu vực dịch vụ không phát triển thì sản xuất cũng sẽ bị ngưng trệ. Sự hài hoà giữa hai khối ngành này là rất cần thiết. [83, tr. 101]. Nếu xét theo hành vi tăng trưởng (hành vi tham gia tăng trưởng) thì các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật chất và các ngành sản xuất sản phẩm dịch vụ có quan hệ khăng khít với nhau theo một tương quan nhất định. Đặc trưng tiêu biểu nhất là các ngành dịch vụ phải tăng nhanh hơn các ngành sản xuất vật chất.
Khi xem xét cơ cấu ngành kinh tế, chúng ta cũng phải chú ý đến tỷ trọng hay mức đóng góp của các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế, cũng như của các sản phẩm chứa hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao. Nếu như các sản phẩm này chiếm tỷ trọng càng lớn thì nền kinh tế càng tốt và ngược lại. Một nền kinh tế được xem là phát triển phải có các ngành chế tác chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (trên 30%). Mặt khác, phải chú ý đến cơ cấu nội bộ của các ngành kinh tế. Tính hợp lý trong nội bộ của các ngành và cơ cấu ngành kinh tế sẽ bảo đảm tính hiệu quả cho sự phát triển nền kinh tế.
Cơ cấu giữa hai nhóm ngành sản xuất vật chất và khối sản xuất sản phẩm dịch vụ cần được nghiên cứu kỹ nhằm phát huy toàn diện, đầy đủ quan hệ giữa chúng làm cho nền kinh tế có sức mạnh tổng hợp, phát triển cân đối, hài hoà giữa các mặt, giữa đầu vào và đầu ra.
1.1.2.2. Cơ cấu kinh tế lãnh thổ
Việc phân loại cơ cấu của nền kinh tế theo lãnh thổ là để xem có bao nhiêu lãnh thổ tạo nên cấu trúc lãnh thổ của nền kinh tế và các lãnh thổ liên kết với nhau ra sao, lãnh thổ nào có ý nghĩa động lực. Các xí nghiệp được "sắp xếp" theo lãnh thổ và chúng gắn với nhau tạo nên sức mạnh kinh tế của mỗi lãnh thổ. Ở đâu có những xí nghiệp quan trọng, có ý nghĩa then chốt, đột phá thì ở nơi đó hay lãnh thổ đó có vai trò động lực. [83, tr. 101].
Cơ cấu kinh tế lãnh thổ là kết quả của phân công lao động xã hội theo lãnh thổ. Nếu cơ cấu ngành kinh tế được hình thành từ quá trình thực hiện chuyên môn hoá sản