Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 25


Phát triển ở mỗi tỉnh, thành phố trong vùng có ít nhất một trung tâm tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ.

Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực; ưu tiên, ưu đãi hỗ trợ các nghiên cứu, sáng chế và cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tình nguyện về nước, chuyên gia quốc tế đến làm việc tại Việt Nam.

Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghệ mới (chế biến nông sản, chế tạo máy, điện tử, tự động hoá) hướng xuất khẩu; thực hiện hình thức khoán; Nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng và hợp đồng với các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ.

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng và vận hành khu công nghệ cao Hoà Lạc, thu hút phát triển sản phẩm công nghệ thông tin; phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc; các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương trong vùng.

3.4. TIỂU KẾT


Cơ cấu kinh tế tự vận động theo quy luật khách quan, không chịu sự tác động trực tiếp của điều tiết Nhà nước, mà chỉ chịu sự tác động gián tiếp thông qua các yếu tố nguồn lực và sản phẩm xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là hiện tượng kinh tế - xã hội không tự thân, mà cần được điều khiển bởi các cơ quan nhà nước bằng một hệ thống các cơ chế, chính sách đầy đủ và đúng mức. Tuy nhiên, những định hướng, chính sách hiện nay chi phối sự phát triển của Vùng KTTĐBB, nhất là những định hướng, chính sách riêng cho vùng có những hạn chế nhất định và chưa đầy đủ nhằm bảo đảm sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững đối với toàn vùng và cần có những rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Chính vì vậy, cần có sự


điều chỉnh các định hướng, chính sách này cho phù hợp và thực hiện một cách đầy đủ và đồng bộ các giải pháp sau đây thì bảo đảm sự phát triển bền vững trên toàn vùng, cụ thể: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển, trong đó cần lưu ý việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, phát triển thị trường và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch trên quan điểm phát triển bền vững; mở rộng hợp tác liên vùng, liên tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, trong đó cần lưu ý phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm tỷ lệ lao động hợp lý làm việc trong các ngành, khu vực lãnh thổ và các thành phần kinh tế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp nêu trên, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đánh giá, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Những giải pháp được trình bày trong luận án nếu được sử dụng cần tổ chức thực hiện với lộ trình hợp lý.

Như đã trình bày trong Chương I và đã được chứng minh thực tế trong Chương II, doanh nghiệp và người dân có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng KTTĐBB trên quan điểm phát triển bền vững. Vì vậy, điều quan trọng trước hết là phải xã hội hoá các nguồn lực, huy động doanh nghiệp và người dân vào trong quá trình hoạch định đường lối, chính sách phát triển, tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đường lối, chính sách đó.

Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 25


KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ


1. Kết luận


Trong quá trình kiến tạo sự bền vững của thế giới, con người đã không ngừng sáng tạo để tìm ra chân lý phát triển. Từ những bài học thành công và không thành công của các nước, chúng ta cần đúc rút và tìm ra cho mình con đường phát triển đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Tư tưởng phát triển bền vững là tiến bộ có tính cách mạng về quan niệm phát triển và quan niệm văn minh của loài người đã và đang có sức hấp dẫn đối với các nước hướng tới chọn con đường phát triển cho mình.

Từ thực tế xu hướng phát triển thế giới và thực tiễn phát triển của Việt Nam, trước mắt chúng ta cần tiến hành công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách thành công theo định hướng phát triển bền vững. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải bảo đảm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững, bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh sẽ có ảnh hưởng đến cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, ba trụ cột của phát triển bền vững. Sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của cơ cấu kinh tế có quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Nếu không bảo đảm sự bền vững của một trong ba mặt thì sự bền vững của hai mặt còn lại sẽ bị phá vỡ.

Lý luận và thực tiễn kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế thuộc APEC và của các nước đang phát triển khác đã chỉ ra rằng muốn cải cách cơ cấu kinh tế thành công theo hướng phát triển bền vững thì trước hết các nước phải xuất phát từ thực tiễn của chính bản thân mình và Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy quá trình đó. Các chính sách cơ cấu kinh tế phải nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả, ổn định, bảo đảm tính cân đối, hài hoà giữa các địa phương, các vùng, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học và hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Ba nhóm chỉ tiêu phản ánh sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và các phương pháp thực hiện việc phân tích, đo lường, đánh giá, dự báo được đề xuất trong luận án sẽ giúp cho công tác xây dựng chính sách cơ cấu kinh tế nói riêng và chính


sách phát triển bền vững nói chung được thuận lợi hơn, do các nhóm chỉ tiêu và phương pháp này có tính khả thi và dễ vận dụng.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của Vùng KTTĐBB, Nhà nước đã quyết định đây là vùng có ý nghĩa động lực, lôi kéo sự phát triển của các vùng khác ở phía Bắc và cả nước; ưu tiên cao trong đầu tư cho vùng. Tuy vậy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian vừa qua của Vùng KTTĐBB còn chưa bảo đảm sự bền vững của chuyển dịch, thể hiện rõ nét trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Bản thân cơ cấu kinh tế chưa bảo đảm sự cân đối, hài hoà giữa các khối ngành (nông nghiệp và phi nông nghiệp, khối sản xuất vật chất và khối sản xuất dịch vụ), giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng phát triển và vùng chậm phát triển; chưa bảo đảm mức độ bền vững của các sản phẩm chủ lực trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; chưa bảo đảm sự tăng trưởng hợp lý của mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và của từng khối ngành, của từng địa phương trong vùng cũng như của từng thành phần kinh tế. Trong khi đó về mặt xã hội, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm tăng thêm mức chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, chưa kiểm soát được các dòng di cư và lao động; tỷ lệ hộ nghèo và thất nghiệp tuy giảm nhưng vẫn còn cao, nhất là đối với các vùng nông thôn... Về mặt môi trường, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm các vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng hơn về cả tính chất, quy mô và mức độ; môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, chất thải rắn, rừng và đa dạng sinh học, sự cố môi trường... đang trở thành những vấn đề rất bức xúc. Những vấn đề xã hội, môi trường nếu không được giải quyết kịp thời và thoả đáng thì những hậu quả của chúng sẽ vô cùng khó khắc phục, sự tăng trưởng kinh tế sẽ không đủ khả năng để bù đắp lại và sẽ là lực cản cực lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, những định hướng, chính sách phát triển hiện hành có những hạn chế nhất định và chưa đầy đủ nhằm bảo đảm sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐBB trên quan điểm phát triển bền vững và cần được xem xét rà soát, điều chỉnh một cách hợp lý.

Trước thực trạng đó, kịch bản và giải pháp nào để bảo đảm sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐBB. Để trả lời câu hỏi đó, luận án đã đưa


ra các định hướng chung và cụ thể về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững theo ngành, theo lãnh thổ và theo thành phần kinh tế; đồng thời đi sâu phân tích, dự báo sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo các kịch bản phát triển; một mặt để làm cơ sở đưa ra các giải pháp đúng đắn, mặt khác để khẳng định kịch bản với cơ cấu kinh tế đã được lựa chọn là chính xác. Các luận giải trong phân tích, dự báo đã được dựa trên tính thực tiễn của vấn đề và đã sử dụng mô hình I/O để lượng hoá. Các giải pháp cụ thể về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển; về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch trên quan điểm phát triển bền vững; về mở rộng hợp tác liên vùng, liên tỉnh; về phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ là những giải pháp có tính then chốt và cần thực hiện một cách đồng bộ với lộ trình hợp lý mới bảo đảm được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐBB trên quan điểm phát triển bền vững.

Chúng ta phải thống nhất quan điểm rằng "Vùng KTTĐBB không thể tăng trưởng kinh tế trước, xử lý ô nhiễm môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội sau", một bài học quá đắt mà nhiều nước đã trải qua. Với hệ thống các luận điểm, phân tích hiện trạng và đề xuất các giải pháp, tác giả hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ để làm rõ cơ sở lý thuyết và thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững và ứng dụng cụ thể cho một vùng kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam là Vùng KTTĐBB.

2. Kiến nghị


Phạm vi nghiên cứu của luận án rộng, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững; đây là những vấn đề lớn được nhiều người quan tâm nên việc xây dựng hệ thống các luận điểm, giải pháp cần phải có thời gian kiểm nghiệm và hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, do những giới hạn về khả năng nghiên cứu của tác giả, về thời gian, nguồn lực nên một số vấn đề chưa được nghiên cứu sâu trong khuôn khổ của luận án và tác giả rất mong các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới, cụ thể bao gồm:


(i) Vai trò của chính sách tài chính, tiền tệ đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay.

(ii) Việc hoàn thiện và ứng dụng mô hình I-O trong phân tích, dự báo kinh tế và mối tương quan giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm, suy thoái môi trường.

(iii) Phân tích, đánh giá sâu hơn về sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ các phân ngành và vấn đề điều chỉnh cơ cấu nội tại của từng nhóm ngành gộp lớn; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu phản ánh sự bền vững của mối liên hệ giữa ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

(iv) Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế điều hoà, phối hợp liên tỉnh, liên ngành; thống nhất quan điểm quản lý tổng hợp đối với sự phát triển của Vùng KTTĐBB.

(v) Các địa phương trong vùng cần chú trọng hơn nữa việc phát huy và tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh của mình để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững; tránh sự phát triển tự phát, chạy theo phong trào vừa kém hiệu quả, vừa không bảo đảm sự bền vững./.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ


1. Tạ Đình Thi (2007): Kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững ở một số nước trên thế giới. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 5/2007 (04).

2. Tạ Đình Thi (2007): Bàn về phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 2/2007 (05).

3. Tạ Đình Thi (2007): Bàn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 2/2-2007 (05) và Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1/2007 (03).

4. Tạ Đình Thi (2005): Sử dụng mô hình cân đối liên ngành nghiên cứu mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế và phát thải ra môi trường trong một vùng lãnh thổ. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 10/2005 (05).

5. Tạ Đình Thi (2005): Mấy vấn đề về tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng và phát triển bền vững. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4/2005 (05).

6. Phạm Khôi Nguyên và Tạ Đình Thi (2005): Tài nguyên và môi trường với định hướng phát triển bền vững đất nước. Tạp chí xã hội học, số 2 (90)- 2005 (07).

7. Tạ Đình Thi (2004): Mấy vấn đề về môi trường làng nghề Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 11/2004 (05).

8. Tạ Đình Thi (2004): Mấy vấn đề về áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11/2004 (03).

9. Tạ Đình Thi (2004): Về lồng ghép vấn đề môi trường vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nước ta. Tạp chí Bảo vệ môi trường số 9/2004 (05).

10. Tạ Đình Thi và Nhóm tác giả dịch và biên soạn (2002): Hành trình vì sự phát triển bền vững 1972 - 1992 - 2002. Cục Môi trường, Nhà Xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội (131).

11. Ta Dinh Thi (2001): Master thesis- National Strategy for Sustainable Development: The Case of Vietnam, Master of Public Management (MPM) Program, Faculty of Economics and Social Sciences, University of Potsdam (57).


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


I. Tài liệu tiếng Việt

1. Ban Khoa giáo Trung ương, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển (2003): Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hà Nội.

3. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14 tháng 9 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Hà Nội.

4. Bộ Công nghiệp (2005): Quy hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp chủ yếu Vùng KTTĐBB đến năm 2010 (Tài liệu phục vụ Hội nghị của Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 16 tháng 5), Hà Nội.

5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1995): Nghiên cứu xác định cơ cấu kinh tế lãnh thổ theo hướng phát triển có trọng điểm, Chương trình khoa học cấp nhà nước “Đổi mới và hoàn thiện các chính sách kinh tế và cơ chế quản lý”, (Đề tài KX.03.20), nghiệm thu tháng 12, Hà Nội.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2007): Báo cáo tình hình thu hút, quản lý và sử dụng ODA năm 2007 và dự kiến năm 2008 (Tài liệu báo cáo tại Hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư ngày 14 tháng 6), Hà Nội.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2006): Cơ sở dữ liệu về viện trợ phát triển Việt Nam

- Xây dựng quan hệ đối tác thông qua chia sẻ thông tin (Tài liệu báo cáo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam ngày 14 - 15 tháng 12), Hà Nội.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2006): Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tháng 11, Hà Nội.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2006): Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐBB thời kỳ 2006 - 2020 (Dự thảo), tháng 10, Hà Nội.

10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2002): Định hướng chiến lược để tiến tới phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) (Dự thảo), tháng 8, Hà Nội.

11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000): Báo cáo tổng kết thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ thời kỳ 1991 - 2000, tháng 6, Hà Nội.

12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1995): Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Vùng KTTĐBB thời kỳ 1996 - 2010, tháng 12, Hà Nội.

Xem tất cả 263 trang.

Ngày đăng: 31/08/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí