Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam - 2

LỜI MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Việt Nam không chỉ được biết đến như một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản mà còn được biết đến với những con người thông minh sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Sẽ không còn cảm thấy xa lạ khi chúng ta nhắc tới một người nông dân tự sáng tạo và lắp ráp máy cải tiến, máy kéo, máy cắt… những sản phẩm không chỉ phục vụ cho nền nông nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp. Từ những nhu cầu bức thiết từ thực tế, chế định pháp luật về quyền SHCN được hình thành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáng tạo, sử dụng, định đoạt các sản phẩm do lao động trí tuệ làm ra trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động bảo vệ sản phẩm của trí tuệ, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng.

Từ khi chế định pháp luật về quyền SHCN được hình thành, các cá nhân tổ chức đã xác định được một cách rõ ràng hơn quyền của mình đối với các sản phẩm công nghiệp do mình sáng tạo ra. Từ nhận thức cho đến hành động, chủ sở hữu quyền SHCN luôn tìm ra những phương hướng tối ưu nhất nhằm khai thác triệt để hiệu quả kinh tế của các đối tượng của quyền SHCN. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ sở hữu đối tượng quyền SHCN cũng có thể tự mình khai thác các quyền lợi mà pháp luật trao cho chủ sở hữu. Có rất nhiều lý do mà một chủ sở hữu không thể trực tiếp khai thác các lợi ích kinh tế từ quyền sở hữu công nghiệp như không biết kinh doanh, không thể kinh doanh hoặc không có đủ điều kiện để khai thác công dụng của nó. Chính vì vậy mà pháp luật còn cho phép chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có quyền chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp theo những hình thức khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác công

dụng của các sản phẩm sở hữu công nghiệp. Điều này không những có ích cho chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp, cho người được chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Hiện nay, vấn đề chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đang được các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp cũng như các nhà kinh doanh quan tâm đặc biệt.Các chủ thể luôn mong muốn pháp luật có những quy định hợp lý với thực tế nhiều hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp. Với mục đích nghiên cứu sâu về vấn đề này để có thể đưa ra những giải pháp thích hợp cho pháp luật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng quyền SHCN của người dân, tôi chọn đề tài “Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng SHCN theo quy định của pháp luật Việt Nam” làm đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Luật Dân Sự.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Luận văn xác định hai mục tiêu cơ bản:

Thứ nhất, phân tích các quy định về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Thứ hai, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN.

3. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn

Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam - 2

Luận văn nghiên cứu vấn đề chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN một cách tổng quát. Theo đó, luận văn sẽ tập trung giải quyết các vấn đề sau:

- Nêu ra và phân tích, đánh giá các vấn đề lý luận chung về quyền sở hữu công nghiệp, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp;

- Phân tích, so sánh, đánh giá các quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới về chuyển quyền sử dụng các đối tượng SHCN;

- Những quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam về chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN;

- Tìm hiểu thực trạng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN hiện nay, tìm ra những mặt tích cực và tiêu cực của việc chuyển quyền SHCN từ đó đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về chuyển quyền sử dụng quyền SHCN.

Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động xây dựng pháp luật của các nhà làm luật.Ngoài ra, luận văn còn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật dân sự.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận và thực tiễn việc chuyển quyền sử dụng đối tượng của quyền SHCN theo quy định của pháp luật Việt nam và trong tương quan với pháp luật quốc tế và pháp luật một số nước trên thế giới.

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu một cách tổng thể, khái quát những quy định của pháp luật hiện hành về chuyển giao quyển sử dụng đối tượng SHCN, trong đó tập trung nghiên cứu hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN một cách tự nguyện (Li-xăng tự nguyện). Đồng thời kết hợp với tìm hiểu và nghiên cứu các điều ước Quốc tế có liên quan, pháp luật một số nước trên thế giới về lĩnh vực này.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận đề tài là chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Ngoài ra, trên cơ sở các thành tựu của các chuyên

ngành khoa học pháp lý khác như: Lịch sử nhà nước và pháp luật, Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Triết học, Sử học…

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng để tìm kiếm, tập hợp lại toàn bộ các tài liệu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu thực hiện luận văn.

- Phương pháp phân tích: Phương pháp này giúp làm rõ các vấn đề lý luận về vấn đề cần nghiên cứu.

- Phương pháp so sánh, đánh giá: Phương pháp này giúp cho luận văn có được cái nhìn đa chiều, toàn diện, đúng đắn và sâu sắc về vấn đề cần nghiên cứu từ đó rút ra được những kết luận, kiến nghị có tính chính xác cao và khoa học, thể hiện rõ tư duy, tính mới, tính sáng tạo và cách lập luận của tác giả.

8. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm có 03 chương:

Chương I: Khái quát chung về quyền sử dụng đối tượng SHCN và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN.

Trong chương 1, tác giả luận văn sẽ làm rõ những khái niệm mà luận văn sử dụng trong suốt quá trình nghiên cứu; phân tích những đặc điểm của quyền SHCN; quyền sử dụng đối tượng SHCN và chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN trên cơ sở lý luận chung về quyền sử dụng và chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN qua đó thấy được những nội dung cơ bản của pháp luật về chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN. Ngoài ra, để làm nổi bật những vấn đề pháp lý về chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN, luận văn cũng có những so sánh, đánh giá và nghiên cứu pháp luật quốc tế về nội dung này.

Chương II: Các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN.

Chương 2 của luận văn tập trung phân tích hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và các điều kiện hạn chế chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN theo pháp luật Việt Nam. Với sự so sánh với nội dung này ở chương 1, luận văn đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN và từ đó có được những nhận xét, đánh giá về những quy định của pháp luật Việt Nam

Chương III: Thực trạng hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN ở Việt Nam và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Nội dung của chương 3 tập trung vào thực tiễn hoạt động chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN ở Việt Nam và trên thế giới, những bất cập trong hoạt động thực thi pháp luật chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và từ đó có những giải pháp cho pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN.

Chương I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ

DỤNG ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP


1.1 Khái quát chung về quyền SHCN


1.1.1 Khái niệm quyền SHCN

Khái niệm quyền SHCN là một bộ phận cấu thành của một khái niệm có nội hàm rộng hơn, đó là quyền SHTT. Do vậy, trước khi nghiên cứu nội dung khái niệm quyền SHCN, cần phải hiểu quyền SHTT là gì.

Khái niệm sở hữu trí tuệ thực chất đã có từ lâu đời nay.Tuy nhiên, sự phổ biến của nó trong xã hội vẫn chưa thực sự rộng rãi. SHTT có thể được hiểu một cách chung nhất là những kết quả sáng tạo mang tính vô hình nhưng khi được ứng dụng vào các sản phẩm hữu hình nó lại có giá trị rất to lớn. Đó chính là sản phẩm của quá trình sáng tạo khoa học – công nghệ, văn học, nghệ thuật, khoa học… Khái niệm về SHTT cũng được hình thành và được đề cập đến cùng với quá trình áp dụng trí tưởng tượng và tri thức của con người trong việc đổi mới và sáng tạo.

Công ước thành lập tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tại Stockholm ngày 14/7/1967 đã đưa ra hệ thống các đối tượng thuộc phạm trù SHTT được chấp nhận trên toàn thế giới, gồm:

a) Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;

b) Cuộc biểu diễn, bản ghi âm và cuộc phát sóng;

c) Sáng chế thuộc mọi lĩnh vực nỗ lực của con người;

d) Phát minh khoa học;

e) Kiểu dáng công nghiệp;

f) Nhãn hiệu, tên và chỉ dẫn thương mại;

g) Bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh;

h) Tất cả các quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật.

Trong đó, các đối tượng thuộc nhóm (a) và (b) được điều chỉnh theo pháp luật bảo vệ “quyền tác giả và quyền liên quan”, các nhóm đối tượng còn lại được bảo vệ với tư cách “quyền SHCN”. Như vậy, theo công ước này, quyền tác giả cùng với quyền SHCN là hai bộ phận cấu thành của chế định quyền SHTT. Đây là một chế định pháp luật quan trọng quy định về các vấn đề thiết lập và bảo hộ quyền của những người sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ. Khác với việc bảo hộ các đối tượng của quyền tác giả, quyền SHCN được thừa nhận nhằm bảo hộ các thành quả sáng tạo trí tuệ của con người trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...Với sự ghi nhận, bảo hộ bởi của nhà nước, quyền SHCN trở thành một tài sản có ý nghĩa lớn đối với các chủ thể đầu tư và sáng tạo ra các đối tượng SHCN.

Có thể thấy, yếu tố cốt lõi, bắt buộc phải có của quyền SHCN đó là “các đối tượng SHCN”. Trong đó, các đối tượng được bảo hộ dưới quyền SHCN thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và thương mại bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các chỉ dẫn thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN: “Đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”[6].Thêm vào đó, Công ước Paris cũng quy định “sở hữu công nghiệp phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất và sẽ áp dụng không chỉ cho công nghiệp và thương mại theo đúng nghĩa của chúng mà còn cho nông nghiệp và các ngành công nghiệp chiết xuất, khai thác và cho tất cả các sản phẩm tự nhiên hoặc được sản xuất như nho, hạt ngũ cốc, lá thuốc lá, hoa quả, gia súc, các khoáng sản, nước khoáng, bia, hoa và bột mì”[6].

Khái niệm quyền SHCN có thể được hiểu theo hai cách sau:

Theo nghĩa khách quan, chế định quyền SHCN là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo dựng, khai thác, sử dụng các đối tượng SHCN được Nhà nước bảo hộ.

Theo nghĩa chủ quan, quyền SHCN là các quyền dân sự cụ thể của các chủ sở hữu trong vệc sử dụng , định đoạt các đối tượng SHCN và ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng đối tượng SHCN của mình.

Như vậy, có thể hiểu quyền SHCN là quyền của các chủ thể trong việc đầu tư và sáng tạo ra các đối tượng SHCN là sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Quyền của các chủ thể thể hiện độc quyền khai thác, sử dụng đối tượng SHCN cũng như ngăn cấm các hành vi sử dụng các đối tượng SHCN của các chủ thể khác, trừ trường hợp khác do pháp luật quy định.

Quyền SHCN được xác lập trên cơ sở văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ chế bảo hộ tự động đối với một số đối tượng SHCN. Đối với các đối tượng được xác lập quyền trên căn cứ là văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước thì chủ sở hữu đối tượng phải tuân thủ các thủ tục hành chính nhất định. Còn đối với các đối tượng được xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động thì các đối tượng này phải đáp ứng được các điều kiện bảo hộ cụ thể theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu cuối cùng của hệ thống bảo hộ quyền SHCN chính là chống lại nguy cơ bị lợi dụng hoặc chiếm đoạt kết quả đầu tư sáng tạo và bảo vệ các cơ hội cho người đã đầu tư để tạo ra các kết quả sáng tạo đó, nhờ vậy mà kích thích, thúc đẩy các nỗ lực sáng tạo trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, bảo hộ quyền SHCN chính là bảo đảm hiệu lực quyền SHCN của chủ thể quyền, khuyến khích hoạt động đầu tư sáng tạo, phát triển sản xuất, buôn bán trong nước.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/11/2023