Chuyện cũ Hà Nội trong văn Tô Hoài - 6

về chẳng được là bao nhiêu. Mấy năm sau, nhà cửa bác cầm cố và bán đứt còn vợ chồng bác đi phu mộ, chẳng bao giờ quay về nữa. Chẳng biết có phải là tại bác làm ma khô cho bố mà không thu lại được vốn như vợ chồng bác đã chắc mẩm hay không.

Tô Hoài không chỉ ghi lại những tính toán, lo toan của con người mà ông còn ghi lại sự tha hóa của con người trong cảnh túng bấn, bần hàn. Ông đã cho người đọc biết Tháng củ mật là tháng giáp tết, có nhiều trộm cắp. Chỉ vì nghèo đói mà người ta chà đạp lên nhau, đánh mất lương tri, đánh mất bản tính lương thiện của con người. Ông Ách được mệnh danh là “chó Tây”, còn Nhót là một người dân lương thiện hiền lành. Cả hai con người vì hoàn cảnh túng quẫn mà trở nên giống nhau, ăn cắp lẫn nhau. Nếu như ông Ách dọa dẫm, hống hách lấy đi giỏ chạch mà Nhót đã vất vả, tốn biết bao công sức đào bới, kiếm tìm để ăn tết thì anh Nhót cũng chẳng thua kém gì. Khi đến nhà ông Ách để đòi tiền, thấy không có người ở nhà, anh đã ăn trộm con gà của ông Ách rồi vui vẻ biết rằng tết này nhà mình đã có một nồi thịt gà kho. Phải chăng vì cái đói, cái nghèo mà con người sẵn sàng đánh mất cả nhân cách, đánh mất cả lòng lương thiện của chính mình?

Trong Lão Ba Sinh, tác giả kể chuyện một người bình thường ở làng Nghĩa Đô, vì cuộc sống mưu sinh đã bỏ làng đi từ khi còn rất trẻ. Nhờ có sức khỏe và vốn là người hung bạo mà lão Ba Sinh đã trở thành dân giang hồ làm nghề du côn đứng bến xe, về sau trở thành một tên trùm cờ bạc khét tiếng cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không biết đã có bao gia đình khốn khổ vì lão. Cũng không biết lão đã đánh chết bao người và biết bao nhiêu người thất nghiệp phải uống dấm thanh thuốc phiện, phải cắt mạch máu cổ tay vì lão. Sau này về lại làng, lão Ba Sinh đã “tu nhân tích đức”, lão xây chùa, làm đường cho làng. Lão xây cho mình một biệt thự nguy nga và sống với nửa tá

vợ. Thế rồi đùng một cái lão bán tuốt tuột tất cả rồi đi đâu, chết ở đâu không ai biết... Chỉ biết rằng cái của phù vân của thiên thì trả địa. Con người hiền lành thì khốn khó, con người tàn ác sống được lại dựa vào nỗi khổ của chính đồng bào mình. Thì ra người ta “bới bèo tìm bọ” trên lưng nhau để sống, lấy niềm bất hạnh của đồng loại làm niềm hạnh phúc của riêng mình, thật chua xót biết bao.

Nghèo khổ và mang trong mình một nỗi nhục mất nước nhưng tiềm ẩn trong mỗi con người vẫn là một sức sống, một khát vọng thay đổi, một vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn. Khi đọc Mối tình bác Khán, ta bắt gặp hình ảnh một con người lam lũ nhưng vẫn yêu đời, vẫn có tình yêu đôi lứa thật đẹp trong hoàn cảnh éo le. Đã có tuổi, góa vợ và có hai con, cuộc sống tuy vất vả nhưng bác Khán vẫn rất yêu đời. Từ khi chấm đám cô Tỵ làng trên, bác diện hẳn lên. Bác mua một đôi giày mới, một cái nón dứa lụa hoa cau có chóp mạ kền. Bọn trẻ con thường hay trêu đùa bác. Ngày tháng trôi đi, chuyện của bác không biết đâu là thật đâu là thêu dệt nữa nhưng tình cảm, khát vọng của bác thật đẹp, thật đáng trân trọng.

Nhà văn Tô Hoài quan niệm “con người là con người” với những mặt tốt và cả những thói tật tầm thường như nó vốn có trong cuộc sống. Theo ông, trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân. Từ quan niệm này mà chân dung những văn sĩ Hà thành, trong đó có cả tác giả, hiện lên sinh động với những nét biếm họa, tự trào. Câu chuyện Như đêm ba mươi kể về cái lần nhà văn Tô Hoài cùng với bạn văn Trần và một số anh em nghệ sĩ khác đi nghe hát ả đào ở Vĩnh Hồ. Trong tối hôm ấy, nhà văn Trần sau một phút yếu lòng, dù “đã hết sức phanh” nhưng vẫn chót “quan hệ” với đào rượu. Sau đó là ba tháng mười ngày mất ăn mất ngủ vì lo sợ bị lây bệnh truyền nhiễm sẽ “nổ từng đốt xương, lại lây truyền đến ba đời con cháu. Nọc bệnh tim la thì ăn

lên óc, mắc phải bệnh này chỉ còn đợi bó chiếu. Còn bệnh lậu, ngày đêm đái ra mủ. “Nổ ống khói” tóe máu, bước khạng nạng, tanh lộn mửa, không dám đến cạnh ai...” [12, 252]. Nhưng thật may nhà văn Trần không “dính đạn”. Câu chuyện dở khóc dở cười, nửa giận nửa lại thương. Nhà văn Trần kể với Tô Hoài “anh nằm cả đêm cho tới khi nghe tiếng gà eo óc ngoài kia. Khó ngủ, cứ nghĩ ngợi đăm chiêu mênh mông đủ thứ. Ở nhà quê, vợ con nheo nhóc ốm yếu, lại công nợ đìa ra. Mấy tháng nay chẳng gửi được đồng nào về đỡ đần. Lại ngán cái nông nỗi đời mình chung chiêng sống dở chết dở thế này đến bao giờ...”[12, 249-250]. Thì ra để đến nỗi sa ngã này cũng lại do từ cái khổ cái khó.

Cái khổ đau, lam lũ của con người đều do cái đói, cái nghèo mà ra. Để kiếm miếng cơm manh áo, chống lại đói nghèo, con người phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, thậm chí có người đã hi sinh cả mạng sống của mình như chú Cát, bán mất linh hồn mình như Lão Ba Sinh, bị dồn đến bước đường cùng như những người đi phu, những con sen, người ở... Tất cả họ đều có chung một cảnh ngộ, đó là sự lam lũ cơ cực mà nguyên nhân chính là do chế độ thực dân quá tàn khốc.

Như vậy, bằng những câu chuyện ngắn trong Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài đã ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh về cuộc sống con người Hà Nội xưa. Một bức tranh rất chân thực và sống động đến từng chi tiết. Viết về con người, Tô Hoài không phân tích cũng không bình luận gì nhiều. Thế nhưng đằng sau những câu văn của ông, người đọc đều cảm nhận được một nỗi thương xót, ngậm ngùi trước số phận của những người nghèo đủ các loai...

2.2.2. Cảnh trong Chuyện cũ Hà Nội

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Tác giả đã miêu tả khung cảnh Hà Nội xưa từ nội thị đến ven đô, một khung cảnh buồn thảm của những năm thời Pháp thuộc.

Mở đầu cho cảnh trong Chuyện cũ Hà Nội là hình ảnh “mưa” hiu hắt buồn. Hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm và đã nói lên tất cả. Có lẽ mưa bụi đã nhiều ngày, những cây nhội che mái nhà, người qua lại trên mặt đường âm u. Xám ngắt, nhẽo nhợt ra... Trông vào phố mới lúc nào cũng thấy ủ ê, hốt hoảng, những nét mặt ngoài đường, người đứng tụ tập, ướt át bẩn thỉu[11, 12]. Nói theo Nguyễn Du”Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu; Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên hình ảnh mưa buồn dường như càng làm cho bức tranh cuộc sống của con người thêm buồn thảm..

Chuyện cũ Hà Nội trong văn Tô Hoài - 6

Ở ven đô, đó là cảnh lầm than của những kiếp người nhỏ bé trong những năm đói kém. Từ trẻ nhỏ đến người già đều có chung một số phận đó là nghèo khổ, khốn khó. Trong truyện ngắn Bà Viết, Tô Hoài kể lại cuộc đời của bà Viết. Cả một cuộc đời còm còi chắt chiu để kiếm miếng ăn, nuôi bản thân mình, dù tuổi đã cao nhưng bà không nhờ vả con cái vì “vợ chồng bác cu Cách với một lũ con cũng chẳng có đâu đãi mẹ nổi lưng bát cơm.”[11, 180] . Bà Viết đi khâu vá thuê ở từng nhà chỉ để kiếm miếng ăn, tài sản của bà có được chỉ là một cái áo bông ngắn, lép kẹp, mỏng dính cùng với một đôi dép mà bà mua từ thời con gái. Hình ảnh của bà khiến người ta không khỏi ngậm ngùi thương xót “Mỗi khi gió bấc hiu hiu thổi, tưởng lại thấy bà Viết cắp cái thúng khâu. Lưng còng rạp, lom khom bước vào cổng”[11, 186]. Kiếp sống của một con người thật buồn tủi cơ cực.

Cảnh khốn khó của những kiếp người nhỏ bé ấy vẫn còn ám ảnh nhà văn cho đến tận bây giờ. Mỗi khi trở về quê, tác giả vẫn nhớ như in cuộc sống của những con người nơi đây một thời “Nhớ lại quang cảnh phía nam thị xã Hà Đông, một khoảng trời xanh xám úp chụp xuống đồng ruộng ngay sau

vách ngôi nhà rách rưới, ở cuối cái tỉnh lẻ im lìm mờ mịt hoàng hôn. Cánh đồng liền với chân tường, khi những cơn gió bấc hun hút đưa mùa đông đến suốt chân trời, đôi chỗ đùn lên một đám khói của bọn trẻ trâu ngồi run rẫy sưởi quanh đống gốc rạ vừa được nhen lửa lên. Khi mùa mưa tới, màu xám cánh đồng lại tan thành một vùng nước trắng bệch.. Trên mặt nước, lội bì bòm những người lót chiếc thừng quấn lá chuối khô cho đỡ giát cái vai lệch một bên, người làm trâu kéo cày và người đẩy cày. Ruộng đồng lầy lội triền miên tưởng không bao giờ khác như thế”[11, 262-263]

Cảnh những người thợ cửi, thợ giấy làm cả ngày lẫn đêm mà quanh năm không đủ ăn cũng được miêu tả rất cảm động: “Vợ kế bác Khán đem hai đứa con lên làng Cả đi seo kiếm bữa. Bác Khán cũng lên đấy, cứ trần lực đủ mọi việc.. Đạp bìa, đạp lề, vớt dó, dậm bìa, quảy nước, kéo tàu...Nhưng thời buổi khó khăn cũng chỉ có việc buổi đực, buổi cái. Người cứ vêu vao phờ ra...”[11, 73]. Những người thợ lành nghề chịu thương chịu khó ấy đã làm việc vất vả quanh năm suốt tháng nhưng chế độ thực dân khiến họ phải chịu nhiều cơ cực nhọc nhằn. Quang cảnh cực nhọc của người làm nghề được tác giả tả rất chi tiết “Mỗi tàu seo đôi seo ba phải hai người kéo tàu. Chỉ ở dưới Cót làm giấy hẩm tàu seo một thì một người kéo. Gió thổi buốt tê. Vẫn những người cởi trần, tay cầm chiếc đòn seo khoắng dài trong lòng tàu. Tiếng đánh nước xì xoẹt, xì xoẹt nhấp nhô, đều đều. Khắp nơi vang động tiếng kéo tàu đánh nước thế cho tới rạng sáng. Mảng lề, mảng dó tơi ra, quyện đều vào nước gỗ mò láng khắp. Thế là đoạn được cái tàu cho chốc nữa các cô thợ vào ngày seo”. [11, 117]

Cảnh những con người lầm lũi cơ cực được miêu tả với đủ thứ nghề kiếm sống: làm cu li, dọn kho, kéo xe, phu phen, đổi thùng thợ hồ, thậm chí là làm gái điếm, cờ bạc, trộm cướp...Họ đều là những người đói khổ từ

những miền quê khác nhau đổ về thành thị để kiếm sống. Với những trang văn của Tô Hoài, người đọc như hiểu thêm hơn về thủ đô của đất nước mình, một thủ đô náo nhiệt, sầm uất như hôm nay cũng đã có một quá khứ lầm than cơ cực đến vậy.

Cảnh Tây đoan sục bắt rượu lậu ở các làng quê thật chua xót. Tô Hoài kể lại, mỗi năm khi gần đến tết, người dân tranh thủ nấu rượu để kiếm miếng ăn. Thế nhưng, tiền của đâu chẳng thấy mà chỉ thấy Tây Đoan về khám rượu lậu, để bắt những người nấu rượu . Có người vì nấu rượu mà sạt nghiệp, ở tù như chơi “bọn lính đoan đi sục thuốn khắp các vườn và bờ rào quanh xóm. Xem có chỗ nào chôn giấu rượu, bã rượu. Không thấy gì, cả bọn đùng đùng kéo vào xóm trong. Đến tận trưa, đám lính nhà đoan khám rượu mới trở ra đường cái tây, lôi theo nhiều thứ bắt được ở xóm dưới bãi. Cái nồi đồng ba mươi với lưng nồi bã, một thúng gạo nếp đã vo sẵn. Mấy cái bong bóng trâu, có chiếc bẹp rúm, có chiếc đã phồng rượu. Đủ đồ nghề, cái cần trúc xe điếu chuyên nước cất, cái mai rùa gỗ, cái chò...Tết nhất đến nơi.Bắt được rượu đích xác, chỉ bởi có đứa báo thôi. Định làm mẻ rượu bán tết mà hóa ra sạt nghiệp. Lại còn tù tội nữa.” [11, 24-25]

Cảnh sưu cao thuế nặng với những tiếng trống giục nộp thuế thân liên hồi cũng vang lên thật ám ảnh trong Chuyện cũ Hà Nội. Mỗi một suất sưu đong được hơn một tạ gạo gãy Sài Gòn. Hơn một tạ gạo có thể nuôi được một gia đình trong khoảng vài ba tháng. Vậy mà ăn thì chẳng có lại phải lo nộp thuế thân. Cảnh tiếng trống giục nộp thuế khiến cho ta không khỏi não lòng. Khung cảnh ấy thật ảm đạm, nặng nề và ngột ngạt: “Vụ thuế chỉ sát phạt trong vòng nửa tháng. Càng đến ngày cuối càng rợn gáy xôn xao. Chốc chốc, một trai tuần dẫn ở xóm dưới lên một người bị trói giật khuỷu, mặt sưng húp. Người ấy rùng rùng bước vào, bị đẩy ngồi thụp

xuống chân cột đình.. Ngoài sân, ngoài tam quan, vẫn vang tiếng nạt nộ. Có hôm, chánh tổng Dịch Vọng cưỡi ngựa ra đốc thuế. Có khi, cơ quan phủ Hoài Đức ngồi ô tô về. Nhốn nháo lên. Tiếng kêu khóc, tiếng nài nỉ. Có lúc khắp nơi lại im phăng phắc.” [11, 144]

Thê thảm hơn trong Chuyện cũ Hà Nội là cảnh nạn đói năm 1945. Tô Hoài ghi lại rằng trên các nẻo đường chính ở Hà Nội, hàng đoàn người già trẻ, lớn bé thất thểu dắt díu nhau đi cầu thực, tất cả chỉ còn da bọc xương… Ở một vài nơi, Hội từ thiện tổ chức phát cháo cứu trợ. Nhưng có người nhận cháo rồi vẫn lăn ra chết vì quá kiệt sức. Xác người chết đói ngổn ngang trên các đường phố. Mỗi sáng sớm người ta phải đem xe bò chở những xác chết đó đi chôn. Có người đi ăn xin, đói lả chết giữa phố. Có người nằm dựa lối cửa ra vào hay bờ tường các căn phố mà chết. Nhiều người sáng sớm mở cửa nhà thì thấy xác chết đổ kềnh sang một bên, có khi ngã lăn vào phía bên trong nhà khiến người nhà kinh hồn khiếp vía. Thật là một cảnh tượng thương tâm. Có những người còn một chút ít sức lực nên đi đào củ chuối, hái rau rệu, rau má, bẻ cây ngô, mò ốc, đào cua, bắt cà niễng, cào cào, châu chấu… để cầm cự với cái đói. Vì đói, dân làng kéo nhau lũ lượt ra đồng bắt chuột (chuột nhà) để ăn. Tàn khốc hơn nữa, con người không chỉ phải ăn thịt chuột, cào cào, hay ếch nhái... mà “Khô dầu ba hào hai xu một bánh, người ta ăn khô dầu, trẻ con bị vứt đầy dọc đường vì bố mẹ không nỡ trông thấy chúng nó chết tận tay. Người ta nấu rêu, rang rêu lên để ăn. Người ăn cỏ, ăn khô dầu thậm chí ăn cả thịt người.” [11, 80]. Cái đói đã làm vợi đi gần một nửa dân số của làng Nghĩa Đô nói riêng và cả một vùng quê nói chung: “Người chết nhiều đến nỗi không thể chôn kịp, người đi chôn cũng đã ốm đói rồi. Khi đi nhặt xác, gặp ai ngắc ngoải, bọn này cũng lôi đi chôn, vì nếu có để lại thì rồi cũng đến chết nốt. Lúc bị vùi xuống hố, những người ấy còn chắp tay van lạy nhưng bọn

người đi chôn cũng cứ lấp đất đi vì không chôn được người thì không được

trả công, bởi cũng đương đói lả đi cả, còn lo hôm sau chẳng còn sức mà đi chôn người kiếm cái ăn” [11, 80-81].

Miêu tả những cảnh này, Tô Hoài khiến chúng ta đau đớn, xót xa trước những cái chết thảm thương của những con người và số phận tang thương của một dân tộc. Chính các thế lực ngoại xâm đã không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và gây nên biết bao thảm kịch khiến con người Việt nam phải gánh chịu.

Cảnh nội thị đưa ta về với những miền kí ức của một thời đã qua, từ hàng cây, góc phố, đến tiếng tàu điện leng keng, tiếng rao đêm ...

Có lẽ những tiếng rao hàng của những con người kiếm ăn trong đêm tối là một nét đặc trưng nổi bật nơi nội thị. Những tiếng rao đêm trên đường phố dường như đã trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Hà Nội. Mỗi lời rao mời lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao, có lúc lại biến âm thật lạ và thu hút với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm.

Tiếng rao đêm từng là một nét văn hóa của người Hà Nội và đã đi vào âm nhạc, thi ca. Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Ai ăn bánh bột lọc không?

Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng Tiếng rao nhỏ của một em bé gái

Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời.

( Một tiếng rao đêm – Tố Hữu)

Giống như Tố Hữu hay nhiều nhà thơ, nhà văn khác Tô Hoài đã cho người đọc biết được rằng, đằng sau mỗi tiếng rao đêm là những cuộc đời, những số phận, là những cuộc mưu sinh khốc liệt thầm lặng, với những nỗi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022