Những Bài Học Kinh Nghiệm Từ Chính Sách Phát Triển Sme Của Nhật Đối Với Việt Nam‌


Động lực cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao trước hết là nhu cầu trong nước. Nhật Bản tăng cường đầu tư trong nước thúc đẩy sản xuất trong nước để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh là kết quả đóng góp rất lớn của các công ty vừa và nhỏ. Chính những công ty này đã thích ứng rất nhanh chóng với những thay đổi trên thị trường, kịp thời thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường thế giới. Việt Nam vừa mới chuyển sang nền kinh tế thị trường. Trong giai đoạn đầu mới chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các công ty quốc doanh. Tuy nhiên hiện nay, Nhà nước cũng đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của các SME và có những chính sách phát triển phù hợp.

Đóng góp cho sự phát triển nhanh của nền kinh tế Nhật Bản cũng phải kể đến sự tiết kiệm của dân chúng. Tiết kiệm của Nhật Bản vào hàng lớn nhất trên thế giới. Ngân hàng Nhật Bản đã huy động tốt nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân cho các doanh nghiệp vay để phát triển và mở rộng sản xuất, đẩy nhanh xuất khẩu và thu được ngoại tệ. Cho nên bên cạnh nguồn vốn vay nước ngoài, Nhật Bản vẫn chủ yếu sử dụng những nguồn vốn xuất phát từ trong nước. Còn Việt Nam hiện nay vẫn chưa huy động được hết các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân mà vẫn phải chủ yếu dựa vào nguồn vay viện trợ, nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển sản xuất. Đây cũng là đặc điểm chung của các nước Đông Nam Á, và bài học kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng rất bổ ích cho chúng ta học tập.

Trình độ khoa học kỹ thuật bây giờ và 30 năm trước là hoàn toàn khác nhau. Nhật Bản đã phát triển nhanh nền kinh tế của mình nhờ vào đầu tư mạnh mẽ của tư nhân, vào nhà máy và thiết bị mới tạo ra, đầu tư vào những ngành sản xuất mới lúc bấy giờ như ngành điện tử. Có thể nói nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh là do các ngành công nghiệp ứng dụng phát triển mạnh mẽ và Nhật Bản đã nâng cao được uy tín của các sản phẩm những ngành đó trên thị trường quốc tế thông qua ngoại thương, xuất khẩu những mặt hàng đó. Vậy thực trạng của Việt Nam là gì? Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là những sản phẩm thuộc ngành Nông –


Lâm – Hải sản, công nghiệp nhẹ và chủ yếu trên hình thức gia công. Thế thì liệu Việt Nam có khả năng đạt được sự tăng trưởng như Nhật Bản hay không?

Một nhân tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong suốt thời kỳ tăng trưởng cao là Nhật Bản sẵn có một lực lượng lao động dồi dào. Điều này rất giống với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Cũng như Việt Nam, Nhật Bản hàng năm cũng có một lực lượng lớn thanh niên tham gia vào lực lượng lao động, và cũng có nhiều công dân nông nghiệp di chuyển từ các vùng quê kiếm việc làm trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ở các thành phố lớn. Nhưng sự thật là so với người Việt Nam thì có thể nói người Nhật lao động chăm chỉ và tỷ mỷ hơn. Họ cần mẫn và lặng lẽ làm việc hết mình, không chỉ cho riêng bản thân, mà còn cho gia đình, cho công ty… của mình. Nhất là họ rất phấn đấu cho sự lớn mạnh của công ty mà họ gắn bó suốt đời với nó thông qua chế độ làm việc suốt đời.

Như vậy, bên cạnh những nét tương đồng, Việt Nam và Nhật Bản cũng có nhiều điểm khác biệt mà Việt Nam cần lưu ý trong quá trình học tập kinh nghiệm hỗ trợ SME. Một mặt, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi hơn như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, quốc gia trên thê giới. Mặt khác, các SME ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn như nền kinh tế thị trường còn non trẻ, những dấu tích của một thời bao cấp vẫn còn tồn tại, vấn đề về nguyên vật liệu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên gay gắt, những chính sách về SME chưa thật sự đầy đủ, hỗ trợ một cách hiệu quả, chưa phát huy được hết tiềm lực của các SME. Hơn nữa, hiện nay Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới đứng thứ hai trên thế giới về GNP 3926,7 tỷ đôla năm 1995 và bình quân thu nhập đầu người đứng hàng thứ ba thế giới, 40.940 đôla[18.23] gấp 100 lần so với thu nhập của người dân Việt Nam. Do vậy, khi học tập các kinh nghiệm của Nhật, Việt Nam cũng rất cần phải chú ý đến vấn đề nguồn lực, khả năng thực tế để có thể thực hiện các chính sách một cách hiệu quả.


II. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SME CỦA NHẬT ĐỐI VỚI VIỆT NAM‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Từ quá trình hình thành và phát triển của các chính sách phát triển SME của Nhật, chúng ta có thể thấy nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể áp dụng.

1. Nhận thức sâu sắc về vai trò của các SME trong nền kinh tế

Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của nhật và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam - 11

Ngay từ khi đất nước bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Nhật Bản đã coi các SME như là một công cụ đắc lực cho việc tái thiết nền kinh tế. Từ những ngành công nghiệp thủ công truyền thống của hơn 500 vùng khác nhau, các SME của Nhật đã thực hiện thành công “ tích luỹ ban đầu” cho quá trình công nghiệp hoá đất nước; làm tiền đề cho việc tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Nhật Bản trong cả một thời kỳ dài sau này. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật Bản các loại hình Luật về SME xuất hiện rất sớm và liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Cũng ở Nhật Bản, các tổ chức tài chính và ngân hàng thực hiện việc hỗ trợ toàn diện cho các SME xuất hiện sớm hơn so với lịch sử kinh tế các nước. Các cơ quan này hợp thành một “hệ thống xã hội” hoàn chỉnh, đáng tin cậy và là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của các SME. Mặc dù, có những lúc chính phủ Nhật vẫn chưa thực sự đánh giá đúng sức mạnh của các SME đối với nền kinh tế nhưng nhìn chung chính phủ Nhật đã luôn nhận thức đúng tầm quan trọng của các SME và từ đó có những chính sách và biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Từ đó cho thấy, việc nhận thức sớm và đúng đắn vai trò của các SME trong nền kinh tế là nguyên nhân đầu tiên góp phần làm gia tăng tỷ trọng các SME trong nền kinh tế.

Đặc biệt trong điều kiện mở cửa và hội nhập như hiện nay, nhận thức và chỉ đạo hoạt động phát triển SME đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược của nền kinh tế đất nước. Đây là một trong những nhân tố cơ bản, tạo nền tảng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách điều tiết vĩ mô, tạo cơ sở thuận lợi cho việc phân định các yếu tố thời cơ thuận lợi bên ngoài cho SME khi hoạch định và triển khai chiến lược cạnh tranh.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các SME

Ở Nhật, các SME hoạt động trong môi trường hết sức thuận lợi.


Từ rất sớm môi trường pháp lý dành cho SME đã được hình thành. Những quy định chung liên quan đến SME hay những quy định riêng dành cho SME đã được ra ban hành. Điều này tạo ra những định hướng rõ ràng và những khung khổ nhất định mà các SME có thể dễ dàng hoạt động và phát triển theo.

Ngoài ra, chính phủ Nhật luôn cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các SME. Trong những giai đoạn khi khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và các SME rất lớn, các doanh nghiệp lớn có nhiều biện pháp không công bằng đối với các SME. Do vậy, chính phủ đã có những chính sách nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho các SME trong Luật chống độc quyền, Luật thanh toán chi phí hợp đồng thầu phụ...Hơn nữa, mặc dù tất cả các hành vi cản trở cạnh tranh lành mạnh đều bị nghiêm cấm và bị xử lý theo Luật chống độc quyền nhưng Luật chống độc quyền tư nhân của Nhật cũng chấp nhận một số trường hợp ngoại lệ. Một trong số đó là chấp nhận sự tồn tại và hoạt động của các tập đoàn sản xuất được thành lập từ các SME theo đúng Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hay khi nền kinh tế gặp khó khăn, chính phủ cũng đã ban hành Luật đảm bảo đơn đặt hàng từ chính phủ, Luật khuyến khích hợp đồng thầu phụ.

Trong thời gian gần đây, các biện pháp hỗ trợ kinh doanh đã có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Đó là tổ chức các hội chợ thương mại, các trung tâm buôn bán để tăng cơ hội giới thiệu sản phẩm, cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác kinh doanh…Các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm đối tác qua mạng “match net”, đặc biệt là trang web: www.matchnet.zenkyo.or.jp. Ngoài ra, còn có xúc tiến các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các SME.

Ở Việt Nam hiện nay, tuy môi trường hoạt động của các SME đã thuận lợi hơn trước nhiều. Khung khổ pháp luật kinh doanh, pháp luật về tài chính, tiền tệ, tín dụng, thương mại, lao động đã được cải thiện nhiều với sự ra đời, sửa đổi bổ sung của các Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Đầu tư (2005), Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng năm 2003, Bộ Luật Lao động…Hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước về căn bản không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Ngoài ra, còn có một số quy định pháp luật riêng cho các SME như Công văn số 681/CP-KTN ngày 26/6/1998 của Văn phòng chính phủ về việc định hướng chiến


lược và chính sách phát triển SME, Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song trong hoạt động thực tiễn khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Trở ngại lớn đối với sự phát triển của các SME hiện nay là môi trường pháp lý chưa đồng bộ, hoàn thiện; còn nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán hay thay đổi phức tạp, chồng chéo, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành pháp luật.

Mặc dù các cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia ý kiến đóng góp vào nhiều văn bản, chính sách khác nhau, song nhìn chung kết quả còn hạn chế, mới chỉ dừng ở mức tham khảo có giới hạn, chưa thành quy chế. Một số ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp chưa được tiếp thu, nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chưa được giải quyết cơ bản, triệt để.

Sự thiên lệch trong đối xử của nhiều cấp thừa hành giữa doanh nghiệp lớn và SME cũng là một yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Trong các chính sách của Đảng và Nhà nước đều thể hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tuy nhiên giữa các doanh nghiệp lớn và SME còn tồn tại nhiều hiện tượng phân biệt đối xử. Đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách, thừa hành công vụ của một số cán bộ nhà nước, như trong lĩnh vực vay ngân hàng, tiếp cận chế độ ưu đãi của Chính phủ, thuê đất, tiếp nhận thông tin về thị trường xuất khẩu, trong việc đào tạo, bồi dưỡng lao động…

Môi trường tâm lý xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các SME. Tuy nhiên, môi trường tâm lý xã hội ở Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm bất lợi cho các SME. Còn có nhiều định kiến, mặc cảm đối với các SME, chưa nhìn nhận đúng mức vai trò của các SME trong nền kinh tế. Quan niệm về SME còn gắn với những tiêu cực như làm hàng giả, trốn lậu thuế, gian lận thương mại…Từ đó dẫn đến tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử đối với SME trong một số không nhỏ cán bộ ở các cấp của Đảng, Nhà nước và trong nhân dân.

Như vậy, tuy môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, môi trường tâm lý xã hội đã có những bước cải thiện, song trong hoạt động thực tiễn, khu vực SME


còn gặp nhiều khó khăn. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động các nguồn lực, tiềm năng của SME cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc nhận thức đúng đắn và cải thiện môi trường hoạt động cho các SME là hết sức cần thiết.

3. Hỗ trợ các SME phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh

Khi nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của các chính sách phát triển SME của Nhật, ta có thể thấy một xu hướng biến đổi rõ rệt. Trong giai đoạn sau chiến tranh, các SME gặp nhiều khó khăn, khoảng cách về tiền lương, năng suất…giữa các SME và các doanh nghiệp lớn là khá xa. Chính phủ Nhật đã cho rằng các SME là điểm yếu của nền kinh tế, cần hỗ trợ để rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt từ khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, phải tiến hành các biện pháp điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế thì Nhật Bản đã nhận ra ý nghĩa và vai trò thật sự của các SME. Do vậy, các chính sách phát triển SME đã chuyển sang những biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực nội tại, phát huy cao nhất nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các SME. Hình ảnh mà chính phủ Nhật mong muốn ở các SME trong thế kỷ 21 là các doanh nghiệp tự lực phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Bởi lẽ dù điều kiện khách quan có thuận lợi như thế nào thì khả năng tồn tại và phát triển của các SME cũng do những nhân tố nội lực quyết định.

Nội lực của doanh nghiệp được nâng cao trên cơ sở nâng cao trình độ quản trị kinh doanh( cả nhân sự, tài chính, kỹ thuật), trình độ tay nghề của công nhân, trình độ thiết bị- công nghệ, mức độ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vật tư- nguyên vật liệu cho sản xuất, năng lực marketing. Thực chất của yêu cầu đối với việc nâng cao năng lực bên trong của doanh nghiệp gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, giảm giá thành tương đối, sản xuất đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Điều này có thể thấy rõ qua các chính sách mà chính phủ Nhật đã thực hiện.


3.1. Hệ thống các biện pháp hỗ trợ về vốn phong phú

Chính phủ Nhật đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ vốn cho các SME. Thông qua đó, các SME có thể tăng nguồn vốn trực tiếp cũng như gián tiếp. Bởi lẽ chỉ khi có được nguồn vốn thì các SME mới có đủ khả năng để cạnh tranh.

SME có thể tăng nguồn vốn gián tiếp thông qua các chương trình của ba tổ chức tài chính Nhà nước là Công ty tài chính doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản(JFS), Công ty tài chính nhân dân (NLFC), và Ngân hàng Shoko Chukin(SCB). Ngoài ra, chính phủ cũng đã hỗ trợ tín dụng cho các SME thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng và bảo hiểm tín dụng, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh các tổ chức tín dụng của Nhà nước, vai trò của các tổ chức tín dụng tư nhân đang ngày càng được nâng cao. Tỉ lệ số vốn cho các SME vay của các tổ chức này chiếm hơn 90% tổng số vốn vay.

SME cũng có thể tăng vốn trực tiếp thông qua bán cổ phiếu với sự trợ giúp của Tổ chức các công ty tư vấn và đầu tư SME bảo lãnh.

Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều chính sách để các SME có thể vay vốn ngân hàng tốt hơn. Như việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng( Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng năm 2003 đã xoá bỏ ưu tiên và ưu đãi vay vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã). Chính phủ tạo điều kiện cho một số đối tượng là SME được vay vốn của tổ chức tín dụng không phải có đảm bảo bằng tài sản.( Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17-01-2003 của Chính phủ quy định cho vay đến 30 triệu đồng đối với chủ trang trại; đến 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản đến 100 triệu đồng đối với hợp tác xã làm dịch vụ cung ứng vật tư, cây , con giống để sản xuất nông, lâm, ngư , diêm nghiệp; đến 500 triệu đồng đối với hợp tác xã sản xuất hàng xuất khẩu, làm nghề truyền thống). Ngoài ra, pháp luật còn tạo môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng và dịch vụ ngân hàng, tự do hoá lãi suất…Ngoài các hình thức cho vay truyền thống, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế về các hình thức cấp tín dụng khác như bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu, chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có giá,


bao thanh toán…Nhờ đó, đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn, hình thành và phát triển thị trường tài chính.

Tuy nhiên, hiện còn có một số vấn đề gây trở ngại đối với doanh nghiệp trong thể chế tín dụng hoặc các thể chế liên quan như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm làm hạn chế khả năng thế chấp vay vốn ngân hàng; hệ thống đánh giá tài sản chưa phát triển và không dựa vào thị trường; thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm còn phiền hà. Việc triển khai thể chế về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các SME theo Nghị định số 90/2001/NĐ-CP còn chậm. Đến nay chỉ mới có 2 địa phương thành lập được quỹ này là Tây Ninh và Trà Vinh[4.119].

Vốn trực tiếp thông qua phát hành cổ phiếu cũng chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu, chưa có nhiều SME có đủ khả năng niêm yết trên thị trường chứng khoán.

3.2. Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ thông tin

Trình độ công nghệ kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các SME. Đặc biệt khi quá trình công nghiệp hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì các SME rất cần phải nâng cao công nghệ. Ngay từ giai đoạn tăng trưởng cao, chính phủ Nhật đã bắt đầu có những biện pháp để nâng cao trình độ công nghệ kỹ thuật của các SME. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ trên toàn thế giới những chính sách của Nhật nhằm hỗ trợ về công nghệ kỹ thuật đã có nhiều thay đổi.

Hỗ trợ phát triển kỹ thuật: Hỗ trợ vốn cho các hoạt động mua các thiết bị công nghệ trình độ cao, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khi mua những thiết bị như vậy, các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế. Chính phủ thành lập những tổ chức cho thuê thiết bị với lãi suất thấp hoặc không có lãi suất.

Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển: Đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chính phủ Nhật cũng có nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy như hỗ trợ vốn khuyến khích phát triển và ứng dụng.

Khuyến khích hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp về nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật.

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 30/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí