Đánh Giá Chính Sách Đối Ngoại Của Liên Bang Nga Dưới Thời


này đáng ra nước Nga đã phải làm từ lâu, nhưng đáng tiếc không phải tất cả mọi người đều nhận ra điều đó. Sau sự kiện 11-9, điều đó đã trở thành không thể không nhận ra. Tôi nghĩ rằng, sự kiện thảm họa ngày 11-9 đã mở mắt cho mọi người thấy rõ điều đó. Sự kiện đó một lần nữa đã nhấn mạnh rằng nếu như chúng ta muốn có hiệu quả thì chúng ta phải cùng với nhau”[64].

Sau sự chuyển hướng này, nước Nga đã có những bước phát triển ngoạn mục. Gần đây nhất, trong hội nghị ngoại trưởng các nước trong nhóm công nghiệp hàng đầu G8 (29- 6-2006), V.Putin đã đưa ra một học thuyết mới trong chính sách ngoại giao. Nếu như trước đây khi ông vừa trở thành Tổng thống thì mục đích của ông là nhấn mạnh tiềm năng của Nga cho các ảnh hưởng về kinh tế, chính trị. Còn bây giờ Nga đã chuyển dịch về hướng củng cố những ảnh hưởng này của Nga trên thế giới. Nga sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề năng lượng. Ông bác bỏ mối lo ngại các nước phương Tây sẽ sử dụng nguồn năng lượng vào mục đích chính trị. Ngoài ra, mối quan hệ với các đối tác cũng được thay đổi. Cộng đồng Châu Âu sẽ là đối tác chính của Nga, đặc biệt là Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Các ưu tiên chính khác là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này ngày càng tăng cường phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế với Nga và cùng chia sẻ các quan điểm tương tự với Nga về nhiều vấn đề quốc tế chủ chốt. Hoa Kỳ đã bị gạt từ vị trí hàng đầu xuống vị trí thứ tư, có lẽ do những căng thẳng trong quan hệ hai nước về những vấn đề quốc tế trong những năm gần đây. Chính sách mới này của V.Putin đã không nhắc tới Anh và một số quốc gia ở Đông Âu.

Đúng như lời nhận xét của M.Maghelov - Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hội đồng Nga “nét chính trong chính sách đối ngoại của V.Putin là thực dụng tối đa và từ bỏ ảo tưởng, dù ảo tưởng đó rất dễ chịu” [20, tr. 247]. Nhưng tính thực dụng này của V.Putin không phải vì lợi ích kinh tế trước mắt mà vì mục đích sâu xa hơn - đó là vai trò và vị thế của Nga trong các mối quan hệ quốc tế, là mong muốn lấy lại được hình ảnh cường quốc của Liên Xô trước đây.


CHƯƠNG 3: ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA LIÊN BANG NGA DƯỚI THỜI

TỔNG THỐNG V.PUTIN


Tạm tiếp nhận chính quyền vào ngày cuối cùng của năm 1999, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 3 năm 2000 rồi chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 7 tháng 5 năm 2000, V.Putin đã khôn khéo trong việc tận dụng “bộ máy cũ” do B.Elsin để lại để xây dựng một “bộ máy mới”. Cùng với việc đề ra một chính sách đối ngoại mang đầy tính thực dụng, trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, V.Putin đã làm được rất nhiều việc cho nhân dân và cho đất nước Nga.

3.1. Một số thành tựu


Như đã nói ở trên, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga phải nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là tạo sự ổn định và phát triển kinh tế của quốc gia. Thứ hai mới là khôi phục địa vị cường quốc cho nước Nga. Qua hai nhiệm kỳ Tổng thống của V.Putin, chúng ta thấy hai mục tiêu trên về cơ bản đã đạt được.


Thành tựu quan trọng nhất mà V.Putin đã làm được cho đất nước và nhân dân Nga là sự ổn định. Ổn định về kinh tế và chính trị - điều mà nhân dân Nga mong muốn kể từ sau ngày Liên bang Xô viết chính thức tan rã và những người tiền nhiệm của ông không thể làm được. Nga đã trở thành một nước độc lập trong các hoạt động tài chính và các vấn đề quốc tế, bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh, bảo vệ được các thành quả dân chủ và nâng cao một bước đời sống nhân dân.

Trong những năm vừa qua, kinh tế Nga đã có sự phát triển, với chỉ số tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm.

Bảng 1: Chỉ số tăng trưởng kinh tế Nga giai đoạn 2000 - 2006


Năm

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

GDP

7,9%

5,1%

4,3%

7,3%

6,8%

6,4%

6,9%

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga dưới thời tổng thống V.Putin - 8

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2006 (tác giả có biên soạn lại).


Ngoài ra, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều tăng, đạt 7,4% từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2007, trong đó một số ngành như khai thác dầu, luyện kim đen tăng rất cao. Nga trở lại xuất khẩu lương thực, ngân sách cân bằng, lạm phát giảm dần, từ 5,9% của năm 2006 thì trong vòng năm tháng đầu năm 2007 giảm xuống còn 4,7%. Đặc biệt đầu tư nước ngoài vào Nga được cải thiện. Theo kết quả cuộc điều tra thường niên của Công ty kiểm toán Ernst & Young về thu hút đầu tư của các nước Châu Âu thì hiện nay, Nga chiếm vị trí thứ năm trong số những nước lớn nhất của Châu Âu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2005 vốn FDI vào Nga đạt 26 tỷ USD, năm 2006 xấp xỉ 28 tỷ USD [64]. Nền kinh tế Nga đã trở thành điểm nóng thứ ba trong nền kinh tế toàn cầu ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Nga nằm trong số 15 nước xuất khẩu lớn nhất và trong tốp 10 nền kinh tế hàng đầu. Kinh tế Nga đã và đang trở thành một bộ phận cấu thành hết sức quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Trong những năm nắm quyền điều hành đất nước, V.Putin không những vực dậy nền kinh tế đồ sộ từng suy yếu trầm trọng sau cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị, mà những quyết sách của ông còn giúp nước Nga có thể trả hết những khoản nợ nước ngoài trước kia, trong đó bao gồm cả những khoản nợ từ thời Liên bang xô viết cũ. Nga đã hoàn trả trước thời hạn món nợ 115 tỷ USD mà Liên Xô để lại, trong đó trả trước cho Câu lạc bộ


Paris 50 tỷ USD, xoá nợ cho Iraq 9 tỷ USD. Kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2006, Nga không còn nợ nần bất kỳ nước nào trên thế giới [52, tr. 380].

Song song với việc phục hồi nền kinh tế thì việc tăng dự trữ quốc gia cũng là vấn đề quan trọng. Nguồn thu chính của Quỹ dự trữ quốc gia của Nga từ trước đến nay vẫn là xuất khẩu dầu khí. Là một trong những quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cung cấp khí đốt cho hầu hết các nước Đông Âu, cùng với việc giá dầu ngày một tăng cao đã mang lại cho nước Nga những khoản thu đáng kể trên, ước tính chiếm khoảng 50% GDP mỗi năm. Tính đến ngày 8 tháng 8 năm 2006, đạt mức 265,6 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Nga đã vượt qua mức của Liên Xô trước đây. Trong năm tháng đầu năm 2007, vàng và ngoại tệ dự trữ của Nga là 403,207 tỷ USD, tăng 99,775 tỷ USD, gấp 1,53 lần so với cùng kỳ năm trước. Chưa bao giờ nước Nga có khoản dự trữ tài chính lớn như hiện nay [64].

Vị trí quốc tế của Nga được cải thiện. Chính nhờ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, tích cực và chú trọng hiệu quả thực tế, Tổng thống V.Putin đã từng bước đưa nước Nga thoát ra khỏi tình thế đứng ngoài lề đời sống quan hệ quốc tế. Nước Nga ngày nay khác hẳn nước Nga của những năm 1990, nó đã tìm lại được chính mình và trở thành một trung tâm quyền lực và kinh tế của thế giới.

Tiếng nói của Liên bang Nga trên trường quốc tế đã bắt đầu có trọng lượng hơn và rõ nét hơn. Nga đã tham gia vào việc tháo gỡ các điểm nóng xung đột trên thế giới như: vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, xung đột ở Trung Đông, chiến tranh ở Iraq,...V.Putin đã dần dần khôi phục lại hình ảnh của một cường quốc.

Với một đường lối đối ngoại linh hoạt phù hợp với thực tiễn, V.Putin đã nhanh chóng xích lại gần được với các nước phương Tây và Mỹ. Mỹ đã nhượng bộ Nga trong một số vấn đề mà động thái đầu tiên là việc kí kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân Start

3. Đây được coi là một thành công nhiều mặt của Nga, đem lại cho Nga hình ảnh một đất nước năng động đang tìm lại vị thế của mình. Đồng thời, nó cũng giúp Nga cắt giảm chi phí bảo quản kho vũ khí hạt nhân mà Nga muốn cắt giảm từ lâu mà không thể đơn phương thực hiện. Mỹ và EU đã thừa nhận Nga có nền kinh tế thị trường. Nga và EU đã kết thúc cuộc đàm phán khó khăn kéo dài nhiều năm qua, mở đường cho Nga gia nhập WTO.

Trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Liên bang Nga ngày 3 tháng 4 năm 2001, Tổng thống V.Putin đã khẳng định rằng, nước Nga giờ đây đã chia tay với thời kỳ


liên miên hỗn loạn và đang là một quốc gia có bầu không khí tương đối yên tĩnh. Matxcơva đã trở thành thủ đô văn minh, hiện đại hơn.

Liên bang Nga cũng chú trọng phát triển các mối quan hệ láng giềng hữu nghị như với SNG, Trung Quốc, Ấn Độ, khối ASEAN... Nga và Trung Quốc đã ký Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác (7-2001), nâng quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới, thúc đẩy quan hệ hai nước. Những mối quan hệ này đã đem lại cho Nga nhiều thuận lợi: quan hệ tốt với SNG, Nga sẽ tạo ra được một tấm lá chắn an toàn bảo vệ mình trước mọi sự nhòm ngó của các lực lượng thù địch. Quan hệ tốt với phương Tây và Mỹ sẽ tạo ra cho Nga một vai trò và vị thế mới trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đem lại cho Nga nguồn ngoại tệ khổng lồ nhờ những hợp đồng cung cấp vũ khí và năng lượng. Quan hệ với khối ASEAN và Việt Nam cũng như với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ tăng cường được ảnh hưởng của Nga... Tất cả những yếu tố trên nếu phát huy tốt hiệu quả của mình sẽ giúp Nga trở thành một cường quốc theo đúng nghĩa của nó.

Quan hệ Nga - ASEAN hiện nay đang trong giai đoạn phát triển nhất. Nga là một trong những người sáng lập ra ARF, là đồng Chủ tịch của các cuộc gặp giữa kỳ của ARF về hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả thiên nhiên (1998-2000), chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (2002-2004). Nga tích cực tham gia vào khóa họp cấp Bộ trưởng hàng năm của ARF. Với tư cách là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nga đã ủng hộ sự phát triển ổn định các giao tiếp giữa SCO và ASEAN nhằm phối hợp hành động giữa hai tổ chức này, tạo thành yếu tố bảo đảm sự ổn định và an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Những thành quả của “nước Nga thời V.Putin” không những được chính những người Nga công nhận mà ngay đến nguyên thủ các nước trên thế giới cũng phải đánh giá cao điều này. Thủ tướng Anh Tony Blair đã từng phát biểu: “nước Nga dưới thời V.Putin đã mạnh lên rất nhiều, khiến thế giới phải tính đến phản ứng của họ trong mọi vấn đề, dù là vấn đề nhỏ nhất” [66]. Tổng thống V.Putin đã giữ được sự cân bằng cho nước Nga, giữa một nước Nga truyền thống và một nước Nga hiện đại, giữa một nước Nga hiện tại và nước Nga trong tương lai.


3.2. Một số thách thức:


Về mặt địa chính trị, Nga đang rơi vào tình thế bị đe dọa từ nhiều phía. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước cộng hoà xung quanh biên giới Nga tuyên bố độc lập, con đường thông thương của Nga ít nhiều bị cản trở, đặc biệt khi những nước rơi vào tầm ảnh hưởng của các thế lực khác. Mặc dù, quan hệ Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập đã được cải thiện rất nhiều, nhưng một vài nước trong khối SNG đang có xu hướng muốn gia nhập NATO và EU. Nga tuy có bờ biển dài nhất thế giới nhưng phần lớn giáp Bắc Băng dương quanh năm đóng băng nên không thuận lợi cho giao thông. Nga chỉ còn hướng duy nhất là đẩy mạnh ảnh hưởng của mình ở Trung Á và các nước vùng Ban-tích. Thế nhưng, các nước vùng Trung Á đang rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc của Mỹ, nhất là sau khi Mỹ giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Afghanistan. Gần đây, khi Mỹ quyết định đặt “lá chắn tên lửa” ở Đông Âu, đã lại đặt Nga vào một tình thế bị đe dọa.

Về quân sự và lực lượng vũ trang: Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã từng là một cường quốc đứng đầu thế giới về quân sự và vũ khí hạt nhân. Khi Liên Xô tan vỡ, Liên bang Nga là nước kế thừa hợp pháp sức mạnh của Liên Xô cũ. Thế nhưng, do sự khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài đã làm cho sức mạnh này bị suy yếu rõ rệt. Kho vũ khí hạt nhân cần rất nhiều chi phí để bảo quản, nhưng tình hình nước Nga lại đang rất khó khăn, do vậy khả năng bị rò rỉ vào tay các lực lượng khủng bố là rất lớn.

Sự suy yếu về lực lượng quân sự của Nga được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống Chechnya. Hiện nay, quân đội Nga vẫn phải duy trì ở Chechnya vì tình hình chưa ổn định, trong khi đó quân ly khai đang thực hiện chiến lược khủng bố và đánh du kích không chỉ nhằm vào quân đội Nga ở Chechnya mà đã tiến thẳng vào Mátxcơva. Quân đội Nga không hiếm khi tỏ ra bất lực trong nhiệm vụ trấn áp các lực lượng ly khai và quân khủng bố.

Vấn đề Chechnya xem ra vẫn là thách thức lớn không chỉ riêng đối với Chính quyền của Tổng thống V.Putin mà sẽ là của cả những người kế nhiệm ông sau này.

Về uy tín quốc tế: Nước Nga trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn chưa cải thiện được tình trạng không có kẻ thù nhưng cũng không có đồng minh tin cậy. Mỹ và các nước phương Tây không ngừng có những hành động chống phá nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước Nga trong khối SNG và cả thế giới.


Quan hệ đồng minh Nga- Bêlarút được chính thức thiết lập từ năm 1999 dưới hình thức “Nhà nước Liên minh Nga- Bêlarút”, nhưng đến nay Nhà nước này vẫn chưa thành hiện thực.

Nhờ những nhượng bộ sau sự kiện 11-9 mà Nga đã thu hẹp được khoảng cách đáng kể đối với Mỹ và phương Tây. Nhưng họ vẫn chỉ coi Nga là đối tác chứ chưa phải là đồng minh. Nga đang bị Mỹ và EU làm khó xung quanh vấn đề hợp tác hạt nhân với Iran. EU đang tiến đến sát biên giới của Nga khi kết nạp một số nước ở Trung và Đông Âu.

Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, V.Putin đã cố gắng để cải thiện mối quan hệ với phương Tây, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại lớn của Nga nhưng mới chỉ có các quan hệ song phương được thiết lập. Còn quan hệ với cả khối vẫn chưa có dấu hiệu gì tiến triển bởi chưa nhận được sự ủng hộ của các thành viên mới đến từ Đông Âu.

Hiện nay, Nga chưa được kết nạp vào Tổ chức thương mại thế giới và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Trong khi đó, EU và NATO không ngừng củng cố và mở rộng đến sát biên giới Nga.

Nga không có khả năng trở thành đối tác hàng đầu của các nước láng giềng gần gũi như Trung Quốc và Ấn Độ. Nga chỉ là một trong những đối tác lớn nhất của những nước này. Điều này do nền kinh tế Nga chưa đủ mạnh. Tình trạng này đã làm suy yếu các mối quan hệ của Nga, trong đó có các mối quan hệ chính trị.

Những khó khăn và thách thức trên đang cản trở con đường lấy lại vị thế cường quốc của Nga. V.Putin cũng thấy rõ được vấn đề này. Trong bản Thông điệp Liên bang gần đây, năm 2007, V.Putin cũng đã lưu ý đến sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế của đất nước không phải bằng việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà phải bằng việc áp dụng những ý tưởng và những phát minh tiên tiến. Ông đặc biệt lưu ý đến việc phát triển những doanh nghiệp nhỏ và vừa vì kinh nghiệm trên thế giới cho thấy ở những nước phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tạo ra sự phát triển bền vững và có chỉ số tăng trưởng cao hơn. Ông đề nghị thành lập các tập đoàn năng lượng lớn có quy mô toàn cầu và coi đó là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển nền kinh tế hiện đại. Đây được coi là những chiến lược nhằm khắc phục tình trạng hiện nay của nước Nga. Và vẫn dựa trên quan điểm sức mạnh kinh tế sẽ góp phần quyết định đến vai trò và vị thế cường


quốc của Liên bang Nga, hy vọng trong nhiệm kỳ của mình Tổng thống V.Putin sẽ làm được điều mà tất cả người dân Nga mong muốn.


3.3. Tác động của chính sách đối ngoại của Liên bang Nga dưới thời Tổng thống V.Putin đối với thế giới và khu vực:

Sự vươn lên của nước Nga trong thời gian qua được coi như là một vấn đề lớn của quốc tế, cho dù sự vận động đó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với thế giới. Ông Richard N. Haass - một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ đã từng quả quyết rằng: “Điều chắc chắn là đường hướng phát triển của nước Nga sẽ là nhân tố chủ chốt quyết định tính chất của thế kỷ XXI cũng như nó đã từng là nhân tố chủ chốt quyết định tính chất của thế kỷ XX” [20, tr. 280].

Với sự phát triển kinh tế đất nước trong những năm vừa qua và khả năng khôi phục địa vị cường quốc của mình, nước Nga đang góp phần vào việc hình thành một trật tự thế giới mới, trật tự thế giới đa cực, giảm dần khả năng hình thành trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu. Trên bình diện thế giới, năm 2007 và đầu năm 2008 đánh dấu bước chuyển biến trật tự thế giới từ đơn cực hình thành sau chiến tranh lạnh sang trật tự thế giới mới đa cực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nga. Tại Hội nghị an ninh Mu-nich nhóm họp vào tháng 2 năm 2007, Tổng thống V.Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực là không thể tồn tại và chúng ta đang chứng kiến sự hình thành trật tự thế giới đa cực. Các quốc gia cần tôn trọng lợi ích của nhau. An ninh của mỗi quốc gia là an ninh của toàn thế giới và an ninh của thế giới là an ninh của từng quốc gia…” [63].

Trong vấn đề này, Nga đã có thêm một số đồng minh, đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Nga và Trung Quốc đồng nhất quan điểm trong việc xây dựng một thế giới đa cực, không chấp nhận một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ thống trị. Ấn Độ cũng quan tâm đến hình thái thế giới đa cực mà trong đó các yếu tố cấu thành có thể cân bằng ảnh hưởng lẫn nhau.

Quan hệ Nga – Mỹ hiện nay mặc dù tồn tại nhiều bất đồng, nhưng như Tổng thống Mỹ G.Bush đã thừa nhận trong Hội nghị thượng đỉnh Bratislava ngày 24 tháng 2 năm 2005:“Chúng tôi không thể lúc nào cũng đồng ý với nhau trong 4 năm qua, nhưng nếu nhìn vào những gì chúng tôi đã thể hiện và những gì chúng tôi muốn hướng tới trong 4 năm tới thì có thể nói sự đồng ý nhiều hơn là bất đồng” [69].

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 26/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí