Chia tài sản chung của vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh - 2

gia đình. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì nhu cầu kinh doanh của các cá nhân trong xã hội là rất cao. Với mục đích để sản xuất kinh doanh riêng không ít các cặp vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để sản xuất kinh doanh riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt nó đáp ứng nhu cầu chính đáng của vợ hoặc chồng trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để sản xuất kinh doanh riêng vừa để đảm bảo nhu cầu về sử dụng vốn trong hoạt động kinh doanh vừa để ngăn chặn những hậu quả rủi ro từ hoạt động sản xuất kinh doanh đó đối với gia đình, đảm bảo cho lợi ích của gia đình.

Hiện nay việc chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm tạo điều kiện cho một bên vợ hoặc chồng sản xuất kinh doanh riêng được tiến hành không ít ở các vùng đô thị, thành phố lớn. Bên cạnh những tác động tích cực của các quy định về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để sản xuất kinh doanh thì thực tiễn thực hiện những quy định trên cũng bộc lộ những bất cập. Đặc biệt là những trường hợp lợi dụng những quy định của pháp luật về vấn đề này để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với người thứ ba hay việc giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện việc yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Điều đó cho thấy cần phải có sự nghiên cứu sâu về vấn đề chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đặc biệt chia tài sản chung để vợ chồng sản xuất kinh doanh riêng, phát hiện những bất cập của các quy định pháp luật để hạn chế những tranh chấp phát sinh mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình.

Đó là lý do mà tác giả lựa chọn đề tài: “Chia tài sản chung của vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh” để nghiên cứu.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Tìm hiểu các quy định của pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, đặc biệt trong việc đáp ứng yêu cầu kinh doanh riêng của vợ hoặc chồng, phát hiện những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình áp dụng những quy định của pháp luật trong thực tiễn chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Từ đó đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Đề tài thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, phân tích, đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong đó chú trọng nghiên cứu việc vận dụng quy định pháp luật về vấn đề này trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng đầu tư kinh doanh riêng.

Thứ hai, phân tích, nhận dạng những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành khi vận dụng những quy định trên trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh riêng của vợ chồng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.

Thứ ba, một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói chung và khi vợ hoặc chồng đầu tư kinh doanh riêng trong mối quan hệ tương thích giữa Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành với các luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Thương mại; Luật Đất đai…

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Chia tài sản chung của vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh - 2

Đối tượng nghiên cứu

- Một số vấn đề lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

- Quy định của pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

- Vấn đề vận dụng những quy định của pháp luật hiện hành về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi một bên vợ hoặc chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực tiễn thực hiện qua một số hình thức đầu tư kinh doanh.

Phạm vi nghiên cứu

Chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để sản xuất kinh doanh ở đây được hiểu là việc vợ chồng chia tài sản chung để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh riêng của mỗi bên. Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận và đi đến thống nhất được việc sử dụng tài sản chung vào việc đầu tư kinh doanh thì họ sẽ thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia để bên có nhu cầu kinh doanh có nguồn vốn riêng phục vụ cho việc kinh doanh. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để tiến hành sản xuất kinh doanh sẽ không được đặt ra trong trường hợp vợ chồng dùng tài sản chung để kinh doanh, hoặc ủy quyền cho một bên đứng ra kinh doanh bằng tài sản chung. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu đề tài của Luận văn, tác giả tập trung đi sâu và phân tích về trường hợp vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh riêng của một bên vợ hoặc chồng. Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong đề tài này được nghiên cứu trên cơ sở Luật HN&GĐ năm 2014 có sự so sánh với Luật HN&GĐ năm 2000 để đánh giá những điểm mới, tiến bộ hơn của những quy định pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Về thực tiễn thực hiện, do Luật HN&GĐ năm 2014 mới có hiệu lực, việc thực hiện trong thực tế chưa có nên thực tiễn thực hiện được xem xét nghiên cứu trên cơ sở vận dụng các quy định về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo Luật HN&GĐ năm 2000. Trong phạm vi đề tài tác giả chỉ tập trung nghiên cứu những quy định của pháp luật hiện hành về

chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích sản xuất kinh doanh riêng, cũng như việc vận dụng những quy định đó trên thực tiễn qua một số hình thức đầu tư kinh doanh của vợ chồng. Đồng thời nghiên cứu và làm rõ những hệ quả pháp lý của các hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp vợ, chồng lựa chọn khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đề tài nghiên cứu việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để vợ hoặc chồng kinh doanh riêng trong việc góp vốn để thành lập hoặc tham gia quản lý một số loại hình Doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 như: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty TNHH; Công ty Cổ phần hoặc Công ty Hợp danh.

4. Tình hình nghiên cứu đề tài

Trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu liên quan đến tài sản chung của vợ chồng và chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Các công trình là Luận văn, Luận án gồm có: Nguyễn Văn Cừ (2005),

Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội; Nguyễn Hồng Hải (2002), Xác định chế độ tài sản của vợ chồng - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học luật Hà Nội; Nguyễn Thị Hạnh (2012), Chia tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam. Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện. Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội; Phạm Hồng Minh Hoàng (2013), Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội; Trần Đức Hoài (2006), Một số vấn đề về tài sản vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Một số bài viết trên các báo, tạp chí chuyên ngành Luật như: Ngô Thị

Hường, “Đăng ký quyền sở hữu tài sản và việc xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng”, Tạp chí Luật học số 10/2008; Nguyễn Phương Lan (2002), “Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, Tạp chí Luật học số 6/2002;

Các công trình kể trên hầu như các tác giả đã đề cập đến chế độ tài sản của vợ chồng và vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo Luật HN&GĐ năm 2000. Luận văn của tác giả Trần Đức Hoài nói về tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại không nói về chia tài sản chung của vợ chồng nhằm mục đích sản xuất kinh doanh riêng. Một số công trình cũng đã dẫn chiếu, liên hệ thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên các đề tài trên chưa nói đến các quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng các quy định đó cũng như hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích sản xuất kinh doanh riêng. Do đó, với đề tài mà tác giả lựa chọn và nghiên cứu là “Chia tài sản chung vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh” có nội dung hoàn toàn mới và không có sự trùng lặp với các đề tài đã nghiên cứu.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

- Việc nghiên cứu những nội dung của đề tài dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin với phép duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, gắn với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và Pháp luật nói chung và trong lĩnh vực pháp luật Hôn nhân và gia đình nói riêng.

- Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh để nghiên cứu đề tài.

6. Điểm mới của đề tài

Luận văn có điểm mới nhất định, bên cạnh việc hệ thống hóa và phân tích những khái niệm, đặc điểm của vấn đề chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ

hôn nhân, luận văn đi sâu làm rõ trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để một bên vợ hoặc chồng sản xuất kinh doanh riêng.

Điểm mới cơ bản của luận văn là phân tích việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích để vợ chồng có vốn phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh riêng. Trên cơ sở đó luận văn xem xét, nghiên cứu các trường hợp đầu tư kinh doanh riêng trực tiếp của vợ chồng trong một số loại hình doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Hợp danh hay Doanh nghiệp tư nhân và những hệ quả pháp lý của các hoạt động sản xuất kinh doanh đó đối với vợ, chồng, đối với gia đình cũng như cách giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng.

Từ việc phân tích những nội dung trên luận văn đã nêu lên được những quy định chưa phù hợp, những hạn chế còn tồn tại của pháp luật hiện hành về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, vận dụng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng sản xuất kinh doanh riêng ở cả góc độ lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó luận văn kiến nghị một số giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và góp phần hoàn thiện những quy định của pháp luật về vấn đề này.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài phần Mở đầu; Kết luận; Danh mục tài liệu tham khảo và Mục lục thì nội dung của luận văn gồm ba chương:

Chương 1. Một số vấn đề lý luận về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Chương 2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để vợ chồng sản xuất kinh doanh riêng.

Chương 3: Những vướng mắc, bất cập trong việc vận dụng pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để hoạt động sản xuất kinh doanh riêng và một số kiến nghị.

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN


1.1. Khái niệm chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản chung của vợ chồng

Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng phát sinh, tồn tại cùng với sự phát sinh và tồn tại của quan hệ hôn nhân. Tài sản của vợ chồng là một phạm trù pháp lý gắn với quyền sở hữu của vợ chồng. Xuất phát từ tính chất của quan hệ hôn nhân là cùng chung ý chí, chung công sức trong việc xây dựng gia đình, đảm bảo cho gia đình thực hiện tốt các chức năng xã hội của nó như: chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình, phát triển kinh tế… nên pháp luật quy định giữa vợ chồng phát sinh tài sản thuộc sở hữu chung. Chế độ tài sản chung của vợ chồng được quy định tại các điều 33, 34 Luật HN&GĐ năm 2014, theo đó:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung [36, Điều 33].

Tài sản chung của vợ chồng dùng để đáp ứng các nhu cầu chung của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định của BLDS và Luật HN&GĐ thì sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Sự đóng góp công sức của vợ chồng vào việc xây dựng khối tài sản chung có thể không ngang nhau nhưng quyền sở hữu của họ đối với tài sản chung vẫn ngang nhau. Tài sản chung của vợ chồng không nhất thiết phải do công sức của cả hai vợ chồng mà có thể chỉ do vợ hoặc chồng làm ra hoặc là thu nhập hợp pháp của một trong hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân một bên hoặc cả hai vợ chồng trực tiếp bỏ công sức để tạo ra tài sản hoặc tham gia và trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh và có thu nhập thì tài sản và thu nhập đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời những tài sản vợ chồng được tặng cho chung hoặc thừa kế chung cũng được coi là tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, khi chủ sở hữu tài sản chuyển quyền sở hữu tài sản của họ cho vợ chồng bằng hợp đồng tặng cho tài sản hoặc theo di chúc thì vợ chồng được xác lập quyền sở hữu với tài sản được tặng cho hoặc được thừa kế. Tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ chồng có thể phát sinh hoa lợi, lợi tức. Đó là các sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại hoặc là các khoản thu được từ việc khai thác tài sản. Theo pháp luật hiện hành, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là tài sản chung, trừ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia từ khối tài sản chung của vợ chồng là tài sản riêng. Ngoài ra, tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân còn được xác lập từ những thu nhập hợp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022