nhận được cấp dưỡng của người kia. Thậm chí có những bản án phần quyết định chỉ ghi “chấp nhận sự thoả thuận của các bên về vấn đề con chung và tài sản chung” chứ không ghi được thoả thuận cụ thể của các bên như thế nào. Chúng tôi thiết nghĩ vấn đề cấp dưỡng trong những trường hợp này hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy tại Điều 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ- HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì qui định rất rõ cách thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn: “Theo qui định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của cha, mẹ đối với con sau ly hôn. Do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con vì lý do nào đó Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con” [44, tr. 65-66].
Cha mẹ cấp dưỡng cho con ngoài dã thú: Pháp luật qui định các con đều có quyền bình đẳng với nhau trong việc được cha mẹ cấp dưỡng. Do đó con đẻ, con nuôi, con trong hôn nhân, con ngoài dã thú đều được nhận phần cấp dưỡng của cha mẹ như nhau. Qui định này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ là Nhà nước và xã hội không phân biệt đối xử giữa các con. Đây là một bước tiến bộ vượt bậc của chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa so với chế độ HN&GĐ phong kiến. Thông thường khi cha mẹ tự nguyện nhận con tại Ủy ban nhân dân thì người được khai là cha mẹ của con ngoài dã thú có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, nếu không trực tiếp chung sống với con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ
cấp dưỡng cho con thì người đại diện hợp pháp của con hoặc Hội phụ nữ, Ủy ban dân số và gia đình nơi con cư trú có quyền yêu cầu Toà án buộc người cha mẹ phải cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp Toà án xác định cha mẹ cho con ngoài giá thú thì trong bản án Toà án phải tuyên rõ người không chung sống với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Ví dụ: Tại bản án số 05/DSLH ngày 17/04/2005 của Toà án nhân dân thành phố Vinh giải quyết việc xác định cha cho con giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Phi Nga và bị đơn là anh Lê Anh Tuấn. Căn cứ vào lời khai của chị Nga và sự thừa nhận của anh Tuấn Toà án xác định cháu Lê Tuấn Hải sinh ngày 05/07/1996 là con của anh Tuấn. Anh Tuấn xin được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Hải nhưng nguyện vọng của cháu Hải là được sống với Mẹ nên Toà án nhân dân thành Phố Vinh đã giao cháu Hải cho chị Nga trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và anh Tuấn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Hải 300.000 đồng/tháng kể từ ngày bản án xét xử sơ thẩm có hiệu lực đến khi cháu tròn 18 tuổi. Trong trường hợp Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật hoặc tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng nhưng trên nguyên tắc quan hệ giữa cha mẹ và con không phụ thuộc vào việc cha mẹ có tồn tại hôn nhân hợp pháp hay không. Vì vậy việc Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật, nếu hai bên chung sống đã có con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nên trong bản án phải có quyết định về việc giao con cho ai nuôi và bên không trực tiếp nuôi dưỡng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Cũng có rất nhiều trường hợp do điều kiện công tác mà cả cha và mẹ đều không trực tiếp nuôi dưỡng con mà phải gửi con cho người khác trông giữ thì cả cha và mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bằng cách đóng góp tiền để người trực tiếp nuôi dưỡng nuôi con. Đối với trường hợp này các bên cha mẹ tự nguyện
thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên yêu cầu cấp dưỡng cho con tại Toà án là rất hiếm.
Trên thực tế xẩy ra trường hợp con riêng chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình có quyền yêu cầu bố dượng mẹ kế cấp dưỡng cho mình trong trường hợp các đương sự sống chung và bố dượng mẹ kế không thực hiện nghĩa vụ nuôi dương. Thế nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng con riêng còn có Bố hoặc mẹ ruột của mình vì vậy con riêng cũng phải yêu cầu Bố, mẹ ruột của mình cấp dưỡng cho mình do mình không sống với bố mẹ ruột.
Trường hợp thứ hai con cấp dưỡng cho cha mẹ:
Có thể bạn quan tâm!
- Phương Thức Cấp Dưỡng Và Mức Cấp Dưỡng
- Chế định cấp dưỡng trong pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 7
- Các Trường Hợp Cấp Dưỡng Cụ Thể
- Quan Hệ Cấp Dưỡng Giữa Vợ Và Chồng
- Thực Trạng Thi Hành Pháp Luật Về Cấp Dưỡng Và Những Nguyên Nhân Của Nó
- Chế định cấp dưỡng trong pháp luật hôn nhân và gia đình năm 2000 - 12
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu ca dao trên đã cho chúng ta thấy được công lao trời biển của cha mẹ đối với con. Do đó việc qui định nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ là cần thiết và quan trọng. Xác định được điều đó Điều 35 Luật HN&GĐ năm 2000 qui định: “Con có bổn phận yêu quí, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh phẩm, truyền thống tốt đẹp của gia đình”. Bên cạnh đó Điều 57 Luật HNGĐ năm 2000 lại qui định thêm: “Con đã thành niên không chung sống với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình” Như vậy theo tinh thần của điều luật thì việc nuôi dưỡng cha mẹ không chỉ là bổn phận của con đối với cha mẹ mà còn là một nghĩa vụ pháp lý của mọi người con đối với mọi cha mẹ của mình không kể con chung sống hay không chung sống với cha mẹ. Về nguyên tắc mọi con đều có nghĩa vụ và quyền như nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, bệnh tật…. Cấu trúc gia đình
ngày xưa là: Ngũ đại đồng đường, Tứ đại đồng đường, Tam đại đồng đường, song ngày nay do sự tác động của cơ chế thị trường cùng với sự hội nhập toàn cầu hoá trên mọi phương diện nên cấu trúc gia đình có sự thay đổi đáng kể hiện nay chỉ tồn tại hình thức gia đình hạt nhân gồm hai thế hệ: Cha mẹ và con sống chung. Nhưng thực tế cha mẹ chỉ sống chung với con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng chưa kết hôn. Khi kết hôn một phần do hoạt động nghề nghiệp, một phần thích cuộc sống tự do nên phần lớn con đã tách khỏi cha mẹ để sống riêng. Như vậy theo tinh thần của điều luật thì con đã thành niên và có khả năng lao động không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ và ngược lại con chưa thành niên, chưa có tài sản riêng hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ. Điều đó có nghĩa không phải tất cả mọi người con đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ. Tuy nhiên con chưa thành niên nhưng đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có tài sản riêng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ mặc dù pháp luật không qui định họ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình. Nhưng nếu không sống chung cùng cha mẹ để trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ thì những người này phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ theo khả năng của mình.
Một vấn đề mà các nhà làm luật quan tâm đó là con riêng sống chung với bố dượng, mẹ kế nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì có phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố dượng, mẹ kế hay không? Theo qui định tại khoản 2 Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2000 thì: “Con riêng có nghĩa vụ và quyền chăm sóc nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế cùng chung sống với mình theo qui định của Luật HN&GĐ”. Tại Điều 51 Luật HN&GĐ lại qui định “Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng”. Từ những chỉ dẫn của những điều luật
trên chúng ta có thể kết luận rằng con riêng sống chung với bố dượng, mẹ kế nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì có phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố dượng, mẹ kế. Đó cũng là lẽ đương nhiên và hoàn toàn phù hợp với đạo lý của người Việt Nam bởi vì bố dượng, mẹ kế sống chung với con riêng của vợ hoặc chồng từ khi con còn bé, họ đã chăm sóc, nuôi dưỡng người con đó như chính con đẻ của mình. Vì vậy khi người con đã đến tuổi trưởng thành và có khả năng lao động thì phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế khi họ sống chung với mình. Nếu bố dượng, mẹ kế không có tài sản để tự nuôi mình mà con riêng thờ ơ, lẩn tránh việc chăm sóc cho các nhu cầu thiết yếu của bố dượng, mẹ kế thì cấp dưỡng theo qui định của pháp luật.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ thường do các con tự nguyện thoả thuận với nhau. Trường hợp con đón cha mẹ về nuôi thì nghĩa vụ cấp dưỡng được chuyển thành nghĩa vụ nuôi dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt khi cha mẹ có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình hoặc khi cha mẹ chết.
Như vậy pháp luật qui định cha mẹ và con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau. Cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong việc cấp dưỡng cho con và ngược lại các con cũng có nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong việc cấp dưỡng cho cha mẹ. Nếu cha mẹ có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và cùng nhau thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tuỳ theo khả năng của mình.
2.2.2. Quan hệ cấp dưỡng giữa anh, chị - em
Anh chị em là những người cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Đây là những người có quan hệ huyết thống thân thuộc. Giữa anh chị em có một tình cảm mà không gì thay thế được đó là tình cảm máu mủ
ruột thịt “máu chảy ruột mềm”. Anh chị em như các bộ phận không thể thiếu trong cơ thể một con người.
“ Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Theo truyền thống của gia đình Việt Nam, anh chị em khi còn nhỏ được sống cùng cha mẹ và được cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng. Khi trưởng thành xây dựng gia đình và tách khỏi bố mẹ nhưng sự gắn kết giữa các anh chị em về tình cảm và trách nhiệm là hết sức chặt chẽ và bền lâu. Họ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Trên cơ sở đó mà Luật HN&GĐ năm 2000 qui định: “Anh chị em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom giáo dục con” [24, tr.28] và “Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi sống mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi sống mình (Điều 58 Luật HN&GĐ năm 2000).
Qua điều luật trên cho thấy nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên đây phải được hiểu là một nghĩa vụ cấp dưỡng bổ sung khi người được cấp dưỡng không nhận được sự cấp dưỡng từ cha mẹ - con hoặc vợ - chồng của chính người đó. Điều đó có nghĩa là vợ chồng hoặc cha mẹ - con của họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho họ nhưng nếu vợ chồng hoặc cha mẹ - con của họ không còn hoặc không có khả năng nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng thì lúc đó mới áp dụng các qui định về cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau. Bởi vì theo qui định của Điều 679 BLDS 1995 thì cha mẹ - con, vợ - chồng là những người thuộc hàng thừa
kế thứ nhất, anh chị - em thuộc hàng thừa kế thứ hai. Do dó nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị - em chỉ xuất hiện khi có các điều kiện như sau:
- Cha mẹ không còn hoặc không có khả năng cấp dưỡng.
- Người được cấp dưỡng là anh chị em chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Người phải cấp dưỡng là người đã thành niên và có điều kiện, tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Với mục đích nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người em chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng tàn tật không có khả năng lao động nên quan hệ cấp dưỡng giữa anh chị em xuất hiện từ thời điểm có các sự kiện pháp lý xẩy ra như: cha mẹ chết, anh chị em bị tàn tật và quan hệ cấp dưỡng này chấm dứt khi một trong hai bên chết hoặc người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi, có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình. Trong trường hợp anh chị em không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền như: Ủy ban dân số gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ giúp đỡ.
Trong quan hệ cấp dưỡng giữa anh chị em có thể xẩy ra trường hợp một số các anh chị em cần cấp dưỡng trong khi đó lại có nhiều người khác có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đối với trường hợp này có thể khẳng định rằng các anh chị em của người đó cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng và mỗi người phải cấp dưỡng tuỳ theo khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Ngược lại có trường hợp một người phải cấp dưỡng cho nhiều người là anh chị em của mình. Đối với trường hợp này thì khả năng cấp dưỡng của người này được chia cho tất cả những người được cấp dưỡng. Tuy nhiên mức cấp dưỡng cho mỗi người là khác nhau sao cho phù hợp với khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng.
Trên thực tế các vụ kiện cấp dưỡng giữa anh chi em tại các Toà là rất ít. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nghĩa vụ này đã được thực hiện dựa trên sự tự nguyện và thoả thuận của các bên. Khi có anh chị em cần nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng thì những người khác tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình với tình cảm gắn bó, chia sẻ, đùm bọc. Nếu người có khả năng nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng nhưng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ bị dư luận xã hội lên án.
2.2.3. Quan hệ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu
Ở Việt Nam hiện nay cơ cấu gia đình 3 thế hệ là tương đối phổ biến. Gia đình thường có ông bà, cha mẹ và thế hệ thứ ba là con (cháu). Ông bà là những thành viên cao tuổi trong gia đình, những người có nhiều kinh nghiệm sống và là người luôn được mọi người trong gia đình kính trọng nhất. Ông bà và cháu là những người cùng dòng máu về trực hệ. Trong gia đình ông bà nội và ông bà ngoại đều có vai trò như nhau trong quan hệ với cháu. Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2000 qui định: “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không còn người nuôi dưỡng theo qui định tại Điều 48 của luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại”. Đây là cơ sở pháp lý làm xuất hiện quan hệ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu ở Điều 59 như sau: “Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không còn người nuôi dưỡng theo qui định tại Điều 58 của luật này.