BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------
PHẠM MAI PHONG
CHẤT ĐỒNG QUÊ TRONG THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
(Qua thơ lục bát Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn)
Chuyên ngành : Lý luận văn học
Có thể bạn quan tâm!
- Chất đồng quê trong thơ lục bát Việt Nam hiện đại Qua thơ lục bát Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn - 2
- Lục Bát Từ Cuối Thế Kỉ Xv Đến Trước Truyện Kiều.
- Chất Đồng Quê, Một Đặc Điểm Tạo Nên Bí Quyết Sinh Tồn Của Thể Thơ Lục Bát.
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
Mã số : 60.22.32
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC NGỮ VĂN
1
Hà Nội - 2008
PHẦN MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Về thơ lục bát Việt Nam hiện đại:
Từ lâu, thơ lục bát đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn và cả lối sống của người Việt Nam ta. Có thể nói, với mỗi người dân Việt, ít ai là không biết đến thơ lục bát như một điều bình dị và thân thuộc nhất. Nếu không là những vần thơ lục bát hiện đại với nhiều cách tân thì cũng là đôi ba câu Kiều, một vài câu ca dao. Chí ít cũng là những lời ru trong câu hát của bà, của mẹ.
Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Nó đi trên sợi dây ranh giới, giữa một bên là những câu ca dao mượt mà, những thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là những câu vè mang đậm âm điệu ngôn ngữ sinh hoạt. Đánh giá về thơ lục bát, nhà thơ Nguyễn Đình Thi gọi lục bát là hơi thở của người Việt. Còn nhà văn Nguyễn Tuân lại lấy thơ lục bát làm tiêu chuẩn đánh giá tài năng của một nhà thơ Việt: “Anh là nhà thơ Việt Nam ư? Vậy hãy chiềng ra cho tôi mấy câu lục bát của anh, tôi sẽ nói cho anh ngay anh là hạng thi sĩ như thế nào”. Qua đó, đủ để thấy rằng, thơ lục bát có vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống và trong văn học Việt Nam.
Sở dĩ thơ lục bát có vai trò quan trọng như vậy, ấy là bởi thể thơ này mang đậm điệu tâm hồn Việt. Hiện nay, trong xu hướng hiện đại hoá và sự chuyển mình nhanh chóng của xã hội, thơ lục bát vẫn có một tiếng nói riêng, là “đứa con cưng” của nền văn học nước nhà. Một trong những giá trị làm nên điệu tâm hồn Việt của thể thơ này, đó chính là chất đồng quê đậm đà vẫn không ngừng chảy trong lòng thể loại.
Trong văn học Việt Nam, đã xuất hiện cả một dòng thơ đồng quê có được nhiều thành tựu đáng quí, đặc biệt là ở thể thơ lục bát. Tuy nhiên, văn học luôn vận động, phát triển theo những qui luật riêng của nó bên cạnh sự tác động của các yếu tố thời đại. Thơ đồng quê cũng không nằm ngoài những qui luật ấy. Do vậy, tìm hiểu về chất đồng quê trong một thể thơ đặc trưng cho tâm hồn Việt qua những thời kì, giai đoạn khác nhau luôn là một yêu cầu cấp thiết.
Về Nguyễn Duy
Nguyễn Duy, tên thật là Nguyễn Duy Nhụê, sinh năm 1948. Nguyễn Duy đến với làng thơ Việt Nam từ những năm đất nước còn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông đã góp một tiếng nói quan trọng làm nên diện mạo riêng của một thế hệ thơ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hoà mình vào cuộc chiến đấu của dân tộc, Nguyễn Duy đã cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị và được công chúng nhiệt liệt đón chào.
Chiến tranh kết thúc, trở về với đời thường, bước vào cuộc sống mới, với mỗi người chiến sĩ, mỗi nhà văn quả không phải là điều đơn giản. Nhiều người trong số đó đã không tìm được lẽ sống và cảm hứng sáng tác, trở nên lạc lõng giữa đời thường. Nhưng với Nguyễn Duy lại khác, ông đã có nhiều sáng tạo, đổi mới chứng tỏ được bút lực dồi dào của mình. Nhiều tập thơ có giá trị sâu sắc tiếp tục được nhà thơ hoàn thiện. Năm 1997, bằng một cuộc triển lãm thơ, Nguyễn Duy đã tuyên bố ngừng sự nghiệp sáng tác thơ ca của mình. Tuy nhiên, theo thời gian, sức sống của thơ Nguyễn Duy dường như mỗi lúc một mãnh liệt và toả sáng, được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt hơn.
Nguyễn Duy làm thơ với nhiều thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu và thành công hơn cả vẫn là thơ lục bát. Nhiều câu thơ, bài thơ lục bát của ông đã trở nên quen thuộc như tiếng lòng vọng về từ thuở xa xưa. Vậy điều gì đã làm nên những thành công của thơ Nguyễn Duy? Đó là tài năng, sự nỗ lực không ngừng của tác giả hay một yếu tố nào khác? Dĩ nhiên, một yếu tố đơn lẻ sẽ khó có thể nói lên môt điều gì. Tuy nhiên, trong số các yếu tố đó, sẽ rất thiếu xót nếu chúng ta bỏ qua chất đồng quê như một sức sống tiềm ẩn trong thơ Nguyễn Duy. Những hương vị đồng nội, những hình ảnh quê mùa, những phẩm chất mộc mạc đáng mến dường như đã ngấm sâu vào cảm thức của nhà thơ. Chất đồng quê ấy đã theo chân tác giả trải qua những năm tháng chiến tranh, để rồi lại theo tác giả trở về lại với đời thường, bật lên những tiếng thơ sao xuyến lòng người. Đi sâu tìm hiểu về chất đồng quê trong thơ Nguyễn Duy sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về nhà thơ này. Đồng thời, phần
nào thấy rõ hơn về một đặc điểm quan trọng của thơ lục bát Việt Nam hiện đại.
Đồng Đức Bốn và chất đồng quê trong thơ ông
Đồng Đức Bốn nổi lên như một hiện tượng lạ trong làng thơ Việt Nam. Giữa lúc mà mọi người cứ ngỡ thơ lục bát sau Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Duy…khó có thể có thêm thành tựu và chỗ đứng thì giọng thơ Đồng Đức Bốn cất lên như tiếng của “chim mỏ vàng” hót trong “hoa cỏ độc”. Là kẻ đến sau, nhưng Đồng Đức Bốn lại mạnh dạn và liều lĩnh đến mức dám chen chân vào mảng thơ lục bát về đồng quê, chỗ tưởng như các tác giả trước đó đã gặt hái hết những thành tựu có thể có được. Nhưng cũng chính cái sự khác người ấy đã góp phần tạo nên một Đồng Đức Bốn đầy cá tính với phong cách riêng giữa lòng thời đại.
Đồng Đức Bốn sinh năm 1948, cùng trang lứa với nhà thơ Nguyễn Duy, nhưng ông bước vào làng thơ Việt muộn hơn, chỉ khoảng chục năm cuối của cuộc đời. Đồng Đức Bốn vội vã ra đi vào ngày 14/02/2006, giữa lúc hồn thơ vẫn đang dạt dào sức sống. Dẫu biết rằng thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, Đồng Đức Bốn vẫn tìm đến thể thơ này như một định mệnh. Chính ông cũng đã nhiều lần ý thức được điều đó trong thơ mình:
Tôi còn nợ những người mong Bài thơ lục bát viết trong cõi buồn”
(Tôi không thể chết được đâu) Đi giữa hai dòng chảy, một bên là những miền quê bình dị, chất phác với một bên là những thành thị đang trong quá trình đô thị hoá và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Đồng Đức Bốn đã cho ra đời nhiều bài thơ đậm đà hương vị đồng quê. Chất đồng quê chính là nguồn nhựa sống quí báu nhất nuôi dưỡng hồn thơ Đồng Đức Bốn. Nếu không có nguồn nhựa sống này, thơ Đồng Đức Bốn sẽ trở nên mờ nhạt giữa làng thơ Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, thay da đổi thịt. Có thể nói, đến Đồng Đức Bốn, thơ lục bát thêm một lần nữa khẳng định được vị trí và sức sống lâu bền của mình. Tìm hiểu về
chất đồng quê trong thơ lục bát Viêt Nam từ quá khứ tới hiện tại sẽ trở nên rất khó khăn, thiếu sót nếu như chúng ta bỏ qua thơ lục bát của Đồng Đức Bốn.
Văn hoá làng xã, những giá trị truyền thống của làng quê, cảnh sắc đồng quê in đậm trong thơ ca Việt là những nhân tố quan trọng tạo nên tính dân tộc, bản sắc dân tộc của nền văn học nước nhà. Vì vậy, đi vào tìm hiểu đề tài: Chất đồng quê trong thơ lục bát Việt Nam hiện đại (Qua thơ lục bát Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn) là một yêu cầu cấp thiết để làm rõ hơn đặc điểm thể loại của thơ lục bát, thấy rõ hơn giá trị thơ ca Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn cũng như sự đóng góp của họ cho văn học nước nhà. Đồng thời, công việc này cũng khẳng định thêm một lần nữa những giá trị đặc trưng của thơ ca dân tộc Việt Nam.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Để thấy rõ hơn quá trình phát triển và đánh giá giá trị của thơ lục bát nói chung cũng như thơ lục bát Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn nói riêng, chúng tôi đi vào lược khảo vấn đề nghiên cứu theo từng tiêu chí cụ thể như sau:
2.1. Các công trình nghiên cứu liên quan tới chất đồng quê trong thơ Việt Nam hiện đại
Cho đến nay, công việc nghiên cứu về dòng thơ đồng quê ở mức độ khái quát với những tác giả chính, những thi phẩm tiêu biểu vẫn là một công việc còn bỏ ngỏ, đòi hỏi sự góp sức của nhiều nhà khoa học, nhiều học giả. Tuy nhiên, nghiên cứu về chất đồng quê trong thơ của một tác giả cụ thể hoặc một số tác giả trong thế đối sánh với nhau thì đã có khá nhiều bài viết, nhiều công trình có giá trị.
Khởi đầu cho công việc này, có thể kể đến Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Những bài nghiên cứu, thẩm bình về các tác phẩm của các tác giả Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân đã bước đầu bắt được cái thần, cái hồn đồng quê trong thơ các tác giả này. Khẳng định được vị thế của thơ lục bát cũng như chất đồng quê trong thơ mỗi người, chỉ ra được nét khác biệt, bản sắc riêng của mỗi nhà thơ dù họ cùng đi chung trên một con đường (47).
Tiếp sau Thi nhân Việt Nam, có rất nhiều các công trình nghiên cứu, các bài viết về chất đồng quê trong thơ các tác giả riêng lẻ. Đặc biệt là về Nguyễn Bính, người được coi là chủ soái của dòng thơ đồng quê. Trong cuốn Nguyễn Bính-thơ và đời, nhà văn Tô Hoài có nhận xét: “Khi nào anh cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đồng quê là cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ nguyễn Bính”(5).
Năm 1995, giáo sư Hà Minh Đức cho ra mắt cuốn Nguyễn Bính- thi sĩ của đồng quê. Phần thứ nhất của cuốn sách được coi là một chuyên luận có giá trị cao. Giáo sư đánh giá: “Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê. Con người và cảnh vật làng quê thấm đượm hồn quê” (13). Cuốn sách đã tìm hiểu khá hệ thống về chất đồng quê trong thơ của tác giả Nguyễn Bính.
Tác giả Đoàn Đức Phương hoàn thành luận án tiến sĩ về thơ Nguyễn Bính vào năm 1997. Luận án đã nhìn nhận Nguyễn Bính đầy đặn hơn với một cái “tôi” đầy bản sắc đồng quê trong phong trào thơ mới (38). Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn cũng cho ra mắt cuốn sách Ba đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu-Nguyễn Bính-Hàn Mặc Tử. Tác giả đã đặt Nguyễn Bính trong thế đối sánh với hai nhà thơ mới tiêu biểu là Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, qua đó khẳng định “lời thơ Nguyễn Bính là lời Việt trong vẻ đẹp chân quê” và “nhuyễn lề lối quê ”... (43).
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính, còn có các bài viết về chất đồng quê trong thơ của các tác giả khác. Vũ Quần Phương trong cuốn Thơ với lời bình có bài viết về bài thơ Chiều xuân của nhà thơ Anh Thơ. Tác giả nhận ra rằng, Anh Thơ “sống ở quê từ tấm bé, những cảnh sắc quê hương thấm vào chị từ tuổi thơ, nên chị mới diễn đạt cảnh quê bằng nhiều sắc thái và chân thật đến thế” (40). Vẫn viết về thi phẩm này, học giả Lê Quang Hưng trong cuốn Tinh hoa thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm lại nhận định: “nữ sĩ đã làm dịu tâm hồn người đọc bằng cách đưa họ về với những bức tranh quê yên bình”. Còn về bài Quê hương của Tế Hanh, Lê Quang Hưng lại nhìn
thấy chất đồng quê của một “làng quê làm nghề chài lưới ở miền Trung Trung Bộ với cuộc sống lao động vất vả mà đầy chất thơ”(24).
Ngoài các bài viết, các công trình nghiên cứu trên đây, còn có nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu khác. Đó đều là những công trình mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc, ít nhiều đề cập tới chất đồng quê trong thơ Việt Nam hiện đại.
2.2. Các công trình nghiên cứu về tác giả Nguyễn Duy
Nguyễn Duy xuất hiện trên văn đàn và mang đến một tiếng nói riêng đầy bản sắc, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả. Đã có khá nhiều bài viết thẩm bình, đánh giá về thơ ông. Mỗi công trình nhìn nhận thơ Nguyễn Duy từ một phương diện khác nhau, một khía cạnh nào đó trong đời thơ của ông. Để thấy rõ hơn quá trình thẩm bình, đánh giá đó, luận văn chủ yếu đi vào khảo sát các công trình nghiên cứu liên quan tới chất đồng quê trong thơ lục bát Nguyễn Duy.
Năm 1972, những bài thơ đăng báo lần đầu của Nguyễn Duy đã thu hút được sự chú ý của Hoài Thanh. Bằng cảm nhận tinh tế, sắc sảo, ông đã nhận ra vị quê mùa đằm thắm, chân chất trong thơ Nguyễn Duy, “quen thuộc mà không nhàm”, là “khúc dân ca” vùng “đồng bằng miền Bắc đã cùng anh đi vào giữa đỉnh Trường Sơn”. Chất thơ đó “nhẹ nhàng hiền hậu”, “rất Việt Nam mà chúng ta vẫn giữ nguyên trong thử lửa”. Hoài Thanh cũng chỉ ra một số hạn chế ở thơ Nguyễn Duy, “câu thơ anh còn nhiều khi khắc khổ, cầu kì rắc rối”, “chưa học được nhiều cái giản dị, cái trong sáng của thơ ca dân gian” (46). Dĩ nhiên, những thiếu sót này đã được Nguyễn Duy khắc phục ở những bài thơ tiếp sau. Như vậy, ngay từ những bài thơ đầu tiên trình làng, chất đồng quê đã hiện diện trong thơ Nguyễn Duy.
Giáo sư Hà Minh Đức trong bài viết Về một số cây bút trẻ gần đây trong quân đội nhận xét: “Thơ Nguyễn Duy mang nhiều màu sắc dân gian. Cách suy nghĩ và cảm xúc trên trực tiếp hay gián tiếp nằm trong mạch suy nghĩ quen thuộc của dân gian”, “anh chú ý nhiều đến thể lục bát, đến sự mềm mại, nhịp nhàng của các làn điệu dân ca” (15). Cũng về thơ lục bát, Lê Quang
Trang nhận ra đây là thế mạnh của Nguyễn Duy: “anh vốn là người sở trường về sử dụng thơ lục bát- một thể thơ có phần tĩnh và biến hoá không nhiều” (54).
Nhà thơ Tế Hanh, với tâm hồn nhạy cảm luôn gắn bó với quê hương đã cảm nhận sâu sắc về hồn quê, tình quê trong thơ Nguyễn Duy: “Một điểm đáng chú ý nữa là thơ Nguyễn Duy nói về ruộng đồng dù đó là Thanh Hoá quê anh hay Cà Mau quê bạn, có cái gì đó rất tha thiết” (19).
Trên tạp chí văn học số 3 năm 1986, Lê Quang Hưng có bài viết Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng đã nói: “Những bài thơ lục bát trong Ánh trăng thật đậm đà chất ca dao, nhiều đoạn thơ lục bát nhuần nhụy ngọt ngào khiến cho người ta khó phân biệt được đấy là ca dao hay thơ” (25).
Năm 1987, nhân đọc Ánh trăng, Lại Nguyên Ân đã đối chiếu với lục bát truyền thống, cảm nhận về hơi hướng đồng quê trong thơ Nguyễn Duy. Tác giả đã chỉ ra sự mới mẻ, phá cách của Nguyễn Duy so với truyến thống trên cơ sở của sự kế thừa, “ngay cả những bài thơ lục bát, ta cũng thấy có cái gì đó bên trong như muốn cãi lại vẻ êm nhẹ, mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống” (2).
Tìm hiểu về thơ Nguyễn Duy, khó có thể bỏ qua mảng thơ lục bát đậm đà chất đồng quê của ông, vì đây là tác giả “vốn có ưu thế trội hẳn lên trong thể thơ lục bát, loại thơ ngỡ như dễ làm, ai cũng làm được, nhưng để đạt tới hay thì khó thay. Thơ lục bát của Nguyễn Duy không rơi vào tình trạng quen tay, nó có sự biến đổi, chuyển động trong câu chữ”. Lời nhận xét đó trong bài viết Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy của nhà văn Nguyễn Quang Sáng quả là tinh tế. Ông nhấn mạnh thêm, Nguyễn Duy có “khả năng nắm bắt cái thần, cái hồn của mỗi làng quê”, “lời thơ đơn sơ, gần với khẩu ngữ. tư duy thơ thì hiện đại” (42).
Tác giả Đỗ Ngọc Thạch lại đi sâu vào hình ảnh Người vợ trong thơ Nguyễn Duy và thấy rõ “hồn quê” có sức “lay động tận sâu thẳm tâm linh…đưa ta trở về với bản ngã, với những gì con người nhất” (49).
Tạp chí văn học số 7. 1998 đăng bài Ca dao vọng về trong thơ Nguyễn Duy của tác giả Phạm Thu Yến. Bài viết đã đi sâu vào những biểu hiện trong