tiễn. Quyết định hình phạt đúng còn là tiền đề cho việc tổ chức thi hành hình phạt một cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Một bản án công minh, đúng pháp luật không những giúp cho việc áp dụng và thi hành hình phạt đối với người phạm tội bị kết án vừa đảm bảo được mục đích trừng trị mà còn giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đạt được điều đó cũng có nghĩa là quyết định hình phạt đã đem đến những tác động tích cực đối với xã hội. Và nếu như hậu quả tiêu cực do việc quyết định hình phạt gây ra cho xã hội càng nhỏ thì hiệu quả của hình phạt sẽ đạt được càng cao. Vì vậy, quyết định hình phạt đúng là điều kiện tiên quyết cho việc loại bỏ những hậu quả tiêu cực gây ra cho xã hội, qua đó, góp phần đảm bảo và nâng cao hiệu quả của hình phạt trong thực tiễn.
c, Quyết định hình phạt đúng là điều kiện đảm bảo tính khả thi của hệ thống hình phạt.
Trong thực tiễn, các trường hợp phạm tội luôn có sự khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, để đảm bảo mục đích trừng trị và giáo dục người phạm tội, bắt buộc Nhà nước phải xây dựng các loại hình phạt cụ thể, có mức độ nghiêm khắc khác nhau, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999. Các hình phạt này được sắp xếp theo một trình tự nhất định, tạo thành một chỉnh thể thống nhất được gọi là hệ thống hình phạt nhưng vẫn đảm bảo căn cứ, điều kiện áp dụng của mỗi loại hình phạt trong các trường hợp cụ thể. Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng “Hệ thống hình phạt là tổng hợp các biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong pháp luật hình sự, căn cứ vào mức độ nghiêm khắc của mỗi loại được sắp xếp thành một danh mục cụ thể theo trình tự nhất định từ nhẹ đến nặng hay ngược lại và chỉ do Toà án quyết định trong bản án kết tội đối với bị cáo vì đã thực hiện tội phạm” 23, tr.688.
Theo Điều 26 BLHS năm 1999, hình phạt chỉ do Toà án quyết định. Vì
vậy, tính khả thi của hệ thống hình phạt nói chung và của từng loại hình phạt cụ thể nói riêng phụ thuộc căn bản vào việc quyết định hình phạt. Tính khả thi của hệ thống hình phạt không chỉ thể hiện ở việc đưa các hình phạt cụ thể được quy định trong BLHS vào thực tiễn mà quan trọng hơn là việc áp dụng các hình phạt đó trong thực tiễn có đạt được mục đích trừng trị, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung hay không? các mục đích này đạt được ở mức độ nào? Nói cách khác, tính khả thi của hệ thống hình phạt là khả năng có thể đạt được các mục đích và hiệu quả của các hình phạt do Toà án quyết định áp dụng đối với người phạm tội bị kết án. Mục đích và hiệu quả của hình phạt tuy phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức chấp hành hình phạt trong thực tiễn, nhưng trước tiên phải bị quyết định bởi việc lựa chọn loại hình phạt trong hệ thống hình phạt với mức hình phạt cụ thể (quyết định hình phạt) của Hội đồng xét xử.
Trong hệ thống hình phạt, căn cứ vào khả năng, giá trị tác động của mỗi loại hình phạt đối với tội phạm, các hình phạt được chia thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính được xác định là loại hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và khi được áp dụng có khả năng đạt được mục đích của hình phạt. Hình phạt bổ sung được xác định là loại hình phạt hỗ trợ cho hình phạt chính nhằm đạt được mục đích của hình phạt ở mức cao nhất 30, tr.180. Chính vì vậy mà khoản 3 Điều 28 BLHS năm 1999 đã quy định: “Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”. Mỗi loại hình phạt trong hệ thống hình phạt đều có điều kiện áp dụng và mức độ nghiêm khắc khác nhau đủ để trừng trị, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung. Đồng thời, đa phần các Điều luật về tội phạm trong phần Các tội phạm của BLHS năm 1999 đều quy định một số loại hình phạt chính (từ 2 loại hình phạt trở lên) và hình phạt bổ sung tương ứng với mỗi tội phạm cụ thể để Toà án lựa chọn áp dụng đối với người phạm tội. Đây là những cơ sở pháp lý để Hội đồng xét xử tuỳ vào từng
trường hợp phạm tội cụ thể, căn cứ vào nội dung, điều kiện áp dụng của mỗi loại hình phạt, vào giới hạn của chế tài mà Điều luật quy định về tội phạm cho phép áp dụng để quyết định hình phạt đối với người phạm tội một cách đúng đắn.
Mỗi loại hình phạt luôn chứa đựng trong nó sự gắn kết giữa trừng trị và giáo dục. Hình phạt chỉ có ý nghĩa và thể hiện được giá trị đích thực khi việc quyết định hình phạt lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người phạm tội. Vì vậy, chỉ khi nào Hội đồng xét xử quyết định hình phạt, kết hợp được giữa trừng trị với giáo dục người phạm tội, phát huy được tác dụng của hình phạt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thì mới đảm bảo được tính khả thi của hệ thống hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, làm cho mỗi hình phạt nói riêng và hệ thống hình phạt nói chung thực sự là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
d, Quyết định hình phạt đúng góp phần bảo đảm pháp chế trong Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Theo cách hiểu chung, pháp chế là sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, chính xác của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước; của các tổ chức, các thành viên; của công dân trong mọi hoạt động.
Có thể bạn quan tâm!
- Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 2
- Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 3
- Ý Nghĩa Của Quyết Định Hình Phạt.
- Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Về Căn Cứ Quyết Định Hình Phạt Từ Năm 1945 Đến Trước Năm 1999.
- Từ Năm 1985 Đến Trước Khi Pháp Điển Hoá Blhs Năm 1999.
- Cân Nhắc Tính Chất Và Mức Độ Nguy Hiểm Cho Xã Hội Của Hành Vi Phạm Tội.
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Để pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh trong mọi hoạt động của đời sống xã hội thì về phía các chủ thể đòi hỏi phải có ý thức tôn trọng pháp luật. Trong hầu hết các trường hợp, nếu chủ thể có ý thức coi thường pháp luật thì cũng đều rất dễ dẫn đến việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Khi pháp luật đã bị vi phạm ở bất kỳ mức độ nào thì cũng có nghĩa là pháp chế không được đảm bảo. Chính vì vậy, luật hình sự có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh.
Để thực hiện được vai trò đó thì quyết định hình phạt đúng là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng. Việc quyết định hình phạt sai, không thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật sẽ làm cho pháp luật, các quy tắc
của cuộc sống XHCN, các quyền và lợi ích hợp pháp của con người bị xâm phạm. Ngược lại, quyết định hình phạt đúng không những đảm bảo mục đích trừng trị của hình phạt mà còn giáo dục người phạm tội có ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật và các quy tắc của cuộc sống XHCN để từ bỏ hẳn con đường phạm tội. Ngoài ra, quyết định hình phạt đúng sẽ làm cho các thành viên khác trong xã hội vững tin vào pháp luật, coi pháp luật là chỗ dựa vững chắc cho mọi hành động. Đối với các thành viên khác còn thiếu niềm tin vào pháp luật thì thấy tính nghiêm minh của pháp luật mà từ bỏ ý định phạm tội và tự giác chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Như vậy, quyết định hình phạt đúng sẽ có tác động đến ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội để họ thấy sợ hình phạt mà không dám phạm tội và quan trọng hơn là nhận thức được tính nghiêm minh của pháp luật để tự giác chấp hành pháp luật. Từ đó cũng tự xác định cho mình ý thức chủ động và trách nhiệm tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo đảm pháp chế trong Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
1.2. Khái niệm căn cứ quyết định hình phạt.
1.2.1. Đặc điểm của căn cứ quyết định hình phạt.
Khi quyết định hình phạt, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật 3, tr.33. Điều đó có nghĩa là việc quyết định hình phạt của Hội đồng xét xử không thể bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan và chủ quan bên ngoài nào. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có toàn quyền trong việc quyết định hình phạt sao cho hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội bị kết án đạt được các mục đích của hình phạt. Tuy nhiên, sự “toàn quyền” ở đây chỉ có thể diễn ra trong phạm vi và trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hình sự về quyết định hình phạt. Để đảm bảo cho việc quyết định hình phạt một cách đúng đắn, tránh được các khuynh hướng tuỳ tiện và mang nặng yếu tố chủ quan, duy ý chí, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người phạm tội, BLHS đã quy định căn cứ quyết định hình phạt buộc Hội đồng xét xử phải dựa vào và tuân theo khi quyết
định hình phạt. Giữa căn cứ quyết định hình phạt với các nguyên tắc quyết định hình phạt luôn tồn tại mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, tạo thành cơ sở pháp lý quan trọng mà chỉ khi nào có sự tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ mới đảm bảo cho việc quyết định hình phạt lựa chọn được loại, mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Chính việc quy định các căn cứ quyết định hình phạt trong BLHS là một trong những nội dung, yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế XHCN trong quyết định hình phạt. Yêu cầu của nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử phải đánh giá một cách đúng đắn, toàn diện, đầy đủ các tình tiết của vụ án hình sự, không được tuỳ tiện đưa vào thêm hoặc bớt đi một, một số tình tiết có ảnh hưởng đến việc cân nhắc áp dụng các căn cứ quyết định hình phạt. Đồng thời, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cũng không được tự ý thêm, bớt, xem nhẹ hay coi trọng bất kỳ căn cứ quyết định hình phạt nào. Nói cách khác, để hình phạt được quyết định một cách khách quan và không phải là sản phẩm của tình cảm, kinh nghiệm đơn thuần, việc tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa các căn cứ và với toàn bộ các tình tiết của vụ án hình sự. Có như vậy, quyết định hình phạt mới đạt được mục đích trừng trị, giáo dục người phạm tội và phát huy được tác dụng của hình phạt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Qua tham khảo, tìm hiểu giáo trình Luật hình sự của một số cơ sở đào tạo chuyên luật, cũng như một số tài liệu khác về quyết định hình phạt cho thấy hầu như chưa có tài liệu nào nghiên cứu sâu về các đặc điểm của căn cứ quyết định hình phạt. Cụ thể, căn cứ quyết định hình phạt có bao nhiêu đặc điểm và đó là những đặc điểm gì? Xuất phát từ những vấn đề lý luận được đề cập trên đây, chúng tôi cho rằng căn cứ quyết định hình phạt có những đặc điểm cơ bản là:
a, Căn cứ quyết định hình phạt là đòi hỏi cụ thể, có tính khách quan
của việc quyết định hình phạt.
Căn cứ quyết định hình phạt là cơ sở pháp lý mà pháp luật hình sự buộc Hội đồng xét xử phải dựa vào và tuân theo khi quyết định hình phạt nhằm đạt được mục đích của hình phạt khi áp dụng đối với người phạm tội. Vì vậy, một yêu cầu bắt buộc của căn cứ quyết định hình phạt là phải có nội dung cụ thể, rõ ràng thì mới đảm bảo cho việc quyết định hình phạt được thực hiện một cách chính xác. Nội dung cụ thể, rõ ràng là điều kiện cần cho việc nhận thức, còn hoạt động áp dụng lại phụ thuộc vào từng thành viên của hội đồng xét xử. Vì vậy, căn cứ quyết định hình phạt tuy là những đòi hỏi có nội dung cụ thể nhưng những đòi hỏi đó phải có tính khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người áp dụng. Đó chính là các quy định của BLHS; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là những yếu tố có tính khách quan, đặc trưng, tổng hợp nhất cho tất cả các trường hợp phạm tội, có ý nghĩa quyết định đến tính đúng đắn, hợp pháp của toàn bộ hoạt động quyết định hình phạt. Chính vì vậy, chúng đã được nhà làm luật xác định và lựa chọn làm căn cứ cho việc quyết định hình phạt trong từng trường hợp phạm tội cụ thể.
b, Căn cứ quyết định hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Để đảm bảo cho việc nhận thức và áp dụng một cách thống nhất, chính xác và có hiệu quả, căn cứ quyết định hình phạt bắt buộc phải được quy định đầy đủ trong BLHS và trở thành chuẩn mực chung cho việc quyết định hình phạt trong mọi trường hợp phạm tội. Đây là một yêu cầu quan trọng của nguyên tắc pháp chế XHCN trong luật hình sự. Bất cứ sự sai phạm nào về kỹ thuật lập pháp hình sự trong việc quy định các căn cứ quyết định hình phạt đều sẽ dẫn đến tình trạng quyết định hình phạt một cách tuỳ tiện vì không đủ cơ sở khách quan cho việc quyết định hình phạt. Mặt khác, căn cứ quyết định hình phạt được quy định đầy đủ trong BLHS sẽ đảm bảo cho Hội đồng xét xử trên cơ sở đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án hình sự mà có sự
nhận thức, áp dụng đúng đắn, triệt để căn cứ quyết định hình phạt, đảm bảo tính thống nhất của quyết định hình phạt trong phạm vi cả nước. Không tuỳ tiện thêm, bớt bất kỳ căn cứ quyết định hình phạt nào theo ý thức chủ quan hay kinh nghiệm của người quyết định hình phạt. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan và nhằm giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
c, Căn cứ quyết định hình phạt có tính bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ để hình phạt được quyết định một cách đúng đắn.
Quyết định hình phạt chỉ đảm bảo tính đúng đắn và hợp pháp khi được thực hiện dựa trên cơ sở căn cứ quyết định hình phạt do luật hình sự quy định. Nói cách khác, căn cứ quyết định hình phạt là yếu tố cần thiết, không thể thiếu và sự tuân thủ nó là điều kiện tiên quyết đối với tính đúng đắn và hợp pháp của hoạt động quyết định hình phạt. Nếu không dựa vào căn cứ quyết định hình phạt thì Hội đồng xét xử sẽ không thể quyết định được hình phạt tương xứng đối với người phạm tội hoặc nếu có quyết định hình phạt một cách miễn cưỡng thì cũng chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực. Điều đó đã khẳng định chỉ khi nào việc quyết định hình phạt được thực hiện dựa trên cơ sở tuân thủ đầy đủ căn cứ quyết định hình phạt thì mới có khả năng để đạt được kết quả tốt. Vì vậy, khi đã được quy định trong BLHS, căn cứ quyết định hình phạt chính là những đòi hỏi cụ thể của luật hình sự, bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ khi quyết định hình phạt. Những đòi hỏi đó, hoàn toàn không cho phép việc quyết định hình phạt một cách tuỳ tiện. Mọi trường hợp quyết định hình phạt không tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt sẽ làm cho hình phạt được tuyên không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp chế XHCN của luật hình sự nói chung và trong quyết định hình phạt nói riêng. Trong mối quan hệ với quyết định hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt chính là điều kiện tồn tại, là cơ sở pháp lý đảm bảo tính có căn cứ và đúng pháp luật của hoạt động quyết định hình phạt. Nếu quyết định hình phạt không tuân thủ hoặc có dựa trên căn cứ luật định nhưng việc
nhận thức và áp dụng không đúng thì việc quyết định hình phạt cũng trở nên vô nghĩa và còn gây ra những tác hại rất lớn cho chính bản thân người bị kết án và xã hội. Chính vì vậy, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử không chỉ bắt buộc phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt đã được luật định mà còn bắt buộc phải nhận thức đúng và tuân thủ triệt để căn cứ quyết định hình phạt thì hình phạt được quyết định mới có tính nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, phù hợp với đòi hỏi và lợi ích chung của xã hội.
d, Tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt là điều kiện quan trọng để hình phạt được tuyên có khả năng đạt được các mục đích ở mức cao nhất.
Như đã nghiên cứu, quyết định hình phạt đúng là cơ sở để đạt được các mục đích của hình phạt. Điều đó cho thấy việc quyết định hình phạt không phải được thực hiện một cách ngẫu nhiên cũng có thể đạt được các mục đích của hình phạt mà nó phải được dựa trên cơ sở tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt đã được BLHS quy định. Với vị trí là cơ sở pháp lý của hoạt động quyết định hình phạt, sự tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định hình phạt có khả năng đạt được các mục đích của hình phạt hay không. Nếu sự tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt không được đảm bảo thì tất yếu sẽ dẫn đến hình phạt được quyết định không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội. Hình phạt đó cũng không thể phát huy được tác dụng trong giáo dục người phạm tội, trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Như vậy, hình phạt được áp dụng đối với người bị kết án đã không đạt được các mục đích trong thực tiễn. Với những lý do đó, theo chúng tôi, suy cho cùng, tuân thủ căn cứ quyết định hình phạt không chỉ đảm bảo cho hình phạt được quyết định đúng mà quan trọng hơn còn là điều kiện quyết định để đạt được các mục đích của hình phạt ở mức cao nhất.
1.2.2. Khái niệm căn cứ quyết định hình phạt.
Theo từ điển Tiếng Việt, căn cứ được hiểu là “cái làm chỗ dựa, làm cơ sở để lập luận hoặc hành động” 31, tr.118. Vậy, căn cứ quyết định hình