ThS. Nguyễn Mai Bộ: Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng - Tạp chí Tòa án nhân dân số 1/1999.
ThS. Đinh Văn Quế: Một số điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 1999 về hình phạt và quyết định hình phạt- Tạp chí Tòa án nhân dân số 3/2000.
Đặng Xuân Đào: “Một số nội dung mới của các quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999” - Tạp chí Tòa án nhân dân số 8/2000...
Tuy nhiên, những công trình khoa học này chủ yếu nghiên cứu về các căn cứ quyết định hình phạt dưới góc độ là các căn cứ độc lập hoặc là một phần trong chế định quyết định hình phạt của Luật hình sự nên phần nào chưa thể hiện được tính hệ thống, tính toàn diện về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, các công trình khoa học này cũng chưa đưa ra được các giải pháp hoàn thiện quy định về căn cứ quyết định hình phạt. Điều đó cho thấy yêu cầu nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự có liên quan đến căn cứ quyết định hình phạt và hoàn thiện quy định về căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS năm 1999 là hoàn toàn có giá trị khoa học và rất thiết thực. Làm được điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quyết định hình phạt, qua đó đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xét xử các vụ án hình sự mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI:
Xuất phát từ tình hình nghiên cứu về các căn cứ quyết định hình phạt, chúng tôi nhận thấy cần có sự nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về các căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại Điều 45 BLHS năm 1999. Dựa trên kết quả nghiên cứu về lý luận và đánh giá thực tiễn vận dụng các căn cứ quyết định hình phạt trong hoạt động xét xử của Toà án các cấp, luận văn không những nhằm tiếp tục phát triển đề tài “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn” mà tác giả đã hoàn
thành năm 1995 ở bậc cử nhân luật học mà còn đưa ra những ý kiến đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự có liên quan đến các căn cứ quyết định hình phạt và hoàn thiện quy định về căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS năm 1999. Cũng qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quyết định hình phạt của Toà án để đạt được mục đích cuối cùng của hình phạt là giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội.
4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI:
Để đạt được mục đích đã đề ra, luận văn xác định phạm vi nghiên cứu là những quy định của pháp luật hình sự về các căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS năm 1999. Trong đó, tập trung nghiên cứu về lý luận và thực tiễn áp dụng các căn cứ quyết định hình phạt của Toà án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực (ngày 01/7/2000) đến nay. Qua đó chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất ý kiến hoàn thiện các căn cứ quyết định hình phạt nhằm tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động quyết định hình phạt của Toà án đảm bảo tính đúng đắn, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.
5. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI:
Có thể bạn quan tâm!
- Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 1
- Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 3
- Ý Nghĩa Của Quyết Định Hình Phạt.
- Khái Niệm Căn Cứ Quyết Định Hình Phạt.
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
+ Cơ sở lý luận: Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - LêNin, đường lối (các Nghị quyết) của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chính sách hình sự, chính sách nhân đạo, các nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam; các quy định của BLHS năm 1999 về quyết định hình phạt và căn cứ quyết định hình phạt và các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999.
+ Cơ sở thực tiễn: Thực tiễn áp dụng căn cứ quyết định hình phạt trong hoạt động quyết định hình phạt của Toà án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực (01/7/2000) đến nay.
6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Để trình bầy bản luận văn của mình, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là: phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê và phỏng vấn trực tiếp cán bộ làm công tác xét xử ở cơ quan Toà án.
7. ĐIỂM MỚI CỦA LUẬN VĂN:
Các căn cứ quyết định hình phạt là những vấn đề được khá nhiều tác giả nghiên cứu dưới những góc độ khác nhau. Thực tế đó đã tạo ra những thuận lợi nhất định cho việc nghiên cứu đề tài nhưng cũng chính là khó khăn lớn đối với tác giả vì sẽ không tránh khỏi sự trùng lặp về những kiến thức pháp luật hình sự cơ bản đã được thừa nhận rộng rãi trong khoa học pháp lý. Mặc dù vậy, dựa trên những nghiên cứu lý luận về quyết định hình phạt, tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, pháp luật hình sự một số nước trên thế giới về căn cứ quyết định hình phạt và kết quả đánh giá thực tiễn áp dụng các căn cứ quyết định hình phạt trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Toà án, có thể thấy những điểm mới của luận văn là:
+ Góp phần đảm bảo sự nhận thức thống nhất về nội dung, ý nghĩa của các căn cứ quyết định hình phạt.
+ Chỉ ra những sai sót trong thực tiễn vận dụng và nguyên nhân của việc áp dụng chưa đúng các căn cứ quyết định hình phạt.
+ Điểm mới quan trọng nhất của luận văn là đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong thực tiễn, bao gồm: Giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các căn cứ quyết định hình phạt tại Điều 45 BLHS năm 1999, cơ sở pháp lý của hoạt động quyết định hình phạt; Kiến nghị áp dụng căn cứ thực tiễn (án lệ) của hoạt động quyết định hình phạt; Nâng cao ý thức pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong việc áp dụng các căn cứ quyết định hình phạt.
8. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN:
Ngoài lời mở đầu, phụ lục, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương với nội dung như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về căn cứ quyết định hình phạt.
Chương 2: Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam và một số nước trên thế giới về căn cứ quyết định hình phạt.
Chương 3: Thực tiễn áp dụng căn cứ quyết định hình phạt và giải pháp nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt của Toà án.
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CĂN CỨ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT.
1.1. Khái niệm quyết định hình phạt.
Định tội danh và quyết định hình phạt là hai nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó, hoạt động định tội danh là tiền đề cho hoạt động quyết định hình phạt. Định tội danh là hoạt động đánh giá chính thức về mặt pháp lý hình sự của của Hội đồng xét xử đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nhằm đạt được sự thật khách quan là hành vi đó đã thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của điều luật cụ thể được quy định trong phần các tội phạm của BLHS. Đây chính là cơ sở để xác định chính xác TNHS mà người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó phải gánh chịu. Vì vậy, định tội danh và quyết định hình phạt đúng không chỉ đạt được mục đích quan trọng là giáo dục, cải tạo người phạm tội mà cao cả hơn chính là sự khẳng định mục tiêu của pháp luật hình sự Việt Nam là: Xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là cứ định tội danh đúng thì quyết định hình phạt cũng tất yếu sẽ đúng. Giữa định tội danh và quyết định hình phạt luôn tồn tại mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng mỗi yếu tố lại có tính độc lập tương đối của nó. Quyết định hình phạt được xem là sự xác định hậu quả pháp lý của tội phạm, tuy phụ thuộc vào hoạt động định tội danh nhưng quyết định hình phạt với tính độc lập tương đối của mình có khi lại không phản ánh đúng yếu tố mà mình phụ thuộc. Điều đó thể hiện ở việc quyết định hình phạt đã không lựa chọn đúng loại và mức hình phạt phù hợp với tội danh mà hoạt động định tội danh đã khẳng định. Vì vậy, có thể nói quyết định hình phạt là hoạt động giữ vị trí, vai trò không kém phần quan trọng so với định tội danh nhằm giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, nghiêm minh, công bằng và đúng pháp luật.
1.1.1. Đặc điểm của quyết định hình phạt.
Quyết định hình phạt là một hoạt động thực tiễn có tính đặc thù của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Dựa vào các quy định của pháp luật hình sự, hoạt động quyết định hình phạt nhằm giải quyết vấn đề TNHS của người phạm tội trong các trường hợp phạm tội cụ thể. Trên cơ sở đó, hình phạt được quyết định một cách công bằng, bình đẳng, đảm bảo sự kết hợp giữa trừng trị với giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung. Qua đó, có thể thấy quyết định hình phạt có những đặc điểm sau:
a, Quyết định hình phạt là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự của Hội đồng xét xử.
Đối tượng điều chỉnh của ngành Luật hình sự là những quan hệ xã hội tiêu cực phát sinh giữa một bên là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm với bên kia là Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật hình sự. Trong quan hệ pháp luật hình sự đó, nghĩa vụ và TNHS của người phạm tội không mặc nhiên phát sinh nếu không có hoạt động xét xử của cơ quan Toà án được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình, thủ tục tố tụng do BLTTHS quy định để chứng minh người đó phạm tội và áp dụng các biện pháp chế tài của luật hình sự đối với họ. Do đó, quyết định hình phạt luôn luôn là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự do Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tiến hành trên cơ sở căn cứ vào các quy định của BLHS về quyết định hình phạt đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể.
Các quy định của BLHS là những quy phạm pháp luật hình sự có tính khái quát cao và không phải để áp dụng riêng cho một tội phạm cụ thể nào nên quyết định hình phạt không thể mang tính tự động, dập khuôn mà ngược lại luôn đòi hỏi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải có tính sáng tạo. Tức là, sau khi đã thực hiện việc định tội danh, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải cân nhắc, đánh giá, lựa chọn các quy phạm của BLHS (cả phần chung và phần các tội phạm) trên cơ sở nhận thức đúng nội dung, yêu cầu, phù hợp
với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội để quyết định một hình phạt tương xứng. Chỉ khi lựa chọn chính xác các quy phạm của BLHS mới có thể quyết định hình phạt đúng. Do đó, quyết định hình phạt là hoạt động nhận thức và vận dụng các quy phạm pháp luật hình sự một cách sáng tạo của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân để hình phạt được tuyên không những đảm bảo tính pháp lý, chính trị - xã hội mà còn là phương án tối ưu để đạt được các mục đích của hình phạt. Điều này hoàn toàn đúng như Mác đã viết: “Nếu như luật pháp tự nó vận dụng được thì Toà án sẽ là thừa” 18, tr.90.
b, Đối tượng của Quyết định hình phạt là cá nhân người phạm tội.
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chỉ thừa nhận chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và có lỗi trong điều kiện hoàn toàn có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định tại thời điểm thực hiện tội phạm. Trường hợp, người bị coi là phạm tội (bị cáo) được đưa ra xét xử nhưng qua quá trình xét xử lại không có tội và được ghi nhận bằng bản án tuyên vô tội của Toà án thì đương nhiên việc quyết định hình phạt sẽ không diễn ra. Điều này đã cho thấy, quyết định hình phạt chỉ diễn ra khi người phạm tội qua quá trình xét xử bị khẳng định là có tội bằng bản án kết kết tội của Toà án có thẩm quyền và phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS. Do đó, đối tượng của quyết định hình phạt chỉ là người phạm tội bị kết án và chính người này sẽ phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã tuyên chứ không ai có thể chấp hành thay, cho dù là tự nguyện. Có như vậy, hình phạt mới phát huy được tác dụng trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội. Đối với pháp nhân phạm tội, việc quyết định hình phạt cũng được thực hiện đối với từng cá nhân người phạm tội trên cơ sở hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, lỗi và TNHS của họ thì hình phạt mới đạt được mục đích trừng trị và giáo dục người phạm tội.
c, Phạm vi của quyết định hình phạt bao gồm các nội dung:
Về lý luận cũng như thực tiễn, quyết định hình phạt chỉ diễn ra sau khi
Toà án đã tiến hành hoạt động định tội danh và chỉ trong trường hợp người phạm tội bị khẳng định là có tội. Đây chính là kết quả của hoạt động chứng minh tội phạm do Toà án thực hiện dựa trên các tài liệu, chứng cứ do cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát thu thập và qua hoạt động xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà mà Toà án có được theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Theo đó, khi bị cáo bị kết tội thì quyết định hình phạt sẽ được thực hiện bao gồm các nội dung được sắp xếp theo thứ tự trước, sau trong các trường hợp cụ thể là:
Trường hợp người phạm tội bị kết án bằng bản án kết tội của Toà án và phải chịu TNHS về hành vi phạm tội của mình bằng hình phạt cụ thể.
Trong trường hợp này, nội dung đầu tiên của quyết định hình phạt được thực hiện là hoạt động xác định khung hình phạt. Trong thực tiễn, hoạt động xét xử vụ án hình sự của Toà án cấp sơ thẩm thường được trải qua 3 giai đoạn là: Định tội - Định khung hình phạt - Quyết định hình phạt.
Hoạt động định tội nhằm xác định bị cáo có phạm tội hay không? nếu phạm tội thì phạm tội gì? và thuộc điều luật cụ thể nào trong phần các tội phạm của BLHS.
Hoạt động định khung hình phạt nhằm xác định tội phạm mà bị cáo thực hiện thuộc khung nào của điều luật quy định về tội phạm đó.
Hoạt động quyết định hình phạt nhằm xác định loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt của điều luật quy định về tội phạm đó.
Từ 3 giai đoạn này, xuất hiện vấn đề cần giải quyết là: Giai đoạn định khung thuộc về giai đoạn định tội? hay giai đoạn định khung thuộc về giai đoạn quyết định hình phạt?
Xuất phát từ lập luận là khi thực hiện việc định tội danh, Hội đồng xét xử phải chỉ ra tội phạm mà người phạm tội thực hiện được quy định tại điều luật cụ thể nào trong phần các tội phạm của BLHS. Tiếp theo là phải xác định hành vi phạm tội thuộc khung nào của điều luật đó vì đa phần các điều