Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 3

luật quy định về tội phạm cụ thể của BLHS năm 1999 đều có ít nhất từ 2 khung hình phạt đến 6 khung hình phạt (257 điều trên tổng số 267 điều). Do đó, để xác định được khung hình phạt phải dựa vào cấu thành định khung tăng nặng và cấu thành định khung giảm nhẹ.

Với quy trình như trên, nếu lấy giai đoạn định khung hình phạt để so sánh thì định khung hình phạt sai sẽ dẫn đến quyết định hình phạt sai vì chỉ khi xác định khung hình phạt chính xác thì mới có cơ sở để lựa chọn đúng loại và mức hình phạt cụ thể. Nhưng cũng là định khung hình phạt sai thì việc định tội danh vẫn đúng vì việc định tội danh không phụ thuộc vào việc xác định khung hình phạt mà dựa vào cấu thành tội phạm cơ bản (cấu thành định tội). Vì vậy, chúng tôi cho rằng định khung hình phạt là bước đầu của quyết định hình phạt, là cơ sở để quyết định hình phạt đúng nên định khung hình phạt thuộc về quyết định hình phạt. Tuy nhiên, đối với điều luật chỉ quy định một khung hình phạt thì giai đoạn định tội và định khung hình phạt lại là một. Trong phần các tội phạm của BLHS năm 1999 có 10 điều luật chỉ gồm 1 khung hình phạt là: Điều 94, Điều 128, Điều 130, Điều 146, Điều

148, Điều 150, Điều 151, Điều 152, Điều 269, Điều 304, Điều 341, Điều 342, Điều 343. Đối với điều luật có từ 2 khung hình phạt trở lên thì định tội và định khung hình phạt vẫn có thể là một nếu tình tiết định tội và định khung hình phạt của hành vi phạm tội đều thuộc về cấu thành tội phạm cơ bản (cấu thành định tội).

Để quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử phải tiến hành quyết định đối với hình phạt chính trước và sau đó mới quyết định hình phạt bổ sung vì hình phạt bổ sung là loại hình phạt không thể tuyên độc lập.

Quyết định hình phạt chính là việc lựa chọn loại và mức hình phạt thuộc hệ thống hình phạt chính mà điều luật về tội phạm đã quy định, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để áp dụng đối với người bị kết án. Nếu khung hình phạt quy định nhiều loại hình phạt chính thì việc quyết định hình phạt chỉ được lựa chọn 1 trong số các loại

hình phạt chính đó với mức hình phạt tương xứng. Ví dụ: Theo khoản 1 Điều 145 BLHS năm 1999, người phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản chỉ bị áp dụng 1 trong 3 loại hình phạt chính được điều luật quy định là cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Qua ví dụ này đã cho thấy, việc lựa chọn hình phạt chính chỉ diễn ra trong số các loại hình phạt chính mà điều luật về tội phạm có quy định và việc xác định mức hình phạt cụ thể chỉ diễn ra trong giới hạn tối thiểu và tối đa của khung hình phạt đó, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, việc xác định mức hình phạt chỉ xảy ra khi các loại hình phạt chính được tuyên là phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Còn với các loại hình phạt chính khác như: cảnh cáo, trục xuất, tù chung thân, tử hình, việc quyết định hình phạt thực chất chỉ là sự lựa chọn loại hình phạt chính mà không có việc xác định mức hình phạt cụ thể.

Quyết định hình phạt bổ sung là việc lựa chọn loại và mức hình phạt mà điều luật về tội phạm có quy định, nhằm hỗ trợ cho hình phạt chính để áp dụng đối với người bị kết án. Khác với quyết định hình phạt chính, khi quyết định hình phạt bổ sung, Hội đồng xét xử có thể lựa chọn một hoặc một số hình phạt bổ sung với mức hình phạt tương xứng trong phạm vi điều luật về tội phạm quy định để áp dụng đối với người bị kết án. Riêng với hình phạt bổ sung là trục xuất thì sẽ không có việc xác định mức hình phạt. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt bổ sung lại không mang tính bắt buộc mà thuộc quyền tuỳ nghi của Hội đồng xét xử. Trong từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể cân nhắc việc áp dụng hay không áp dụng hình phạt bổ sung trong phạm vi điều luật cho phép. Cơ sở pháp lý của quyền tuỳ nghi này là khoản 3 Điều 28 BLHS năm 1999: “Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính nhưng có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”. Quy định này được cụ thể hoá trong các điều luật về tội phạm cụ thể cho phép Hội đồng xét xử có thể áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung với người phạm tội.

Như vậy, bất kỳ người phạm tội nào bị kết án và phải chịu TNHS cũng đều phải gánh chịu một hình phạt chính được ghi rõ trong bản án do Toà án tuyên nhưng không phải người phạm tội bị kết án nào cũng bị áp dụng hình phạt bổ sung. Điều đó cho thấy trong quyết định hình phạt, quyết định hình phạt chính giữ vị trí quyết định và không thể không được thực hiện trong trường hợp người phạm tội bị kết án và phải chịu TNHS.

Trường hợp người phạm tội bị kết tội nhưng được Toà án miễn TNHS đối với tội phạm mà người phạm tội thực hiện.

Điều 2 BLHS năm 1999 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này đã khẳng định bất kỳ ai nếu thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, thoả mãn các yếu tố cấu thành của một tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong phần Các tội phạm của BLHS thì sẽ phải chịu TNHS về việc thực hiện tội phạm đó. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của BLHS hiện hành cho thấy có những trường hợp phạm tội (Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, Điều 80,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290, khoản 3 Điều 314), người phạm tội lại đương nhiên được miễn TNHS hoặc được cơ quan tiến hành tố tụng ở mỗi giai đoạn tố tụng quyết định miễn TNHS nếu xét thấy việc miễn TNHS vẫn đảm bảo được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó, người phạm tội có thể sẽ không phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm như không bị truy cứu TNHS, không bị đưa ra xét xử, không bị áp dụng hình phạt của luật hình sự và đương nhiên không có án tích 33, tr.39.

Có thể nói, miễn TNHS là một trong những chính sách khoan hồng, thể hiện bản chất nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Miễn TNHS được áp dụng đối với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm khi có căn cứ và thoả mãn các điều kiện do luật hình sự quy định. Song, do TNHS phát sinh từ khi có hành vi phạm tội xảy ra trong thực tế và chỉ kết thúc khi người bị kết án được xoá án (không còn án tích) nên việc

Căn cứ quyết định hình phạt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 3

giải quyết TNHS đối với người phạm tội sẽ thuộc thẩm quyền của bất kỳ cơ quan tư pháp nào (cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án), tuỳ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng. Điều này cũng có nghĩa là mỗi cơ quan tư pháp trên đây đều có quyền miễn TNHS cho người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm khi có những căn cứ và điều kiện nhất định. Vấn đề là việc miễn TNHS do Toà án thực hiện có gì khác so với việc miễn TNHS do cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát thực hiện?

Thứ nhất, nếu cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát miễn TNHS cho người phạm tội thì người này sẽ không bị truy cứu TNHS, không bị Toà án đưa ra xét xử và đương nhiên không bị kết tội. Ngược lại, nếu bị đưa ra xét xử tại Toà án có thẩm quyền thì người phạm tội phải bị truy cứu TNHS và có thể bị kết tội, bị buộc phải chấp hành hình phạt do Toà án tuyên.

Thứ hai, tuy TNHS phát sinh từ khi hành vi phạm tội được thực hiện, nhưng TNHS này chỉ chính thức được bắt đầu thực hiện sau khi bản án kết tội của Toà án được tuyên có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nếu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự mà người phạm tội được miễn TNHS thì họ vẫn bị kết tội nhưng vì có đủ các điều kiện do luật hình sự quy định nên người này được miễn TNHS, tức là không phải chịu các biện pháp cưỡng chế của luật hình sự (hình phạt hay các biện pháp tư pháp).

Tất cả những vấn đề nêu trên đây, chỉ để đưa đến vấn đề cuối cùng là miễn TNHS thuộc về định tội danh hay miễn TNHS thuộc về quyết định hình phạt? Trường hợp người phạm tội bị đưa ra xét xử và bị khẳng định là có tội nhưng được miễn TNHS thì có nghĩa là người phạm tội không bị buộc phải chịu TNHS về tội phạm mà người này đã thực hiện. Như vậy, so sánh về trình tự trước, sau thì việc định tội phải được tiến hành trước vì chỉ trên trên cơ sở tội danh mới xác định người phạm tội được miễn hay không được miễn TNHS về tội phạm mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội không được miễn TNHS thì việc quyết định hình phạt sẽ được tiến hành thông qua các nội dung là xác định khung hình phạt, lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể

trong phạm vi khung hình phạt và người bị kết án bắt buộc phải chấp hành hình phạt do Toà án tuyên. Ngược lại nếu người phạm tội được miễn TNHS thì đương nhiên không phải chịu hình phạt của luật hình sự với tính chất là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và theo đó, việc quyết định hình phạt sẽ không đặt ra. Quy trình này đã cho thấy việc miễn hay không miễn TNHS chỉ là tiền đề cho việc quyết định hình phạt có được thực hiện hay không cần thực hiện. Vì vậy, miễn TNHS không phải là nội dung thuộc về phạm vi của quyết định hình phạt.

Trường hợp người phạm tội bị kết án bằng bản án kết tội của Toà án và phải chịu TNHS về hành vi phạm tội của mình nhưng được miễn hình phạt.

Căn cứ vào quy định tại Điều 54 BLHS năm 1999 thì miễn hình phạt thực chất là việc Toà án có thẩm quyền đã không tuyên bất kỳ hình phạt nào thuộc hệ thống hình phạt đối với người phạm tội bị kết án mà đáng lẽ ra phải tuyên nếu người này không thoả mãn được những căn cứ và điều kiện do BLHS quy định.

Cũng giống như miễn TNHS, miễn hình phạt là một trong những chính sách khoan hồng, thể hiện bản chất nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Người được miễn hình phạt, tuy đã bị khẳng định là có tội nhưng không phải gánh chịu biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt và đương nhiên được xoá án tích.

Khác với người được miễn TNHS, người phạm tội chỉ được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức miễn TNHS. Vì vậy, người được miễn hình phạt vẫn phải chịu TNHS. Nếu miễn TNHS có thể do các cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án thực hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng thì việc miễn hình phạt chỉ thuộc thẩm quyền của Toà án khi xét thấy không cần tuyên hình phạt đối với người phạm tội mà vẫn đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặc dù vậy, người được miễn hình phạt vẫn có thể bị Toà án áp

dụng các biện pháp tư pháp do BLHS quy định. Đó là những biện pháp ít nghiêm khắc hơn hình phạt, được áp dụng thay thế cho hình phạt nhằm hạn chế một số quyền, lợi ích của người phạm tội.

Như vậy, việc miễn hình phạt hay áp dụng biện pháp tư pháp chỉ thuộc thẩm quyền của Toà án và được thực hiện theo những thủ tục do pháp luật hình sự và tố tụng hình sự quy định. Vậy, trong hoạt động xét xử vụ án hình sự của Toà án, miễn hình phạt thuộc về định tội danh hay thuộc về quyết định hình phạt? Theo quan điểm của chúng tôi, miễn hình phạt được thực hiện sau khi Toà án đã thực hiện việc định tội danh và xác định TNHS của người phạm tội nên miễn hình phạt thuộc về quyết định hình phạt. Đây là trường hợp người phạm tội không được miễn TNHS và đáng nhẽ ra họ phải gánh chịu hình phạt (hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung với mức độ cụ thể trong khung hình phạt) tương ứng với tội phạm đã được thực hiện, nhưng do thoả mãn các điều kiện luật định (Điều 54, khoản 3 Điều 314) nên được miễn hình phạt. Điều này có nghĩa là khi quyết định hình phạt, nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 46 BLHS 1999, nhân thân của bị cáo tốt và không cần cách ly khỏi đời sống xã hội vẫn có khả năng giáo dục, cải tạo hoặc thuộc đối tượng của chính sách khoan hồng, chính sách ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước thì sẽ được miễn hình phạt.

Như vậy, khi người phạm tội không được miễn TNHS thì quyết định hình phạt vẫn được đặt ra. Hội đồng xét xử trong quá trình quyết định hình phạt ngoài việc đánh giá thống nhất toàn bộ các tình tiết của vụ án còn phải cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và các đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội đáng được khoan hồng để quyết định miễn hình phạt cho người phạm tội. Đây chính là một nội dung trong quyết định hình phạt, đồng thời cũng thể hiện sự phân định giữa việc áp dụng Điều 47 hay Điều 54 BLHS năm 1999. Chính vì vậy, miễn hình phạt là một nội dung và thuộc về quyết định hình phạt.

Ngoài miễn hình phạt ra, trong BLHS năm 1999 còn quy định các

trường hợp được miễn chấp hành hình phạt (Điều 57), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 58), giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt (Điều 59), hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 61), tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 62). Tất cả những trường hợp này tuy đều do Toà án quyết định nhưng không phải là nội dung của quyết định hình phạt mà thuộc về giai đoạn thi hành các hình phạt cụ thể (sản phẩm của việc quyết định hình phạt) do Toà án tuyên trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Riêng án treo (Điều 60), tuy được thực hiện trong quá trình quyết định hình phạt nhưng do không phải là hình phạt mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên cũng không thể là nội dung của quyết định hình phạt.

1.1.2. Khái niệm quyết định hình phạt.

Với vị trí là một chế định quan trọng của Luật hình sự, là một hoạt động cơ bản của Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, quyết định hình phạt được xác định là một khái niệm pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, điểm đáng nói là cả BLHS năm 1999 và BLTTHS năm 2003 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành hai bộ luật trên đều không đề cập đến khái niệm quyết định hình phạt. Khái niệm này chỉ tồn tại trong lý luận và được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu khoa học. Thực tế này đã phần nào làm cho khái niệm quyết định hình phạt chưa đạt được sự thống nhất cao trong khoa học pháp lý hình sự. Nhưng, có thể khẳng định rằng, về cơ bản các cách hiểu đều thể hiện sự đồng nhất về nội dung (bản chất) của khái niệm quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Sự đồng nhất này có thể thấy rõ trong giáo trình Luật hình sự của các trường Đại học và trong một số tài liệu khác.

Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì: “Quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn loại hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội21, tr.317.

Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội thì: “Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể30, tr.201.

Hoặc tác giả Đinh Văn Quế có định nghĩa: “Quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành. Toà án lựa chọn loại hình phạt nào, mức phạt bao nhiêu, phải tuân theo những quy định của Bộ luật hình sự27, tr.89.

Tác giả Lê Văn Đệ cũng đưa ra khái niệm “Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể24, tr.161.

Nhìn chung, các khái niệm về quyết định hình phạt trên đây suy cho cùng đều khẳng định quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn loại và mức hình phạt trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội. Việc lựa chọn loại hình phạt được hiểu là chỉ lựa chọn loại hình phạt chính hoặc cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong số các hình phạt thuộc hệ thống hình phạt mà BLHS đã quy định, với những mức độ cụ thể, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhằm đạt được mục đích của hình phạt. Có thể nói đây chính là nội hàm của khái niệm quyết định hình phạt được nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, ngay trong cuốn giáo trình Luật hình sự Việt Nam của trường Đại học Luật năm 2001, trang 202 còn đề cập đến khái niệm quyết định hình phạt theo nghĩa rộng hơn là quyết định biện pháp xử lý đối với người phạm tội. Theo cách hiểu này, quyết định hình phạt không chỉ là việc lựa chọn hình phạt chính và hình phạt bổ sung mà còn bao gồm cả việc quyết định các biện pháp tư pháp nhằm hỗ trợ cho hình phạt được áp dụng đối với người bị kết án.

Đánh giá một cách khách quan, các khái niệm trên đây đều đã thể hiện được bản chất của quyết định hình phạt. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, các khái niệm này còn một số vấn đề cần làm sáng tỏ. Cụ thể là:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/12/2022