đối với giao dịch mà bên nhận cầm cố là công ty chứng khoán. Các quy định về chuyển quyền sở hữu chứng khoán đăng ký tại VSD do xử lý tài sản bảo đảm hiện tại chỉ áp dụng cho bên nhận bảo đảm là các tổ chức tín dụng.
Trước đây, tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán Ban hành kèm theo Quyết định số 38/QĐ-VSD ngày 25-4-2012 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Điều 31 về “Cầm cố, giải toả chứng khoán cầm cố” đã quy định: “Việc xác nhận chứng khoán cầm cố chỉ được thực hiện tại VSD đối với trường hợp bên nhận cầm cố là các tổ chức tín dụng được thừa nhận theo quy định hiện hành.” [25, Điều 31]
Quyết định 38/QĐ-VSD đã bị thay thế bởi Quyết định số 26/QĐ-VSD ngày 13-3-2015 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về ban hành Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán. Tại Quy chế mới này, mặc dù không xác định trực tiếp như tại Quy chế cũ. Nhưng theo quy định về việc phong toả, giải toả chứng khoán làm tài sản bảo đảm tại Điều 28 về “Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của nhà đầu tư, TVLK, tổ chức mở tài khoản trực tiếp”, Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-VSD đã quy định:
2. Hồ sơ đề nghị phong tỏa chứng khoán gồm:
a. Yêu cầu chuyển khoản phong tỏa chứng khoán của TVLK /tổ chức mở tài khoản trực tiếp (Mẫu 31/LK của Quy chế này) (02 liên);
b. Giấy đề nghị phong tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của khách hàng/TVLK/tổ chức mở tài khoản trực tiếp (Mẫu 32/LK của Quy chế này);
c. Bảng kê chứng khoán đề nghị phong tỏa làm tài sản đảm bảo khoản vay có xác nhận của tổ chức tín dụng (bên cho vay) (Mẫu 32/LK của Quy chế này).
3. Hồ sơ đề nghị giải tỏa chứng khoán gồm:
a. Yêu cầu chuyển khoản giải tỏa chứng khoán của TVLK /tổ chức mở tài khoản trực tiếp (Mẫu 34/LK của Quy chế này) (02 liên);
b. Bảng kê chứng khoán đề nghị giải toả có xác nhận chấp thuận giải toả của tổ chức tín dụng (bên cho vay) (Mẫu 35/LK của Quy chế này).
Có thể bạn quan tâm!
- Bản Chất Pháp Lý Cầm Cố Vận Đơn
- Cầm Cố Tài Sản Trong Hoạt Động Của Công Ty Chứng Khoán
- Bản Chất Pháp Lý Của Giao Dịch Cầm Cố Chứng Khoán
- Rủi Ro Xác Định Hiệu Lực Khi Cầm Cố Giấy Tờ Có Giá
- Rủi Ro Tranh Chấp Về Điều Kiện Xử Lý Tài Sản Cầm Cố
- Cầm cố tài sản trong hoạt động của tổ chức tín dụng công ty chứng khoán tại Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
4. Thời gian VSD xử lý đề nghị phong tỏa/giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của nhà đầu tư, TVLK, tổ chức mở tài khoản trực tiếp là 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của TVLK/tổ chức mở tài khoản trực tiếp. [26, Điều 28]
Thành phần hồ sơ nêu ra chỉ thấy quy định về việc xác định bảng kê chứng khoán làm tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thừa nhận và đồng ý phong toả, giải toả chứng khoán cầm cố với bên nhận cầm cố là tổ chức tín dụng. Theo logic đó thì việc hỗ trợ chuyển quyền sở hữu chứng khoán khi xử lý tài sản cầm cố đối với giao dịch cầm cố chứng khoán đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ được thực hiện với giao dịch mà bên nhận cầm cố là tổ chức tín dụng.
Hiện tại, các công ty chứng khoán khi xử lý tài sản cầm cố của khách hàng trong giao dịch ký quỹ cũng vẫn tiến hành theo phương thức đặt lệnh bán, sau đó gửi sao kê kết quả giao dịch tới khách hàng theo quy định.
CHƯƠNG 3
RỦI RO CẦM CỐ TÀI SẢN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
3.1. Hoạt động của tổ chức tín dụng
3.1.1. Cầm cố thẻ tiết kiệm
3.1.1.1. Rủi ro cầm cố thẻ tiết kiệm của ngân hàng khác
Trường hợp cầm cố bằng thẻ tiết kiệm do chính mình phát hành thì gần như chắc chắn ngân hàng có thể xử lý được toàn bộ số tiền gửi để khấu trừ nợ vay.
Nhưng trong trường hợp cầm cố thẻ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành thì việc xử lý tài sản cầm cố của ngân hàng nhận cầm cố có thể gặp rủi ro.
Vấn đề pháp lý nằm ở nghĩa vụ của ngân hàng phát hành thẻ (ngân hàng nhận tiền gửi) đối với giao dịch cầm cố thẻ tiết của khách hàng gửi tiền tại ngân hàng mình. Do ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm không có bất kỳ thoả thuận, cam kết nào trước đó với chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hay ngân hàng nhận cầm cố, nên thông thường khi nhận được thông báo về việc nhận cầm cố thẻ tiết kiệm của ngân hàng nhận cầm cố, ngân hàng phát hành thẻ thường chỉ xác nhận về:
- Tính trung thực, đúng sự thật của thẻ tiết kiệm (chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, giá trị tiền gửi tiết kiệm,...);
- Hỗ trợ trong việc xử lý tài sản cầm cố theo yêu cầu của ngân hàng nhận cầm cố.
Điều này thực sự có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng nhận cầm cố.
Xin dẫn ra tình huống thực tế sau đây để thấy rủi ro của ngân hàng nhận cầm cố trong tình huống này.
Tháng 3-2011, Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Đông Phong tiếp nhận và giải quyết nhu cầu vay vốn của Công ty Vina Tàu Thủy với số vốn là 500 tỷ đồng, để chứng minh năng lực tài chính tham gia một dự án đóng tàu 100.000 tấn, thời hạn vay là 2 tuần, tài sản cầm cố là Thẻ tiết kiệm (ông Hà Đình Bảng -
Tổng Giám đốc Công ty Vina Tàu thuỷ là chủ sở hữu tiền gửi) trị giá 550 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính.
Sau khi nhận được công văn đề nghị xác nhận thông tin và hỗ trợ xử lý tài sản cầm cố của Ngân hàng TMCP Đông Phong.
Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính đã xác nhận các nội dung như sau:
- Ông Hà Đình Bảng đang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính số tiền 550 tỷ đồng, kỳ hạn gửi 6 tháng, theo Sổ tiết kiệm có mã số 01268-TK;
- Xác nhận sẽ phong tỏa số tiền gửi này, không xác nhận để Ông Hà Đình Bảng cầm cố, thế chấp cho nghĩa vụ nào khác;
- Xác nhận sẽ ưu tiên và phối hợp với Ngân hàng TMCP Đông Phong để xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp Công ty Vina Tàu thuỷ không trả được nợ cho ngân hàng.
Sau khi có được sự xác nhận của Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam
– Hội sở chính, Ngân hàng TMCP Đông Phong đã giải ngân tiền vay vào tài khoản của Công ty Vina Tàu thuỷ tại Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính.
Hết thời hạn vay 2 tuần, Công ty Vina Tàu thuỷ không trả được nợ. Ngân hàng TMCP Đông Phong gửi Công văn đề nghị Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính phối hợp xử lý tài sản, thì bất ngờ nhận được thông tin là khoản tiền gửi không còn tại Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính. Bởi vì, vừa qua ông Hà Đình Bảng không trả được khoản nợ 700 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính nên đã bị khấu trừ để thu hồi nợ.
Trong trường hợp này, có thể thấy hai quan hệ pháp lý đan xen; thứ nhất là giao dịch cầm cố thẻ tiết kiểm giữa ông Hà Đình Bảng và Ngân hàng TMCP Đông Phong để bảo đảm cho khoản vay của Công ty Vina Tàu thuỷ; thứ hai là
giao dịch gửi tiền và vay nợ tín dụng giữa ông Hà Đình Bảng với Ngân hàng TMCP Công Đoàn Việt Nam – Hội sở chính.
Về phía Ngân hàng Đông Phong, khi nhận cầm cố từ ông Hà Đình Bảng, việc gửi công văn đề nghị xác nhận và hỗ trợ xử lý tài sản cầm cố tớ Ngân hàng Công Đoàn là cần thiết. Theo nội dung Ngân hàng Đông Phong đề nghị, Ngân hàng Công Đoàn phản hồi xác nhận về 3 nội dung nêu trên cũng là phù hợp.
Thực tế, Ngân hàng Công Đoàn không cam kết về việc sẽ xử lý tài khoản tiền gửi theo yêu cầu của Ngân hàng Đông Phong. Trong trường hợp này, do ông Hà Đình Bảng không trả được nợ vay nên Ngân hàng Công Đoàn đã tự động khấu trừ tiền gửi tiết kiệm của ông Hà Đình Bảng để thu hồi một phần nợ vay.
Khi Ngân hàng Đông Phong có công văn quy kết trách nhiệm của Ngân hàng Công Đoàn, Ngân hàng Công Đoàn đã khẳng định mình xác nhận đầy đủ theo yêu cầu của Ngân hàng Đông Phong; đồng thời, Ngân hàng Công Đoàn không cam kết về nghĩa vụ thanh toán (chuyển) khoản tiền gửi của ông Hà Đình Bảng cho Ngân hàng Đông Phong, mà chỉ cam kết về việc hỗ trợ xử lý.
Nguyên nhân dẫn tới tình huống này có thể xác định gồm:
- Ngân hàng Đông Phong không lường hết được các rủi ro xảy ra đối với phương án nhận cầm cố trước khi cấp tín dụng;
- Thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ tiết kiệm.
Với nguyên nhân thứ nhất, rất khó để xác định rủi ro trong tình huống này, nhất là khi Ngân hàng Công Đoàn đã có văn bản xác nhận.
Với nguyên nhân thứ hai, pháp luật chưa có quy định rõ về nghĩa vụ của ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm, điều này dẫn tới mọi cam kết hỗ trợ của ngân hàng phát hành đối với tổ chức tín dụng nhận cầm cố không có giá trị pháp lý ràng buộc, có chăng chỉ ràng buộc nhau dưới phạm trù đạo đức mà thôi.
Khoản 2, Điều 19 về “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP
chỉ quy định: “2. Trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong toả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố.” [13, khoản 2, Điều 19]
Trong khi đó, khoản 3, Điều 19 về “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP lại không đề cập tới thẻ tiết kiệm mà chỉ quy định về giấy tờ có giá như sau:
3. Trong trường hợp nhận cầm cố giấy tờ có giá thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố đối với giấy tờ có giá đó.
Trong trường hợp người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán vi phạm cam kết đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố mà gây thiệt hại cho bên nhận cầm cố thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. [13, khoản 3, Điều 19]
Thực tế với quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, nghĩa vụ của bên phát hành thẻ tiết kiệm chỉ dừng lại ở việc phong toả tiền gửi, mà không quy định về nghĩa vụ bảo đảm khả năng xử lý tài sản cầm cố của tổ chức phát hành thẻ trong trường hợp bên nhận cầm cố xử lý tài sản cầm cố.
Mặt khác, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006) cũng chỉ quy định sự việc này dưới góc độ quyền của tổ chức tín dụng nhận cầm cố; cụ thể, khoản 2, Điều 21 về “Sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm tiền vay”, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm Quyết định số 1160/2004/QĐ- NHNN quy định:
2. Khi sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản cầm cố, chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải cam
kết trường hợp đến hạn trả nợ mà không trả được nợ, thì tổ chức tín dụng cho vay có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm chuyển số tiền gửi tiết kiệm của bên vay cho tổ chức tín dụng cho vay để thu hồi nợ. [16, khoản 2, Điều 21]
Quy định trên thực tế không có nhiều giá trị áp dụng vì ngay cả trường hợp không có quy định này, đương nhiên để xử lý được số tiền gửi tiết kiệm, tổ chức tín dụng nhận cầm cố buộc phải yêu cầu ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm.
3.1.1.2. Rủi ro tranh chấp về điều kiện xử lý tài sản cầm cố
Đây là dạng rủi ro chung đối với nghiệp vụ giao dịch bảo đảm của tổ chức tín dụng.
Như đã nêu trên, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm gồm:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
- Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
Trừ trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ, hay trường hợp pháp luật có quy định khác, thì trường hợp xử lý tài sản bảo đảm dựa vào căn cứ có sự vi phạm nghĩa vụ được hai Bên thoả thuận có thể gây rủi ro cao cho tổ chức tín dụng.
Thực tế, tranh chấp có thể phát sinh do không đủ cơ sở xác định như thế nào là việc vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ để xử lý tài sản cầm cố.
Nhiều trường hợp, tổ chức tín dụng có thể thoả thuận với khách hàng về các trường hợp được xác định là vi phạm nghĩa vụ. Điều này có thể giải quyết được mặt hình thức nhưng không giải quyết được vấn đề bản chất của tranh
chấp lúc này là: Căn cứ đâu để xác định bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ, hay đang thuộc trường hợp bị xác định là vi phạm nghĩa vụ.
Thực tế này sẽ khó khăn cho tổ chức tín dụng vì theo nguyên tắc pháp lý, chỉ có cơ quan Toà án mới có đủ thẩm quyền để xác định hành vi của bên nào trong giao dịch là vi phạm thoả thuận.
3.1.1.3. Một số rủi ro khác:
Ngoài rủi ro đặc thù như đã nêu, với giao dịch cầm cố thẻ tiết kiệm, tổ chức tín dụng nhận cầm cố có thể gặp phải một số loại rủi ro như:
- Tiền gửi tiết kiệm của chủ thể khác nhưng giao, để cho cá nhân đứng tên (ví dụ: Cá nhân cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền quỹ công đoàn của công ty, tổ chức);
- Tiền gửi tiết kiệm thuộc sở hữu người này, nhưng lại để người khác đứng tên hộ (ví dụ: Con cái cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền do bố mẹ nhờ gửi hộ);
- Tiền gửi tiết kiệm thuộc sở hữu chung (ví dụ sở hữu chung vợ chồng: Chỉ một người vợ hoặc chồng cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền lương của mình; ví dụ sở hữu chung nhiều người: Một người cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền một nhóm, hội góp vào);
- Tiền gửi tiết kiệm không có thật (ví dụ: Cầm cố thẻ tiết kiệm giả);
- Tiền gửi tiết kiệm bị rút do không hoàn tất thủ tục phong toả theo quy
định.
Những rủi ro này thực tế đều có thể đặt ra, nhưng bằng nhiều biện pháp
phòng vệ, tổ chức tín dụng nhận cầm cố có thể hạn chế rủi ro, tạo lập căn cứ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp rủi ro xảy ra.
3.1.1.4. Giải pháp
Với rủi ro trong trường hợp cầm cố thẻ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành, trước hết, các tổ chức tín dụng cần chủ động, yêu cầu phía ngân hàng phát hành thẻ cung cấp đầy đủ thông tin và xác nhận về phương thức hỗ trợ xử lý tài sản cầm cố.