Quá Trình Thực Hiện Cải Cách Ruộng Đất Ở Kiến An


4. Lấy số diện tích bình quân và số sản lượng bình quân ở địa phương làm tiêu chuẩn để chia.

5. Chia theo đơn vị xã, ruộng nơi nào chia cho nơi ấy. Tuy nhiên nếu trong 1 xã ruộng nhiều người ít thì có thể san sẻ một phần cho xã kế bên ít ruộng nguời đông, sau khi đã chia hết cho nông dân trong xã và được nông dân xã đồng ý.

Trên cơ sở đường lối chung của Đảng, ngày 4.12.1953, Quốc hội khóa III đã thông qua Luật cải cách ruộng đất, gồm 5 chương, 38 điều, nhằm cụ thể hóa nội dung công tác cải cách ruộng đất. Ngay sau đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh 197 – SL về Luật cải cách ruộng đất. Thời điểm này, Kiến An đang bị tạm chiếm nên chưa có điều kiện thực hiện cải cách ruộng đất, tuy vậy, Đảng bộ Kiến An cũng đã phát động phong trào đấu tranh giảm tô, giảm tức, rút ruộng công, ruộng đồn điền trong tay địa chủ chia cho nông dân thiếu ruộng, vì vậy đời sống của nông dân Kiến An trong kháng chiến cũng được cải thiện một phần.

Hòa bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất được đặt ra. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9.1954 một lần nữa khẳng định: “Chia ruộng cho nông dân, xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ phải là chính sách bất di bất dịch của ta… Nếu không thực hiện việc tiêu diệt chế độ ruộng đất của địa chủ thì cũng không thể tạo ra điều kiện căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế. Bởi vậy phải tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh cải cách ruộng đất” [22, 297].

Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa IV (3.1955) đã nhấn mạnh tác dụng toàn diện của cải cách ruộng đất đối với miền Bắc: Về chính trị, cải cách ruộng đất là củng cố nông thôn vững chắc, nền tảng của chính quyền dân chủ cộng hòa; có cải cách ruộng đất thì mới thực sự có dân


chủ. Về kinh tế, cải cách ruộng đất tạo điều kiện căn bản để khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng công nghiệp, đẩy mạnh thương nghiệp. Cải cách ruộng đất là cải thiện dân sinh trước tiên cho nông dân.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những sai lầm, hạn chế của các đợt giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất trước đó, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn, chính sách cải cách ruộng đất của Đảng sau hòa bình lập lại đã có sự điều chỉnh: rút khẩu hiệu “đánh đổ Việt gian phản động” đề ra trong kháng chiến, thu hẹp diện đấu tranh, sửa đổi phương pháp đấu tranh, đối với địa chủ cần “tăng cường tác dụng của chính quyền và pháp luật, dùng phương pháp tòa án” [22, 298] để đấu tranh; không vạch linh mục là địa chủ dù họ quản lý ruộng đất phát canh của nhà chung, mở rộng diện trưng mua, quy định việc hiến ruộng với những điều kiện rộng rãi hơn, chiếu cố những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ; kết hợp cải cách ruộng đất với trấn áp bọn phản cách mạng phá hoại hiện hành và chỉnh đốn chi bộ nông thôn vùng mới giải phóng.

Trên tinh thần đó, một loạt các văn kiện đã ra đời nhằm cụ thể hóa chính sách cải cách ruộng đất trong thời kỳ này: Mấy vấn đề bổ sung vào chính sách cải cách ruộng đất đối với vùng mới giải phóng (được Hội đồng Chính phủ thông qua trong phiên họp trung tuần tháng 5.1955), Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn (số 472 TTg ngày 1.3.1955 của Thủ tướng phủ)…

Cải cách ruộng đất ở Kiến An được tiến hành vào đợt 5 - đợt cuối cùng (từ 25.12.1955 đến 30.7.1956). Nghị quyết cuộc họp thường trực của UBCCRĐ Khu Tả Ngạn và Bí thư các Đoàn ủy (12.1955) cũng đã đề ra mục đích và yêu cầu của cải cách ruộng đất đợt 5 như sau [12, 4]:

- Triệt để xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ ở nước ta, thực


hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách phong kiến.

- Phát động tư tưởng quần chúng, triệt để đánh đổ uy thế chính trị của giai cấp địa chủ, trước hết đánh đổ địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ, tổ chức phản động, trấn áp những hoạt động hiện hành của bọn phản cách mạng và làm tan rã về căn bản cơ sở tổ chức phản động, thu vũ khí của địch còn lại và vũ khí còn rải rác trong thời kỳ kháng chiến, xây dựng ưu thế chính trị của nông dân lao động, thực hiện nông dân lao động thực sự vĩnh viễn làm chủ nông thôn, xây dựng đoàn kết nhân dân, đoàn kết lương giáo.

- Xây dựng và chỉnh đốn các tổ chức, chủ yếu là xây dựng chi bộ, làm cho chi bộ trong sạch, vững mạnh.

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để đảm bảo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế 2 năm mở đường cho công - thương - nghiệp phát triển để xây dựng cơ sở cho nền kinh tế dân chủ mới, do đó nâng cao mức sống cho nhân dân và nông dân lao động, đẩy mạnh cuộc đấu tranh, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.

Đối với chỉnh đốn chi bộ nông thôn trong cải cách ruộng đất, nghị quyết cũng nhấn mạnh thêm: "về tư tưởng cũng như tổ chức, vạch rõ ranh giới giữa Đảng và giai cấp bóc lột, giữa Đảng ta và tổ chức chính trị phản động, triệt để phá tan tổ chức phản động ở trong Đảng, làm cho chi bộ trong sạch, vững mạnh" [12, 4].

1.4. Quá trình thực hiện cải cách ruộng đất ở Kiến An

Công tác tiến hành cải cách ruộng đất ở Kiến An do hai đoàn 3 và 4 phụ trách. Cụ thể, đoàn 3 phụ trách 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo – vùng căn cứ du kích cũ của Kiến An; đoàn 4 phụ trách 3 huyện An Lão, An Dương, Kiến Thuỵ, thị trấn Đồ Sơn – vùng mới giải phóng (Kiến An) và Hải An (Hải Phòng).


Việc tiến hành cải cách ruộng đất do các đoàn trực tiếp chỉ đạo, Tỉnh uỷ Kiến An được xác định là phải phối hợp với các đoàn uỷ cải cách ruộng đất để cải cách ruộng đất đợt 5 hoàn thành thắng lợi.

Hai đoàn song song tiến hành trong thời gian 5 tháng từ 1.1956 đến 5.1956, theo các bước: bắt rễ, xâu chuỗi, phát động quần chúng, vạch thành phần, truy thu thuế, thoái tô, chia ruộng đất, xác định diện tích, sản lượng để lập sổ bộ thuế nông nghiệp, chỉnh đốn tổ chức, bồi dưỡng cán bộ, phát huy thắng lợi của cải cách ruộng đất.

Cụ thể, Kiến An đã đạt được những kết quả chính sau:

Về chính trị:

Ta đã quy vạch đúng 1.769 địa chủ, đánh mạnh vào 190 địa chủ cường hào gian ác [3, 63], bộ phận phản động nhất của giai cấp địa chủ. Ta cũng đã thanh thải được những phần tử xấu chui vào cơ quan lãnh đạo ở nông thôn.

Kết hợp với cải cách ruộng đất, ta đã trấn áp bọn phản cách mạng, bọn phá hoại, khám phá ra một số vụ phá hoại và trừng trị thích đáng những tên cầm đầu, giải quyết một phần lớn tình hình hỗn tạp: nguỵ quân, nguỵ quyền, gián điệp, góp phần ổn định nông thôn. Bên cạnh đó, ta cũng đã thu hồi một số vũ khí rải rác trong nông thôn, nhất là vũ khí của địch để lại trong tay các thế lực phản động, ngăn chặn được những tác hại có thể xảy ra.

Về kinh tế:

Toàn tỉnh đã tịch thu, trưng thu, trưng mua được: 104.274 mẫu ruộng, 4.727 con trâu, bò; 6.570 nông cụ, 5.830 nhà cửa, 15.396 cân lương thực,

449.394 cân thuốc lào, 83 cân vàng, 239 thước vải, 21.700.700 đồng tiền [11, 6] (bao gồm tài sản của địa chủ; tài sản trưng mua của các thành phần khác; trưng thu của nhà chung, ruộng đất bán công bán tư; và tài sản của những hộ bị quy sai thành phần).


Trong đó ta đã lấy 14.501 mẫu 8 sào ruộng đất của địa chủ để chia cho nông dân. Đồng thời tuyên bố công nhận quyền sở hữu thực sự cho nông dân đối với 12.148 mẫu trước đây địa chủ đã phân tán và nông dân sử dụng [3, 63]. Mức bình quân chiếm hữu ruộng đất ở Kiến An đã thay đổi.

Bảng 1.7. Bình quân nhân khẩu ruộng đất ở Kiến An trước và sau CCRĐ

[1, 32-33]


Thành phần

Trước CCRĐ

Sau CCRĐ

Cố nông

2 thước

2 sào 6 thước

Bần nông

14 thước

2 sào 12 thước

Trung nông

2 sào 7 thước

4 sào 2 thước

Phú nông

6 sào 7 thước

5 sào

Địa chủ

1 mẫu 7 sào

2 sào 5 thước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Cải cách ruộng đất tại Kiến An (1955-1957) - 5


Ngoài ra ta cũng đã lấy trong tay địa chủ 1.609 con trâu bò, 2.266 chiếc cày bừa, 2.550 nhà cửa chia cho bần cố nông [3, 63].

Về chỉnh đốn tổ chức:

Công tác Đảng: Trước cải cách ruộng đất chỉ có 64 chi bộ Đảng ở nông thôn, nay đã có 107 chi bộ; nhiều nơi trước không có nay cũng đã xây dựng được như Kiến Thuỵ, ven đường 5 An Dương, ven thị xã và khu 1 An Lão.

Toàn tỉnh đã kết nạp thêm 917 đảng viên cùng với số đảng viên cũ còn được ở lại Đảng là 1.299, tổng cộng là 2.216 đồng chí, trong đó có 586 đồng chí nữ, 12 đảng viên công giáo. Về thành phần có 764 cố nông, 1.028 bần nông, 397 trung nông, 27 ngư dân [11, 11-12].

Công tác chính quyền: nông dân lao động đã thực sự làm chủ nông thôn, các uỷ ban hành chính xã, công an, xã đội, du kích và trưởng xóm đều thuộc thành phần nông dân lao động.


Công tác nông hội: toàn tỉnh đã kết nạp được 133.352 hội viên, trong đó có 77.428 là nữ, 3.580 thuộc thành phần công giáo, 3.966 trước là nguỵ binh và

2.305 tề trước [11, 12].

Công tác thanh niên: Tỉnh đã xây dựng được Đoàn Thanh niên Lao động, kết nạp thêm 5.023 đoàn viên [11, 12].

*

* *

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và được sự chỉ đạo trực tiếp của Khu Ủy và UBCCRĐ khu Tả Ngạn, cải cách ruộng đất ở Kiến An được tiến hành từ tháng 1.1956 đến tháng 6.1956. Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, cải cách ruộng đất ở Kiến An cũng đạt được những kết quả nhất định về chính trị và chỉnh đốn tổ chức.

Cải cách ruộng đất ở Kiến An đã đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, xoá bỏ quan hệ bóc lột phong kiến ở nông thôn, đem lại ruộng đất, uy thế chính trị và quyền làm chủ cho nhân dân, tạo tiền đề đưa nông thôn tiến vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách ruộng đất đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng: sai lầm về quy vạch thành phần, quy kết phản động, nghiêm trọng hơn cả là đánh cả vào nội bộ đảng, làm tê liệt các tổ chức cơ sở đảng, biến đó thành một cuộc thanh đảng quy mô lớn. Hậu quả của những sai lầm phổ biến, nghiêm trọng, kéo dài đã gây nên tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết trong nông thôn, trong nội bộ Đảng, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã nhận thức được sai lầm, dũng cảm thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa những sai lầm đó.


Chương 2. THỰC HIỆN CÔNG TÁC SỬA SAI, HOÀN THÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (1956-1957)

2.1. Những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Kiến An

Sai lầm về vạch thành phần:

Do không nghiên cứu kỹ, không thấy hết tình hình đặc điểm ở nông thôn, sự chuyển biến về thành phần giai cấp từ sau Cách mạng Tháng Tám, nên Khu đã chỉ đạo tỷ lệ không chính xác: 5% địa chủ, 25% địa chủ cường hào gian ác [12, 79], dẫn đến hậu quả quy vạch địa chủ bừa bãi.

Cụ thể đoàn 3 đã vạch 2.820 địa chủ (tỷ lệ 4.4%), trong đó quy 721 địa chủ cường hào gian ác (tỷ lệ 25.5%). Đoàn 4 (bao gồm cả Hải An - Hải Phòng) đã vạch 2.192 địa chủ (tỷ lệ 4.4%), trong đó quy 624 địa chủ cường hào gian ác (tỷ lệ 28.4%) [40, 1].

Toàn tỉnh đã quy sai 4.300 hộ, trong đó, số bị quy sai lên phú nông là

2.072 hộ (tỷ lệ sai 85.5%); số bị quy sai lên địa chủ là 2.228 hộ (tỷ lệ sai 55.7%). Trong số 4.300 hộ bị quy sai, nhiều nhất là trung nông với 3.475 hộ trung nông bị quy sai thành phần (trong đó, 1.469 hộ bị quy nhầm thành địa chủ). Số bị kích sai lên địa chủ cường hào gian ác là 882 hộ (tỷ lệ sai 82.9%) [3, 45].

Sai lầm về quy kết phản động:

Quy kết phản động không đúng, đánh chệch đối tượng, đánh nhầm cả vào nội bộ Đảng, nội bộ nhân dân lao động và những thành phần khác trong Mặt trận một cách nghiêm trọng. Toàn tỉnh đã bắt giam 1.774 người, phần lớn là sai và hầu hết bị truy bức nhục hình, trong đó có 75 cán bộ đảng viên,

1.332 nông dân lao động, 90 phú nông, 55 thuộc thành phần khác. Quản chế 361 người, đã xử 1.250 người (chết trong tù 40 người), sai 86.55%. Đã tử hình 133 người, sai 44 người. Trong số những người bị xét xử sai: quản chế


oan, tù oan, tử hình oan đa số là cán bộ đảng viên và nông dân lao động. [3, 60].

Sai lầm trong chính sách tịch thu, trưng thu, trưng mua:

Cương lĩnh của Đảng và Luật Cải cách ruộng đất đã nêu lên tinh thần chung của chính sách là triệt để xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, nhưng có phân biệt, cụ thể quy định:

Tịch thu toàn bộ ruộng đất của đế quốc thực dân; tịch thu, trưng thu ruộng đất trâu bò, nông cụ, lương thực thừa và các tài sản khác của địa chủ việt gian phản động và cường hào gian ác, tịch thu toàn bộ hoặc một phần tùy tội nặng nhẹ, còn lại thì trưng thu; trưng mua ruộng đất, trâu bò của nhân sỹ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, còn nhà cửa và lương thực thừa thì không động chạm đến.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do quy sai nhiều thành phần không phải là địa chủ thành địa chủ, hoặc thành địa chủ cường hào gian ác, việt gian phản động nên đã đụng chạm đến ruộng đất, tài sản của những người mà lẽ ra chúng ta phải bảo hộ. Ngoài ra văn bản quy định tạm thời để thực hiện luật cải cách ruộng đất có đôi chỗ chỉ đạo không rõ ràng, như: đối với nhà cửa, lương thực thừa và các tài sản khác của địa chủ kháng chiến và địa chủ thường trong trường hợp nhân dân quá thiếu lương thực, vốn sản xuất, không có nhà ở, được Ủy ban Cải cách ruộng đất đồng ý thì có thể trưng mua một phần để chia cho nông dân. Vì vậy dẫn đến việc trưng mua tràn lan đối với những tài sản không phải ruộng đất của địa chủ kháng chiến và địa chủ thường.

Nhiều gia đình nông dân lao động bị tịch thu, trưng thu, trưng mua oan. Nhiều gia đình địa chủ kháng chiến, địa chủ thường thuộc diện trưng mua song chỉ vì bị kích lên địa chủ cường hào gian ác mà ruộng đất, tài sản bị tịch thu, trưng thu.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 24/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí