Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 13


Sinh về quê nói với Hoạn Thư như thế nào để việc nàng lấy lẽ Thúc được êm xuôi. Ngay từ đầu đến với Thúc Sinh, nàng đã lường trước hậu quả có thể xảy ra nếu như Thúc Sinh cứ giấu Hoạn Thư và tự thấy mình ở thế bị động. Nàng thực lòng lo nghĩ tới tình cảm vợ chồng của Thúc Sinh - Hoạn Thư, lo lắng khi nghĩ về người vợ cả bởi “Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông” và sẵn sàng chịu đựng thân phận hèn mọn chỉ mong được yên thân. Sau khi bị Mã Giám Sinh rồi Sở Khanh lừa dối, lòng tin của nàng vào sự trung thành của tình yêu đã mất, nàng đã biết tính toán, cân nhắc, so sánh và đã thương thân xót thân.

Sáng tạo độc đáo, mới mẻ của Nguyễn Du ở đoạn này chính là đoạn thơ khắc họa cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều. Đoạn thơ này vừa thể hiện được sự lưu luyến của hai người, vừa thể hiện sự lo lắng và bất an của Thúy Kiều, đồng thời cũng đưa ra sự điềm báo không lành ở tương lai. Trần Đình Sử viết: “Thanh Tâm tài nhân đã dành gần hết hồi 13 để tả cuộc chia tay hết sức chi tiết... Đó thật là cuộc chia tay của hai người bạn văn nhân, chén tạc chén thù, viện dẫn nào Biệt phú, Hận phú của Giang Yêm, nào Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, chứ đâu chỉ là cuộc chia tay của hai vợ chồng. Nguyễn Du đã thuật lại trong 28 dòng đầy lưu luyến, ai oán, thi vị... Chất thơ thể hiện ở cảm giác khi tiễn biệt - Xuân Đình thoắt đã dạo ra Cao Đình - ở phong cảnh sông nước cách chia, ải quan ngăn trở, cảnh lên ngựa, chia bào có hơi hướng chinh phu lên đường, lại hình ảnh quan san “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” - Thuần tuý cảm giác chia phôi, cách trở, rồi cảnh chinh phu lấp trong bụi hồng... Người đọc không còn thấy đâu một cảnh chia tay hàng ngày mà Thanh Tâm tài nhân đã tả một cách rất thật, mà thay vào một cuộc chia tay muôn thủa, đầy đau đớn đứt ruột” [54, tr. 227-228].

Thật vậy, ta thấy khi Thúc Sinh - Thúy Kiều chia tay, tất cả phong cảnh trước mắt họ đều nhuốm màu biên ải ảm đạm, bao nhiêu địa danh biên ải xa


xôi bỗng chốc tụ về, tạo nên cảm thức biên ải đậm đặc. Cảnh vật, không gian, thời gian đều nhuốm màu chia ly. Sau những câu thơ tả cảnh ước lệ tượng trưng, nhuốm cảm thức biên ải xa xôi cách trở đó là lời dặn dò “căn vặn tới điều” của Thúy Kiều với Thúc Sinh. Tới tận thời khắc chia tay ngắn ngủi ấy, nàng vẫn cố gắng dặn dò Thúc Sinh chuyện thú thật với Hoạn Thư để “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Ta thấy sự mong mỏi phận lẽ mọn tới tội nghiệp ở người con gái từng nổi danh tài sắc một thì này “Dù khi sóng gió bất bình/ Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi”. Nàng khuyên Thúc về thú thật với Hoạn Thư nhưng Thúc đã không làm. Rõ ràng nàng đã có một vốn sống và đã hiểu cảnh ngang trái của cuộc đời.

Khi chia tay, nàng cũng níu áo Thúc Sinh. Theo logic bình thường, kẻ ở có buông áo thì người đi mới lên ngựa được. Ở đây, Nguyễn Du đã cố ý sắp xếp ngược lại, qua đó ta không chỉ thấy nỗi vấn vương lưu luyến của nàng đối với Thúc Sinh mà còn thấy được tâm trạng đầy lo lắng và bất an của nàng. Nàng cố níu giữ Thúc Sinh tới giây phút cuối cùng, mong Thúc về thú thật với vợ cả là mong cuộc sống yên ổn lâu dài. Trong nửa năm chung sống, qua Thúc Sinh, nàng đã biết ít nhiều về người vợ cả “khôn lường đáy sông” này, lo sợ sẽ mất chàng, sẽ lại rơi vào cảnh bơ vơ chân trời góc bể trong cuộc đời nhiều trầm luân khổ ải. Vì thế, nàng cố níu giữ chàng ngay cả khi chàng đã lên ngựa. Chi tiết này không phải chỉ mang tính chất ước lệ mà nó đã thể hiện được tâm trạng ngổn ngang trăm mối của nàng.

Hình ảnh ước lệ tượng trưng rừng phong lúc chớm thu lá dần ngả sang màu đỏ được nhắc đến khá nhiều trong thơ cổ điển Trung Hoa. Hình ảnh ước lệ này qua tay thiên tài Nguyễn Du đã trở thành “màu quan san” gợi sự xa xôi cách trở. Thúc Sinh lên đường, Kiều ở lại một mình đứng lặng lẽ, cô đơn, dõi mắt theo chàng. Cũng giống như “màu quan san” là màu của tâm trạng, cảnh “dặm hồng bụi cuốn” kia là cảnh được nhìn qua tâm trạng đầy lo âu của


nàng: Thúc Sinh về quê mà như đang đi vào nơi gió bụi, gian truân không khác gì đi ra trận đánh giặc bởi chàng sắp chiến đấu với Hoạn Thư – người vợ cả đầy uy lực và mưu ma. Với tâm trạng đầy lo âu và bất an ấy, nàng dõi mắt trông theo bóng hình Thúc Sinh cho đến lúc chỉ thấy màu xanh của ngàn dâu mờ xa cuối chân trời để cuối cùng, chính màu xanh ngắt của ngàn dâu đã ngăn cách nàng và Thúc Sinh. Màu xanh ngắt này tuy không ảm đạm thê lương như màu xanh của nội cỏ dàu dàu bên mộ Đạm Tiên nhưng nó nhức nhối, chứa đầy sự âu lo và bất an. Như vậy, với bút pháp ước lệ tượng trưng, với sự cảm nhận tinh tế về tâm trạng nhân vật và cách dùng từ độc đáo, Nguyễn Du đã biến những câu thơ tự sự, tả cảnh thành những câu thơ trữ tình chứa chan tâm trạng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

Tới khi trở về, nàng thương mình lẻ loi "chiếc bóng năm canh", thao thức, thương nhớ, chờ đợi, lo âu,.... Nàng thương Thúc Sinh đi xa "muôn dặm" vất vả, cô đơn "một mình”. Đêm "năm canh" đợi chờ như dài ra. "Muôn dặm" với bao thương nhớ như "xa xôi" vô tận. Xưa là vầng trăng thề nguyền, chứa chan hạnh phúc mà "đêm nay" chỉ có vầng trăng ly biệt. Và hơn thế nữa, sự bất an đeo đẳng trong tâm hồn nàng có lẽ giờ đây đã chuyển thành niềm dự cảm không lành về sự chia lìa. Hình tượng vầng trăng bị ai xẻ làm đôi đã để lại trong lòng độc giả bao xót thương và ám ảnh.


Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 13

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với 6 bài Từ chàng ra đi và bài chú cầu trời

Trong Kim Vân Kiều truyện, khi Thúc Sinh về quê, Thanh Tâm tài nhân đã ghi lại khá tỉ mỉ suy nghĩ, tâm trạng và hành động của Thúy Kiều. Ở phần văn xuôi, qua suy nghĩ của nàng, ta thấy nàng là người lý trí, hết sức tỉnh táo nhưng qua 6 bài Từ chàng ra đi và bài chú cầu trời, độc giả phần nào cũng cảm nhận được nỗi nhớ Thúc Sinh khôn nguôi của nàng.


Theo đặc điểm thể loại, thời gian trong Kim Vân Kiều truyện được nhắc tới như một yếu tố bình thường trong dòng diễn tiến sự kiện và nhân vật hầu như không có hoặc có rất ít cảm thức về mặt thời gian mà chỉ thiên về hành động. Nhưng thời gian trong Truyện Kiều không chỉ đơn thuần là thời gian sự kiện mà còn là thời gian ước lệ, thời gian tâm trạng. Nó đã trở thành yếu tố đắc lực trong việc diễn tả nội tâm nhân vật. Thúy Kiều của Nguyễn Du không chỉ luôn có cảm nhận nhạy bén, tinh tế về thời gian mà còn rất hay nhớ nhà. Nỗi nhớ cha mẹ, người yêu, quãng đời trước như một điểm tựa để nàng tiếp tục sống. Từ ngày bước chân ra đi, đây là lần thứ hai nàng nhớ nhà. Không giống như lần đầu nhớ nhà trên đường đi với Mã Giám Sinh, lần này nàng nhớ tới cha mẹ đầu tiên. Đó là nỗi nhớ thương và lo lắng cho cuộc sống của mẹ cha khi mẹ cha đã về già của người con gái đã từng trải trên đường đời. Còn với Kim Trọng, nàng băn khoăn “Tóc thề đã chấm ngang vai/ Nào lời non nước nào lời sắt son”. Hình ảnh tóc thề chấm ngang vai là một ẩn dụ về thời gian xa cách và cũng ngầm ý muốn nói rằng nàng đã trao duyên cho Thúy Vân, thời gian đã lâu như vậy rồi không biết Thúy Vân và chàng Kim thế nào? Tại thời điểm này, nàng đang một mình phấp phỏng đợi chờ Thúc Sinh quay lại báo tin. Nàng coi Thúc Sinh như một chiếc phao để giúp nàng vượt qua cơn bão đời cho dù phải sống kiếp sống vợ lẽ vì thế khi Thúc chưa quay trở lại, nàng rất bồn chồn, nhớ mẹ cha, nhớ người yêu và phấp phỏng lo cho bản thân mình:

Sắn bìm chút phận con con,

Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

Thân sao nhiều nỗi bất bằng,

Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao?

(Câu 1733 – 1736)


Vẫn là một ý thức về cảnh ngộ và thân phận. Nguyễn Du không để Kiều ảo tưởng. Giờ đây, nàng tự coi mình là phận sắn bìm, lẽ mọn nhưng đã nhỏ bé tới mức ấy rồi mà nàng vẫn lo lắng e dè không biết có “vuông tròn cho chăng”. Độc giả không khỏi xót xa khi thủa trước nàng là cô gái “nghiêng nước nghiêng thành” mà giờ đây đến làm lẽ sợ cũng không được.

Đây là đoạn thơ thể hiện đầy đủ trạng thái tâm lý Thúy Kiều sau hàng loạt biến cố lớn của cuộc đời. Nàng ở trong tâm thế một người con gái biết rõ thân phận mình gặp nhiều oan khổ nhưng vẫn âm thầm chịu đựng để tìm cách vươn lên. Hàng loạt các câu hỏi tu từ, hàng loạt các từ nghi vấn được đưa ra trong các cặp câu lục bát, nhịp thơ cũng ngắt theo độ phấp phỏng của tâm trạng. Điều đó chứng tỏ mạch tâm trạng của nàng càng về sau càng phấp phỏng, âu lo.

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với khúc đàn đầu tiên Thúy Kiều gảy hầu vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư

Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân đã kể rất tỉ mỉ những suy nghĩ, hành động của các nhân vật Hoạn tiểu thư, Thúc Sinh và Thúy Kiều kể từ khi Thúy Kiều bị bắt về Vô Tích. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không trần thuật theo diến biến bề ngoài của sự kiện như Thanh Tâm tài nhân mà theo diễn tiến tâm trạng nhân vật. Đặc biệt, ông chú trọng miêu tả cảm xúc của Thúy Kiều khi gảy đàn hầu vợ chồng Thúc Sinh – Hoạn Thư chứ không miêu tả tiếng đàn mang tính công thức như Thanh Tâm tài nhân. Để khắc họa một cách chân thực tâm trạng sợ hãi tới cùng cực của Thúy Kiều khi nhận ra tình cảnh hiện tại và tâm trạng nhục nhã, đau đớn của nàng khi hầu rượu, gảy đàn trong bữa tiệc tẩy trần của vợ chồng Hoạn Thư, tác giả đã duy trì điểm nhìn bên trong nhân vật, lúc thì để nhân vật tự bộc lộ, lúc thì người kể chuyện trần thuật một cách gián tiếp. Sự sợ hãi và đớn đau như làm tê liệt tinh thần của nàng “Nàng đà choáng váng tê mê/ Vâng lời ra trước bình the vặn đàn”.


Theo Phan Ngọc, trong Truyện Kiều có hai cách khác nhau để tả tiếng đàn, cách thứ nhất là lấy vũ trụ để tả tiếng đàn, đây là cách của Bạch Cư Dị trong Tì bà hành, còn một tiếng đàn nữa là tiếng đàn khi nghe làm vang lên những cảm nghĩ của con người, đây là phần sáng tạo của Nguyễn Du. Khúc đàn đầu tiên Kiều gảy cho Kim Trọng là khúc đàn duy nhất Nguyễn Du sử dụng bút pháp của Nhạc ký, các lần sau ông dùng tiếng đàn để bộc lộ nội tâm. Tiếng đàn của Kiều gảy cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe chỉ có hai câu bởi đây là tiếng đàn bị bắt ép phải gảy. Đó là tiếng đàn của cuộc đời, mang đúng tâm trạng của người gảy “Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”. Có một sự đối lập về tâm trạng của người trong cuộc, Hoạn Thư hả hê còn Thúy Kiều và Thúc Sinh thì sợ hãi, đau đớn không cất được lên lời.

Tiếp theo, Nguyễn Du không để Thúy Kiều nghe lời Hoạn Thư gảy khúc đàn thứ hai như Thanh Tâm tài nhân mà chỉ để Thúy Kiều gảy một khúc đàn, sau đó tô đậm tình huống bi kịch, đau đớn của nàng. Khi thức trông cho vợ chồng Hoạn Thư - Thúc Sinh ngủ, nàng một mình một bóng bên ngọn đèn khuya, những dòng độc thoại nội tâm lại xuất hiện. Tuy vẫn đau đớn, cay đắng và sợ hãi khi nghĩ tới chước ghen lạ đời của Hoạn Thư và tình cảnh éo le hiện tại nhưng ta thấy giọng điệu của nàng bây giờ khác hẳn: “Bây giờ mới rõ”, “đâu có lạ đời”, “chước đâu”,... Đó không còn là giọng điệu của một cô gái đang tuổi cập kê, sống trong sự chở che của gia đình mới bước chân ra đi cùng Mã Giám Sinh ngày nào nữa mà là suy nghĩ, giọng điệu của một cô gái đã từng trải chuyện đời. Những tháng ngày phải sống kiếp sống của thân gái lầu xanh dưới trướng Tú Bà, những tháng ngày phải sống kiếp sống đày đọa của thân phận nô tì dưới trướng Hoạn Thư đã tạo nên giọng điệu ấy.


3.3.2.4. Cách xử lý của Nguyễn Du đối với nhóm thơ từ thể hiện con người quyết đoán, lý chí như trang nam nhi của Thúy Kiều

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với 9 bài Gặp phải đứa vô loài

Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân đã kể rất chi tiết những suy nghĩ, toan tính, hành động của Thúy Kiều từ khi lên kiệu hoa tới khi thất thân với Mã Bất Tiến. Qua lối suy nghĩ, toan tính, hành động và 9 bài thơ của nàng, ta thấy nàng là người con gái mạnh mẽ, lý chí. Với cảm quan về nhân vật và mục đích sáng tác khác nhau, Nguyễn Du đã đi sâu phân tích nội tâm của Thúy Kiều bằng cách để nàng ngồi một mình ngẫm về tình cảnh hiện tại. Ngẫm mà xa xót khi nghĩ tới Kim Trọng. Trước kia, để giữ bản thân vẹn toàn cho chàng sau này, nàng đã lên tiếng can ngăn chàng nhưng giờ đây khi sắp phải trao thân cho Mã Giám Sinh - một kẻ không đáng trao thì nàng lại hối tiếc:

Phẩm tiên rơi đến tay hèn, Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.

Biết thân đến bước lạc loài,

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

...

Đã sinh ra số long đong,

Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?

(Câu 789 – 798)

Chứng kiến tất cả diễn biến tâm trạng ấy của nàng và khi nàng thất thân với Mã Giám Sinh, người kể chuyện đã cất lên tiếng kêu đầy xa xót:

Tiếc thay một đóa trà mi,

Con ong đã tỏ đường đi lối về!

Một cơn mưa gió nặng nề, Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.

(Câu 845 – 848)


Tới đây, người kể chuyện lại di chuyển điểm nhìn trần thuật vào bên trong nhân vật. Tác giả đã khắc họa tình cảnh nhục nhã của nàng “Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ”. Biết bao nhiêu nỗi uất hận, xót xa bộc lộ trong cụm từ “mặc nàng nằm trơ” ấy. Nàng đã khóc, khóc trong nỗi nhục nhã và nỗi đau “Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình”. Những dòng độc thoại nội tâm lại xuất hiện:

Tuồng chi là giống hôi tanh!

Thân nghìn vàng, để ô danh má hồng.

Thôi còn chi nữa mà mong, Đời người thôi thế là xong một đời!

(Câu 853 – 856)

Đó là cảm giác ghê tởm, căm tức khi phải lấy “giống hôi tanh” Mã Giám Sinh. Đó là sự xót xa cho thân phận. Đó là sự thất vọng chán chường bởi ý nghĩ “Đời người thôi thế là xong một đời”. Nỗi nhục nhã, sự tức giận đã thúc đẩy nàng thực hiện hành động đã dự tính từ trước, nhưng một lần nữa con người trách nhiệm, luôn sống vì người khác lại thắng thế để rồi nàng quyết định từ bỏ ý định tự vẫn.

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với bài thơ Khốc hoàng thiên.

Bài ca Khốc hoàng thiên do Thúy Kiều sáng tác đã phản ánh trung thực những nỗi khổ cực của thân gái lầu xanh nói chung và Thúy Kiều nói riêng. Nhận xét về bài ca này, Trần Đình Sử viết: Thúy Kiều “Tự mình oán hận rất sâu mới làm một bài Khóc trời cao để nói chí bất bình. Tiếp theo là chép bài thơ dài 48 dòng. Bài ca ấy cũng cho thấy kiểu tự sự của tác giả Trung Quốc: Một là bài ca chỉ kể lể những gì ai ở lầu xanh cũng đều đã biết, hai là chủ thể bài ca không phải riêng gì Thúy Kiều mà là một khái quát chung chung về kiếp làm đĩ, nó là một sự phân tán điểm nhìn, làm cho nhân vật không còn là một khối thống nhất. Bài ca quả là có một giá trị tả thực đáng kể, nhưng với nỗi đau

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí