luật và cơ chế cụ thể hiện chưa theo kịp với yêu cầu xã hội. Đó là thực tế khiến chúng ta cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh một cơ chế cụ thể, hiệu quả để người dân cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện quyền của mình. Tại sao vậy? Bởi họ chính là những đối tượng bị áp dụng và chịu sự tác động trực tiếp từ các quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin (như đã phân tích trong phần nguyên nhân thứ 6). Đây sẽ là một công cụ quan trọng để xã hội có thể phản biện lại một cách chính thức và hợp pháp đối với mỗi quyết định hành chính mà UBND tỉnh ban hành. Làm được như vậy có lẽ cơ quan giải quyết khiếu nại và tòa Hành chính sẽ bớt bận rộn hơn khi phần lớn các yêu cầu, khúc mắc của nhân dân, doanh nghiệp được làm sáng tỏ và đến được với UBND tỉnh nhiều hơn trước. Có lẽ đây là một dấu mốc dân chủ mà ai ai cũng đang chờ đợi.
Cuối cùng, Nhà nước cần tạo điều kiện để giới truyền thông, báo chí có thể phát huy sức mạnh của mình trong việc đưa tin, phản ánh về các quyết định hành chính của UBND tỉnh nói chung và các quyết định hành chính vi phạm tính hợp pháp và hợp lý nói riêng.
2.2.1.6. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động xây dựng, ban hành, rà soát và xử lý các quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Điều này muốn nói rằng bất cứ một công việc gì cũng cần có sự đầu tư kinh phí nhất định. Chẳng thế mà Mỹ trở thành một cường quốc có tiếng nói quan trọng trên thế giới. Việt Nam tuy chưa phải là một nước giàu có nhưng đã thoát nghèo từ lâu và đang có một tốc độ phát triển tương đối nhanh với tỉ lệ GDP trung bình duy trì ở mức 6%-7%/năm. Đặc biệt trong khi cả thế giới nghiêng ngả vì khủng hoảng, châu Âu ngập chìm trong nợ công đến mức khó có thể giữ nổi đồng EURO, bản thân ngay tại Mỹ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục và việc giảm tỷ lệ này trở thành một trong những cương lĩnh tranh cử trong nhiệm kỳ của không ít ứng cử viên thì chúng ta chỉ bị ảnh hưởng phần nào và có một tín
hiệu vui- đến hết Quý 1/2012 Nhà nước sẽ hạ 1% lãi suất. Điều này minh chứng cho khả năng chống chọi và phục hồi của kinh tế Việt Nam, dù chúng ta chưa phải là một cường quốc kinh tế như những người khổng lồ Mỹ, Trung Quốc, Nhật…
Xét trong nội bộ ngân sách nhà nước hiện không dư dật nhưng không đến nỗi không thể sắp xếp được vì đây là cả một chiến lược cải cách hành chính công mà Đảng và nhà nước đã vạch ra. Do đó, hy vọng ngân sách giải ngân cho công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia nói chung và việc điều chỉnh chi phí ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương trong đó có UBND tỉnh nói riêng là có thể. Điều muốn nói là với yêu cầu giải quyết tình trạng văn bản lỗi hiện nay (trong đó có quyết định hành chính của UBND tỉnh) không chỉ dừng ở những biện pháp chuyên môn hay kỹ thuật mà rất cần kinh phí. Do đó, trước mắt cần sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hiện có và khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 như đã nói ở phần nguyên nhân thứ 8.
2.2.1.7. Phát huy mạnh mẽ vai trò của công nghệ thông tin
Như đã phân tích tại nguyên nhân 8, công nghệ thông tin hiện rất cần thiết cho các công việc liên quan đến một quyết định hành chính của UBND tỉnh nói riêng cũng như cả nền hành chính quốc gia nói chung. Hiện có rất nhiều ngành và lĩnh vực sử dụng những tiến bộ của công nghệ này. Đã đến lúc cần phát huy hơn nữa sức mạnh này bằng những hành động cụ thể để góp phần giảm thiểu tình trạng quyết định hành chính của UBND tỉnh vừa lỗi vừa không dễ dàng tiếp cận.
Trên đây là một số giải pháp chung nhằm giải quyết tình trạng các quyết định hành chính của UBND tỉnh vi phạm tính hợp pháp và tính hợp lý. Ngoài ra, luận văn xin đề xuất thêm một số giải pháp cụ thể. Thiết nghĩ với tinh thần xây dựng, luận văn mong muốn góp một tiếng nói nhỏ vào sự hoàn thiện của các quyết định hành chính do UBND tỉnh ban hành.
Có thể bạn quan tâm!
- Các yêu cầu đối với quyết định hành chính của ủy ban nhân dân tỉnh - một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 10
- Các yêu cầu đối với quyết định hành chính của ủy ban nhân dân tỉnh - một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 11
- Giải Pháp Nhằm Đảm Bảo Các Yêu Cầu Hợp Pháp, Hợp Lý Đối Với Quyết Định Hành Chính Của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh
- Các yêu cầu đối với quyết định hành chính của ủy ban nhân dân tỉnh - một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 14
- Các yêu cầu đối với quyết định hành chính của ủy ban nhân dân tỉnh - một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 15
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
2.2.2. Một số giải pháp cụ thể
2.2.2.1. Giải pháp đảm bảo tính hợp pháp
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về tính hợp pháp đối với quyết định hành chính.
Không thể phủ nhận việc Luật ban hành văn bản QPPL của UBND, HĐND năm 2004 (cùng các văn bản hướng dẫn: Nghị định 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 và Thông tư 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010) và Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ban hành văn bản ở cấp địa phương. Điều này giúp các văn bản ở địa phương, trong đó có UBND tỉnh hầu hết đạt yêu cầu về tính hợp pháp, mang lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, pháp luật luôn đi sau và nhanh chóng bị lỗi thời nên không thể bỏ qua việc cập nhật, hoàn thiện hệ thống văn bản này về mọi mặt. Riêng phần yêu cầu hợp pháp đối với văn bản được cụ thể hóa trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP và Thông tư 20/2010/TT-BTP cần được cập nhật và hoàn thiện một cách tổng thể, trong đó có một số chỗ cần chi tiết hơn. Cụ thể, tại Thông tư 20/2010/TT-BTP nên có thêm sự hướng dẫn kỹ hơn, cập nhật hơn về tính hợp pháp bằng việc đưa ví dụ (như phần nguyên nhân thứ nhất đã nêu) hiệu quả có lẽ sẽ tốt hơn.
Hơn nữa hiện có rất nhiều ý kiến kiến nghị gộp Luật này với Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 để việc ban hành, xử lý văn bản được thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương cũng như các cấp, các ngành khác. Thiết nghĩ đó là ý kiến hợp lý Nhà nước nên xem xét, cân nhắc đặc biệt là với vị trí của quyết định hành chính do UBND tỉnh ban hành. Bởi cấp tỉnh là cấp cao nhất ở địa phương. Nếu các quyết định hành chính của tỉnh đạt yêu cầu hợp pháp và hợp lý mới hy vọng quyết định hành chính của cấp dưới đạt tiêu chuẩn. Hơn nữa, do có hiệu lực trong địa bàn một tỉnh và một tỉnh không khác nào một chính phủ thu nhỏ nên tác động ảnh hưởng của nó rất lớn. Nếu tác động tích cực và hiệu quả thì thật đáng mừng, nhưng nếu ngược lại như tình trạng sai phạm về tính hợp pháp như hiện nay thì rất đáng lo ngại.
Thứ hai, hoàn thiện hơn nữa chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể khi không đảm bảo các yêu cầu hợp pháp đối với quyết định hành chính của UBND tỉnh
Như đã phân tích ở phần nguyên nhân thứ 4, quy định về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể khi không đảm bảo tính hợp pháp đối với quyết định hành chính của UBND tỉnh đã có nhưng chưa cụ thể (điển hình như yếu tố lỗi trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chẳng hạn) và nằm rải rác ở các văn bản khác nhau. Điều này khiến các cá nhân, tập thể khi tham gia vào việc soạn thảo, ban hành quyết định hành chính của UBND tỉnh thường có một tâm lý "Cha chung không ai khóc".
Do vậy, nên nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chế tài loại này từ: vấn đề kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức; trách nhiệm bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó cần có văn bản quy định rõ việc xác định thế nào là lỗi cố ý, thế nào là lỗi vô ý; cho đến việc nghiên cứu xây dựng cấu thành và đưa ra khung hình phạt cụ thể riêng về tội ra quyết định hành chính vi phạm tính hợp pháp gây hậu quả nghiêm trọng theo Luật Hình sự… Bên cạnh đó, sau khi đã có chế tài cụ thể cần nghiêm túc áp dụng để xử lý, không để tái diễn tình trạng chưa áp dụng nổi như đã phân tích ở trên.
Nhân thể nói tới chế tài, chúng ta cũng nên lưu ý đến các biện pháp trong kỷ luật Đảng vì hầu hết cán bộ của UBND tỉnh là Đảng viên. Chúng ta có thể phát huy vai trò giám sát của Đảng, cấp ủy trong việc đảm bảo các yêu cầu đối với quyết định hành chính nói chung và tính hợp pháp nói riêng. Khi áp dụng cả hai loại chế tài này (pháp luật và kỷ luật Đảng) chắc chắn cán bộ, công chức trong UBND tỉnh sẽ phải có một thái độ làm việc khác trong công tác nói chung và trong việc đảm bảo yêu cầu hợp pháp của các quyết định hành chính nói riêng.
Thứ ba, nghiên cứu áp dụng một loại hệ thống tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo yêu cầu về tính hợp pháp như kiểu ISO
ISO sẽ là công cụ hữu hiệu để UBND tỉnh trong quá trình soạn thảo, tiền kiểm và hậu kiểm có thể kiểm tra tính hợp pháp của quyết định hành chính đã ban hành một cách chính xác, khoa học. Hơn nữa, đối với các cơ quan có trách nhiệm thanh kiểm tra các quyết định hành chính của UBND tỉnh cũng sẽ dễ dàng hơn khi xử lý các quyết định vi phạm tính hợp pháp. Tất cả tạo ra một barem khiến người xử lý có căn cứ xác đáng, phía bị xử lý cũng không thể chối cãi và công việc liên quan diễn ra một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, vấn đề này chỉ nên đặt ra với yêu cầu hợp pháp vì các tiêu chí được coi là hợp pháp có thể định lượng được, còn tiêu chí hợp lý do mang tính định tính quá nhiều nên cũng rất khó để có thể đưa vào tiêu chuẩn cho phù hợp. Trong trường hợp có thể đưa tiêu chí hợp lý vào thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng bởi một nguyên lý căn bản rằng: thực tế luôn đi trước và pháp luật luôn đi sau, một quy định hôm nay được cả xã hội thừa nhận là hợp lý nhưng có thể chỉ sau một thời gian sẽ trở nên lỗi thời, bất hợp lý.
2.2.2.2. Giải pháp đảm bảo tính hợp lý
Thứ nhất, ghi nhận nguyên tắc ưu thế của tính hợp pháp so với tính hợp lý vào luật, đồng thời thực hiện triệt để nguyên tắc này trong quyết định hành chính của UBND tỉnh
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
Nếu đem câu nói này để nhìn nhận, so sánh giữa tính hợp pháp và hợp lý thì tính hợp pháp giống như gỗ và tính hợp lý là sơn. Trong điều kiện lý tưởng nếu cả gỗ và sơn đều tốt sản phẩm là hoàn hảo. Tuy nhiên, với thuyết tương đối mà Anhxtan đã chỉ ra thực tế sẽ không dễ có điều kiện lý tưởng như vậy. Và đương nhiên gỗ đóng một vai trò quan trọng hơn sơn. Hay với tình huống này, tính hợp pháp chiếm ưu thế hơn tính hợp lý. Đây là một nguyên tắc tối thượng mà các nhà làm luật đã quy ước. Với nguyên tắc này tính hợp
lý không thể vượt qua tính hợp pháp trong bất kỳ một quyết định hành chính nào của UBND tỉnh (Tuy nhiên, nếu cả gỗ và sơn đều tốt thì quả là đáng mừng).
Đây là một nguyên tắc của khoa học pháp lý và không được ghi nhận rõ vào trong văn bản luật. Đơn cử tại Điều 3 Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 đã quy định về tính hợp pháp, hợp hiến, tính thống nhất của văn bản nhưng cũng không nhận thấy sự hiện diện của nguyên tắc này. Chúng ta vẫn biết trong khoa học pháp lý có khá nhiều nguyên tắc, nhưng cũng không ít trong số đó được ghi nhận vào luật. Nói như vậy, không có nghĩa những nguyên tắc không được ghi nhận thì không có giá trị. Nhưng rõ ràng nếu có thể ghi nhận nguyên tắc vàng này vào Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 thì có lẽ hay hơn, rõ ràng hơn, tránh tình trạng UBND tỉnh có thể biết nguyên tắc nhưng vô tình lãng quên. Nên chăng ghi rõ nguyên tắc này vào Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 hoặc văn bản hướng dẫn thi hành để có cơ sở pháp lý cụ thể cho việc thực hiện.
Hơn nữa, sau khi được ghi nhận mỗi UBND tỉnh khi ban hành quyết định hành chính cần thực hiện triệt để nguyên tắc này trong thực tế. Nếu cá nhân, tập thể nào không nghiêm chỉnh chấp hành sẽ bị xử lý theo những chế tài nhất định (đã được đề cập đến ở phần giải pháp hoàn thiện chế tài khi vi phạm tính hợp pháp nêu trên).
Thứ hai, bổ sung và làm rõ quy định pháp luật về tính hợp lý đối với quyết định hành chính của UBND tỉnh
Hiện nay trong Luật ban hành văn bản của HĐND, UBND năm 2004 mới chỉ quy định về tính hợp pháp một cách rõ nét. Tính hợp lý cũng được quy định nhưng không rõ bằng tính hợp pháp và hiện được nêu lẫn với các yêu cầu hợp pháp. Chúng ta có thể tìm hiểu tại Điều 3 Luật ban hành văn bản của HĐND, UBND năm 2004: "1.Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật…" [34].
Có thể nhận thấy tính hợp pháp được ghi nhận rất rõ ràng bên cạnh sự đan xen của các yêu cầu hợp lý. Vậy nên chăng bổ sung quy định tính hợp lý vào thêm trong Điều 3, trên cơ sở quy định rõ sự tồn tại tách bạch của tính hợp lý thành một khoản riêng, các yêu cầu về tính hợp pháp thành một khoản riêng. Bên cạnh đó, với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật có thể xây dựng những điều khoản cụ thể hóa quy định tính hợp lý ở một mức định lượng nhất định.
Thứ ba, hoàn thiện chế tài xử lý đối với tập thể và cá nhân vi phạm tính hợp lý trong quyết định hành chính của UBND tỉnh
Như đã nêu tại phần hoàn thiện chế tài xử lý để đảm bảo tính hợp pháp về cơ bản yêu cầu này cũng được đặt ra như vậy với tính hợp lý. Tuy nhiên, do đặc điểm của tính hợp lý thường khó định lượng hơn nên việc quy định trách nhiệm hình sự hoặc vấn đề bồi thường phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Có thể đặt một số giả thuyết như: với trường hợp quyết định hành chính của UBND tỉnh cố tình vin vào lý do về tính hợp lý để coi thường văn bản cấp trên, hoặc vin vào tính hợp lý để vi phạm tính hợp pháp khi ra quyết định hành chính ở cấp mình nhằm bảo vệ lợi ích cục bộ địa phương, hoặc ra một quyết định bất hợp lý gây hậu quả lớn cho công dân, xã hội thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường. Tuy nhiên, do ưu thế của tính hợp pháp cao hơn tính hợp lý nên về nguyên tắc nếu quy định trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm tính hợp lý thì mức độ xử lý cần nhẹ hơn khi vi phạm tính hợp pháp. Đặc biệt cần lưu ý đến các tình tiết giảm nhẹ nếu bị xử lý theo luật hình sự.
Trên đây là một số phương hướng riêng đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý đối với quyết định hành chính do UBND tỉnh ban hành. Luận văn hy vọng những đề xuất này sẽ là tư liệu bổ sung để các UBND tỉnh, các nhà làm
luật và các nhà hoạch định chính sách sử dụng trong các vấn đề liên quan tới việc đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý đối với các quyết định hành chính của UBND tỉnh.