Đại học Quốc gia Hà nội
Khoa luật Nguyễn Mai Bộ
Các tội xâm phạm
nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân- một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Chuyên ngành: Luật hình sự Mã số: 62 38 40 01
Luận án tiến sĩ luật học
Có thể bạn quan tâm!
- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 2
- Cơ Sở Trách Nhiệm Hình Sự Của Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
- Cấu Thành Tội Phạm Của Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
Hà nội- 2010
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân với tư cách là một chế định của pháp luật hình sự Việt Nam bao gồm những quy phạm pháp luật quy định về tội phạm và chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là công cụ pháp lý quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm kỷ luật trong Quân đội. Cho nên, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là đối tượng nghiên cứu của khoa học pháp lý hình sự.
Các quy định pháp luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân đã được hình thành từ năm 1946 và ngày càng được hoàn thiện. Việc ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 là một bước tiến quan trọng của Luật hình sự nói chung và chế định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân nói riêng. Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” thành một chương độc lập. Sau khi ban hành Bộ luật hình sự, các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng tạo cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân chưa chặt chẽ, thiếu tính khoa học và không bảo đảm tính lôgích với các quy định khác của Bộ luật hình sự. Việc hướng dẫn thống nhất nhận thức và áp dụng các quy định nêu trên của Bộ luật hình sự chưa được đầy đủ, kịp thời. Mặc dù, Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần với các mức độ khác nhau, trong đó có lần sửa đổi cơ bản là ban hành Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng những bất cập trong các
quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cá biệt có quy định của Bộ luật hình sự như quy định về tội vắng mặt trái phép được huỷ bỏ, quy định về tội đào ngũ sau khi được sửa đổi đã tạo ra nhiều bất cập, không bảo đảm cho việc đấu tranh phòng chống các tội phạm này.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân cho thấy, số lượng vụ án về các tội phạm này chưa có chiều hướng giảm và diễn biến tội phạm càng trở nên phức tạp. Có nhiều trường hợp, hành vi vi phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân đã vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của chế định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong luật hình sự Việt Nam. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, giảm bớt tình trạng sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Mặc dù vậy, việc áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết các vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: để lọt tội phạm; một số trường hợp định tội danh chưa chính xác hoặc có nhiều quan điểm khác nhau do quy định không rò ràng của Bộ luật hình sự hoặc do nhận thức thiếu thống nhất các quy định của pháp luật.
Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu cải cách tư pháp, đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, việc tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân một cách có hệ thống về mặt lý luận, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng; trên cơ sở đó đưa ra những căn cứ khoa học nhằm
hoàn thiện pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là một việc làm cần thiết của khoa học luật hình sự hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Mặc dù các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được quy định trong Bộ luật hình sự từ năm 1985 nhưng cho đến nay chưa có một luận án thạc sỹ hay luận án tiến sỹ nào nghiên cứ đề tài này. Trong khoa học pháp lý hình sự, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân đã được một số tác giả trong nước nghiên cứu ở các cấp độ và mức độ khác nhau. ở cấp độ giáo trình, có: giáo trình Luật hình sự Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật hình sự của Khoa luật trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, giáo trình Luật hình sự của trường Đại học luật trực thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh... Trong các giáo trình Luật hình sự nêu trên, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mới chỉ được đề cập ở mức độ cơ bản. ở cấp độ bình luận khoa học, phân tích chuyên sâu, có: Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của PGS. TS Trần Văn Độ trong Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp năm 2000; Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của TS. Nguyễn Đức Mai trong Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2000; sách chuyên khảo “ Tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của tập thể tác giả Lê Đức Tiết, Lê Tranh Trung, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Văn Hợp do Nhà xuất bản pháp lý phát hành năm 1987. Trong các cuốn bình luận khoa học Bộ luật hình sự và cuốn sách chuyên khảo nêu trên, các tác giả mới chỉ dừng lại ở việc phân tích, giải thích (trong đó, sách chuyên khảo phân tích sâu hơn) các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân làm cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này.
Ngoài những công trình nghiên cứu nêu trên, còn có một số bài viết đăng trên các tạp chí như: Về cấu thành tội đào ngũ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và thực tiễn áp dụng của ThS. Nguyễn Văn Trượng đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 12 năm 2000; Những vướng mắc từ thực tiễn xử lý tội đào ngũ của Lê Văn Sua đăng trên tạp chí Toà án nhân dân số 9 năm 2002; Bàn về tội đào ngũ quy định tại Điều 325 Bộ luật hình sự năm 1999 của ThS. Bùi Quang Thạch và CN. Trương Hùng Biện đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 24 năm 2006. Các giả của những bài tạp chí nêu trên mới chỉ nghiên cứu một tội phạm cụ thể (tội đào ngũ) trong Chương các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Tác giả cũng đã nghiên cứu và công bố một số cuốn sách chuyên khảo về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như: cuốn Tìm hiểu các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân năm 1998; cuốn Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân năm 2006; và một số bài tạp chí như: áp dụng hình phạt quản chế đối với quân nhân phạm tội đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 12 năm 1993, Tội đào ngũ đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 6 năm 1995 và Tước danh hiệu quân nhân đối với các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 3 năm 1998. Trong cuốn “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân”, Nghiên cứu sinh đã chứng minh, làm rò các đặc điểm của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm hình sự của quân nhân theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam trên cơ sở phân tích các đặc điểm của khái niệm tội phạm được đề cập tại Điều 8 Bộ luật hình sự. Đồng thời, phân tích bình luận về từng tội phạm cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Nhìn chung, việc nghiên cứu các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân của các tác giả trong nước tuy đã đạt được những thành quả nhất định nhưng với những kết quả nêu trên, thì có thể nói việc nghiên cứu
các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân vẫn còn là một khoảng trống trong khoa học luật hình sự Việt Nam. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn cả về lý luận và thực tiễn áp dụng các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân để từng bước hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm này. Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn đề tài “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân- một số vấn đề lý luận và thực tiễn” làm đề tài nghiên cứu sinh của mình.
Về tình hình nghiên cứu các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân ở nước ngoài, do khả năng và điều kiện hạn chế nên chúng tôi chỉ nắm được một số thông tin về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được đề cập trong: cuốn Bình luận khoa học Luật về trách nhiệm hình sự của các tội quân sự năm 1986 của GS. TS. Axmetina X. M., GS. TS. Ter-Akopop, PGS.TS. Procovich E. V. và Giáo trình luật hình sự của nhà xuất bản Pháp lý Matxcơva năm 1988. Trong đó, GS. TS. Axmetina X. M đã phân tích rất kỹ đặc điểm của các tội phạm quân sự theo quy định của Bộ luật hình sự Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga. Kết quả nghiên cứu của GS. TS. Axmetina X. M có thể kế thừa và phát triển để xây dựng khái niệm các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam. Do có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, phân tích, đánh giá pháp luật nước ngoài nên trong luận án này chúng tôi chỉ phân tích số quy định về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong Bộ luật hình sự của một số nước đã được dịch ra tiếng Việt mang tích chất thông tin khoa học.
Các kết quả nêu trên cho thấy, trong khoa học luật hình sự nói chung và khoa học luật hình sự Việt Nam nói riêng đã có một hệ thống lý luận về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Kế thừa và phát triển
những kết quả nghiên cứu của khoa học luật hình sự trước đây để nghiên cứu, xây dựng khái niệm các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là việc làm cần thiết.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài
Mục đích của luận án là nghiên cứu: thừa kế và phát triển lý luận về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; đề xuất những giải pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Để đạt được các mục đích nêu trên, luận án đề ra các nhiệm vụ:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như: sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; khái niệm các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; cơ sở trách nhiệm hình sự và các hình thức trách nhiệm hình sự của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiêm của quân nhân;
- Xem xét, đánh giá tính khoa học, tích pháp lý những quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiêm của quân nhân;
- Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về loại tội phạm này.
Phạm vi nghiên cứu của luận án là các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong pháp luật hình sự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có sự so sánh đối chiếu với pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới; thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân từ khi Cách mạng tháng Tám thành công cho tới nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng cộng sản và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đồng thời, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: hệ thống, lịch sử, so sánh luật học, thống kê, phân tích, tổng hợp và phương pháp chuyên gia...
6. ý nghĩa của việc nghiên cứu và những đóng góp mới của luận án
Việc nghiên cứu đề tài “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” có ý nghĩa rất lớn đối với việc: tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các đối tượng liên quan; áp dụng pháp luật hình sự trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; hoàn thiện pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo tinh thần cải cách tư