Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 18


lập dự phòng rủi ro cụ thể được trừ vào giá trị khoản cho vay sau đó mới tính trọng số rủi ro. Do đó, nếu mức trích lập dự phòng càng cao thì giá trị tài sản có rủi ro càng giảm và CAR tăng. Tuy nhiên, thực tế các NHTM Việt Nam cho thấy tổng tài sản có rủi ro không giảm nhiều sau khi trừ khoản trích lập dự phòng rủi ro cụ thể (Phan Hữu Việt, 2017). Nguyên nhân là do các NHTM không phân nhóm các khoản cho vay theo đúng mức độ rủi ro của khoản cho vay, đặc biệt là những khoản nợ xấu. Điều này làm tiềm ẩn rủi ro đối với các ngân hàng. Chính vì vậy, đánh giá đúng chất lượng khoản cho vay để xác định trích lập dự phòng phù hợp là điều cần thiết đối với các NHTM Việt Nam.

5.2.2. Đối với ngân hàng Nhà nước

Thứ nhất, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.

Theo thông lệ quốc tế, xử lý các ngân hàng yếu kém bằng các cách: (i) bơm tiền để duy trì hoạt động của các ngân hàng yếu kém; (ii) thực hiện mua bán sáp nhập ngân hàng yếu kém; (iii) quốc hữu hoá các ngân hàng yếu kém; (iv) Chính phủ chấp nhận để các ngân hàng yếu kém phá sản.

Tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, các ngân hàng yếu kém được xử lý bằng cách mua bán sáp nhập, NHNN mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, mua nợ xấu cả các NHTM. Tuy nhiên, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn mang tính hình thức, chưa đảm bảo giải quyết tận gốc các vấn đề của ngân hàng yếu kém. Do đó, để đảm bảo mục tiêu của quá trình tài cơ cấu hệ thống TCTD, xử lý các NHTM yếu kém bằng giải pháp mua bán sáp nhập, tác giả đề xuất một số khuyến nghị cụ thể như sau:

- Để hoạt động mua bán sáp nhập thực sự có hiệu quả, mang tính thị trường. NHNN cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động mua bán sáp nhập. Đưa ra những quy định về việc đảm bảo minh bạch thông tin trong các hoạt động mua bán sáp nhập, đặc biệt là thông tin sau mua bán sáp nhập. Đồng thời, NHNN cần có những quy định cụ thể về quyền cũng như nghĩa vụ của các bên tham gia trực tiếp, gián tiếp vào hoạt động mua bán sáp nhập. Đồng thời, NHNN cần đưa ra những quy định cụ thể về định giá tài sản của NHTM khi mua bán sáp nhập dựa trên nguyên tắc thị trường.

- Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự (2016) cho thấy 10% các ngân hàng mạnh đồng ý sáp nhập với các ngân hàng yếu và 45% các ngân hàng đồng ý sáp nhập ngân hàng mạnh với ngân hàng mạnh. Do đó, để quá trình tái cơ cấu thực sự hiệu quả trên tinh thần khuyến khích các NHTM mua bán sáp nhập tự nguyện. NHNN cần phải thực hiện xếp hạng các NHTM làm cơ sở cho các ngân hàng thực


hiện mua bán sáp nhập. Các NHTM có thể căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm và căn cứ vào quy mô vốn chủ sở hữu để thực hiện sáp nhập giữa các ngân hàng tương đồng với nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.

Thứ hai, NHNN cần tăng cường các cơ chế chính sách đối với các NHTM trong việc đảm bảo minh bạch thông tin.

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình tái cơ cấu chính là vấn đề minh bạch thông tin. Yêu cầu công bố thông tin của các NHTM cũng là 1 trong 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II. “Sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu và thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin là một thách thức không nhỏ trong việc triển khai Basel II tại các ngân hàng ở Việt Nam” (Phan Hữu Việt, 2017). Do đó, NHNN cần đưa ra những quy định pháp lý buộc các NHTM phải thực hiện minh bạch thông tin cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát ngân hàng đảm bảo kỷ luật thị trường. NHNN cùng với các NHTM đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin.

Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 18

Khả năng áp dụng Basel II phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống thông tin, dữ liệu. Để thực hiện thành công Basel II cần có hệ thống thông tin lịch sử, số liệu chính xác đáng tin cậy và kịp thời. Do đó, NHNN cần phối hợp bộ ngành hoàn thiện các quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hướng tới Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Bởi hiện tại có sự khác biệt rõ rệt giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực báo cáo tình hình tài chính quốc tế, điều này gây khó khăn cho các NHTM Việt Nam khi áp dụng các chuẩn mực Basel II, đặc biệt trong việc tính CAR.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM

Hoạt động mua bán nợ hiện nay được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra là xử lý các khoản nợ xấu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do vấn đề về cơ chế pháp lý, chính sách. Do đó, để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

- Hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan trong công tác xử lý nợ xấu như: Luật dân sự, kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư...

- Nâng cao vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt trong vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo. Cần khuyến khích sự tham gia của các chủ thể khác ngoài VAMC trong hoạt động mua bán nợ cũng như nâng cao tính chủ động của các NHTM trong việc xử lý nợ xấu.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đối với các NHTM.

NHNN cần tăng cường thanh tra giám sát theo Basel II. Đưa khung đánh giá


năng lực tài chính của các NHTM (CAMELS) vào nội dung thanh tra giám sát và phát triển hệ thống cảnh báo rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các NHTM.

Đặc biệt NHNN cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong hoạt động tín dụng, phân loại và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Áp dụng các biện pháp mạnh trong việc xử lý các TCTD cố tình che giấu nợ, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý nợ xấu. Đồng thời, NHNN cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ xấu hướng tới chuẩn mực quốc tế Basel II, tránh tình trạng có sự khác biệt về cách xác định nợ xấu giữa các NHTM, NHNN và cơ quan giám sát.

Thứ năm, NHNN cần hoàn thiện, ban hành các quy định pháp lý theo các chuẩn mực quốc tế

Khả năng thực hiện Basel II phụ thuộc vào các yếu tố: NHTM, nội dung Basel II, thanh tra giám sát... Trong đó NHTM là tổ chức trực tiếp thực hiện Basel II, thanh tra giám sát giữ vai trò kiểm tra giám sát việc thực hiện Basel II của các NHTM, nội dung Basel II là các quy định pháp lý cụ thể về Basel ở quốc gia thực thi ( Đào Minh Phúc và Nguyễn Khương, 2017). Trong đó, nội dung Basel II là quy định pháp lý để NHTM thực hiện cũng như căn cứ để kiểm tra giám sát. Chính vì vậy, để thực hiện thành công Basel II, NHNN cần khẩn trương ban hành và hoàn thiện các quy định pháp lý về Basel II phù hợp với thực trạng hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Hiện tại, NHNN đã ban hành thông tư 41/2016/TT-NHNN hướng dẫn chi tiết về vốn, cách xác định CAR theo rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Tuy nhiên, thông tư 41 mới chỉ đảm bảo các quy định về trụ cột 1 của Basel II. Do đó, NHNN cần ban hành các văn bản pháp lý quy định về vấn đề kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quy trình đánh giá mức độ đủ vốn nội bộ - trụ cột 2 và quy định về vấn đề công bố thông tin – trụ cột 3.

5.2.3. Đối với Chính phủ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng nhất định tới các quyết định về an toàn vốn của các NHTM. Khi nền kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, chế độ tỷ giá hối đoái, lãi suất hợp lý đồng nghĩa với việc các NHTM hoạt động trong môi trường ít rủi ro hơn, tính an toàn cao hơn. Do đó các NHTM có xu hướng giữ CAR ở mức thấp hơn và ngược lại.

Chính vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, ổn định an toàn và lành mạnh tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tài chính nói chung và các NHTM nói riêng. Bởi ổn định và phát triển kinh tế giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hạn chế phát sinh nợ xấu.


Chính phủ cần cải thiện, xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Cần có sự nhất quán trong các chủ trương chính sách của Nhà nước. Đặc biệt trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, coi trọng hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Chính phủ cần có các chế tài đảm bảo tính công khai minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hành tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh những sai phạm trong việc báo cáo, thông tin tài chính, quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp.

Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tập trung hoá cơ sở dữ liệu tại CIC, hoàn thiện cơ sở thông tin dữ liệu về các doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu thành lập trung tâm xếp hạng doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời để các NHTM có quyết định tín dụng chính xác hạn chế rủi ro phát sinh.

5.3. Một số hạn chế của luận án

Thứ nhất, nghiên cứu mới chỉ xem xét tác động của các nhân tố vi mô và vĩ mô dựa trên dữ liệu của 28 NHTM Việt Nam trong tổng số 35 NHTM trong giai đoạn 2008-2017. Đồng thời, luận án chưa xem xét tới ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, tỷ lệ an toàn vốn là chỉ tiêu đại diện đo lường mức độ an toàn vốn của các NHTM Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ an toàn vốn trong mẫu nghiên cứu mới chỉ đảm bảo tiêu chuẩn của Basel I, chưa tính tới rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Sắp tới, từ năm 2020 các NHTM tại Việt Nam sẽ thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn theo thông tư 41, theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của Basel II. Do đó, sẽ có sự thay đổi trong cách tính tỷ lệ an toàn vốn, điều này sẽ ảnh hưởng tới các quyết định về an toàn vốn của các NHTM tại Việt Nam dẫn tới các yếu tố tác động tới tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM tại Việt Nam có khác biệt.

Thứ ba, trong mô hình hồi quy, các biến GDP, REG có hiện tượng đa cộng tuyến cao nên chưa thể xem tác động tới an toàn vốn của ngân hàng. Vấn đề đa cộng tuyến xảy ra có thể do dữ liệu thu thập chưa đầy đủ còn nhiều giá trị khuyết thiếu. Do đó, trong thời gian tới khi mà các NHTM tại Việt Nam thống nhất áp dụng Basel II thông tin minh bạch hơn, tác giả hy vọng nghiên cứu sau sẽ có đủ cơ sở dữ liệu về an toàn vốn của cả các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh để đưa vào mẫu nghiên cứu và có cơ sở để phân tích về an toàn vốn của các nhóm ngân hàng. Đồng thời, có thể nghiên cứu các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các NHTM như: mức độ rủi ro của tổng tài sản, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường...


KẾT LUẬN CHƯƠNG 5


Trên cơ sở phân tích thực trạng về an toàn vốn và các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các NHTM Việt Nam và kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu, trong Chương 5 luận án đã đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị chính sách về an toàn vốn đối với các NHTM Việt Nam, NHNN và Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện an toàn vốn theo Basel II trong thời gian tới.

Các giải pháp khuyến nghị đối với các NHTM Việt Nam nhằm giúp cho các ngân hàng đảm bảo khả năng an toàn vốn theo quy định của NHNN cũng như theo mục tiêu của ngân hàng như: (i) Tăng vốn tự có; (ii) Nâng cao hiệu quả hoạt động; (iii) Xư lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để các NHTM đảm bảo an toàn vốn theo quy định, một số khuyến nghị đối với NHNN và Chính phủ đã được đề xuất như: (i) Tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (ii) ban hành những quy định trong việc đảm bảo minh bạch thông tin;

(iii) hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM; (iv) hoàn thiện, ban hành các quy định pháp lý theo các chuẩn mực quốc tế; (v) tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đối với các NHTM.


KẾT LUẬN

Trên cơ sở kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng luận án đã luận giải, minh chứng phân tích các vấn đề nghiên cứu để đạt được các mục tiêu nghiên cứu cũng như trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Cụ thể, luận án đã hoàn thành các nội dung như:

Luận án đã tổng quan các nghiên cứu trước và hệ thống hóa cơ sở lý thuyết để luận giải về an toàn vốn và các nhân tố tác động tới an toàn vốn của NHTM. Trên cơ sở đó, luận án tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng về an toàn vốn và các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các NHTM Việt Nam. Đồng thời để thấy được mức độ tác động của các nhân tố tới an toàn vốn của các NHTM Việt Nam, luận án tiến hành phân tích định lượng dựa trên các dữ liệu nghiên cứu của 28 NHTM Việt Nam (gồm 4 NHTMNN và 24 NHTMCP).

Kết quả phân tích định lượng cho thấy, tác động của một số các nhân tố tới an toàn vốn của các NHTM Việt Nam như các nghiên cứu trước: đòn bẩy; khả năng thanh khoản và quy mô ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy một số khác biệt so với các nghiên cứu trước về tác động của các nhân tố tới CAR của các NHTM Việt Nam như: CAR kỳ trước; nợ xấu; dự phòng rủi ro tín dụng; khả năng sinh lời; nợ xấu bán cho VAMC; lãi suất; tỷ giá; mức độ an toàn vốn toàn ngành.

Dựa trên phân tích định lượng và phân tích định tính về an toàn vốn và các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các NHTM Việt Nam, luận án đề xuất một số giải pháp khuyến nghị nhằm giúp các đảm bảo khả năng an toàn vốn theo quy định và theo mục tiêu của ngân hàng như:

Một là, các NHTM Việt Nam cần phải có kế hoạch tăng vốn tự có, để tăng khả năng đảm bảo an toàn vốn trong thời gian tới khi mà thời hạn thực hiện tính CAR theo Basel II đã cận kề. Bởi so với cách tính hiện tại thì cách tính mới sẽ làm tử số tính CAR là vốn tự có của các NHTM sẽ giảm mẫu số tính CAR sẽ tăng do tính thêm cả rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động đồng thời cách xác định hệ số điều chỉnh rủi ro tín dụng cũng chặt chẽ hơn.

Hai là, kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng sinh lời có tương quan thuận với CAR, có nghĩa khả năng sinh lời càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM tăng vốn tự có. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện khan hiếm vốn như hiện nay. Để tăng khả năng sinh lời, các NHTM Việt Nam cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các giải pháp cụ thể như: (i) ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ; (ii) nâng cao năng lực quản trị của các NHTM; (iii) nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên ngân hàng.


Ba là, tiếp tục xử lý triệt để nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Các NHTM cần phải có giải pháp hạn chế sự phát sinh các khoản nợ xấu đồng thời chủ động xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh. Đồng thời, để có khả năng bù đắp cho những tổn thất có thể xảy ra, các NHTM Việt Nam cần phải đánh giá đúng mức độ rủi ro của các khoản cho vay để từ đó trích lập dự phòng đầy đủ.

Mặc dù CAR của các NHTM phụ thuộc chủ yếu vào các nhân tố vi mô nhưng các yếu tố về môi trường, yếu tố vĩ mô nền kinh tế cũng có những ảnh hưởng nhất định tới khả năng an toàn vốn của các ngân hàng. Chính vì vậy, luận án đã đề xuất một số khuyến nghị đối với NHNN và Chính phủ như: (i) Tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (ii) ban hành những quy định trong việc đảm bảo minh bạch thông tin; (iii) hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM; (iv) hoàn thiện, ban hành các quy định pháp lý theo các chuẩn mực quốc tế; (v) tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đối với các NHTM.

Bên cạnh các kết quả đạt được, luận án còn một số hạn chế cần hoàn thiện và tiếp tục nghiên cứu trong tương lai như đã trình bày chi tiết trong luận án.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ


1. Le Thanh Tam, Hoang Thanh Van, Tran Thi Lan Anh (2019), “Financial Development vs Economic Growth: Case study of Asian countries”, 2nd International Conference on Contemporary Issues in Economics, Management and Business (CIEMB2), Nov 26-27, National Economics University Publishing House, ISBN: 978-604-946-741-7, pp 813-836.

2. Trần Thị Lan Anh và Phi Hồng Hạnh (2019), "Ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô tới hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam", Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: "Kiểm soát tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế", NXB Hồng Đức, tr282-293.

3. Phạm Thị Trúc Quỳnh và Trần Thị Lan Anh(2019), "Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cầu trên thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam", Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: "Khả năng và chi phí tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", NXB Lao động – Xã hội, tr161- 173.

4. Trần Thị Lan Anh (2018), "Cơ hội và thách thức đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam khi tỷ lệ an toàn vốn áp dụng theo Basel II", Tạp chí Khoa học & Công nghệ, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, số 46, tr109-113.

5. Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Hải Yến (2017), "Khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam", Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, số 495, tr51-52.

6. Trần Thị Lan Anh và Đỗ Thị Ngọc Lan (2016), “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển thị trường mua – bán nợ ngân hàng tại Việt Nam” Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, kỳ 2/tháng 6, tr54-56.

Xem tất cả 160 trang.

Ngày đăng: 26/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí