Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa - Tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007- 2011 - 1


Bộ giáo dục và đào tạo Bộ nông nghiệp và PTNT


Trường đại học lâm nghiệp

-------------o0o---------------


Văn Ngọc Thắng


Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên bắc hướng hóa-tỉnh quảng trị giai đoạn 2007-2011


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

Luận văn thạc sỹ khoa học lâm nghiệp


Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa - Tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007- 2011 - 1

Hà tây, năm 2007


Bộ giáo dục và đào tạo bộ nông nghiệp và PTNT


Trường đại học lâm nghiệp

---------------o0o----------------


Văn Ngọc Thắng


Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên bắc hướng hóa-tỉnh quảng trị giai đoạn 2007-2011

Chuyên ngành Lâm học

Mã số: 60.62.60


Luận văn thạc sỹ khoa học lâm nghiệp


Người hướng dẫn khoa học


PGS- TS . Lê diên dực


Hà Tây, năm 2007


Lời cảm ơn


Đề tài:"Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa- Tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007- 2011" được thực hiện trong khuôn khổ một bản luận văn tốt nghiệp cao học tại trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và những ý kiến đóng góp quý báu của các thầy, cô giáo, Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, Uỷ ban nhân dân các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh cùng các bạn đồng nghiệp.

Tác giả xin chân thành cám ơn lãnh đạo trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, các thầy cô giáo đã tận tình giảng dạy trong suốt thời gian theo học cũng như trong quá trình thực hiện đề tài.

Tác giả xin chân thành cám ơn sâu sắc đến Phó giáo sư Tiến sỹ Lê Diên Dực, thầy giáo hướng dẫn trực tiếp đã dành nhiều thời gian quý báu cho bản luận văn này.

Xin chân thành cám ơn ban lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập và thực hiện đề tài.

Xin chân thành cám ơn Uỷ ban nhân dân các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh cùng các ban ngành cấp huyện

đã giúp tác giả có được những thông tin cần thiết phục vụ cho xây dựng luận văn. Xin chân thành cám ơn các bạn đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi về mọi mặt để hoàn thành luận văn này.


Tác giả: Văn Ngọc Thắng

MỞ ĐẦU


Vùng Bắc Hướng Hoá nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị, thuộc phía Nam của vùng Bắc Trường Sơn có độ cao từ 450 mét đến 1.770 mét. Đây là vùng chuyển tiếp giữa các vùng khí hậu Bắc- Nam và Đông - Tây của dãy Trường Sơn. Do vị trí địa lý đặc biệt nên trong vùng đã hình thành nhiều kiểu rừng như: rừng kín thường xanh nhiệt đới, rừng kín hỗn giao giữa lá rộng-lá kim á nhiệt đới, rừng tre nứa, rừng trên núi đá vôi. Các hệ sinh thái rừng ở đây còn ít bị tác động nên còn mang nhiều tính nguyên sinh.

Theo điều tra ban đầu của tổ chức chim Quốc tế (Birdlife International), của viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thì đây là vùng có tính đa dạng sinh học cao với : 920 loài thực vật, 42 loài thú, 171 loài Chim, 30 loài lưỡng cư, 31 loài bò sát. Trong đó có 17 loài thực vật, 11 loài thú và 12 loài chim được ghi trong sách đỏ Việt Nam; 23 loài thực vật, 11 loài thú và 9 loài chim được ghi trong sách đỏ thế giới. Đây được xem là quê hương của các loài chim trĩ đặc hữu ở Đông Dương, là một vùng chim quan trọng theo các tiêu chí Quốc Tế bởi sự có mặt của các loài chim đặc hữu; các loài thú lớn và linh trưởng đang bị đe dọa mang tính toàn cầu.

Khu vực này còn là rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu của 4 con sông là: sông Bến Hải, sông Cam Lộ (sông Hiếu), sông Xê Păng Hiêng (chảy vào sông Mê Kông bên Lào) và đặc biệt quan trọng là sông Rào Quán (sông Quảng Trị) nơi có công trình thủy điện Rào Quán, sắp hoàn thành. Nơi đây cũng có nhiều cảnh quan đặc biệt, có thể xây dựng các điểm, tuyến du lịch sinh thái kết hợp với tuyến đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dọc theo hướng Bắc - Nam qua các bản làng của người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, bổ sung tuyến du lịch các di sản miền Trung như động Sa Mùi, dốc Dân Chủ, động Tri, động Voi Mẹp...

Sau nhiều năm chiến tranh ác liệt kéo dài, đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô còn rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý là sự gia tăng dân số, nạn săn bắt động vật


hoang dã, chặt rừng và phát nương làm rẫy bất hợp pháp… kéo dài trong nhiều năm đã gây áp lực đáng kể lên nguồn tài nguyên rừng trong vùng.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XIV - nhiệm kỳ 2005 - 2010 " Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hoá nghề rừng. Tập trung bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, chú trọng trồng rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái; rừng kinh tế đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản. Đảm bảo rừng và đất rừng có chủ thực sự, gắn với việc tăng thu nhập xoá đói giảm nghèo, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của chính phủ giai đoạn 2006 – 2010 (QĐ số 20/2007/QĐ-TTg, ngày 5/2/2007) ; nâng độ che phủ lên 43% vào năm 2010. Ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác, buôn bán lâm sản trái phép, nạn cháy rừng, đốt phá rừng làm nương rẫy".

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực rừng Bắc Hướng Hóa trong nhiều lĩnh vực, sau hơn 2 năm triển khai các thủ tục đề nghị, xây dựng và thẩm định, ngày 14/3/2007, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 479/ QĐ-UBND phê duyệt Dự án quy hoạch và đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa với tổng diện tích là 25.200 ha. Cho đến nay Ban quản lý KBT đang được xúc tiến để thành lập. Tuy nhiên tại đây chưa có một kế hoạch hoạt động bảo tồn nào được xây dựng. Để đáp ứng được yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn nhưng đồng thời cũng đảm bảo được các nhu cầu cho sự phát triển bền vững, tôi đã chọn đề tài “Bước đầu đề xuất kế hoạch hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa- Quảng Trị giai đoạn 2007-2011”. Yêu cầu hoạt động bảo tồn phải phù hợp với tình hình thực tế, gắn kết với các hoạt động địa phương và phù hợp với các chủ trương chính sách của nhà nước, đòi hỏi mọi hoạt động dù ngắn hạn hay dài hạn đều nhằm tới mục tiêu kết hợp bảo tồn với phát triển bền vững. Kế hoạch hoạt động bảo tồn được xây dựng trên cơ sở đó sẽ góp phần cho Ban quản lý khu bảo tồn và các đối tác liên quan thực hiện có kết quả kế hoạch quản lý của mình trong thời gian tới.


Chương 1

TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


1.1. Bảo tồn đa dạng sinh học

1.1.1. Những khái niệm cơ bản về đa dạng sinh học

Công ước đa dạng sinh học năm 1992, định nghĩa đa dạng sinh học (ĐDSH) như sau:

" Đa dạng sinh học là sự khác biệt trong mọi cơ thể sống có từ mọi nguồn, từ các hệ sinh thái ở đất liền, ở biển, và các hệ sinh thái khác ở môi trường nước, và mọi tổ hợp sinh thái mà các cơ thể sống là thành phần hợp thành. Đa dạng sinh học cũng bao gồm sự đa dạng trong loài, giữa các loài, và các hệ sinh thái. Đa dạng sinh học bao gồm cả các nguồn tài nguyên di truyền, các cơ thể hay các phần của cơ thể , các chủng quần, hay các hợp phần sinh học khác của hệ sinh thái, hiện đang có giá trị sử dụng hay có tiềm năng sử dụng cho loài người"[16, tr.11].

Vậy đa dạng sinh học là sự phong phú về sự sống trên trái đất của hàng triệu loài thực vật, động vật, vi sinh vật cùng với nguồn gen của chúng và các hệ sinh thái mà chúng tạo nên. Đa dạng sinh học hay tính ĐDSH là một thuật ngữ bao trùm về sự khác nhau trong thế giới hữu sinh. Thuật ngữ này thường được dùng để mô tả về số lượng, sự khác nhau và tính chất biến đổi của các cá thể sinh vật. Thông thường ĐDSH được xác định bởi các gen, loài và hệ sinh thái, tương ứng với ba cấp hạng của tổ chức sinh học, đó là 1) Đa dạng di truyền còn gọi là đa dạng gen, 2) đa dạng loài và 3) đa dạng hệ sinh thái .

Đa dạng về di truyền là đa dạng về các kiểu gen. Đột biến gen và nhiễm sắc thể thông qua quá trình tái tổ hợp sẽ tạo ra các biến dị di truyền làm nguồn nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiến hoá để tạo ra bộ mặt các loài như ngày nay.

Đa dạng về loài thường dùng để chỉ sự phong phú về loài cụ thể là số

loài trong một vùng có cùng một điều kiện lập địa hay sinh cảnh. Sự đa dạng về loài trên thế giới được thể hiện đặc trưng bởi tổng số loài trong các nhóm taxon khác nhau.

Đa dạng về hệ sinh thái là thước đo sự phong phú của các hệ sinh thái, đó là những sự tương tác phức tạp giữa các sinh vật với nhau và với các thành phần vô sinh của hệ sinh thái đó. Sự đa dạng này được phản ánh bởi sự đa dạng về sinh cảnh, các quần xã sinh vật và các quá trình sinh thái trong tự nhiên.

Từ 3 góc độ này người ta có thể tiếp cận với đa dạng sinh học từ 3 mức độ khác nhau: mức độ phân tử (gen), mức độ cơ thể và mức độ hệ sinh thái (IUCN,1994).

Như vậy, ĐDSH bao gồm sự phong phú của tất cả thế giới sinh vật ở tất cả các dạng, các bậc phân loại, các mức độ và tổ hợp của chúng. Đó không chỉ là tổng số của các hệ sinh thái, các loài, các vật chất di truyền mà còn bao gồm tất cả các mối quan hệ phức tạp bên trong và giữa chúng với nhau, với thế giới vô sinh và với xã hội loài người (Vì người cũng được coi là thành phần của HST). Vì vậy, cũng có thể nói rằng ĐDSH là kết quả của sự tương tác giữa hai hệ thống tự nhiên và xã hội.

1.1.2. Bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới

Ngày nay bảo tồn ĐDSH đã trở thành một chiến lược toàn cầu. Đa dạng sinh học có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong việc duy trì các chu trình tuần hoàn tự nhiên và sự cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn, sự thịnh vượng và bền vững của loài người cũng như của trái đất nói chung. Thế nhưng do dân số và yêu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người ngày càng tăng nên cũng chính con người đã và đang khai thác nguồn tài nguyên này một cách quá mức, đặc biệt ở vùng nhiệt đới, dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái, làm nghèo kiệt nguồn ĐDSH, thậm chí hủy diệt nguồn tài nguyên quý giá đó để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của

mình. Đến nay đã có hơn 40% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thuỷ bị phá huỷ, trung bình hàng năm có khoảng 6-7 triệu hecta đất trồng trọt bị mất khả năng sản xuất do xói mòn. Ước tính 5-10% số loài trên thế giới sẽ biến mất vào khoảng giữa những năm 1990 đến 2020, và số loài bị tiêu diệt sẽ tăng lên đến 25% vào khoảng năm 2050 (IUCN, UNEP, WWF, 1996). Đứng trước tình hình đó nhiều tổ chức quốc tế như IUCN, Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), WWF, Viện tài nguyên di truyền quốc tế (IPGRI) v.v đã hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức việc đánh giá, bảo tồn và phát triển ĐDSH trên toàn phạm vi toàn thế giới. Nhu cầu cơ bản và sự sống còn của loài người phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của trái đất, nhất là tài nguyên ĐDSH, nếu những tài nguyên đó bị giảm sút thì cuộc sống của chúng ta và con cháu mai sau sẽ bị đe doạ. Con người đã quá lạm dụng trong việc khai thác các nguồn tài nguyên của trái đất mà không nghĩ đến tương lai, có thể nói đây là một thảm hoạ. Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH đối với sự tồn tại của xã hội loài người và đứng trước sự suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh của ĐDSH, con người đã bắt đầu những hoạt động có hiệu quả để bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều hội thảo đã được tổ chức và nhiều cuốn sách có nội dung liên quan đã được xuất bản từ những năm đầu thập kỹ 90 của thế kỹ trước. Tất cả các tài liệu đó đều mang tính chiến lược và chương trình hành động nhằm hướng dẫn về bảo tồn ĐDSH, làm nền tảng cho công tác bảo tồn và phát triển trong tương lai. Chính phủ các nước trên thế giới đã thông qua 05 Công ước quốc tế liên quan đến bảo tồn ĐDSH:

- Công ước ĐDSH (CBD) đã được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro tháng 6/1992 và có hiệu lực vào cuối năm 1993, cho đến nay đã được 127 nước phê chuẩn

- Công ước về đất ngập nước (RAMSAR)

- Công ước buôn bán quốc tế các loài bị đe dọa (CITES)

- Công ước di sản Thế giới

- Công ước bảo tồn các loài di cư (CMS)

Xem tất cả 107 trang.

Ngày đăng: 18/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí