Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 2 - 24


Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống. Nhiều lễ hội dân gian của Hà Nội cũng là lễ hội của nhân dân cả nước. Những lễ hội sôi động nhất là những lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước như: Lễ hội ở Đồng Nhân tưởng niệm Hai Bà Trưng, hội Đống Đa tưởng niệm vua Quang Trung, hội làng Gióng kỷ niệm người anh hùng theo truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương, hội làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương, hội đình Trèm tưởng niệm Lý Ông Trọng... Và nhiều lễ hội ở đền, chùa, phủ như: lễ hội chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Vua, chùa Láng, chùa Hà, phủ Tây Hồ, hội đền Sóc, hội làng Vẽ... mang nhiều nét độc đáo.

Lễ hội ở Hà Nội diễn ra hầu hết các tháng trong năm. Khách du lịch đến Hà Nội bất cứ thời gian nào cũng có thể được thưởng thức các lễ hội dân gian. Đến với lễ hội du khách sẽ thấy những năm tháng hào hùng của lịch sử, được thưởng thức các trò chơi, các hình thức nghệ thuật dân gian, chiêm ngưỡng các nghi lễ, cách trang phục của thời xưa, tìm hiểu và nâng cao kiến thức về văn hoá cội nguồn. Lễ hội không chỉ có sức thu hút đông đảo du khách trong nước mà gần đây đã thu hút khá đông bà con Việt kiều và du khách nước ngoài.

Ngày nay, có rất nhiều dòng khách du lịch ở các nước phương Tây muốn đến phương Đông tham quan, tìm kiếm lại những phong tục tập quán, ứng xử xa xưa còn lưu lại. Vì lẽ đó, để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, ngành du lịch càng phải coi trọng khai thác tiềm năng văn hoá mang bản sắc dân tộc của lễ hội.

Các lễ hội tiêu biểu:

Lễ hội Phù Đổng

Nhiều địa phương thuộc Hà Nội tổ chức lễ hội suy tôn Thánh Dóng: Phù Đổng, Chi Nam (Gia Lâm), Xuân Đỉnh (Từ Liêm), đền Sóc (Sóc Sơn). Trong số bốn hội trên thì hội Dóng ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) có quy mô, tổ chức chặt chẻ và công phu nhất. Chính hội vào ngày 9/4 âm lịch hằng năm. Trước đó


ngày 6/4 là lễ rước nước từ giếng trước đền thờ Mẫu. Lễ tế có phường Ải Lao múa hát thờ thần; diễn trận tái hiện sự tích ông Dóng đánh giặc Ân với các cuộc múa cờ "ba ván thuận" và "ba ván nghịch" được cách điệu, người xem có thể hiểu tài đánh giặc của ông Dóng. Những ngày tiếp theo có nhiều trò vui như lễ cắm cờ, mừng thắng trận, cáo đất trời và nhiều trò vui khác.

Lễ hội Đống Đa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 207 trang tài liệu này.

Lễ hội Đống Đa (thuộc quận Đống Đa - Hà Nội) hằng năm diễn ra vào ngày 5 tết Nguyên Đán (5/1 âm lịch). Đây là nơi lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ), người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước "rồng lửa Thăng Long" là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại gò Đống Đa lịch sử.

Lễ hội đền Cổ Loa

Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 2 - 24

Lễ hội diễn ra tại xã Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Lễ hội hằng năm diễn ra từ ngày 6 đến 16 tháng giêng âm lịch (chính hội ngày 6) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Ông đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Trong dịp lễ hội tái hiện nhiều tích xưa như rước vua sống, lễ ươm gươm tại đền Sái, rước cỗ bỏng... Lễ hội đền Cổ Loa có đám rước thần uy nghiêm của 12 xóm. Trong phần hội có nhiều trò chơi vui: chơi đu, thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo...

Hội Lệ Mật

Làng Lệ Mật nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Hàng năm, làng mở hội vào ngày 23/3 âm lịch, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung (thành hoàng làng Lệ Mật), là người đã có công được vua Lý ban đất lập 13 trang trại. Hội Lệ Mật có trò múa rắn nhằm tôn vinh nghề bắt và nuôi rắn ở đây. Hội Lệ Mật còn là dịp để cư dân trong làng và những người đi xa có dịp về quê, ôn lại lịch sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn với tổ tiên.


Hội chùa Bối Khê

Hội Chùa Bối Khê xã Tam Hưng, Thanh Oai mở vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch, thờ phật và đức thánh Bối Nguyễn Bình An. Trong hội có lễ rước kiệu, đánh cờ người.

Hội chùa Trăm Gian

Hội Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương, Chương Mỹ là lễ hội thờ phật diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Trong hội có lễ rước kiệu, múa rối nước, đấu vật.

Hội chùa Hương

Hội Chùa Hương xã Hương Sơn, Mỹ Đức là lễ hội dài nhất Việt Nam từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 25 tháng Ba âm lịch. Du khách thập phương về đây lễ phật cầu may và tham quan khu danh thắng Hương Sơn.

Hội chùa Đậu

Hội Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi, Thường Tín diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch thờ thần Pháp vũ, bà Đậu. Trước đây là lễ cầu mưa của vua chúa phong kiến, nay là dịp lễ phật cầu may đầu xuân của dân trong vùng.

Hội làng Chuông

Hội làng Chuông xã Phương Trung, Thanh Oai diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bố cái đại vương Phùng Hưng. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu, hội thổi cơm thi. Đây còn là làng làm nón lá cổ truyền nổi tiếng.

Hội Dô

Hội Dô xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của đức thánh Tản Viên, người đã truyền dạy dân làng các điệu hát Dô. Trong hội có các trò chơi như bơi thuyền, múa rối và đặc biệt không thể thiếu hội thi hát Dô.

Hội làng Đa Sĩ

Hội làng Đa Sĩ xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng và cũng là ông tổ nghề rèn, Hoàng Đôn Hoà. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, múa rồng.


Hội đình Tây Đằng

Hội Đình Tây Đằng thị trấn Tây Đằng, Ba Vì diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh.

Hội đền VÀ

Hội Đền Và xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây mở vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thờ đức thánh Tản Viên. Trong hội có lễ dâng hương, cứ vào năm chẵn lại có lễ rước kiệu lên đền thượng trên đỉnh Ba Vì, lễ tắm tượng, tục đánh cá.

Hội làng La Khê

Hội làng La Khê xã Văn Phú, thị xã Hà Đông mở ngày 15 tháng Giêng âm lịch với nghi lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian như đấu vật, thi võ, đập niêu, thổi cơm thi.

Hội hát chèo Tàu Đan Phương

Hội hát Chèo tầu xã Tân Hội, Đan Phượng, trước đây 30 năm mới mở một lần ngày nay từ 5 đến 7 năm mở hội từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công đức của Văn Dĩ Thành một viên tướng có công đánh giặc dưới thời nhà Trần. Trong hội có biểu diễn hát chèo tầu trên các mô hình thuyền rồng và các trò chơi dân gian khác, đây là một lễ hội dân gian rất độc đáo và đặc sắc của vùng văn hoá xứ Đoài.

Hội làng Yên Nội

Hội làng Yên Nội xã Đông Quang, Quốc Oai diễn ra vào ngày 10 tháng Hai âm lịch với các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương, đấu vật, thi võ để tưởng nhớ công đức của tướng quân Cao Lỗ thời An Dương Vương.

Hội chùa Thầy

Hội Chùa Thầy xã Sài Sơn, Quốc Oai diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ đức thánh Từ Đạo Hạnh người đã tu thành chính quả tại Chùa Thầy. Trong hội có lễ rước kiệu và các trò vui dân gian như múa rối nước, đấu vật .


Hội chùa Tây Phương

Hội Chùa Tây Phương xã Thạch Xá, Thạch Thất diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch là lễ hội cầu phật với các hoạt động văn hoá dân gian như múa rối nước, đấu vật, múa sư tử.

Hội đền Hát Môn

Hội đền Hát Môn (đền thờ Hai Bà Trưng) xã Hát Môn, Phúc Thọ diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch, tương truyền là ngày mất của hai Bà. Lễ hội là dịp nhân dân tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng với những nghi lễ như dâng hương, rước kiệu và các trò vui như bơi trải, đấu vật .

Hội Giá

Hội Giá xã Yên Sở, Hoài Đức diễn ra từ ngày 10 đến ngày 26 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ công lao của Lý Phục Man một vị tướng dưới thời Lý Nam Đế. Trong hội có rước kiệu, thi võ, đấu vật.

Hội thả diều Bá Giang

Hội thả diều Bá Giang xã Hồng Hà, Đan Phượng diễn ra vào ngày 15 tháng Ba âm lịch là dịp tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Cả, người đã dạy dân làng làm diều. Trong hội có thi chim, thi diều và các trò vui dân gian khác.

Hội bãi Tự Nhiên

Hội bãi Tự Nhiên xã Tự Nhiên, Thường Tín diễn ra từ ngày 30 tháng Ba đến ngày 2 tháng Tư âm lịch kỷ niệm chuyện tình yêu cảm động giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, chàng trai đánh cá nghèo. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương và các nghi lễ miêu tả câu chuyện tình của Tiên Dung và Chử Đồng Tử.

Hệ thống bảo tàng, trung tâm văn hoá, thể thao, giải trí

Sự quy tụ của các viện bảo tàng làm sống lại lịch sử của một thời đã qua. Ngày nay, khi du khách đến Hà Nội sẽ được sống lại với lịch sử Việt Nam qua các viện bảo tàng: Viện bảo tàng Cách Mạng, Lịch sử, Mỹ thuật, Quân đội, Hồ Chí Minh, Dân tộc học, Địa chất học và Động vật học... Các viện bảo tàng là những trung tâm nghiên cứu lịch sử và là cơ quan văn hoá quan trọng và hơn hết nó đã trở thành điểm du lịch quan trọng trong các chương trình tham quan Hà Nội. Trong những năm qua, số lượng du khách đến các viện bảo tàng ngày một tăng, mục đích chính của họ là tham quan và tìm hiểu lịch sử.


Hà Nội hiện có 23 bảo tàng trong tổng số cả nước là 108, chiếm 21% là số lượng tương đối lớn. Đặc biệt về giá trị các bảo tàng ở Hà Nội chiếm vị trí hàng đầu trong cả nước. Bảo tàng Hà Nội gồm:

- 6 bảo tàng tầm cỡ quốc gia: Bảo tàng Quân đội, bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Phụ nữ, bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Cách mạng, bảo tàng Dân tộc học.

- 1 bảo tàng tầm cỡ quốc tế là bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Nhiều bảo tàng tầm cỡ địa phương như: bảo tàng Hà Nội, Bưu điện...

Ẩm thực

Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, tại Hà Nội có thể tìm thấy và thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác, nhưng ẩm thực thành phố cũng nó những nét riêng biệt.

Cốm làng vòng

Cốm làng Vòng được những người dân của ngôi làng cùng tên thuộc quận Cầu Giấy làm đặc trưng bởi mùi thơm và màu sắc. Cốm làm từ giống nếp vàng gặt khi còn non, gói trong những tàu lá sen màu ngọc thạch và được những người bán hàng rao bán ngay từ sáng sớm. Tuy phổ biến nhất là cốm tươi, nhưng món ăn này còn được chế biến thành món chả cốm. Đây cũng là một món quà được dùng trong các dịp vui.

Bánh cuốn Thanh Trì

Thanh Trì, một vùng ngoại ô khác, nổi tiếng với món bánh cuốn. Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Những phụ nữ vùng Thanh Trì cho bánh vào thúng, đội trên đầu và đi rao khắp các ngõ phố của Hà Nội. Bánh xếp trong thúng, từng lớp gối nhau trên những tàu lá chuối. Khi ăn, bánh được bóc từng lớp rồi cuộn lại, bày trên những chiếc đĩa. Món bánh cuốn Thanh Trì được ăn cùng với loại nước mắm pha theo công thức đặc biệt của người Thanh Trì, đậu phụ rán nóng, chả quế. Ngày nay, bánh còn được ăn với thịt ba chỉ quay giòn.


Chả cá Lã Vọng

Một món ăn khác của Hà Nội, tuy xuất hiện chưa lâu nhưng đã nổi tiếng, là chả cá Lã Vọng. Vào thời Pháp thuộc, gia đình họ Đoàn phố Hàng Sơn, ngày nay là phố Chả Cá, đã tạo nên một món ăn mà danh tiếng của nó làm thay đổi cả tên con phố. Chả được làm từ thịt cá lăng - hoặc cá quả, cá nheo nhưng sẽ kém ngon hơn - thái mỏng ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm rồi kẹp vào cặp tre nướng trên lò than ngay trên bàn ăn của thực khách. Chả cá Lã Vọng phải ăn nóng, kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ, chấm với mắm tôm.

Phở Hà Nội

Phở là món ăn rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng phở Hà Nội có những cách chế biến đặc trưng riêng. Phở Hà Nội mang vị ngọt của xương bò, thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà không dai, màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Sau khi được trần qua nước nóng, bánh phở được dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt mỏng cùng hành hoa, rau thơm. Cùng với thời gian, nhiều món phở mới xuất hiện với những cách chế biến khác nhau, như phở xào, phở rán...

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam của Thạch Xá có từ lâu đời là bánh lễ tổ tiên trong ngày giỗ, tết, lễ ở chùa đồng thời bánh chè lam còn là quà bánh cho Phật tử đi chùa Tây Phương.

Nguyên liệu chính để làm chè lam chính là bột nếp và có thêm một số gia vị như: Gừng tươi, bột quế, hạt tò ho, lạc rang, mạch nha…Nguyên liệu làm chè lam rất đơn giản, nhưng cách làm đòi hỏi công phu trong từng khâu nhỏ.

Cách chọn lúa nếp là công việc quan trọng bước đầu. Nếu cẩn thận phải chọn loại giống nếp cái hoa vàng, nếu không cũng phải là nếp nhung. Loại lúa này có hương vị thơm và dẻo. Hạt thóc phải đều nhau, hạt to và mẩy. Thóc được phơi khô có thời gian ngủ (tức là đóng trong bồ) khoảng một tháng trở lên càng tốt.

Thóc nếp đưa vào chế biến bằng khâu đầu đem rang thóc. Mỗi mẻ rang chỉ sét bát thóc. Khi rang phải chú ý đun nhỏ lửa, nhưng vẫn phải cho ngọn lửa cháy đều. Rang thóc bằng chảo gang, dùng đũa cả đảo đều tay để thóc nở đều


thì mới có bỏng nổ đều và trắng ngon. Sau đó đem bỏng ra nghiền thành bột. Dùng dây bột lọc bột hạt nhỏ làm sao khi mó tay vào bột phải thấy mát, mịn là được. Khâu thứ hai là chọn và chế biến các loại gia vị. Chè lam là loại bánh ngọt, nên khi làm bánh phải cho đường hoặc mật vào. Nếu là loại bánh làm bằng đường thì phải chọn đường tinh trắng không có sạn. Còn làm bằng mật thì phải là mật mía de, loại mía nhỏ cây nhưng đanh, chắc. Mật mía de ngọt gắt, nhưng lại rất thơm. Loại chè lam được làm bằng mật mía de thì vừa có hương thơm của mật, lại vừa có hương thơm của mùi bột lúa nếp. Dù là mật hay là đường thì cũng phải đem nấu, và nấu với mạch nha. Nấu khi nào nhúng đũa vào, rút ra thấy mật kéo thành dây mảnh sáng như gương là được. Nếu đun mật già lửa thì mật sẽ bị khét, chè lam bị rắn. Còn đun non lửa thì chè lam sẽ bị nhão, không bảo quản được lâu.

Khi đun được mật thì bắt đầu cho bột nếp, lạc rang, nước gừng tươi…cùng một số hương liệu khác quấy đều. Sau đó đổ ra nhào kỹ. Khâu nhào luyện bánh cũng không kém phần quan trọng, người làm phải lấy hai cùi tay, rướn cả sức dồn lực vào, vật đi, vật lại làm cho tới khi bánh dẻo đều, mới có độ dai. Bánh chè lam để được lâu cũng là ở khâu canh mật, luyện nhào thật kỹ, mịn.

Ngày xưa chè lam đóng trên quả tròn biểu tượng như bầu trời. Dùng dao cắt từng miếng gói vào là khô. Gần đây, chè được đóng khuôn cho vào hộp in nhãn đẹp. Hàng năm, cứ vụ mùa thu hoạch lúa nếp xong, ở Thạch Xá bắt đầu vào chiến dịch làm bánh chè lam phục vụ khách tham quan lễ Phật ở chùa Tây Phương. Từ những tháng giáp Tết Nguyên đán đến hết mùa xuân du khách đi chùa đông, sản phẩm bánh chè lam là một món quà đặc sản của quê hương đất Phật. Từ ngàn xưa, người ta đã xếp chè lam Thạch Xá vào món ăn thuộc kho tàng văn hoá ẩm thực của miền quê xứ Đoài.

Giò chả Ước Lễ

Đã nói đến giò chả, thì không thể không nhắc đến Ước Lễ- nơi đã khéo làm nên “miếng giò nhớ đời” ấy. Tân Ước có nhiều thôn, xong cái “nôi” giò chả vẫn là Ước Lễ, Phúc Thuỵ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/06/2023