Tiểu thuyết của Murakami không chỉ lí giải sâu sắc nỗi cô đơn của con người hiện đại mà còn quan tâm đến yếu tố bản năng, tính dục như một phương tiện để kết nối và chia sẻ [46]. Trước Murakami, đã có nhiều thế hệ nhà văn Nhật Bản khai thác yếu tố tính dục từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, Murakami bằng cảm quan nhạy bén, bút pháp tài hoa, đã sử dụng yếu tố nhạy cảm này như một thủ pháp nghệ thuật, để phản ánh một cách chân thực, thẳng thắn nhất những góc khuất của thế giới nội tâm con người, khát vọng được “tương giao hòa hợp”, được sẻ chia, được kết nối. Qua việc phản ánh những nhu cầu thầm kín và khát vọng tự nhiên của con người, Murakami đã truyền tải đi thông điệp về tình yêu đích thực, khao khát được là chính mình trong xã hội hiện đại.
Trong chuyên luận, Murakami Haruki: Japan‟s Coolest Writer Heats up (Murakami Haruki: Nhà văn lạnh nhất Nhật Bản tăng nhiệt, 1998), Matthew C. Strecher không tiếc lời khen ngợi tài năng và sự đa dạng trong bút pháp của Murakami. Ở tiểu mục Novels as Social Commentary (Tiểu thuyết như là sự bình luận xã hội), tác giả đề cập đến sự đóng góp mới mẻ của nhà văn trong việc phản ánh nhiều vấn đề đương đại, so sánh khái quát về văn phong của Murakami với các thế hệ nhà văn đi trước để khẳng định tài năng của ông. Qua đó, Matthew C. Strecher khẳng định: tình dục và tình yêu là những vấn đề được nhà văn làm mới một cách cẩn thận và chất chứa nhiều thông điệp ý nghĩa đằng sau; nhu cầu tìm kiếm bản sắc của con người là chính đáng, tuy nhiên, con người hiện đại chỉ có thể tiếp cận thông qua tình dục, sự tin tưởng và chia sẻ [131].
Cũng trong Murakami‟s The Wind-up Bird Chroncle, A reader's guide (“Biên niên kí chim vặn dây cót” của Murakami, Hướng dẫn người đọc, 2002), Matthew Strecher bổ sung thêm nhận định trước đó của mình khi phân tích vai trò của tình dục đối với sự tồn tại của nhân vật chính Murakami. Ông khẳng định nhân vật chính của Murakami luôn xoay xung quanh các mối quan hệ có liên quan ít nhiều đến tình dục, và tình dục trở thành một “đường dẫn” kết nối anh ta với mọi người và với bản ngã bên trong, là chìa khóa để anh ta có thể thực hiện được nhiệm vụ giải cứu của mình. Tác giả so sánh mối quan hệ đối lập của hai nhân vật chính Noboru Wataya và Toru Okada ở “cách tiếp cận tình dục của họ”. “Nếu thực sự hai người đàn ông đại diện cho những đối lập: chủ động và thụ động, tham vọng và khiêm tốn, xảo trá và chân thành, thì điều này đã được chứng minh trong thực hành về tình dục cũng là một điều quan trọng trong cuốn Biên niên kí chim vặn dây cót, ở đó tình dục vừa có ý nghĩa phá hủy, vừa có ý nghĩa là phục hồi bản ngã” [133,45]. Tác giả đi sâu phân
tích những ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực tình dục mà nhân vật Noboru nỗ lực thực hiện để kiểm soát Kano Creta, chị gái của Kumiko, dẫn đến họ, một là tự sát, hai là đánh mất bản ngã của chính mình. Đồng thời, tác giả cũng đánh giá vai trò của nhân vật Toru ở khía cạnh tích cực của tình dục trong việc kết nối, chữa bệnh và “cứu vãn thế giới” [133].
Cùng quan điểm này, The Cultural Complex: Contemporary Jungian Perspectives on Psyche and Societ (Sự phức tạp văn hóa: Quan điểm trường phái Jung đương đại về tâm lí và xã hội) (2002), Toshi Kawai ở Chương 7: Postmodern Consciousness in the Novels of Murakami (Ý thức hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Murakami) đã phân tích và lí giải về ảnh hưởng của thuyết tâm lý Jung trong các tiểu thuyết của Murakami, về sự mất mát của thế giới huyền thoại. Chuyên luận đã tập trung nghiên cứu về yếu tố tình dục và khẳng định tính cần thiết của chủ đề này trong sáng tác của nhà văn. Kawai khẳng định: “bởi vì các nghi lễ và hy sinh, những hình ảnh bạo lực, không liên kết chúng ta với thế giới khác, bạo lực trần trụi không có ý nghĩa xuất hiện. Một số người gọi “tách rời” là đặc trưng của tiểu thuyết của Murakami. Sự bùng nổ bạo lực xuất hiện cùng với sự mất mát của thế giới huyền thoại. Vai trò của tình dục trong tiểu thuyết của Murakami tương tự như vai trò của bạo lực. Nó xuất hiện gần như là nỗ lực cuối cùng ở thực tế nhằm liên kết với thế giới, mặc dù vô ích” [105,95].
Thứ năm, Nghiên cứu so sánh (Comparative Criticism) tiểu thuyết Murakami trong mối quan hệ tiếp nhận, ảnh hưởng của văn học dân gian... của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra kho tàng vô thức tập thể mà tác phẩm đã tiếp thu và sáng tạo. Không chỉ nghiên cứu theo hướng so sánh ảnh hưởng, tiếp nhận, những nghiên cứu so sánh giữa tác phẩm của Murakami với các tác giả khác trên thế giới càng góp phần khẳng định phong cách riêng, độc đáo và tài năng của nhà văn.
The Fragmentation of Identity in Modern Japan: Reinvention of the Oedipal Myth (Sự phân mảnh bản sắc trong Nhật Bản hiện đại: Tái tạo huyền thoại Oedipus, 2014) của Maia Brown-Jackson là một công trình nghiên cứu về sự phức tạp của xã hội Nhật Bản sau chiến tranh và sự chi phối của sự phát triển xã hội ấy đến bản sắc cá nhân qua việc phân tích tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Murakami. Trong đó, tác giả đã lí giải việc Murakami tái tạo huyền thoại Oedipus nhằm thể hiện sự phản ứng của mình với xã hội Nhật Bản hiện đại. Ông cho rằng, chính sự phát triển không có kết nối nhiều với quá khứ nên Nhật Bản “phải đối mặt với những thách thức căn tính của họ […]. Trong Kafka bên bờ biển, Murakami đã
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 1
- Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 2
- Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 3
- Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 5
- Nghiên Cứu Biểu Tượng Trong Tiểu Thuyết Murakami
- ?ánh Sáng”: Biểu Tượng Của Nguồn Sống Và Lương Tri; Cái Đẹp Và Cái Thiện
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
hấp thu mâu thuẫn giữa giá trị truyền thống với thị trường tư bản, giữa quá khứ và hiện tại, giữa mối quan hệ cộng đồng và quyền lực quan liêu, thành một phiên bản mới của thần thoại Oedipus. Phát triển câu chuyện Oedipus của mình bằng tất cả sức mạnh được cung cấp bởi chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, ông cho thấy một giải pháp, bằng cách tích hợp quá khứ - hiện tại” [103,1].
Tiểu thuyết Murakami là thế giới của nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền ảo, kì bí. Nhân vật của ông luôn chấp chới giữa ranh giới hư – thực, hoang đường - thực tế. Không gian - thời gian thực ảo này luôn đan xen và tạo thành nhiều tầng thế giới khác bên cạnh thế giới thực mà con người đang sống. Là một nhà văn hậu hiện đại tài năng, Murakami đã nhanh chóng tìm thấy mảnh đất màu mỡ, tốt lành của văn học, văn hóa dân gian thế giới. Trong sáng tác của ông, người đọc bắt gặp sự kế thừa và sáng tạo trên nền “kho vô thức tập thể nhân loại” nhưng được Murakami thể hiện theo cách riêng. Trong luận văn tại Đại học Carnegie Mellon Dreaming in Isolation: Magical Realism in Modern Japanese Literature (Mơ trong sự cô lập: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học hiện đại Nhật Bản, 2011), mục IV. Isolation: Mythic proportions (IV. Sự cô lập: Tương quan mang tính huyền thoại), Ida Mayer cho thấy sự ảnh hưởng của yếu tố siêu nhiên và motif lời nguyền của thần thoại đến tiểu thuyết của Murakami. Tác giả luận văn khẳng định: “Các hàng rào ngăn cản những nhân vật này kết nối với thế giới xung quanh họ, và các nhân vật cảm thấy rằng những rào cản này là không thể vượt qua. Các chướng ngại vật có vẻ rất kiên cố, chúng mang những phẩm chất huyền thoại, giống như lời nguyền” [110,9]. Tác giả đã tường minh nhận định của mình khi phân tích nhiều tiểu thuyết đặc sắc của Murakami. Ida Mayer cho rằng luôn tồn tại yếu tố siêu nhiên, cùng với một cảm giác đáng ngại về lời nguyền đang đuổi theo người kể chuyện và Murakami đã sử dụng những chi tiết này như sự thay thế cho việc bộc lộ cảm xúc trong tác phẩm [110].
John Updike, tác giả văn học nổi tiếng người Mỹ, trong bài viết Subconscious Tunnels (Những đường hầm tiềm thức, 2005), phân tích khá kĩ sự ảnh hưởng của Thần đạo trong đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản và sự suy yếu của nó sau chiến tranh thế giới thứ hai. John Updike cho rằng, mặc dù không còn phát triển như trước, nhưng Thần đạo vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh Nhật Bản qua tinh thần Kami (một từ phổ biến đôi khi được dịch là “linh hồn” hoặc “tinh thần” nhưng ý nghĩa, cuối cùng, là bất cứ điều gì cho thấy xứng đáng với sự tôn kính). Là một yếu tố thẩm mỹ đặc thù của Thần đạo, Kami không
chỉ tồn tại trong các lực lượng trên trời và trần gian mà còn ở động vật, chim, thực vật và đá” [141,2]. Tác giả nhìn thấy sự ảnh hưởng của yếu tố thẩm mỹ này trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển: “Kami tràn ngập thế giới của Murakami, do đó, nhiều độc giả phương Tây sẽ cảm thấy, khá chán; hai anh hùng của tiểu thuyết chỉ tương tác trong lĩnh vực kami” [141,3]. Sự ảnh hưởng của yếu tố kami cũng là điều dễ hiểu khi lí giải cho một số hiện tượng kì lạ trong Kafka bên bờ biển, “bầu trời xuất hiện những trận mưa cá mòi, cá thu và đỉa, và một số người không may mắn bị kẹt giữa thế giới linh hồn và do đó tạo ra một cái bóng mờ nhạt trong thế giới này”. John Updike viết: “Dù tác phẩm của ông nhan nhản sự tham khảo văn hóa đương đại Mỹ, đặc biệt là âm nhạc bình dân; dù ông miêu tả chi tiết sự sáo rỗng, tầm thường của giới trẻ phương Tây; lối kể chuyện của ông vẫn rất đáng mơ ước và gần với tính chất siêu thực mềm dẻo, linh hoạt của Kobo Abe hơn là tính chất cứng nhắc, mãnh liệt của Yukio Mishima và Jun’ichiro Tanizaki” [141,2]. Phong vị Nhật Bản trong sáng tác của Murakami không đậm đặc như các bậc tiền bối nhưng dòng chảy tâm linh ấy không hề “tắc mạch”. Nhà văn đã tạo dựng nên những huyền thoại mới nhằm khám phá chiều sâu tâm thức của con người, không phải trong mối tương liên với vũ trụ mà trong sự gắn kết với hiện thực trần trụi, song song cùng với sự phát triển của xã hội thời đại kĩ thuật số. Điều đó cho thấy trầm tích văn hóa, văn học truyền thống Nhật Bản là mạch ngầm vẫn âm ỉ chảy trong sáng tác của Murakami.
Không chỉ ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật Bản, Murakami còn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa dân gian thế giới. Tác giả lí giải về hành trình trốn chạy của cậu bé Kafka là hành trình chạy trốn khỏi “một lời nguyền Oedipus không xác định” và khẳng định thêm: “Huyền thoại Oedipus, với sức hấp dẫn của người Hy Lạp và Freud đã cho nó, thêm vào làn sương mù của sự kỳ lạ mà qua đó người anh hùng trẻ di chuyển về phía mục tiêu để trưởng thành” [141,3].
Ancient Greek Myth in World Fiction since 1989 (Thần thoại Hi Lạp cổ đại trong tiểu thuyết thế giới từ 1989) xuất bản lần đầu tiên vào năm 2016, là một tập hợp nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của lịch sử, nghệ thuật, triết học và văn học Hi Lạp đến văn hóa, văn học của nhiều nước trên thế giới do hai tác giả Justine McConnell và Edith Hall tuyển chọn. Trong đó, Echoes of Ancient Greek Myths in Murakami Haruki‟s novels and in Other Works of Contemporary Japanese Literature (Âm vang của thần thoại Hy Lạp cổ đại trong tiểu thuyết của Murakami Haruki và trong các tác phẩm khác của văn học đương đại Nhật Bản) của Giorgio
Amitrano đã phân tích sâu sắc sự ảnh hưởng của lịch sử, nghệ thuật, triết học và văn học Hi Lạp đến văn hóa Nhật Bản hiện đại. Giorgio Amitrano cho rằng: “Nhiều tài liệu tham khảo về lịch sử Hi Lạp, nghệ thuật, triết học và văn học có thể tìm thấy trong suốt thế kỉ 20 ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa Nhật Bản. Dấu vết của ảnh hưởng này còn dễ thấy đến nỗi một trong những cuốn tiểu thuyết gần đây nổi tiếng nhất từ một tác giả nổi tiếng thế giới của Nhật Bản - Kafka bên bờ biển, 2002, của Murakami - lấy cảm hứng từ huyền thoại Oedipus, trong đó nó mang lại một sự sáng tạo mới lạ và độc đáo” [85,91]. Tác giả đồng thời so sánh “sự tái tạo thần thoại Hi Lạp” trong các tác phẩm của nhà văn Mishima Yukio (1925 - 1970), Kurahashi Yumiko (1935 - 2005) với Murakami, để đi đến sự khẳng định: “đã có vô số tài liệu tham khảo về văn hóa Hi Lạp cổ đại ở Nhật Bản và những huyền thoại Hi Lạp nói riêng. Tuy nhiên, việc cung cấp một vài ví dụ có liên quan hơn về di sản Hi Lạp trong văn hóa Nhật Bản hiện đại có thể được sử dụng tốt hơn trong một số ngữ cảnh của tác phẩm Murakami” [85,92]. Murakami sử dụng các chủ đề được lấy từ thần thoại Hi Lạp cổ đại dưới nhiều hình thức khác nhau, như một nguồn cảm hứng để tạo ra những câu chuyện đương đại nhưng mang dáng dấp của huyền thoại xưa, chúng là phương tiện để nhà văn “lao vào vô thức và khám phá chiều sâu của nó”. Giorgio Amitrano chỉ ra một trong những chủ đề của thần thoại Hi Lạp làm nên tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (2002) chính là huyền thoại cổ đại Oedipus: “Mối quan tâm thực sự của câu chuyện nằm trong ý nghĩa của lời tiên tri đáng ngại ẩn nấp trong một môi trường bình thường. Huyền thoại cổ đại Oedipus đã đi một chặng đường dài từ thế giới của thảm kịch Hi Lạp để... hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của con người, hoàn toàn được hấp thu trong văn hóa Nhật Bản” [85,92]. Việc Murakami tái sử dụng thần thoại Hi Lạp và để chúng tồn tại lơ lửng trong không gian tường thuật của tiểu thuyết, không những là phương tiện của sự mặc khải mà còn là đại diện cho phía tối của số phận, khó có thể giải thích cho đến khi kết thúc tác phẩm.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa, văn học dân gian đến sáng tác của Murakami, chúng tôi nhận thấy còn nhiều công trình nghiên cứu, so sánh giữa Murakami và các tác giả dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Trong A Sartrean Perspective on Inertia and Alienation in “The Silent Cry” by Kenzaburo Oe and “The Wind - up Bird Chronicle” by Murakami (Quan điểm hiện sinh của Sartre về sự thụ động và xa lạ trong “Tiếng gào câm lặng” của Kenzaburo Oe và “Biên niên kí chim vặn dây cót” của Murakami, 2012), Mirjam Büttner nghiên cứu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh Sartre đến Kenzaburo và
Murakami. Trong đó, tác giả thảo luận sự ảnh hưởng của triết học đến văn học, giải thích ý nghĩa của sự thụ động và sự xa lánh trong bối cảnh triết học hiện sinh của Sartre và sau đó, sử dụng phân tích của ông về Sartre để làm sáng tỏ những vấn đề này trong hai tiểu thuyết. Murakami đã liên hệ với thực tế xã hội Nhật Bản sau chiến tranh, những khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt, sự đổ vỡ của các giá trị truyền thống kéo theo sự đổ vỡ của nền tảng gia đình, những chuẩn mực về đạo đức trở nên vô nghĩa giữa xã hội hiện đại. Con người trở nên hoang mang, lạc lòng và mất phương hướng giữa đời thực. Họ nhanh chóng lựa chọn nhiều cách phản ứng khác nhau trước sự thay đổi khủng khiếp, hoặc là tham gia vào các phong trào chống đối lại chính phủ, hoặc bằng lòng với nhịp sống nhàm chán, sống thụ động và rút vào “vỏ ốc cô đơn” của chính mình.
Büttner lí giải việc lựa chọn hai cuốn tiểu thuyết này để so sánh, vì chúng miêu tả những phản ứng khác nhau về sự thụ động và sự xa lánh, những vấn đề hiện diện trong văn học Nhật Bản sau chiến tranh. Hơn nữa, Oe và Murakami được đánh giá cao trên toàn thế giới, Oe đã nhận được giải Nobel và Murakami là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất toàn cầu. Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh, tác giả cho rằng để kết nối với người khác, để tham gia vào các nguyên nhân và hành động hướng tới mục đích có giá trị nhất, một nỗ lực liên tục để vượt qua sự thụ động, quán tính và sự xa lạ là bắt buộc. Ông đã phân tích khá kĩ phản ứng của các nhân vật chính với sự thay đổi của xã hội sau chiến tranh, những trăn trở, day dứt trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Mirjam Büttner khẳng định, The Silent Cry và The Wind-up Bird Chronicle đều thể hiện sự khó khăn trong mối quan hệ ràng buộc và gắn bó với người khác. Các nhân vật chính nhận ra họ không có lý do để gắn kết và chia sẻ. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cách xử lý vấn đề của nhân vật hoàn toàn khác nhau ở mỗi nhà văn. Nếu như Kenzaburo Oe quyết định để cho nhân vật bỏ qua quá khứ, chấp nhận thực tại bằng cách “tham gia” và “hành động” trong thực tế, thì Murakami quyết định để nhân vật “tham gia” và “hành động” trong thế giới tưởng tượng. Không có gì ngạc nhiên khi Oe chỉ trích Murakami vì sự thiếu tham gia, gắn kết và hành động; văn chương của Murakami chỉ là thứ văn chương “nặng mùi bơ”, “xa rời truyền thống”, không có trách nhiệm với tư cách là một nhà văn. Thế nhưng, qua hành trình so sánh hai tiểu thuyết, Mirjam Büttner góp phần khẳng định bút pháp tài hoa và trách nhiệm của Murakami “một thư kí trung thành của thời đại” (mượn lời của Balzac) khi viết về một Nhật Bản đương đại thật sự mới mẻ và độc đáo [90].
Trong bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học so sánh, Murakami Haruki and Raymond Carver: the American Scene (Murakami và Raymond Carver: Cảnh vật Hoa Kỳ, 1993), Naomi Matsuoka tập trung nghiên cứu về tác động của Carver và văn học Mỹ đến sáng tác của Murakami. Naomi Matsuoka khẳng định tiểu thuyết của Murakami và Raymond Carver đều xuất hiện chủ nghĩa hiện sinh và giọng điệu trung tính. Tác giả ghi nhận các nhân vật chính nhận biết thông qua sự phản ánh tự thân về những bất hòa trong xã hội; lời kể trung tính trong tác phẩm của hai nhà văn là biểu hiện của ngôn ngữ bị hạn định trong việc mô tả các đối tượng cụ thể, nhấn mạnh sự khước từ biểu lộ xúc cảm [109].
Cũng nghiên cứu về sự ảnh hưởng của Raymond Carver đến sáng tác của Murakami, Brian Seemann - giảng viên của trường Đại học Wichita State, Hoa Kỳ, trong tập tiểu luận Existential Connection: The Influence of Raymond Carver on Murakami (Kết nối hiện sinh: sự ảnh hưởng của Raymond Carver với Murakami) nghiên cứu sự ảnh hưởng của Raymond Carver với Murakami từ góc nhìn lý thuyết hiện sinh Jean Paul Sartre. Brian Seemann cho rằng, tiểu thuyết Murakami và truyện ngắn Raymond Carver có nhiều điểm tương đồng về khuôn mẫu hiện sinh. Tác giả lựa chọn tập truyện Blind Willow, Sleeping Woman (Cây liễu mù và cô gái ngủ) nhằm chứng minh cho sự ảnh hưởng ấy đến sáng tác của hai nhà văn. Tác giả khẳng định: Nhân vật của Murakami là những cá nhân hướng ngoại, hướng đến tính hiệu quả, có thể đoán biết được, hành động máy móc đánh lừa cảm giác về sự sống có mục đích và ý nghĩa. Thế nhưng, cuộc sống họ thường xuyên trắc trở, gặp những biến cố không thể lí giải được, lại gợi liên tưởng đến cách thức tồn tại của những nhân vật trong truyện của Carver. Nhân vật của Carver luôn có một sự bất ổn nào đó, thể hiện ở giới tính, thay đổi thể chất trong môi trường mới, những điều kiện kì lạ... là cơ hội để nhân vật khám phá chính bản thân họ, để minh định (define – Sartre) hoặc để trở thành (become - de Beauvoir). Đây chính là mối tương quan về cách xây dựng nhân vật giữa hai nhà văn, góp phần khẳng định sự ảnh hưởng của Carver đến sáng tác của Murakami [124].
Vấn đề toàn cầu hóa, nhất là trong văn học đã trở thành một trong những vấn đề quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong luận văn thạc sĩ bảo vệ tại Đại học Utretch ngày 21 tháng 6 năm 2012, Globalization, Cosmopolitanism and World Literature - Comparing Murakami and Kazuo Ishiguro (Toàn cầu hóa, Chủ nghĩa quốc tế và Văn học thế giới - So sánh Murakami và Kazuo Ishiguro), Kim de Willigen bàn về sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa văn học đến hai nhà văn Kazuo
Ishiguro và Murakami. Đóng góp của tiểu luận này chủ yếu nằm ở mục 2 và mục 3 (25 trang) với các nội dung: Short Stories: Murakami and Carver (Truyện ngắn: Murakami và Carver), Murakami and Chandler (Murakami và Chandler), Murakami and Fitzgerald (Murakami và Fitzgerald), Between Japan and England (Giữa Nhật Bản và Anh), Japan: Ishiguro and Tanizaki (Nhật Bản: Ishiguro và Tanizaki), England: Ishiguro and Austen (Nước Anh: Ishiguro và Austen). Kim de Willigen nhận thấy Murakami và Ishiguro đều có tư tưởng toàn cầu, họ không chỉ quan tâm đến văn học Nhật, mà còn chịu ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây. Tác phẩm của họ được truyền cảm hứng từ một số nhà văn cụ thể. Murakami chịu ảnh hưởng rất nhiều của Carver, Chandler và Fitzgerald, nhưng cách xây dựng tác phẩm, chủ đề và nhân vật của ông là người Nhật, các câu chuyện của Murakami cho thấy ảnh hưởng của thế giới phương Tây và các tác giả phương Tây, nhưng vẫn rất Nhật Bản. Ishiguro cũng bị ảnh hưởng bởi xuất xứ của chính ông. Ông sinh ra ở Nhật Bản, lớn lên ở Anh và đây là những quốc gia mà Ishiguro lựa chọn để đưa vào tiểu thuyết của mình. Từ những phân tích và lí giải, Kim de Willigen khẳng định: Murakami và Ishiguro đã sử dụng nguồn gốc của họ và ảnh hưởng của các tác giả khác theo cách sáng tạo để tạo ra những thế giới mới [143].
Naomi Matsuoka với bài viết Murakami Haruki and Anna Deavere Smith: Truth by Interview (Murakami Haruki and Anna Deavere Smith: Sự thật qua phỏng vấn), nghiên cứu và so sánh phương pháp thu thập tư liệu từ thực tế và cách mà hai nhà văn “nhào nặn các chất liệu cuộc sống” để đưa vào tác phẩm của mình, từ đó khẳng định về sự khác biệt trong phong cách của Murakami và Anna Deavere Smith. Tác giả cho rằng, mặc dù họ đến từ các nền văn hóa khác nhau và hi vọng đạt được các mục tiêu khác nhau thông qua sáng tác, Murakami and Anna Deavere Smith đều dựa trên các phương pháp sử dụng tài liệu lịch sử và truyền miệng. Murakami bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phương pháp của Studs Terkel và Bob Greene từ các tác phẩm đầu tay cho đến tiểu thuyết gần nhất: Ngầm. Murakami đã tiến hành 62 cuộc phỏng vấn, mất một năm chín tháng để tổng hợp 727 trang bằng tiếng Nhật. Nhà văn đã phỏng vấn các nạn nhân của vụ thảm sát khí độc sarin xảy ra trên 5 tuyến tàu điện ngầm Tokyo vào ngày 20 tháng 3 năm 1995, những tín đồ của giáo phái Aum Supreme Cult. Thông qua những cuộc phỏng vấn này, Murakami viết về những cuộc đời cá nhân trong sự đối trọng với những câu chuyện về chính phủ, cảnh sát và giới truyền thông Nhật Bản. Mục đích của nhà văn nhằm tìm kiếm sự thật về nguyên nhân của vụ thảm sát gây ra cái chết của 12 người và làm bị thương