Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 2


là hình ảnh biểu nghĩa cụ thể, những hình thức dùng hình ảnh này để tỏ nghĩa nọ mang tính khái quát và tư tưởng cao, một hình ảnh cụ thể để nói lên một ý niệm trừu tượng.

Trong văn học, biểu tượng gần gũi với hình ảnh về mặt chức năng và nội dung. Hình ảnh trở thành biểu tượng khi được đặt trong môi trường phù hợp. Những hình ảnh truyền thống như khu vườn, núi, thung lũng,… đều có thể trở thành biểu tượng trong các ngữ cảnh của chúng. Một khu vườn chỉ là khu vườn, cho tới khi trong đó xuất hiện một người đàn ông, một người đàn bà và con rắn thì nó trở thành vườn địa đàng, hay thiên đường trên mặt đất.

Đối với các biểu tượng văn học, ngữ cảnh của nó trước tiên là tác phẩm. Nhà văn giỏi thường sử dụng những hình ảnh mang tính biểu tượng, và sự lặp đi lặp lại các biểu tượng đó sẽ tạo ra một hiệu quả nhất định đến người đọc. Dù tồn tại trong một môi trường không thay đổi theo thời gian và không gian - chỉnh thể tác phẩm - nhưng ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm hoàn toàn không cố định, không “chết” mà vẫn luôn phát triển và kích thích trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo của độc giả. Thực tế là, có những biểu tượng được hình thành trong quá trình tiếp nhận, không hề phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của tác giả.

Tiếp thu thành quả của các nhà nghiên cứu, chúng tôi tạm đưa ra một cách hiểu về biểu tượng văn học: đó là những ký hiệu ngôn ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần, có khả năng biểu hiện những ý nghĩa sâu sắc của thời đại; biểu tượng đại diện trước hết cho chính bản thân nó rồi sau đó mới đại diện cho một cái gì đó ngoài nó; mỗi biểu tượng đều có tính ổn định tương đối về mặt ý nghĩa.

Cũng giống như định nghĩa về biểu tượng, và thậm chí còn phức tạp hơn, cách phân chia các loại biểu tượng vẫn là vấn đề chưa tìm được sự đồng thuận rộng rãi. Thông thường, giới nghiên cứu chia biểu tượng thành hai loại: biểu tượng tập quán (conventional symbol - biểu tượng được chấp nhận và sử dụng rộng rãi bởi nhiều nhà văn, ví dụ như “mùa xuân” biểu tượng cho sự sống, “hoa hồng” biểu tượng cho tình yêu và vẻ đẹp…) và biểu tượng cá nhân (private symbol - biểu tượng do cá nhân một nhà văn sáng tạo cho một tác phẩm văn học đặc biệt, cụ thể).

L. Kip Wheeler trong từ điển trực tuyến Thuật ngữ văn học và định nghĩa (Literary Terms and Definitions) [148] chia biểu tượng thành biểu tượng văn hóa (cultural symbol) - biểu tượng được chấp nhận một cách rộng rãi như một điều đặc biệt giàu ý nghĩa trong một nhóm xã hội hay văn hóa, ví dụ như cây Thánh giá là biểu tượng của Thiên Chúa giáo…); biểu tượng văn cảnh (contextual symbol) - biểu


tượng được nhiều tác giả sử dụng, nhưng ý nghĩa của nó không mang tính phổ biến như biểu tượng văn hóa mà người đọc chỉ có thể dựa vào văn cảnh của một tác phẩm riêng biệt hay nhóm tác phẩm của một tác giả để tìm ra ý nghĩa tiềm ẩn của nó; và biểu tượng cá nhân (private symbol) - biểu tượng mà một nghệ sĩ tùy tiện gán cho một ý nghĩa cá nhân. Nó là sản phẩm riêng biệt, độc lập, mang đậm dấu ấn cá nhân và chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của nó khi đặt nó trong chỉnh thể tác phẩm. Cách phân chia của Kip Wheeler có lẽ chưa thật sự thuyết phục vì ông chưa phân biệt được rạch ròi giữa biểu tượng theo văn cảnh và biểu tượng cá nhân.

Chúng tôi không vận dụng các cách phân chia như trên, do biểu tượng của Murakami đã hình thành cả một hệ thống phong phú và phức tạp, trong đó có những biểu tượng chỉ xuất hiện trong một tác phẩm (phức cảm Edip, nhân vật tốt, xấu…) nhưng cũng có biểu tượng xuất hiện trong nhiều tác phẩm với nét nghĩa thống nhất (bóng tối, giếng, nước, âm nhạc…); có những biểu tượng vốn là biểu tượng văn hóa được Murakami đưa vào trong tác phẩm của mình và giữ nguyên những nét nghĩa vốn đã được cộng đồng thừa nhận (bóng, biển, giếng...) nhưng lại có những biểu tượng mới được ông gán cho những ý nghĩa đặc biệt (sopha, chim, mèo...). Từ những phân tích trên, chúng tôi khai thác biểu tượng của Murakami ở ba nhóm: nhóm biểu tượng thiên nhiên, nhóm biểu tượng đồ vật và nhóm biểu tượng động vật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng phương pháp tiếp cận, bao gồm kí hiệu học, phê bình cổ mẫu và nghiên cứu liên ngành.

Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 2

Các phương pháp, thao tác nghiên cứu cụ thể được chú trọng như sau:

- Phương pháp văn hóa – lịch sử: Phương pháp này góp phần xác định cách thức nghiên cứu của luận án là luôn đặt tiểu thuyết Murakami trong mối quan hệ với văn hóa dân gian Nhật Bản, lịch sử Nhật Bản... Bởi lẽ, biểu tượng luôn được kết nối nhất định với văn hóa truyền thống.

- Phương pháp phê bình tiểu sử: Nghiên cứu tiểu thuyết Murakami trong mối quan hệ với cuộc đời của nhà văn sẽ góp phần bổ sung một số thông tin về những tiền đề, những nhân tố ảnh hưởng tới tư tưởng của nhà văn và nội dung tác phẩm.

– Phương pháp so sánh: Vận dụng phương pháp này, luận án hướng đến nhiệm vụ chỉ ra những biểu tượng tiêu biểu trong tiểu thuyết Murakami. Qua việc so sánh với biểu tượng của các nhà văn khác và của chính Murakami, luận án sẽ phân tích và luận giải các giá trị tư tưởng ẩn trong thế giới biểu tượng của nhà văn.


- Thao tác thống kê: Đây là thao tác quan trọng, dựa vào những khảo sát cụ thể để chứng minh cho những nhận định, đánh giá. Chúng tôi xác định và thống kê các biểu tượng xuất hiện trong tiểu thuyết Murakami.

5. Đóng góp của luận án

Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu về biểu tượng trong tiểu thuyết Murakami. Phương pháp nghiên cứu và kết quả luận án sẽ là cơ sở để nghiên cứu toàn diện về biểu tượng trong toàn bộ sáng tác của Murakami (cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn).

Hệ thống hóa một số nét cơ bản về biểu tượng trong tiểu thuyết Murakami, chỉ ra được các giá trị nội dung tư tưởng qua hệ thống biểu tượng đó.

Luận án cung cấp thêm một cách tiếp cận tiểu thuyết Murakami. Nghiên cứu tác phẩm từ lí thuyết biểu tượng là hướng đi rộng mở và hứa hẹn cách thức để tiếp cận tác phẩm của các tác giả khác.

Luận án đóng góp vào việc nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học từ biểu tượng và khẳng định tầm quan trọng của kí hiệu học trong dạy học ngày nay.

6. Cấu trúc luận án

Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được cấu trúc thành bốn chương:

Chương 1: Tổng quan nghiên cứu vấn đề

Chương 2: Biểu tượng thiên nhiên trong tiểu thuyết Murakami Chương 3: Biểu tượng đồ vật trong tiểu thuyết Murakami Chương 4: Biểu tượng động vật trong tiểu thuyết Murakami


Chương 1

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NG IÊN CỨU


Haruki Murakami là nhà văn đương đại nổi tiếng, tiêu biểu cho thế hệ nhà văn Nhật Bản hậu hiện đại. Tác phẩm của ông luôn được quan tâm, đón nhận và trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình trên thế giới. Trong chương này, chúng tôi tiến hành tổng thuật những công trình nghiên cứu về Murakami ở phạm vi trong và ngoài nước theo hai cấp độ: nghiên cứu chung về tiểu thuyết Murakami và nghiên cứu biểu tượng trong tiểu thuyết Murakami.

1.1. Nghiên cứu tiểu thuyết của Murakami

1.1.1. Ở nước ngoài

Tác phẩm của Murakami thu hút sự quan tâm rộng lớn của giới phê bình trên thế giới. Đến nay đã có nhiều chuyên luận, đề tài, các bài phỏng vấn, luận văn, luận án với nhiều hướng tiếp cận tiểu thuyết Murakami, chúng tôi chọn tổng thuật các hướng chính sau:

Thứ nhất, Phê bình tiểu sử (Biography Criticism) tập trung vào phân tích một số ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời và sự nghiệp của Murakami từ khi còn nhỏ đến khi trở thành một tác gia nổi tiếng trên toàn thế giới. Thông qua những bài báo phỏng vấn, chuyên luận... người đọc sớm hình dung được nét cá tính độc đáo, cũng như hoàn cảnh lịch sử - xã hội, gia đình đã tác động đến Murakami. Từ đó, chúng ta hiểu được cách nhân vật, sự kiện, bối cảnh truyện... trong tiểu thuyết của Murakami được tạo dựng, hình thành.

Murakami Haruki and the Music of Words (Murakami và âm nhạc của ngôn từ) (2002) của Jay Rubin cung cấp một cái nhìn tuyệt vời về những công việc đơn giản và nghệ thuật của Murakami, một sự kết hợp giữa tiểu sử và phê bình văn học. Thông qua những cuộc trò chuyện, những phân tích sâu sắc một số tiểu thuyết của Murakami, Jay Rubin đã giúp người đọc hiểu thêm phần nào về cuộc đời và những điểm thú vị trong sáng tác của nhà văn. Jay Rubin hé lộ những góc khuất, những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời và sáng tác của Murakami. Murakami có ông nội là một nhà sư, ông ngoại là một thương gia ở Osaka, bố mẹ ông đều là giáo viên môn văn học Nhật Bản. Lúc còn bé, “Haruki thường nghe cha mẹ của mình thảo luận về thơ ca thế kỷ thứ tám hoặc những câu chuyện chiến tranh thời trung cổ ở bàn ăn. Ông chỉ là một đứa trẻ, và Murakami cho rằng điều này có thể giải thích xu hướng của ông đối với sự hướng nội. Một trong những kí ức sớm nhất của ông là


rơi xuống một dòng suối và bị cuốn về phía cống ngầm” [123,14], một kinh nghiệm tồi tệ đã được ông nhắc lại qua kí ức nhân vật chính trong hai tác phẩm Rừng Na Uy Biên niên kí chim vặn dây cót. Murakami và âm nhạc của ngôn từ giúp người đọc hiểu thêm về một nhà văn Murakami với niềm đam mê đọc sách, ông tìm đến với văn hóa, văn học phương Tây như sự cứu cánh cho tuổi thơ tẻ nhạt của mình: “Sau khi gia đình chuyển đến thành phố lân cận Ashiya năm Haruki 12 tuổi, nơi có hai thư viện về văn học thế giới, nhiều cuốn sách được đưa đến tiệm sách địa phương mỗi tháng và Haruki dành những năm tháng thiếu niên của mình để “nuốt chửng” chúng. Chiaki hy vọng rằng bằng cách giúp Haruki học tiếng Nhật vào mỗi sáng chủ nhật, ông sẽ nuôi dưỡng con trai mình hướng sự quan tâm đến các tác phẩm kinh điển Nhật Bản, nhưng Haruki thích Stendhal hơn, và tiếp tục hướng sự quan tâm của mình cho Tolstoy và đặc biệt là Dostoevsky” [123,15]. “Ở trường trung học Kobe, nơi mà cậu bé viết cho tờ báo của trường, Murakami đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám giả tưởng của Ross MacDonald, Ed McBain, và Raymond Chandler, sau đó là Truman Capote, F. Scott Fitzgarald và Kurt Vonnegut” [123,16].

Rubin còn cho chúng ta thấy tình yêu của Haruki đối với âm nhạc: “Murakami là người yêu nhạc – tất cả các loại nhạc, bao gồm jazz, cổ điển, dân gian, rock. Tình cảm đó chiếm một vị trí trung tâm trong cuộc sống và tác phẩm của ông” [123,2]; “Với Murakami, âm nhạc là phương tiện tốt nhất để thâm nhập vào còi sâu của vô thức, một thế giới vượt thời gian khác trong tâm trí của chúng ta. Đó là cốt lòi của bản thể, là câu chuyện về mỗi người trong chúng ta là ai: một câu chuyện phân mảnh mà chúng ta chỉ có thể biết qua hình ảnh” [123,3]. Từ những phân tích của mình, Rubin đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết thú vị về Murakami; lí giải tại sao trong hầu hết tác phẩm của Murakami đều xuất hiện yếu tố âm nhạc, từ cách đặt tiêu đề cho tiểu thuyết, tên nhân vật, giai điệu của các bài hát nổi tiếng cho đến việc biến âm nhạc trở thành một biểu tượng, một góc nhìn riêng của nhà văn về cuộc sống.

Murakami: Modern-Myth Maker beyond Culture (Murakami: người sáng tạo huyền thoại hiện đại ngoài tầm văn hóa) (2016) của Megumi Yama là một chuyên luận phân tích ngắn gọn về tiểu sử của Murakami, khám phá quá trình sáng tác, phong cách nghệ thuật của nhà văn để từ đó đi đến khẳng định: “Murakami đang cố gắng viết những huyền thoại hiện đại” [151,2].

Megumi Yama tập trung vào những ảnh hưởng của gia đình, hoàn cảnh lịch sử

- xã hội đến Murakami. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của văn


hóa, văn học phương Tây đến nhà văn ngay từ khi còn là một học sinh trung học phổ thông. Với Murakami, ông không hề “xúc động sâu xa vì một cuốn tiểu thuyết Nhật Bản”, ngược lại ông đắm mình trong văn hóa, văn học phương Tây như một hình thức nổi loạn chống lại truyền thống Nhật Bản mà đại diện chính là bố mẹ ông. “Văn hóa phương Tây, văn chương, phim ảnh và âm nhạc, đặc biệt là nhạc jazz và nhạc cổ điển - ảnh hưởng sâu sắc đến Murakami” [151,88]. Tác giả còn lưu ý đến kí ức ám ảnh Murakami lúc ông khoảng hai, ba tuổi, khi bị rơi xuống sông, bị cuốn đi vào lòng cống tăm tối và bẩn thỉu, dù được cứu kịp thời nhưng đó thật sự là một kí ức khủng khiếp. Hơn thế nữa, cái chết bi thảm của ông nội Murakami (khi nằm trên đường ray và bị tàu hỏa cán qua) đã để lại một “ám ảnh bất thường trong ông về bóng tối và cái chết”. Tác giả khẳng định đó là lí do tại sao trong tiểu thuyết của Murakami lại xuất hiện lặp đi lặp lại hình ảnh của “giếng”, “cống ngầm”, “bóng tối”, “cái chết” ... Megumi Yama còn lưu ý đến cách mà Murakami cố gắng để tạo ra một phong cách riêng mình bằng việc sử dụng tiếng Anh như một thử nghiệm. “Người ta thường nói rằng tác phẩm của ông bị ảnh hưởng bởi văn học Mỹ, và những nỗ lực của ông để thiết lập phong cách đã tạo nên những tác phẩm tích hợp cả hai nền văn hóa khác nhau trong ngôn ngữ - tiếng Anh và tiếng Nhật” [151,89]. Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập một quy tắc khá thú vị ở Murakami, đó là duy trì việc chạy hơn mười cây số mỗi ngày. “Ông bắt đầu chạy để duy trì sức khỏe khi ông trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Ông nghĩ rằng các nhà văn có xu hướng không tập thể dục và trở nên không lành mạnh. Sáng tác, tìm kiếm một câu chuyện bên trong chính mình và diễn đạt nó, là cả về tinh thần lẫn thể chất. Do đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cuộc sống lành mạnh, theo nghĩa đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài giống như sự rèn luyện để sống còn. Sức mạnh thể chất cần thiết cho sự nhạy cảm nghệ thuật” [151,90]. Tác giả bài viết đã chỉ rò những tác động đến phong cách sáng tác Murakami, đồng thời đánh giá cao sự sáng tạo và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của nhà văn.

In Dream Begins Responsibility: An Interview with Murakami (Trong giấc mơ khởi đầu trách nhiệm: Phỏng vấn Murakami) (2005) là tập hợp những cuộc nói chuyện, trao đổi giữa hai nhà báo Jonathan Ellis, Mitoko Hirabayashi với Murakami do tạp chí Georgia Review phát hành. Nội dung chủ yếu xoay xung quanh các vấn đề liên quan đến cuộc đời, quan điểm nghệ thuật và bàn luận về nét đặc sắc của một số tác phẩm cụ thể. Qua cách gợi mở thông minh và am hiểu của hai nhà báo, người đọc hiểu thêm về hành trình “đầy bất ngờ” để Murakami trở thành một nhà văn nổi


tiếng. Hành trình ấy được nuôi dưỡng, phôi thai từ những năm tháng sống tại thị trấn cảng Kobe – nơi có rất nhiều thủy thủ nước ngoài đến và đi, để lại những cuốn sách cũ bằng tiếng Anh của nhiều tác giả nổi tiếng. Lúc đó Murakami mới chỉ là một học sinh trung học, nhưng với niềm đam mê đọc sách, một thế giới mới đã mở ra trong ông. Sự ngưỡng mộ của ông dành cho tác phẩm của Raymond Chandler cũng bắt đầu vào thời điểm này. Bên cạnh văn học Mỹ, văn hóa Mỹ, âm nhạc Mỹ cũng tác động rất lớn đến những sáng tác của ông và thậm chí trở thành biểu tượng được đào sâu, nghiên cứu: “Văn hóa Mỹ phát triển rực rỡ vào những năm 1960, chúng tôi mặc theo phong cách Ivy League, áo sơ mi có gắn nút. Và nhạc Mỹ - ban nhạc Beach Boys và Elvis Presley. Sau 1965, cuộc xâm lăng của Anh bắt đầu và ban nhạc The Beatles, The Rolling Stones xuất hiện. Nhưng trước đó, tất cả âm nhạc là nhạc Mỹ, rock and roll. Vì thế văn hóa Mỹ rất mạnh. Tôi không phải lựa chọn, nó đã có sẵn ở đó” [97,5]. Jonathan Ellis đã phát hiện sự ảnh hưởng này không chỉ qua tác phẩm mà ngay trong bài luận “Ý tưởng trong các bộ phim Mỹ” ở trường Đại học mà Murakami theo học, ông đã từng viết về “sự vận động rất đặc trưng trong văn hóa Mỹ. Người Mỹ đang tìm kiếm một ranh giới, hoặc tìm kiếm một không gian nào đó. Họ luôn vận động hầu hết các thời gian. Họ rất sợ rơi vào im lặng... Đó là điều mà tôi cảm nhận khi là sinh viên và vì thế tôi đã viết nó trong vòng ba bốn ngày. Và tôi được điểm A+” [97,6]. Tác giả bài báo còn phân tích sự ảnh hưởng của hai nhà văn Raymond Carver và Kazuo Ishiguro đến phong cách sáng tác của Murakami. Với Murakami, Raymond Carver là “người giáo viên giá trị nhất”, “là người bạn văn chương” của ông. Ở hai con người này có khá nhiều điểm tương đồng từ cách tiếp cận văn chương, cho đến quan điểm và phong cách sáng tác. Từ những chia sẻ của Murakami, chúng ta hiểu được lí do vì sao nhà văn lại dành nhiều thời gian cho việc dịch và chia sẻ tác phẩm của Raymond Carver.

Không chỉ ấn tượng với Raymond Carver, Murakami còn dành sự “ngưỡng mộ dành cho tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật – Kazuo Ishiguro”. Murakami thấy thú vị khi Kazuo Ishiguro là một nhà văn sinh ra ở Nhật, nhưng chọn sống ở Anh. Và khi ông viết về Nhật Bản hoặc xã hội Nhật, nó giống như cách một người nước ngoài đang mô tả về văn hóa Nhật. Nhưng khi ông viết về người Anh, nó lại giống như ông ấy nhìn xã hội Anh qua đôi mắt của người Nhật. Mâu thuẫn của Kazuo Ishiguro cũng chính là mâu thuẫn của Murakami trong hành trình tìm kiếm bản sắc của chính mình trong những năm tháng li hương – từ Châu Âu sang định cư ở Mỹ. Ông chỉ trở lại Nhật Bản khi hai vụ thảm họa kép: động đất ở Kobe khiến


hơn 5000 người chết và vụ khí ga tấn công ga tàu điện ngầm Tokyo. Hai sự kiện này thật sự ám ảnh nhà văn, và ông muốn “mô tả thảm họa sau đó, chứ không phải là trận động đất”. Đó là những nỗi đau, sự sợ hãi, là biểu tượng cho sự mất an ninh, là cảm giác bất an, bất toàn... về kinh tế, chính trị, xã hội ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Murakami cố gắng chuyển tải sự bất an đó qua cách xây dựng những đối trọng: thiện – ác, bóng tối – ánh sáng, hệ thống – cá nhân, thụ động – chủ động... Điều đó lí giải tại sao trong tiểu thuyết của Murakami luôn ngập tràn bóng tối, hay sự xuất hiện của những nhân vật kì dị với bóng tối và khoảng trống bên trong. Nhà văn lí giải thêm về khao khát được đi vào thế giới của riêng mình, về những ám ảnh tưởng tượng với những lỗ hổng, lối đi, giếng khoan, cống ngầm và phủ nhận sự ảnh hưởng của Jung trong sáng tác của ông như các nhà phê bình, phân tâm học từng khẳng định [97].

Trong bài viết The Outsider (Người ngoài cuộc, 1997), Miller Laura khẳng định từ góc nhìn về những biến cố lịch sử đã qua của đất nước Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, những băn khoăn trong hành trình tìm kiếm bản ngã ở vùng đất mới của kẻ tha hương, hay những trăn trở, khát khao muốn làm điều gì đó cho đất nước sau sự cố thảm họa kép là những vấn đề mà Murakami quan tâm và chuyển tải phần lớn trong các tiểu thuyết của mình. Sự kiện Rape of Nanking (Hiếp dâm ở Nam Kinh), thảm họa Nomonhan năm 1939... đã được nhà văn viết lại theo hướng khách quan của “một nhà văn phương Tây viết bằng tiếng Nhật”. Đó là “sự xấu hổ lớn của quân đội Hoàng gia lúc đó”, những tội ác chiến tranh này không hề xuất hiện trong sách dạy lịch sử ở Nhật Bản, tạo ra “một lỗ đen lịch sử trong tâm trí của các thế hệ hậu chiến”. Nỗ lực của Murakami là đi tìm và lấp đầy lỗ đen đó bằng những kiến giải theo cách riêng của mình. “Tôi từng viết về chiến tranh nhưng thật không dễ dàng gì. Mỗi nhà văn đều có những kỹ thuật viết nhất định đối với những đề tài anh ta có thể hay không thể miêu tả như chiến tranh và lịch sử” [108,9].

Không chỉ đề tài chiến tranh, mà hành trình tha hương trên đất Mỹ luôn là nỗi niềm trăn trở trong ông. Tâm trạng đầy mâu thuẫn của Murakami không ngừng tìm kiếm bản ngã cũng như nguồn cội, càng về sau càng mãnh liệt. Sự gắn bó dân tộc, tinh thần trách nhiệm đã thôi thúc Murakami trở lại quê nhà để viết về nỗi đau, sự lạc loài của con người sau những đổ vỡ, mất mát.

Thứ hai, Phê bình xã hội học (Social Criticism) tiếp cận tiểu thuyết Murakami trong mối quan hệ với các yếu tố chính trị - xã hội, văn hóa – môi trường nơi tác phẩm phôi thai và hình thành. Sự tác động của chiến tranh thế giới lần II đến

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022