Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 3


tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Nhật Bản và đặc biệt là con người bước ra từ chiến tranh và thế hệ trẻ thời hậu chiến là một chủ đề nhận được sự quan tâm và nghiên cứu từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Qua các hướng tiếp cận đó, những vấn đề lịch sử - xã hội trong tiểu thuyết của Murakami được xem xét như một mã nghệ thuật để lí giải thêm về sáng tác của ông.

From Postmodern to Post Bildungsroman from the Ashes: An Alternative Reading of Murakami Haruki and Postwar Japanese Culture (Từ hậu hiện đại đến hậu tiểu thuyết giáo huấn từ đống tro tàn: Một cách đọc khác về Murakami Haruki và văn hóa hậu chiến Nhật Bản, 2009), Chiaki Takagi đã cung cấp một hướng tiếp cận mới với tiểu thuyết của Murakami, trong đó tác giả đề cập đến vấn đề “lịch sử bị tước đoạt” bởi hệ thống, nhà nước Nhật Bản đối với quốc gia và với sự phát triển của một cá nhân. Trong chương 1, Introduction: The Postmodern and The Post Colonial in Postwar Japan (Giới thiệu: Hậu hiện đại và hậu thuộc địa thời hậu chiến Nhật Bản), Chiaki Takagi viết: “Murakami Haruki để cho nhân vật của ông nói: Tước đoạt lịch sử là tước đoạt một phần cá tính của con người. Đó là một tội ác. Những kỷ niệm của chúng ta được hình thành từ ký ức cá nhân và ký ức tập thể. Lịch sử là thứ hai. Nếu một người bị tước bỏ lịch sử hoặc lịch sử được viết lại, anh ta không còn có thể duy trì được một cá tính phù hợp nữa” [137,1].

Chiaki Takagi khẳng định: “Mặc dù sự tăng trưởng kinh tế và sự thống trị văn hoá của Nhật Bản ở phần còn lại của châu Á (cũng như ảnh hưởng của nó đối với các quốc gia không phải là châu Á) có thể dễ dàng không hướng sự chú ý của chúng ta đến cái quá khứ tiếp diễn hiện tại, mà ta phải nhận ra rằng hiện tại tồn tại không có liên kết với quá khứ” [137,1]. Tác giả cho rằng cá nhân ở Nhật Bản thời hậu chiến đã và đang bị hệ thống nhà nước đàn áp, và lịch sử Nhật Bản đã bị viết lại. Chính hệ thống kiểm soát này đã làm cho tính “hiện đại Nhật Bản trở nên không thực và kì lạ như một bông hoa nở không có gốc để kết nối với gốc rễ của nó” [137,1]. Takagi tin rằng Murakami là một trong những trí thức cố gắng kết nối thân cây bị mất hoặc các tuyến đường hiện đại thực sự của Nhật Bản với xã hội hiện nay. Thông qua các tác phẩm của mình, Murakami gợi ý rằng quá trình này là cần thiết để một cá nhân sau chiến tranh đạt được sức mạnh để tồn tại trong một xã hội có kiểm soát cao. Cũng trong chương 1 này, Chiaki Takagi không né tránh một thực tế “đáng xấu hổ” mà Nhật Bản đã từng trải qua trong quá khứ. Tác giả cho rằng: các kinh nghiệm, hiểu biết về chiến tranh trong lịch sử hiện đại Nhật Bản thường được miêu tả như là một câu chuyện về nỗ lực của các nạn nhân chiến tranh để xây dựng


lại đất nước từ đống tro tàn. Trong đó, “Hiroshima thường được coi là một khởi đầu mới. Nó giống như quả bom hạt nhân đã xóa hoàn toàn thời kỳ xâm lược thuộc địa của Nhật Bản. Hơn nữa, có thể cho rằng Nihonjinron (Lý thuyết Nhật Bản), xuất hiện từ nhu cầu về một bản tường thuật tổng thể tích cực, để hồi phục từ phức cảm thấp kém trước phương Tây và ý thức tội lỗi đối với các thuộc địa cũ của Nhật Bản ở Châu Á” [137,5]. Tác giả còn chỉ ra rằng trong các tiểu thuyết của mình, Murakami sử dụng các kĩ thuật hậu hiện đại để miêu tả cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe đối lập nhị nguyên: Đông – Tây, truyền thống – hiện đại, hệ thống – cá nhân tạo nên một không gian văn hóa độc đáo và xa hơn, cố gắng “viết lại lịch sử hiện đại Nhật Bản từ góc độ mới” [137,6]; cũng như “Murakami coi lịch sử là chìa khóa cho các cá nhân sau chiến tranh để xác định cá tính của họ trong xã hội có kiểm soát” [137,6].

Trong chương 2, Murakami‟s Modernity: Is the “Post”- in the Postwar the “Post” in Postmodern? (Tính hiện đại của Murakami: là “hậu” - trong hậu chiến, “hậu” trong hậu hiện đại?), tác giả tiếp tục đi sâu tìm hiểu về quá trình hiện đại hóa diễn ra ở Nhật Bản chủ yếu trong giai đoạn Meiji (1868 - 1912), với những thay đổi về văn hóa (công nghiệp hóa - quốc tế hóa); quá trình Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới II như một cường quốc. Đồng thời, tác giả quan tâm đến một sự kiện được trở đi trở lại trong tiểu thuyết của Murakami như một kí ức không được phép nhắc đến trong lịch sử hiện đại Nhật Bản – phong trào Zenkyoto. “Xem xét những tác phẩm đầu của ông được viết trong những năm 1960 và 1970 và trong suốt các tác phẩm của mình, nhiều nhân vật chính quan tâm sâu sắc đến sự thất bại của phong trào Zenkyoto vào những năm 1960” [137,42]. Sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 1960 cho phép mọi người tự hào về nhân dạng tầng lớp trung lưu mới, tuy nhiên cũng có những cuộc đấu tranh chính trị và cuộc biểu tình phản đối được tổ chức để phản đối hiệp định An ninh Hoa Kỳ - Nhật Bản cũng như phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Mặc dù Zenkyoto thường được biểu trưng cho những cuộc nổi loạn lớn ở các trường đại học, cuối cùng nó đã trở thành một phong trào chung chống lại Hệ thống. Tác giả cho rằng sự kiện lịch sử này đóng một vai trò quan trọng trong cốt truyện của tiểu thuyết Murakami, xem nhà văn là “một phát ngôn viên tiềm năng cho các thành viên trẻ tuổi của phong trào Zenkyoto cuối những năm 1960” [137,42]. Bóng dáng của phong trào này xuất hiện trong bộ ba tiểu thuyết của Murakami (Lắng nghe gió hát, Rừng Na Uy, Biên niên kí chim vặn dây cót) như là một ảo tưởng về tự do của cá nhân chống lại Hệ thống sau thế chiến.


Down the Well: Embedded Narratives and Japanese War Memory in Murakami (Xuống giếng: Tự sự lồng khung và kí ức chiến tranh Nhật Bản của Murakami, 2017) là luận án của Bridget Sellers nghiên cứu về nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết Murakami, đồng thời quan sát cách ông xây dựng các câu chuyện lịch sử đối lập giữa cá nhân với nhà nước Nhật Bản. Qua kĩ thuật truyện trong truyện này, Murakami muốn “tái tạo, đọc lại và ghi nhớ lịch sử cẩn thận” theo cách riêng, bởi ông “không bao giờ có thể thừa nhận cho sự lãng quên”. Luận án đã nêu bật các sự kiện lịch sử cụ thể mà tác phẩm của Murakami tham khảo và đánh giá về lập trường chính trị cũng như hiểu biết của nhà văn về kí ức chiến tranh Nhật Bản. Tác giả cho rằng: “Những câu chuyện phản đối của Murakami ngụ ý rằng Nhật Bản đang lãng quên cam kết của nhà nước với những người dân vô tội. Vấn đề về kí ức chiến tranh ở Nhật Bản phức tạp hơn là quên và nhớ... công trình của Murakami đem lại cơ hội đánh giá lại sự đạo đức giả của lịch sử quốc gia hàng năm vẫn kỉ niệm sự tàn bạo của Hirishima và Nagasaki nhưng vẫn đề cập đến vụ thảm sát người dân Trung Quốc ở Nam Kinh như một sự cố” [126,7].

Bridget Sellers khẳng định: “Bằng cách nhấn mạnh bạo lực áp đảo xảy ra ở Nam Kinh, Murakami sắp xếp văn bản của ông bên cạnh cuộc tranh luận, xem xét đó là “vụ thảm sát” chứ không phải là “sự cố” [126,20]. Tác giả còn đi sâu phân tích sự quan tâm của Murakami dành cho các sự kiện lịch sử khác xung quanh việc khai thác của Nhật Bản ở Mãn Châu, sự kiện Nomonhan... Bridget Sellers cho rằng các nhân vật bước ra khỏi cuộc chiến như Mayami, Honda với những câu chuyện kể về đời mình sẽ “tiếp tục soi sáng sự phi lý và bạo lực xảy ra vì sự hiện diện của Nhật Bản trên lục địa”. Qua những phân tích và kiến giải sắc sảo, tác giả khẳng định việc Murakami tái hiện quá khứ bạo lực của Nhật Bản trong một nỗ lực là để hiểu, hoặc ít nhất là giải phóng chấn thương đó, để tìm kiếm bản sắc của những cá nhân bị lẫn lộn, mất kết nối với quá khứ văn hóa và lịch sử nguồn cội [126].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Hành trình tìm kiếm bản sắc và sự kết nối quá khứ này còn được Murakami tập trung phản ánh qua hình ảnh lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Đó là giai đoạn những năm 60 - 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế, kèm theo là sự khủng hoảng về mọi mặt. Tuy Nhật Bản vươn lên trở thành một cường quốc, “một Châu Âu trong lòng Châu Á”, nhưng đổi lại sự khôi phục và phát triển này là sự khủng hoảng trong đời sống chính trị - xã hội [127]. Nhân vật của Murakami luôn là những con người rơi vào trạng thái bất định, hoang mang... trước những đổ vỡ của nhiều giá trị truyền thống. Mối quan hệ nền tảng trong mỗi con


Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami - 3

người là gia đình, bạn bè... hầu như mờ nhạt trong kí ức của thế hệ trẻ những năm 60 - 70 đó. Họ lớn lên và định hình nhân cách trong một xã hội méo mó và hỗn độn. Trong bài viết, Murakami Haruki and The History Memory of East Asia (Murakami Haruki và ký ức lịch sử của Đông Á) (2010), Jiwoon Baik tập trung phân tích logic nội tại của “hiện tượng Haruki” như một hiện tượng văn hóa công cộng Đông Á hiện nay. Đặc biệt, tác giả luận bàn cách Haruki tìm kiếm phương pháp chữa bệnh cho “thập niên 1960” của Nhật Bản, bao gồm cả bản thân Haruki, thông qua phân tích các tiểu thuyết Rừng Na Uy (1987) và Kafka trên bờ biển (2002). Trong quá trình phân tích, tác giả cho rằng Haruki đã từ bỏ nhiệm vụ “hòa giải với những năm 1960”, thay vì đối diện trực tiếp, ông coi việc “hòa giải với những năm 1960” là một cái gì đó vượt quá khả năng của một cá nhân. Jiwoon Baik sử dụng cụm từ “nỗi hoài cổ của sự đánh mất quốc tịch” (the nostalgia of loss of nationality) để mô tả hiện tượng văn hóa kỳ lạ của những độc giả Đông Á khao khát những năm 1960 trong tiểu thuyết của Murakami, như thể đây là quá khứ của chính

họ, mặc dù những ký ức quốc gia là rất khác nhau [87].

Việc đề cập vai trò của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai với tư cách là người xâm lược và bị xâm lược qua các chuyên luận, cũng như qua phân tích các sự kiện lịch sử trong các tiểu thuyết: Cuộc săn cừu hoang (Chiến tranh Trung – Nhật), Kafka bên bờ biển, Biên niên kí chim vặn dây cót (trận Nomonhan ở Mãn Châu, tham vọng trở thành Đại Đông Á)..., các nhà nghiên cứu đã đem đến cho người đọc một góc nhìn chân thực, đa chiều về văn hóa, lịch sử, xã hội Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại, từ đó góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của Murakami, nhà văn được vinh danh là “người khổng lồ của văn học hậu chiến thế giới”.

Thứ ba, hướng Phê bình hậu hiện đại (Postmodern Criticism) xem xét đánh giá tiểu thuyết Murakami dưới góc nhìn của lý thuyết hậu hiện đại. Những công trình này tập trung nghiên cứu phong cách sáng tạo độc đáo của Murakami cũng như đóng góp mới mẻ của nhà văn cho nền văn học hậu hiện đại.

Trong luận án Literature‟s Postmodern Condition: Representing the Postmodern in the Translated Novel (Điều kiện hậu hiện đại của văn học: Thể hiện hậu hiện đại trong tiểu thuyết dịch, 2014), Deirdre Flynn cung cấp một cách đọc mới về văn bản của Murakami qua thấu kính hậu hiện đại. Thông qua việc khám phá cả tư tưởng hậu hiện đại phương Đông và phương Tây, luận án này chứng minh việc định vị Murakami là một nhà văn hậu hiện đại không ảnh hưởng đến định kiến


phương Đông hay phương Tây và hậu hiện đại không thể được xác định chính xác cho một vị trí không gian hoặc thời gian cụ thể, nhưng đó là một mô hình phát triển và tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Deirdre Flynn đã phân tích các quan điểm hậu hiện đại của Murakami về bản sắc, kết nối và sáng tạo nhằm giúp người đọc hiểu biết sâu sắc hơn về phong cách nghệ thuật của nhà văn. Tác giả cho rằng: “Những nhân vật chính của ông biết những đau khổ, hạnh phúc, và họ thực hiện một cuộc hành trình đến trung tâm nhận dạng của họ, mà có thể không bao giờ đạt được. Tác phẩm của ông vừa có tính liên kết quốc tế, vừa là đại diện cho Nhật Bản đương đại, góp phần quan trọng vào một nền văn học hậu hiện đại toàn cầu. Các cuốn sách của ông được quốc tế công nhận là có ý nghĩa đối với một xã hội hậu hiện đại đa văn hóa” [99,77]. Tóm lại, luận án này cố gắng làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về Murakami và chủ nghĩa hậu hiện đại như một hiện tượng văn hóa và trí tuệ.

Beyond “Pure Literature”: Mimesis, Formula, and the Postmodern in the Fiction of Murakami (Đằng sau “văn chương thuần túy”: Sự mô phỏng, công thức và hậu hiện đại trong tiểu thuyết Murakami) là bài viết của Matthew C. Strecher đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Á, năm 1998. Bài báo gồm sáu phần: The Formulaic Structure (Cấu trúc mang tính công thức), The Formulaic Murakami (Công thức kiểu Murakami), Hard–Boyled Lyricism (Trữ tình bạo lực), From Adventure to Romance (Từ phiêu lưu đến lãng mạn), Love, Rivalry and Sexuality (Tình yêu, Sự sinh tồn và Tình dục), Conclusion (Kết luận). Tác giả bài viết đi sâu phân tích sự khác biệt giữa tiểu thuyết Murakami với văn chương thuần túy Nhật Bản trên một số phương diện cụ thể. Ông cho rằng tiểu thuyết Murakami đã xóa nhòa sự khu biệt giữa văn chương thuần túy – đại chúng, xóa bỏ ranh giới trong mối quan hệ giữa văn chương cao – thấp; Murakami là biểu tượng của văn học đương đại Nhật Bản với sức hấp dẫn mãnh liệt. Tác giả chỉ ra các đặc điểm chính của tiểu thuyết Murakami như: sự mô phỏng, nhại, pha trộn đề tài, thể loại, giọng điệu... Đây là bài viết có lập luận thuyết phục, cung cấp những gợi mở khá quan trọng trong việc tiếp nhận tác phẩm Murakami. Tuy nhiên, bài viết chưa có sự quan tâm đến những phương diện thể hiện yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Murakami mà chỉ mới dừng lại ở việc chứng minh sự xuất hiện của yếu tố hậu hiện đại nhìn từ mối quan hệ văn chương thuần túy và văn chương đại chúng [130].

Yoshio Iwamoto trong bài báo A Voice from Postmodern Japan: Haruki Murakami(Tiếng nói hậu hiện đại Nhật Bản: Haruki Murakami) đăng trên tạp chí


World Literature Today tiến hành khảo sát tiểu thuyết Murakami ở một số phương diện: đề tài, thể loại, cấu trúc dưới góc nhìn của lý thuyết hậu hiện đại. Tác giả phân tích kĩ sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như sự tiếp nhận của lý thuyết này ở Nhật Bản. Yoshio Iwamoto đã lựa chọn tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang để phân tích những yếu tố hậu hiện đại xuất hiện như những đặc điểm của phong cách nghệ thuật Murakami. Tác giả nhận thấy Murakami chủ yếu tập trung vào đề tài thân phận con người trong cuộc sống hiện đại, không lý tưởng, thiếu ước mơ và “trôi dạt qua cuộc hôn nhân tan vỡ mà không có bóng dáng của một bộ kimono truyền thống”. Tác giả cho rằng Murakami diễn tả điều đó qua hình thức tiểu thuyết trinh thám hậu hiện đại, giả tưởng, đan cài của các yếu tố tưởng tượng, phiêu lưu, huyền ảo, hồi hộp, hài hước. Nhà văn đã lựa chọn kiểu cấu trúc phân mảnh và kiểu nhân vật mang đặc trưng của văn học hậu hiện đại: “boku cũng có thể xem là mẫu mực của sự khuếch tán của bản ngã, cái chết của chủ thể, sự phi trung tâm và phân tán, đó là một phần không thể thiếu của diễn ngôn hậu hiện đại” [102,5]. Bằng những lập luận và dẫn chứng thuyết phục, bài viết đã cung cấp một cái nhìn khá mới mẻ về phong cách nghệ thuật cũng như vị trí của Murakami trong nền văn học hậu hiện đại thế giới [102].

Tìm hiểu về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Murakami, Matthew Strecher trong bài viết Magical Realism and the Search for Identity in the Fiction of Murakami Haruki (Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và sự kiếm tìm bản sắc trong tiểu thuyết Murakami) đăng trên tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản năm 1999, quan tâm đến kĩ thuật của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mà Murakami sử dụng trong tác phẩm của ông. Tác giả khẳng định Murakami là một nhà tiểu thuyết tài năng khi lần ngược quá khứ, giải mã “sự phân rã cá nhân của thế hệ Nhật Bản những năm 1960” qua hình ảnh nhân vật nổi loạn, bất lực, hoang mang trước Nhật Bản hiện đại [132].

Cùng nhận diện chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Murakami nhưng chuyên luận Murakami Haruki and Magical Realism – look at the Psyche of Modern Japan (Murakami Haruki và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo – một cái nhìn về tâm lí Nhật Bản hiện đại) lại mang đến một hướng lí giải mới về đặc trưng tiểu thuyết Murakami. Trong chuyên luận nghiên cứu công phu và nghiêm túc này, tác giả cho rằng, Murakami đã sử dụng lối viết hiện thực huyền ảo nhằm xây dựng kiểu nhân vật luôn trên hành trình tìm kiếm bản sắc cá nhân và sự cô đơn chính là tâm thức của con người trong xã hội hiện đại. Bằng những lập luận sáng rò, giàu tính


thuyết phục khi phân tích các tiểu thuyết Ngầm, Cuộc săn cừu hoang, Biên niên kí chim vặn dây cót, tác giả khẳng định sáng tác của Haruki Murakami góp phần đào sâu vào những vấn đề tồn tại bên trong của một Nhật Bản hiện đại với “những căn bệnh và sai sót” [117].

Thứ tư, Phê bình chủ đề (Thematic Criticism) là hướng nghiên cứu về cách thức tổ chức chủ đề trong tiểu thuyết Murakami thông qua các “hình thức trung gian” như đề tài, motif, biểu tượng... Sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố hiện thực và kì ảo, hư cấu và phi hư cấu, xúc cảm và lí trí... đã tạo ra một sự khác biệt mới mẻ trong phong cách Murakami.

Tiểu thuyết của ông chủ yếu tập trung xoay quanh các chủ đề chính như nỗi cô đơn, tình yêu, tình dục, hành trình kiếm tìm bản ngã... Tất cả những chủ đề này là một dòng chảy xuyên suốt của văn học Nhật Bản từ xưa đến nay. Đọc tiểu thuyết của Murakami, người đọc nhận thấy thế giới nhân vật của ông là những con người cô đơn, khao khát đi tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, tìm kiếm bản ngã thực sự của chính mình. Và bao giờ cũng thế, sau hành trình của những mất mát, cô đơn, chủ động tìm kiếm thì ở cuối hành trình vẫn khao khát hòa nhập, được chia sẻ và thấu hiểu.

Matthew Whelihan, trong luận văn thạc sĩ That Tendency Toward Solitude: How Murakami's Protagonists Find Freedom from the Scientia Sexualis in the Life of the Loner (Khuynh hướng thiên về sự cô độc: Các nhân vật chính của Murakami tìm thấy sự tự do từ khoa học tình dục trong cuộc sống của người cô đơn như thế nào), tại Đại học Villanova University năm 2010, cho rằng: “Một yếu tố mà dường như mọi người đều đồng ý là nhân vật chính của Murakami chủ yếu là những người cô đơn. Matthew Carl Strecher nhận định nhân vật của Murakami luôn được miêu tả như một kẻ bị cô độc hấp dẫn, trong khi Fuminobu Murakami lập luận: Nhân vật trong truyện của Murakami khá vui khi sống theo lối sống xa lạ của người dân đô thị và cho dù đơn độc, đã lập gia đình hay li hôn, họ vẫn là những người kể chuyện bị ngắt kết nối, một mình” [147,2]. Đây là một công trình nghiên cứu công phu và có đóng góp nhất định. Tác giả đã nỗ lực lí giải những tác động từ văn hóa, lịch sử, thời đại... đã tạo ra kiểu con người cô đơn trong tiểu thuyết Murakami, khi phân tích một số tiểu thuyết tiêu biểu như Biên niên kí chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển Rừng Na Uy. Whelihan khẳng định tác phẩm Murakami là một phương tiện để khám phá “bản sắc cá nhân đã dần dần bị mất đi” [147]. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có lẽ việc loại bỏ cá nhân khỏi sự tham gia xã hội mà các nhân vật chính


Murakami đang làm có thể coi là một nỗ lực để hiểu bản thân như một người độc lập với một bản sắc độc đáo, chứ không phải là một công cụ trong bộ máy tư bản với những sở thích và mục tiêu đã được đặt trước.

Williams Mukesh trong tiểu luận Globalizing Literatures and the Global Marketplace: Hemingway and Murakami (Toàn cầu hóa Văn học và Thị trường Toàn cầu: Hemingway and Murakami) ghi nhận tiểu thuyết của Murakami có sức hấp dẫn đặc biệt vì đã chạm đến những vấn đề nhân văn của con người, trong đó sự cô đơn là bản chất của con người. Khát khao lớn nhất của con người tha nhân là nhu cầu được “giao tiếp, tự thể hiện, nhu cầu nhập cuộc với xã hội để trưởng thành, để tồn tại”. Nhưng trong quá trình nhập cuộc, họ phải dấn thân, để tìm kiếm sự tương thông, để tìm thấy hơi ấm của đồng loại, để hóa giải sự cô đơn, cô độc. Tác giả cho rằng nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami đi tìm giá trị của bản thân trong sự cô đơn, tự xác lập bản sắc của mình giữa không gian mênh mông, không có điểm tựa. Chúng ta cảm giác họ vẫn sống, giao tiếp, nhưng bao trùm lên tất cả là nỗi cô đơn, như thể “hai con người có thể ngủ cùng một giường, nhưng khi nhắm mắt, họ lại cô đơn”. Nhân vật của Murakami là những người thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng những mục đích sống chân chính khiến cho sự cô đơn như vón cục lại. “Trong một cuộc phỏng vấn với John Wray của tạp chí Paris Review, Murakami cho chúng ta biết rằng các nhân vật của ông ta chọn “tự do và cô đơn hơn là sự thân mật và mối liên kết cá nhân” [112,39]. Ông từ chối đưa ra nhận xét về các nhân vật của mình, mà cho phép người đọc tham gia vào việc làm sáng tỏ câu chuyện. “Murakami đã thoát ra khỏi tiểu thuyết truyền thống của Nhật Bản, nơi vai trò của gia đình là trung tâm trong việc thúc đẩy sự gần gũi và bản sắc cá nhân mà tập trung vào sự cô đơn và nổi loạn, tìm kiếm sự tự do và cô đơn” [112,40].

Matthew Strecher trong Murakami‟s “The Wind-up Bird Chronicle”, A Reader's Guide (“Biên niên kí chim vặn dây cót” của Murakami, Hướng dẫn người đọc, 2002) khi bàn về tác phẩm Biên niên kí chim vặn dây cót, khẳng định: “Một điểm khác nữa trong tiểu thuyết Murakami dường như là nhân vật chính thường rất trầm lặng, cô đơn” [133,18]. Tác giả còn cho rằng đặc điểm của nhân vật chính cũng là sự phản ánh về sở thích của nhà văn thích được ở một mình. Thói quen đọc sách của ông ít nhất ở một mức độ nào đó bắt nguồn từ xu hướng tự cô lập kì lạ của Murakami. Dù không đi sâu phân tích từng biểu hiện hay dẫn chứng trong tác phẩm nhưng Matthew Strecher khẳng định: chính đặc điểm của con người cô đơn này góp phần làm nên thành công cho bút pháp của Murakami [133].

Xem tất cả 177 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí