Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975 - 2

chất gợi mở rất lớn đối với luận văn trong việc tìm hiểu giá trị của các biểu tượng phản ánh sự vận động và phát triển của đời thơ Tố Hữu.

Nghiên cứu về thơ Tố Hữu còn có nhiều tác giả khác: Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Huỳnh Lý, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Đình Thi… Trải qua gần bảy mươi năm, các bài viết, phê bình, nghiên cứu về thơ Tố Hữu ngày một nhiều hơn. Nhìn chung sáng tác của Tố Hữu đã được soi chiếu, phát hiện nhiều giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Mỗi người có một cách đánh giá, phân tích riêng, song đều nhất trí cho rằng Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, là lá cờ đầu của văn học cách mạng Việt Nam. Nói như vậy không có nghĩa là vẻ đẹp thơ Tố Hữu đã được khai thác đến tận cùng. Vấn đề biểu tượng trong thơ Tố Hữu vẫn chưa thành các đề tài, các công trình lớn. Trong khi đây là đề tài thú vị và là vấn đề có ý nghĩa trong nghiên cứu sự vận động và phát triển của tư tưởng nhà thơ.

Với đề tài :"Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975", chúng tôi mạnh dạn bước đầu tìm hiểu, nghiên cứu giá trị của các biểu tượng tiêu biểu có ý nghĩa nổi bật trong những sáng tác thời chiến của Tố Hữu, và qua đó có thể nhận ra phong cách nghệ thuật Tố Hữu.

3. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu xuyên suốt chặng đường thơ thời chiến của Tố Hữu từ năm 1945 đến năm 1975.Tác phẩm thuộc chặng đường thơ này bao gồm trọn vẹn tập thơ Việt Bắc, tập thơ Gió Lộng, tập thơ Ra trận,và một phần cuối tập Từ ấy, một phần đầu tập Máu và hoa.

4. Mục đích nghiên cứu

Thông qua việc thống kê, khảo sát, phân tích giải mã các biểu tượng nghệ thuật trong thơ Tố Hữu, luận văn hướng tới mục đích làm rõ đặc điểm tư duy nghệ thuật thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu, góp phần khẳng định phong cách thơ độc đáo của nhà thơ Cách mạng này.

Qua việc phân tích, tìm hiểu ý nghĩa đa dạng của các biểu tượng, luận văn cho ta thấy rõ hơn sự phát triển của thơ ca thời chiến tranh. Trong đó đặc điểm nghệ thuật được đề cao là : Lời ít, ý nhiều. Một vài biểu tượng nghệ thuật đã có thể cho ta nhìn rõ hoàn cảnh thời chiến của một đất nước, cũng như phẩm chất gan dạ anh hùng của con người đất Việt.

Luận văn cũng khẳng định tài năng, vị trí hàng đầu và những đóng góp của Tố Hữu trong nền văn học cách mạng Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.

5.1. Phương pháp thống kê, hệ thống hóa

Sử dụng phương pháp thống kê, hệ thống hóa nhằm tìm ra một các chính xác số lần xuất hiện của các biểu tượng và so sánh được tấn suất xuất hiện giữa các biểu tượng.

Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975 - 2

5.2. Phương pháp phân tích và tổng hợp

Sử dụng phương pháp phân tích để đi vào từng bài thơ, tập thơ cụ thể, khai thác các biểu tượng với các hàm nghĩa của nó. Từ đó nhằm làm nổi bật tính cụ thể, cảm tính và tính tượng trưng, tính kí hiệu, tính thẩm mỹ của các biểu tượng này trong hệ thống các biểu tượng của thơ Tố Hữu.

Sử dụng phương pháp tổng hợp để khái quát lại, rút ra đặc điểm chung của các biểu tượng mà Tố Hữu thể hiện trong thơ.

5.3. Phương pháp so sánh

So sánh các biểu tượng trong thơ Tố Hữu với các biểu tượng xuất hiện trong một số sáng tác của các nhà thơ cùng thời. Từ đó làm nổi bật những biểu tượng trong thơ Tố Hữu như một đặc điểm riêng, một nét đặc sắc để tìm ra bản sắc thơ thơ ông.

6. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, và kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn được trình bày trong 3 chương:

Chương 1: Biểu tượng trong thơ và hành trình sáng tạo thơ Tố Hữu.

Chương 2: Các hệ biểu tượng trong thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975.

Chương 3: Nghệ thuật xây dựng biểu tượng trong thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975.

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1

BIỂU TƯỢNG TRONG THƠ VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO THƠ

TỐ HỮU

1.1. Biểu tượng

1.1.1 Quan niệm về biểu tượng từ các góc độ khác nhau

"Biểu tượng" trong tiếng Việt là một thuật ngữ có nguồn gốc ra đời từ rất sớm, trong buổi bình minh của nhân loại ở Hi Lạp (symbolon) để chỉ đối tượng giữ vai trò như một loại ''kí hiệu'' cổ. Thực tế đã khẳng định biểu tượng phát triển cùng quá trình tiến hoá của nhân loại. Cho tới ngày nay, thuật ngữ "biểu tượng" đã trở nên rất quen thuộc và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau. Theo triết tự Hán Việt: Biểu có nghĩa là: "bày ra", "trình bày", "dấu hiệu", để người ta dễ nhận biết một điều gì đó, Tượng có nghĩa là "hình tượng". "Biểu tượng" là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng.Thoạt tiên, biểu tượng được dùng theo một nghĩa thực dụng: là một vật (đá, ngọc, sành, hay gỗ) được chia làm hai trong một giao ước như tín vật, khi gặp nhau chắp lại để làm tin. Sau này, theo cách hiểu trừu tượng hơn, biểu tượng là phương tiện phản ánh tư duy, hành vi, khát vọng, kể cả điều cấm kỵ, ám ảnh, sợ hãi. Biểu tượng thể hiện những góc khuất của tiềm thức và vô thức, cho nên biểu tượng "bộc lộ rồi lủi trốn; càng tự phơi bầy sáng tỏ, nó lại càng tự dấu mình đi. Các biểu tượng tiết lộ mà che giấu và che giấu mà tiết lộ"[4, tr.XIV]. Biểu tượng là phương tiện chuyển tải tư tưởng, thông điệp vượt ra ngoài khuôn khổ của dấu hiệu, hình ảnh, âm thanh. Biểu tượng mang đến nhiều điều bất khả tri giác. Nhà từ điển Pháp André Lalande định nghĩa: "Biểu tượng là cái biểu hiện một cái khác căn cứ vào một tương ứng loại suy". Giản dị hơn, "biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, bằng con vật sống động hay đồ vật, nó biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự hay một điều gì đó"[11, Pg.978]. Bản chất khó xác định và sống động của biểu tượng chính là sự chia ra và kết lại với nhau, nó hàm chứa hai ý tưởng phân ly và tái hợp. Mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng luôn biến ảo, nó bộc lộ ra trong cái vừa gãy vỡ vừa là nối kết, vừa xuất hiện lại vừa mất đi, khiến cho tư duy luôn phải truy tìm, liên tưởng và muốn nắm bắt lấy vô vàn những ý nghĩa đang còn

tiềm ẩn ngay trong lòng của nó. Chính tính chất đa nghĩa, trừu tượng, thậm chí là mơ hồ của các biểu tượng khiến cho việc phân tích và giải mã biểu tượng trong các tác phẩm văn học không dễ dàng, đôi khi lâm vào tình trạng bế tắc, tạo nên những "cuộc tranh luận liên miên về ý nghĩa của những biểu tượng" (Raymond Firth). Để tháo gỡ những bế tắc nói trên, chỉ "một mình" phê bình văn học sẽ rất khó giải quyết được hết những "đặc tính khó lường" của biểu tượng. Vì vậy, vấn đề giải mã biểu tượng cần có một cái nhìn tổng thể bao gồm cả văn học cũng như những ngành học thuật khác có liên quan như triết học, logic học, ký hiệu học, nhân học,…

1.1.1.1 Biểu tượng, nhìn từ góc độ triết học

Theo Từ điển triết học: "Biểu tượng là hình ảnh trực quan, cảm tính, khái quát về các sự vật và hiện tượng của hiện thực, được giữ lại và tái tạo lại trong ý thức và không có sự tác động trực tiếp của bản thân các sự vật và các hiện tượng đến giác quan"[38, tr.98].

Như vậy, nhìn từ góc độ triết học, biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, ngược lại hiện thực khách quan là điều kiện hàng đầu tạo nên biểu tượng. Theo đó, biểu tượng chỉ phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của sự vật hiện tượng một cách khái quát, lược bỏ đi những nét riêng biệt, cụ thể, chỉ giữ lại những gì chung nhất, tiêu biểu nhất mà thôi.Từ cách hiểu này, mọi sự vật của tồn tại khách quan đều có thể trở thành biểu tượng khi được con người tiếp nhận theo ý thức chủ quan của mình.Và, có thể hiểu: "biểu tượng" là khái niệm dùng để chỉ một thực thể bao gồm hai mặt: mặt tồn tại cảm tính trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người (cái biểu trưng) và mặt ý nghĩa có mối quan hệ nội tại, tất yếu với mặt tồn tại cảm tính đó nhưng không bị rút gọn trong những đặc điểm bản thể của sự tồn tại này (cái được biểu đạt).

1.1.1.2 Biểu tượng, nhìn từ góc độ tâm lý

Theo quan điểm tâm lí học, biểu tượng là hiện tượng tâm sinh lí do có một sự việc ở ngoại giới tác động vào giác quan khiến ý thức nhận biết được hình ảnh của vật kích thích trở lại trí tuệ hay cảm giác. Từ điển tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, 2000) định nghĩa rằng: "Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính khái quát. Nếu tri

giác chỉ liên quan đến hiện tại, thì biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai"[6, tr.41].

Quan niệm tương tự về biểu tượng cũng thấy trong Từ điển Tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên: "Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác dụng của sự vật vào giác quan đã chấm dứt".[30, tr.26]

Như vậy, tâm lý học coi biểu tượng là một giai đoạn của nhận thức cảm tính cao hơn cảm giác, hình thức nhận thức cảm tính phản ánh tương đối hoàn chỉnh sự vật do sự hình dung lại, nhớ lại sự vật khi sự vật không còn tác động trực tiếp vào các giác quan. Cùng với cảm giác và tri giác, biểu tượng đã tạo ra những tiền đề cơ sở cho nhận thức lí tính. Nó còn góp phần giúp con người nhận thức được những thuộc tính: bản chất, tính quy luật của sự vật, đem lại nhiều hiểu biết sâu sắc về sự vật. Bởi lẽ biểu tượng luôn gắn liền với các khái niệm với những phán đoán, suy lí, đặc biệt là trí tưởng tượng. Cũng từ đây, tâm lý học chia biểu tượng thành hai loại là biểu tượng của trí nhớ (là hình ảnh của tri giác lúc trước được tái hiện lại trong một hoàn cảnh nhất định) và biểu tượng của tưởng tượng (là hình ảnh mới được trí tưởng tượng tạo nên trên nền của biểu tượng). Trong đó biểu tượng của tưởng tượng là loại biểu tượng thường thấy trong nghệ thuật, đặc biệt ở thể loại thơ ca.

1.1.1.3 Biểu tượng, nhìn từ góc độ văn hóa

Theo toàn thư quốc tế về phát triển văn hoá (International Thesaurus on Cultural Development) của UNESCO: "Văn hoá là một tập hợp các hệ thống biểu tượng, nó quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt" [2, tr.164]. Trước đó, C. Levy-Strauss, người đặt nền tảng cho chủ nghĩa cấu trúc, nhà nhân chủng học vĩ đại nhất của Pháp cũng đã rút ra một khái niệm tương tự từ nghiên cứu nhân loại học về các sự kiện văn hoá. Ông viết: "Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng, trong đó xếp ở hàng đầu là ngôn ngữ, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo".[4, tr.XXIII] .

Cũng ở lĩnh vực nghiên cứu văn hoá học, về phần mình, L.White - nhà nhân học Hoa Kỳ không đồng ý cách hiểu văn hoá như một "trừu tượng lý thuyết", một cấu trúc logic chỉ tồn tại trong tư duy của con người mà nêu lên một định nghĩa nhấn mạnh vào ý nghĩa biểu tượng của văn hóa. White cho

rằng: "Văn hoá là cơ chế của các hiện tượng, vật thể, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu tượng hoặc phụ thuộc vào các biểu tượng đó".

Quan niệm của các tác giả về những định nghĩa văn hoá nhìn chung đã có một sự tương đối đồng thuận. Họ thống nhất với nhau ở một điểm, văn hóa, đó là cái làm nên sự khác biệt giữa người và động vật và là cái đặc trưng cho xã hội loài người. Nhà văn hoá học Nga L. Iô-nhin trong lời kết thúc bản tóm tắt giới thiệu các định nghĩa khác nhau về văn hoá đã nhận định "... Các tác giả định nghĩa về văn hoá đã đồng ý với nhau, rằng văn hoá di truyền không theo con đường sinh học mà bằng con đường học tập. Tiếp đó, họ thừa nhận văn hoá trực tiếp gắn liền với các ý tưởng, chúng tồn tại và được truyền đạt dưới hình thức biểu tượng (Symbol)"

Qua một số quan niệm về văn hoá nêu ở trên ta thấy có sự tương đồng về mặt ý nghĩa. Các tác giả đều cho rằng, yếu tố cốt lõi của văn hoá chính là "hệ thống các biểu tượng", nó được xem là "tế bào" của văn hoá. Có thể xem "thế giới biểu tượng "- hệ thống các "ký hiệu hàm nghĩa" là hình thái ngoại hiện của văn hoá, còn "hệ giá trị - xã hội" nằm trong lòng mỗi biểu tượng là nội dung cơ bản của nó. Do vậy, "đơn vị cơ bản" của văn hoá chính là "biểu tượng", vật hàm chứa những thông tin - xã hội. Đó cũng là "hạt nhân di truyền" của xã hội, nó làm nên toàn bộ đời sống văn hoá và chi phối mọi hoạt động, mọi ứng xử của con người trong đời sống xã hội, và là cái làm nên sự khác biệt giữa hoạt động của người với động vật.

1.1.1.4 Biểu tượng, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học

Ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ văn học là "kho tàng" bảo lưu những giá trị văn hóa của một dân tộc. Do đó, nghiên cứu về biểu tượng, không thể không xem xét trong mối quan hệ với ngôn ngữ. Các nhà ngôn ngữ học dựa trên sự phân tích bản chất tín hiệu của ngôn ngữ thấy rằng: với mỗi một tín hiệu ngôn ngữ, theo nguyên lí chung của việc thành lập một tín hiệu, bao giờ cũng phải có hai mặt: Đó là mặt biểu hiện (hình thức tín hiệu) và mặt được biểu hiện (nội dung tín hiệu). Mặt hình thức của tín hiệu là những dạng âm thanh khác nhau mà trong quá trình nói năng con người đã thiết lập lên mã cụ thể cho mình, đó chính là đặc trưng âm thanh cụ thể của từng ngôn ngữ. Còn mặt nội dung (cái được biểu hiện) là những thông tin, những thông điệp về những mảnh khác nhau của thế giới hiện tại mà con người đang sống, hoặc những dấu hiệu hình thức để phân cắt tư duy, phân cắt thực tại. Như vậy, để trở

thành một tín hiệu, bất kì một hiện tượng ngôn ngữ nào đã xuất hiện trong giao tiếp của loài người cũng phải bao gồm hai mặt khác nhau là mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện. Mặt biểu hiện làm nhiệm vụ trung chuyển những ý nghĩ, tình cảm, xúc cảm, nhu cầu khác nhau của người nói tới được cơ quan thụ cảm của người nghe. Nếu không có cái biểu hiện thì quá trình giao tiếp giữa người nói và người nghe sẽ bị hoàn toàn cắt đứt. Lúc đó, người ta gọi là "ngôn ngữ không hành chức".

Mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện là mối liên hệ rất đặc trưng của ngôn ngữ. Đặc trưng này được thể hiện ở chỗ: mỗi một cái biểu hiện luôn chỉ có một cái được biểu hiện tương ứng. Khi mối liên hệ 1–1 này bị cắt đứt thì các quá trình giao tiếp sẽ bị ảnh hưởng hoặc không thể thực hiện được. Do tính chất và số lượng của các từ trong một ngôn ngữ là vô cùng lớn nên ngôn ngữ học cấu trúc luận cho rằng mối liên hệ 1–1 này phải được coi là võ đoán với nhau và phải được quy ước. Ta thấy cả tín hiệu ngôn ngữ và biểu tượng đều có hai bình diện là cái biểu đạt và cái được biểu đạt, nhưng về mối liên hệ giữa hai mặt đó nói chung có sự khác nhau cơ bản. Mối quan hệ giữa hai bình diện này, đối với hệ thống tín hiệu ngôn ngữ nói chung là không có lí do, còn với biểu tượng, mối quan hệ ấy là có lí do và cái được biểu đạt luôn luôn lớn hơn cái biểu đạt. Nhà ngôn ngữ học F.Saussure đã khẳng định biểu tượng có một đặc tính là "không bao giờ hoàn toán võ đoán, nó không phải là trống rỗng" vì nó có một "mối tương quan thô sơ nào đó" giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện.Về chức năng, tín hiệu ngôn ngữ thực hiện chức năng giao tiếp thuần túy, hướng vào đối tượng giao tiếp, còn biểu tượng thực hiện chức năng nhận thức và biểu hiện đối tượng, chức năng đó "không chỉ hướng vào đối tượng mà còn hướng vào bản thể đối tượng".

1.1.1.5 Biểu tượng, nhìn từ góc độ văn học:

Từ góc độ văn học, theo Từ điển thuật ngữ văn học thì trong nghĩa rộng, biểu tượng thể hiện "đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật".Theo nghĩa hẹp, "biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời" [12, tr.24].Văn học, nhìn nhận biểu tượng ở hai mặt. Thứ nhất, biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan. Thứ hai, biểu tượng

không chỉ mang nghĩa đen, nghĩa biểu vật, nghĩa miêu tả… mà nói đến biểu tượng là nói đến hiện tượng chuyển nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm.

Tóm lại, mỗi ngành khoa học tiếp cận biểu tượng lại có quan niệm, cách định nghĩa về biểu tượng khác nhau căn cứ theo đặc trưng của chuyên ngành mình. Trong mỗi định nghĩa về biểu tượng bên cạnh những nét chung, cơ bản (dấu hiệu - biểu trưng; vật biểu trưng mang một ý nghĩa lớn hơn nó...) lại có những nét riêng phụ thuộc vào từng khoa học khác nhau và trong từng thời kì lịch sử, từng nền văn hóa khác nhau. Vậy, có thể hiểu một cách cơ bản biểu tượng là những hình ảnh tượng trưng được phô bày khiến người ta có thể cảm nhận một giá trị trừu xuất nào đó đang tiềm ẩn trong lòng của nó. Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là mẫu gốc. Khi đi vào đời sống văn hoá, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hoá khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Vì vậy, con đường giải mã biểu tượng để tìm ra cái ẩn chìm đằng sau những hình tượng có nguồn gốc từ biểu tượng. Riêng biểu tượng ngôn từ có nét đặc biệt ở chỗ, nó không phải là biểu tượng trực quan có thể thấy ngay qua ngũ quan mà phải được chuyển hóa thành một biểu tượng phi trực quan, nó không thể hiện những hình ảnh cụ thể của sự vật, hiện tượng mà là sự tổng hòa và thẩm thấu toàn bộ những biểu hiện ngẫu nhiên và cá biệt để đạt đến cái bản chất, tất yếu của đối tượng. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm mĩ đa nghĩa, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nó chính là sự mã hoá cảm xúc, ý tưởng của nhà văn. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của độc giả. Những tác phẩm sử dụng nhiều biểu tượng thể hiện sự chối từ cách viết trực tiếp giãi bày tâm tư, tình cảm (nhất là đối với thơ ca). Chính điều đó khiến cho biểu tượng nghệ thuật một mặt dễ thức dậy những nỗi niềm từ ngàn đời trong tâm thức của độc giả, mặt khác lại tạo nên cảm hứng về những điều mới lạ cần khám phá.

1.1.2 Quan niệm về biểu tượng của luận văn

1.1.2.1 Khái niệm biểu tượng

Như đã trình bày ở trên, có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm "biểu tượng". Trong luận văn này,chúng tôi tiếp thu cách hiểu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa trong luận án tiến sĩ Sự phát triển ý nghĩa của hệ biểu tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam rằng : "Theo nghĩa rộng nhất, khái niệm biểu tượng dùng để chỉ một thực thể gồm hai mặt: mặt tồn tại cảm tính trong hiện thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con

Xem tất cả 92 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí