Biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang trong luật Tố Tụng hình sự Việt Nam - 3

quả tang: “Khi nào sự phạm pháp đương xảy ra hoặc vừa mới xảy ra trước mắt, hoặc khi nào kẻ phạm pháp còn đương bị công chúng theo đuổi hay còn đương giữ tang vật, thì gọi là phạm pháp quả tang” [9].

Điều 1 Sắc luật 002-SL ngày 18-6-1957 đã quy định cụ thể những trường hợp phạm pháp quả tang: Đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp thì bị phát giác ngay; đang bị đuổi bắt sau khi phạm pháp; đang bị tạm giữ mà lẩn trốn; đang có lệnh truy nã [9].

Do thuật ngữ “phạm pháp” trong hai văn bản luật nói trên được hiểu là bất cứ vi phạm pháp luật nào, cho nên đã dẫn đến không ít trường hợp lạm dụng bắt người phạm pháp quả tang. Để khắc phục nhược điểm này, sắc luật số 02-SL/76 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã sử dụng thuật ngữ “phạm tội” thay cho thuật ngữ “phạm pháp”. Sắc luật số 02-SL/76 quy định những trường hợp phạm tội quả tang: Đang làm việc phạm tội hoặc sau khi phạm tội thì bị phát giác; đang bị đuổi bắt sau khi phạm tội; đang bị giam giữ mà lẩn trốn; đang có lệnh truy nã. Cả hai sắc luật trên đều quy định người đang bị giam giữ mà lẩn trốn là một trường hợp phạm tội quả tang riêng biệt và không phân biệt được người phạm tội quả tang với bắt người đang có lệnh truy nã, bởi lẽ hành vi lẩn trốn của người bị giam về mặt thực chất cũng là trường hợp đang thực hiện tội phạm và bắt người phạm tội quả tang cũng khác về bản chất so với bắt người đang có lệnh truy nã. Để khắc phục điểm này, Khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS năm 1988 và khoản 1 Điều 82 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định cụ thể ba trường hợp phạm tội quả tang: Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện; Người ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện; Người đã hoặc đang thực hiện hành vi thì bị phát hiện, bỏ chạy và đang bị đuổi bắt [45].

TS. Trần Quang Tiệp có đưa ra khái niệm bắt người phạm tội quả tang như sau: “Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt” [45].

* Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang: Việc áp

dụng BPNC nói chung và biện pháp bắt người quả tang nói riêng thực chất là sự tác động trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, không thể có sự tùy tiện khi quyết định áp dụng các biện pháp này. Việc áp dụng phải dựa vào những quy định của pháp luật đảm bảo cho việc ra quyết định áp dụng biện pháp bắt người có căn cứ pháp luật. Căn cứ áp dụng gồm có:

- Để kịp thời ngăn chặn tội phạm;

- Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố và xét xử;

- Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội;

- Để đảm bảo thi hành án.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

* Những đặc điểm nổi bật của biện pháp bắt người phạm tội quả tang:

Thứ nhất, bắt người trong trường hợp quả tang là BPNC nhằm ngăn chặn những hành vi phạm tội cụ thể, rõ ràng không cần phải mất nhiều thời gian điều tra, xác minh được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Bởi vậy, để bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang thì vấn đề đầu tiên là chúng ta cần phải nhận thức và hiểu rõ về khái niệm tội phạm mà luật hình sự điều chỉnh. Hành vi phạm tội bắt trong trường hợp quả tang phải có đầy đủ các dấu hiệu tội phạm, được người bắt giữ chứng kiến tận mắt quá trình phạm tội.

Biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang trong luật Tố Tụng hình sự Việt Nam - 3

Thứ hai, bắt người phạm tội quả tang mang tính cưỡng chế nghiêm khắc được quy định và áp dụng dựa trên những căn cứ pháp lý của pháp luật để kịp thời ngăn chặn những hành vi phạm tội, ngăn ngừa người phạm tội, bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử cũng như để bảo đảm thi hành án. Đối tượng bắt phạm tội quả tang bao gồm các trường hợp sau:

- Người đang thực hiện phạm tội thì bị phát hiện;

- Người ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện;

- Người ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị đuổi bắt.

Thứ ba, việc bắt người phạm tội quả tang diễn ra liên tục, được phép bắt vào ban đêm. Được coi là bắt người phạm tội quả tang thì yêu cầu về mặt thời gian là

rất quan trọng. Quá trình phát hiện hành vi phạm tội và bắt người phạm tội phải xảy ra theo tính liên tục về thời gian, về địa điểm không được gián đoán. Nếu hành vi phạm tội quả tang bị phát hiện không bị bắt giữ ngay mà kéo dài sang ngày khác bắt thì không được coi là bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang. Với tính chất kịp thời và liên tục về thời gian cho nên việc quy định được phép bắt vào ban đêm là một quy định hợp lý đảm bảo cho việc ngăn chặn hành vi phạm tội hiệu quả nhất. Đây chính là đặc điểm đặc biệt so với các biện pháp bắt người khác mà pháp luật TTHS quy định.

Thứ tư, việc áp dụng biện pháp bắt người phạm tội quả tang không cần lệnh bắt của cá nhân hoặc cơ quan tổ chức nào. Tuy nhiên, việc áp dụng phải dựa trên những căn cứ chung được quy định cụ thể về trình tự về thẩm quyền, thủ tục bắt, thời gian bắt và những việc làm ngay sau khi bắt và phù hợp với giai đoạn cụ thể trong tố tụng.

Nhằm hoàn thiện những khái niệm nêu trên, chúng tôi đưa ra khái niệm cụ thể về biện pháp bắt người phạm tội quả tang:

Bắt người phạm tội quả tang là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự đối với những người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm và bảo đảm cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ người phạm tội quả tang. Việc bắt quả tang phải đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục do luật TTHS quy định.

* Việc quy định biện pháp bắt người phạm tội quả tang trong luật TTHS có ý nghĩa:

- Phát hiện, bắt giữ và xử lý nhanh chóng, kịp thời những trường hợp bắt người phạm tội quả tang.

- Bảo đảm cho các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm;

- Thể hiện chính sách xã hội hóa toàn dân trong công tác đấu tranh và phòng

chống tội phạm, đặc biệt là vai trò của quần chúng trong công tác bắt người phạm tội quả tang.

- Đối với những trường hợp bắt người phạm tội quả tang khi người phạm tội ít nghiêm trọng, có lí lịch rõ ràng, chứng cứ rõ ràng thì sẽ áp dụng thủ tục xét xử rút gọn, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự.

* BPNC bắt người đang phạm tội quả tang là một BPNC trong TTHS do luật hình sự và luật TTHS điều chỉnh. Bởi vậy, khi áp dụng BPNC bắt người phạm tội quả tang cũng cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, bảo đảm pháp chế XHCN trong TTHS, trong việc áp dụng các bước bắt người phạm tội quả tang. Đây là nguyên tắc bao trùm được thể hiện trong tất cả các giai đoạn của TTHS, từ những quy định chung cho đến những quy định cụ thể. Nguyên tắc này được biểu hiện cụ thể trong quá trình áp dụng biện pháp bắt người phạm tội quả tang:

Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia TTHS phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của bộ luật TTHS về trường hợp bắt người phạm tội quả tang;

Tất cả các biện pháp được áp dụng, thời gian, trình tự, thủ tục bắt, các biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản bàn giao người phạm tội quả tang, văn bản thông báo, quyết định áp dụng các BPNC khác… của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải dựa trên cơ sở của luật hình sự và luật TTHS;

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng như biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh bắt giữ tội phạm nhất thiết phải theo đúng quy định của luật pháp, đảm bảo cưỡng chế chỉ áp dụng đối với kẻ phạm tội, nghiêm cấm xử phạt người vô tội.

Hai là, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân: Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Do việc bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang không cần có quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, cho nên trong quá trình áp dụng cần phải đảm bảo nghiêm túc và chính xác, tránh việc lạm dụng dẫn đến xâm phạm trái pháp luật

quyền thân thể của công dân. Khi bắt người phạm tội quả tang thì các cá nhân và cơ quan tiếp nhận người bị bắt phạm tội không được phép sử dụng vũ lực dưới mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Ba là, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật: tại Điều 5 của bộ luật TTHS năm 2003 xác định vị trí của mọi người như nhau trong lĩnh vực hoạt động nhà nước và xã hội cũng như tham gia các hoạt động TTHS, không có phân biệt và ưu tiên, ưu đãi. TTHS tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, địa vị xã hội, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, thành phần xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Mọi trường hợp bị phát hiện và bắt phạm tội quả tang phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước tòa án trên cơ sở những điều khoản do bộ luật hình sự và bộ luật TTHS quy định. Các cơ quan tiến hành tố tụng đối với đối tượng bị bắt phạm tội quả tang phải được hoạt động theo một trình tự thống nhất theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân: khi tiến hành áp dụng các trình tự thủ tục đối với người bị bắt phạm tội quả tang thì những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa. Trong quá trình bắt giữ cần phải tôn trọng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng và cũng là một trong những nguyên tắc chủ đạo cho công tác áp dụng biện pháp bắt người nói chung và bắt người đang phạm tội quả tang nói riêng đảm bảo tính dân chủ trong TTHS, góp phần đảm bảo pháp chế XHCN và đảm bảo sự thật của vụ án được xác định khách quan toàn diện và đầy đủ.

Tóm lại, ngoài những nguyên tắc cơ bản trên thì công tác bắt người đang phạm tội quả tang cũng còn tuân theo nhiều nguyên tắc khác nữa được quy định

trong bộ luật TTHS. Việc quy định cụ thể những nguyên tắc này trong pháp luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ các điều kiện cần thiết áp dụng các BPNC trong việc bắt người phạm tội được đúng, chính xác và kịp thời. Dựa trên những nguyên tắc cơ bản này, các quy định pháp luật điều chỉnh đối với công tác bắt người phạm tội cần phải sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội để đảm bảo tính khả thi, tránh tình trạng dân chủ hình thức. Là cơ sở nâng cao đội ngũ những người tiến hành tố tụng giỏi về chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp, tăng cường giáo dục ý thức pháp luật của nhân dân để họ nhận thức rõ và thực hiện tốt hơn các quyền của mình trong công tác đấu tranh và tham gia bắt người phạm tội quả tang.‌

1.1.3. Phân biệt với bắt người trong trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt khẩn cấp, bắt người đang bị truy nã

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam có thể hiểu là BPNC bắt người do người có thẩm quyền trong TTHS áp dụng đối với người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử khi xét thấy cần thiết, theo thủ tục nhất định, nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Bắt người trường hợp khẩn cấp là biện pháp bắt người được áp dụng trong hoàn cảnh cấp bách, không thể trì hoãn khi có đủ các căn cứ pháp luật quy định. Các trường hợp trong bắt khẩn cấp bao gồm: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Biện pháp bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang có nhiều điểm chung với các trường hợp bắt người khác (đặc biệt là bắt truy nã) về mục đích

cũng như ý nghĩa và tính chất cưỡng chế trong quá trình áp dụng. Khi áp dụng các trường hợp bắt người này đòi hỏi người áp dụng phải đảm bảo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Đồng thời vẫn thấy được những điểm khác biệt rất lớn của biện pháp bắt người phạm tội quả tang so với các trường hợp bắt người trong trường hợp: bắt khẩn cấp, bắt truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền bắt. Trường hợp bắt phạm tội quả tang được mở rộng thẩm quyền bắt rất rộng. Khi phát hiện ra trường hợp phạm tội quả tang, bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ và giao cho cơ quan có thẩm quyền mà không cần có lệnh bắt của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức. Mọi công dân đều có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trong thực tế có nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa bắt quả tang với trường hợp thứ ba của bắt khẩn cấp, đó là: khi thấy có dấu hiệu của tội phạm ở người hoặc tại chỗ của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Đối với bắt người khẩn cấp trong trường hợp này cần bảo đảm hai điều kiện: điều kiện cần - Khi phát hiện dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ của người bị nghi thực hiện tội phạm và điều kiện đủ là cần ngăn chặn người bị nghi thực hiện tội phạm trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Trong điều kiện đủ thì bắt buộc cơ quan có thẩm quyền phải ra lệnh bắt khẩn cấp. Thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật TTHS năm 2003. Đây chính là điểm phân biệt rõ nét đối với hai trường hợp bắt người phạm tội quả tang với trường hợp thứ ba của bắt người khẩn cấp.

Thứ hai, về thời gian bắt người phạm tội quả tang thì được thực hiện cả vào ban đêm. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu phát hiện được trường hợp phạm tội quả tang thì đều có quyền bắt giữ không phân biệt ban ngày hay ban đêm, giờ làm việc hay giờ nghỉ ngơi. Đặc biệt việc bắt phải đảm bảo chặt chẽ về thời gian bắt, người bắt giữ phải thực hiện bắt ngay lập tức khi phát hiện những hành vi phạm tội quả tang đó. Đây chính là điểm khác biệt lớn so với trường hợp thứ hai

của bắt khẩn cấp. Bởi nếu không bắt ngay tại thời điểm phát hiện thì sau đó việc bắt người không thuộc trường hợp bắt phạm tội quả tang mà lại thuộc trường hợp thứ hai của bắt người khẩn cấp.

Thứ ba, về đối tượng bắt trong trường hợp bắt bị can bị cáo để tạm giữ, tạm giam là đối tượng đã bị khởi tố về vụ án hình sự, khởi tố bị can; bắt khẩn cấp thì đối tượng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng bắt người truy nã là bị can, bị cáo đang trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, người bị kết án phạt tù. Còn đối tượng của bắt người phạm tội quả tang bao gồm người phạm tội chưa bị khởi tố về vụ án hình sự.

Thứ tư, về trình tự thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt khẩn cấp, bắt truy nã yêu cầu phải có lệnh trước khi bắt. Còn trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì không cần phải có lệnh bắt người phạm tội.

Bắt người phạm tội quả tang có nhiều điểm khác biệt với các biện pháp bắt người khác là do bản chất của bắt người phạm tội quả tang là những trường hợp phạm tội rõ ràng, có đủ cơ sở để khẳng định người tội phạm đó đang xâm phạm tới các khách thể pháp luật bảo vệ. Người tham gia bắt chứng kiến trực tiếp và có đủ cơ sở, chứng cứ khẳng định rõ ràng người phạm tội có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời việc bắt quả tang có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh và tham gia phòng chống tội phạm của bất kỳ chủ thể nào. Việc bắt đó sẽ giúp cho các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra làm rõ nhanh chóng vụ án hình sự. Để kịp thời ngăn chặn thì pháp luật ghi nhận trường hợp bắt phạm tội quả tang không cần có lệnh của cơ quan có thẩm quyền trước khi bắt.

Bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang và bắt người truy nã được quy định trong cùng một điều luật. Dù có nhiều điểm tương đồng về thủ tục, trình tự bắt nhưng hai biện pháp bắt người này lại có những điểm khác biệt:

Thứ nhất, đối với người phạm tội quả tang, hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc vừa mới diễn ra xong thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, trong khi đó người

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 31/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí