doanh – doanh nghiệp liên doanh – doanh nghiệp 100% vốn của nước ngoài với sự tham gia điều tiết quản lý của người nước ngoài. Cũng có thể là nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc đóng góp vốn (cổ phần, mua trái phiếu…) của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu. Hình thức này thời gian tới sẽ phát triển mạnh khi hoạt động của thị trường chứng khoán sôi động.
Tuy nguồn vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng đặc biệt là giai đoạn đầu đối với các nước chuyển đổi và đang phát triển. Nhưng đầu tư cho xuất khẩu cần khai thác từ các nguồn vốn trong nước là chủ yếu, vì đây là nguồn vốn quan trọng hơn cả nó được khởi phát từ sự phát triển kinh tế trong nước. Còn nếu chỉ dựa vào nguồn vốn nước ngoài thì đến một lúc nào đó có thể sẽ phải trả bằng ngoại tệ mạnh, hoặc bằng tài nguyên, bằng sức lao động và có thể bằng cả sự mất cân bằng về môi trường sinh thái, trật tự xã hội…
Ngoài ra, cần coi trọng việc thu hút vốn của tư nhân vào việc đầu tư cho xuất khẩu. Đây là việc lâu nay chưa được người ta coi trọng. Việc Nhà nước ban hành luật đầu tư trong nước là cơ sở pháp lý để các thành phần kinh tế an tâm bỏ vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào sản xuất ra hàng xuất khẩu.
c) Định hướng của chính sách đầu tư
Để khuyến khích bỏ vốn đầu tư ra làm hàng xuất khẩu, Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này như: Cho phép vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp, giảm hoặc miễn nộp thuế lợi tức một số năm. Sản phẩm làm ra những năm đầu chưa có lãi hoặc lãi thấp (so với kinh doanh trong nước), Nhà nước có thể áp dụng chính sách hỗ trợ có điều kiện.
Dành ưu tiên đầu tư cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế hoặc không đầu tư cho các ngành thay thế nhập khẩu mà năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đầu tư cần tập trung vào các ngành hàng chủ lực và dự án nâng cao cấp độ chế biến, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, về lãi suất cho các dự án theo hướng này.
Đối với nông sản, chú trọng đầu tư nhằm cải biến cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đổi mới giống cây trồng, đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu trên thị trường.
Quan tâm đặc biệt đến đầu tư trực tiếp cho hoạt động xuất khẩu như bến cảng, kho hàng, các trung tâm thương mại ở nước ngoài, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho xuất khẩu. Phát triển hợp lý các khu chế xuất khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng xuất khẩu. Mở rộng thị trường để lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở nước ta, xuất sang thị trường có dung lượng lớn.
3.1.4 Xây dựng các khu kinh tế mở
Có thể bạn quan tâm!
- Biện pháp hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009-2010 - 1
- Biện pháp hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009-2010 - 2
- Xuất Khẩu Có Tác Động Tích Cực Đến Giải Quyết Công Ăn Việc Làm Và Cải Thiện Đời Sống Của Nhân Dân
- Các Biện Pháp, Chính Sách Tài Chính Nhằm Khuyến Khích Sản Xuất Và Thúc Đẩy Xuất Khẩu
- Biện pháp hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009-2010 - 6
- Các Biện Pháp Về Thể Chế Và Xúc Tiến Xuất Khẩu
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
a) Xây dựng các khu bảo thuế
Là khu vực kho bãi dùng để lưu giữ hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài sau đó tái xuất, ở đó không áp dụng chế độ thuế quan. Thông thường đây là những khu vực gần các cửa khẩu có vị trí địa lý hành chính thuận lợi.
Mục đích khi xây dựng các khu vực này nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh sôi động qua đó các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp xúc giao dịch quan hệ với các nhà trung gian, đại diện các chủ doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng đối tác kinh doanh trong tương lai. Mặt khác nước chủ nhà sẽ thực hiện được dịch vụ cho thuê kho bãi và thu được một khoản lệ phí nhất định làm tăng nguồn thu ngân sách.
Đây là hoạt động mang tính sơ khai của khu vực kinh tế mở nhưng nhiều nước đã áp dụng và gặt hái được nhiều thành công. Đầu thập kỷ 90 khi hình thức chuyển khẩu ở Việt Nam phát triển thì các Kho bảo thuế dưới cái tên là Kho ngoại quan bắt đầu phát triển ở các khu vực có cửa khẩu như Hải
Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Song hình thức này có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều và các hình thức chuyển khẩu và tạm nhập tái xuất.
b) Cảng tự do
Tương tự như hình thức Khu bảo thuế, Cảng tự do là việc một quốc gia thực hiện quy chế tự do đối với các cảng biển quốc tế. Cho phép tàu thuyền các quốc gia khác được tự do ra vào không phải chịu thuế.
Mục đích của hình thức này là nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh sôi động qua đó các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp xúc giao dịch quan hệ với các nhà trung gian, đại diện các chủ tàu, chủ doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng đối tác kinh doanh trong tương lai. Mặt khác nước chủ nhà sẽ thực hiện đẩy mạnh hàng loạt các dịch vụ khác phát triển như dịch vụ hoa tiêu, cho thuê nhà mặt bằng nếu phải sửa cho nhỏ đối với hàng hóa, cung cấp các dịch vụ thương mại như cung cấp lương thực, nước ngọt, dụng cụ phụ tùng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách.
c) Khu mậu dịch tự do (FTZ – Free Trade Zone)
Là một khu vực địa lý riêng biệt trong đó được thực hiện quy chế tự do thương mại (Không được sản xuất, chế biến – nếu có chỉ được sửa chữa nhỏ như kẻ lại nhãn mác trên bao bì, sửa chữa nhỏ do chuyển chở gây nên…)
Như vậy, theo quan niệm này các nhà kinh doanh trong và ngoài nước có thể đưa hàng hóa vào khu vực tự do này mua bán mà không phải chịu thuế xuất, nhập khẩu.
* Mục đích khi xây dựng các FTZ của các quốc gia:
Thứ nhất, là nhằm thu hút hàng hóa từ nước ngoài tham gia lưu thông một cách có điều kiện ở thị trường trong nước. Tạo nên sự cạnh tranh và kích thích sản xuất hàng xuất khẩu đối với các doanh nghiệp nội địa.
Thứ hai, là thu được một khoản tiền thông qua phí thuê địa điểm, lệ phí kinh doanh, dịch vụ điện nước, quản lý, thu đổi ngoại tệ…
Thứ ba, là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được cách làm ăn lớn mà thương mại quốc tế đang áp dụng.
d) Khu chế xuất (EPZ – Export Processing Zone)
Có nhiều khái niệm khác nhau về khu chế xuất. Một nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho rằng: “Khu chế xuất là một lãnh địa công nghiệp chuyên môn hóa dành riêng để sản xuất phục vụ xuất khẩu, tách khỏi chế độ thương mại về thuế quan của nước sở tại, ở đó áp dụng chế độ thương mại tự do”. Một số người khác quan niệm khu chế xuất rộng hơn: “Khu chế xuất không chỉ bao gồm khu vực công nghiệp chuyên môn hóa sản xuất hàng xuất khẩu mà còn bao gồm cả những khu vực được Chính phủ một nước cho phép hưởng quy chế đặc biệt như: cảng tự do, khu thương mại tự do, khu tự do thuế quan, khu công nghiệp tự do”. Nhưng một số nhà kinh tế khác lại quan niệm về bản chất EPZ chỉ là một hình thái của khu công nghiệp nó được hình thành nhằm phát huy tối đa tính ưu việt của mô hình khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Ở Việt Nam, Nghị định số 36 ngày 24/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế khu chế xuất giải thích: “Khu chế xuất là khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống”.
Hoạt động của khu chế xuất là nơi tập trung sản xuất hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu, do đầu tư chủ yếu là người nước ngoài đảm nhận. Vật tư nguyên liệu sản xuất đều mang từ nước ngoài vào, mà cũng có thể là tài nguyên của nước chủ nhà bán cho chủ đầu tư sau khi qua các thủ tục xuất khẩu của nước chủ nhà. Có nhiều cách hình thành khu chế xuất:
- Nước chủ nhà cho thuê nhà xưởng, kho bãi và diện tích công trình sẵn có. Người đầu tư nước ngoài sử dụng các công trình đó để lắp đặt trang thiết bị sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu và trả tiền thuê dịch vụ.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuê đất của nước sở tại và tự xây cất công trình và trang bị lấy cơ sở sản xuất để làm ra hàng hóa xuất khẩu.
- Nhà nước ta “khuyến khích việc thành lập công ty liên doanh giữa bên nước ngoài và bên Việt Nam để xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chế xuất”. Các công ty liên doanh này được hưởng ưu đãi của luật đầu tư.
Như vậy, người nước ngoài hoạt động ở khu chế xuất theo nguyên tắc là phải tự lo liệu vấn đề cung ứng vật tư nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm làm ra.
Để phục vụ cho hoạt động của khu chế xuất, nước chủ nhà phải cung ứng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua cho thuê hoặc bán thành phẩm như cung cấp điện, nước, điện thoại…
Tổ chức các dịch vụ như: sửa chữa, thiết kế, xây dựng tổ chức các trung tâm giao dịch thương mại, dịch vụ ngân hàng, tín dụng, tổ chức các hoạt động quảng cáo, tổ chức cung ứng các dịch vụ khác như tiệm ăn, khách sạn, đi lại, du lịch, giải trí… cho người nước ngoài tại khu chế xuất.
Với các nội dung hoạt động như trên, khu chế xuất là một đô thị độc lập, là một khu kinh tế xuất khẩu và là nơi giao dịch thương mại quốc tế. Trong khu chế xuất mọi sinh hoạt, mua bán đều sử dụng ngoại tệ. Vì vậy khu chế xuất phải được tách biệt với nội địa bằng các ranh giới thiên nhiên hoặc nhân tạo. Sự giao lưu giữa khu chế xuất với nội địa được kiểm soát chặt chẽ.
Có nhiều ý kiến tranh luận về lợi ích của khu chế xuất. Tuy nhiên, nhìn vào các nước có ít nhiều thành công trong việc lập các khu chế xuất, người ta thấy các khu chế xuất có thể mang lại các lợi ích sau:
- Thu hút được vốn và công nghệ.
- Tăng mạnh khả năng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
- Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
- Góp phần làm cho nền kinh tế nước chủ nhà hòa nhập với nền kinh tế thế giới và của các nước trong khu vực.
Khu chế xuất đầu tiên hoạt động trên thế giới là khu chế xuất được thành lập tại sân bay quốc tế Sharnon (Ailen) vào năm 1956. Trong một phần tư thế kỷ trở lại đây, nhiều nước đang phát triển chuyển hướng mạnh mẽ nền kinh tế của mình theo hướng “mở cửa” bằng cách đặc biệt chú ý mở rộng đón nhận đầu tư nước ngoài. Các khu chế xuất là một biện pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và được coi là một biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay trên thế giới có gần 850 khu chế xuất, phần lớn đặt tại châu Á.
Hiện nay, ở nước ta có 6 khu chế xuất được cấp giấy phép hoạt động tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tuy nhiên, chỉ có hai khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) được coi là hoạt động có kết quả. Còn các khu chế xuất khác hoặc là bị rút giấy phép (Hải Phòng), hoặc là xin chuyển sang hình thức khu công nghiệp (Hà Nội) hay chưa triển khai hoạt động (Cần Thơ).
Ngoài ra còn nhiều hình thái khu kinh tế mở khác, mặc dù mục đích không trực tiếp đề cập đến phải đẩy mạnh xuất khẩu nhưng có tác dụng rất to lớn đến tạo nguồn hàng và nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.
e) Khu công nghiệp
Theo Nghị định số 36 ngày 24/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì khu công nghiệp được hiểu là: “Khu tập trung các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.
+ Khu công nghệ cao: Theo Nghị định số 36 thì khu công nghiệp được hiểu là: “Khu tập trung các doanh nghiệp công nghiệp kĩ thuật cao và các đơn vị hoạt động phục vụ cho phát triển công nghệ cao bao gồm nghiên cứu – phát triển khóa học – công nghệ, đào tạo và các dịch vụ có liên quan, có ranh giới
địa lý xác định, không có dân cư sinh sống do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.
Đây là hình thức mà hầu hết các nước đều chủ trương phát triển đặc biệt khi tiến hành thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở Việt Nam trước khi thống nhất đất nước (1975) Miền Bắc đã hình thành nên 7 khu công nghiệp: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, Vinh (Nghệ An), nhưng nếu xét theo khái niệm mà Nghị định số 36 đưa ra thì những khu công nghiệp này không có những tiêu chí như khu công nghiệp tập trung, Nhìn chung trong những năm qua, các khu công nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh, có tốc độ cao hơn rất nhiều so với khu chế xuất. Thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đã giải quyết được hàng triệu lao động như các khu công nghiệp ở khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Hình thức này đã đóng góp rất to lớn cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
g) Đặc khu Kinh tế (SEZ – Special Economic Zone)
Đây thực chất là một khu kinh tế đặc biệt đã được thành công ở một số nước, đặc biệt là ở Trung Quốc. Đến nay đã có nhiều khái niệm khác nhau, nhưng nhìn chung hiểu theo nghĩa rộng: thì đây là các khu vực địa lý được áp dụng những chính sách kinh tế đặc biệt. Còn xét theo nghĩa hẹp thì đây là một khu vực địa lý riêng biệt và được áp dụng những chính sách kinh tế đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý để phát triển kinh tế xã hội với một cơ cấu ngành nghề đầy đủ và thích hợp của một nền kinh tế về Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ. Hay nói một cách khái quát đây là một loại hình riêng của khu kinh tế tự do được tổ chức theo hình thức cao nhất và đầy đủ như một xã hội thu nhỏ.
Mục đích xây dựng loại hình này nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có ưu
tiên đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác đây chính là cửa ngõ thúc đẩy mối giao lưu quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
h) Thành phố mở (Khu khai thác kinh tế - kỹ thuật)
Thành phổ mở hay Khu khai thác kinh tế, kỹ thuật chính là kết quả nhân rộng của Đặc khu kinh tế trên một phạm vi địa lý và nền tảng rộng hơn với những chính sách ưu đãi tương tự như ưu đãi đối với các đặc khu kinh tế.
Đây là hình thức được Trung Quốc thực hiện rất thành công và được xây dựng ở những vùng ven biển theo qui mô lớn bao gồm rất nhiều thành phố, nhiều đặc khu kinh tế và khu công nghiệp. Có quan niệm cho rằng đây có thể gọi là vùng kinh tế tự do. Phát triển hình thức này rất phù hợp với những quốc gia đất rộng người đông.
i) Tam giác phát triển hoặc Nhị - Tứ phát triển
Đây là mô hình kinh tế mang tính quốc tế, có sự kết hợp địa lý kinh tế của hai, ba hoặc nước láng giềng có các nguồn tài nguyên, lợi thế khác nhau nhưng cùng nhau hợp tác xây dựng nên nhằm thu hút đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài nhằm phát huy lợi thế từ mỗi quốc gia đẩy mạnh kinh tế phát triển.
Khái niệm này xuất phát từ ý tưởng của thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đưa ra vào tháng 12/1989. Đến nay mô hình này đã có những thành công nhất định, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á như: Tam giác tăng trưởng SIJORI ở phía nam ASEAN giữa 3 nước: Singapore, Malaysia và Indonesia; phía bắc ASEAN giữa: Singapore, Tây Malaysia và nam Thái Lan; hay Battam giữa Thái Lan và Singapore.
Nói chung, đây là hình thức kinh tế mở mang tính chất quốc tế, do vậy khó thực hiện hơn các hình thức kể trên. Hình thức này chỉ thành công khi tất cả các quốc gia đều là thành viên của một liên kết kinh tế; phải là nước láng giềng và thường có quan hệ buôn bán truyền thống với nhau cũng như có mục đích kinh tế như nhau.