2.3.2.2. Khí hậu
TPHCM thuộc đới khí hậu gió mùa Á xích đạo với hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình cao, ít có sự giao động trong năm và hiếm khi có bão. Do vậy, việc khai thác các điểm TNDLNV có thể diễn ra quanh năm.
2.3.2.3. Thủy văn
TPHCM không có lợi thế về hồ và suối khoáng nóng để PTDL. Tuy nhiên, sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt là yếu tố thuận lợi để TPHCM khai thác các điểm TNDLNV theo thường thủy. Đặc biệt là các điểm TNDLNV ven Sông Sài Gòn, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Lò Gốm, Kênh Tẻ, Kênh Tàu Hủ,… Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng bến thuyền còn hạn hẹp, đây cũng là yếu tố gây trở ngại trong việc tiếp cận các điểm du lịch bằng đường thủy.
2.3.2.4. Sinh vật
Nguồn tài nguyên sinh vật góp phần đa dạng nội dung tham quan và tăng giá trị cảnh quan cho các điểm TNDLNV. Ví như sự phân bố của Căn cứ Rừng Sác trong khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ đã làm tăng tính hấp dẫn của cảnh quan. Hoặc sự đa dạng về các loài động, thực vật làm tăng tính đa dạng về nội dung tham quan tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
2.3.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội
2.3.3.1. Dân cư và nguồn lao động
Ảnh hưởng của dân cư và nguồn lao động đến việc khai thác nguồn TNDLNV thể hiện ở các khía cạnh sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Và Thực Trạng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Bản Đồ Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Biểu Đồ Doanh Thu Du Lịch Tphcm Giai Đoạn 2011 - 2015
- Biểu Đồ Số Lượt Khách Tham Quan Các Bảo Tàng Ở Tphcm Qua Các Năm 2010 - 2015
- Thực Trạng Khai Thác Các Điểm Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Quan Trọng Cho Phát Triển Du Lịch Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.
- Sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc ở TPHCM là điều kiện thuận lợi để khai thác SPDL văn hóa (gắn với tham quan và tìm hiểu lối sống cộng đồng).
- Lịch sử định cư ảnh hưởng đến mật độ phân bố và gián tiếp ảnh hưởng đến sự liên kết giữa các điểm TNDLNV. Hai khu vực có lịch sử định cư lâu đời ở TPHCM là khu vực Bến Thành và khu vực Chợ Lớn. Đây cũng là nơi có mật độ tập trung TNDLNV cao.
- Số lượng và chất lượng nguồn lao động du lịch ảnh hưởng đến công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm TNDLNV đang khai thác.
2.3.3.2. Hệ thống cơ sở hạ tầng
- Giao thông vận tải: TPHCM có đầy đủ các loại hình GTVT. Khoảng cách từ các bến xe, bến cảng, nhà ga, sân bay đến Trung tâm Thành phố và các điểm TNDLNV không quá xa. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn TNDLNV.
+ Giao thông đường hàng không: Sân bay Tân Sơn Nhất giữ vai trò quan trọng trong việc đón khách đến TPHCM bằng đường hàng không.
+ Giao thông đường bộ: Quốc lộ (QL) 1A, QL13, QL22,... cùng với việc bố trí 06 bến xe khách liên tỉnh ở các cửa ngõ vào Thành phố rất thuận lợi trong việc đón khách đến TPHCM bằng đường bộ.
+ Giao thông đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam với điểm dừng là Ga Sài Gòn có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách. Trong đó, có khách du lịch bằng đường sắt. Dự kiến đến năm 2020, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đi vào hoạt động (dự kiến năm 2020) sẽ góp tăng tính kết nối giữa các điểm du lịch ở trung tâm Thành phố với CVVH Suối Tiên.
+ Giao thông đường thủy: TPHCM có thể tiếp nhận và vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy thông qua cảng Sài Gòn, Tân Cảng và Cảng Bạch Đằng.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, sự xuống cấp và quá tải của hệ thống GTVT ở TPHCM đang là trở ngại trong việc khai thác nguồn TNDLNV.
- Cấp điện: Nguồn điện ở TPHCM được cung cấp từ Nhà máy điện Thủ Đức, Chợ Quán và từ mạng lưới điện quốc gia (đường dây 500kV). Ngoài ra, trạm biến áp 500kV Phú Lâm, Nhà Bè, Cầu Bông, cùng với các công trình lưới điện 220kV, 110kV đã đảm bảo nguồn điện ổn định cho Thành phố và các điểm TNDLNV.
- Cấp, thoát nước
+ Về cấp nước: nước sạch trong sinh hoạt của Thành phố do Nhà máy nước Thủ Đức (quận Thủ Đức), Kênh Đông (huyện Củ Chi), Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) cung cấp. Đây cũng là nguồn nước sạch cung cấp cho hoạt động du lịch tại các điểm du lịch văn hóa.
+ Về thoát nước: Ngoài hệ thống cống ngầm, Thành phố đã lắp đặt, vận hành
1.077 van ngăn triều nhằm cải thiện tình trạng ngập nước tại Khu vực trung tâm (trong đó có các điểm du lịch) [83, tr.66]. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn kết hợp triều cường vẫn khiến một số tuyến đường ngập cục bộ, ảnh hưởng đến việc khai thác
các điểm du lịch văn hóa. Chẳng hạn việc ngập ở tuyến đường Hòa Bình, gần CVVH Đầm Sen. Trên một số kênh, rạch, nước thải không được xử lý tốt dẫn đến có mùi hôi, gây trở ngại cho việc PTDL đường sông, như Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
- Thông tin liên lạc: Mạng lưới thông tin liên lạc và bưu chính viễn thông phát triển khá mạnh ở TPHCM. Nơi đây tập trung nhiều nhà mạng, trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình,... Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh du lịch của Thành phố cũng như giới thiệu các điểm du lịch văn hóa đến khách du lịch.
2.3.3.3. Sự phát triển các ngành kinh tế
Tốc độ tăng trưởng GRDP cao và ổn định là môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư vào CSHT và CSVC-KT phục vụ du lịch. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn TNDLNV.
2.3.3.4. Chính sách phát triển du lịch
Chính sách PTDL của TPHCM không ngừng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các điểm du lịch văn hóa. Một số chính sách tiêu biểu như chương trình du lịch tham quan Phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5); chính sách hợp tác liên kết trong PTDL với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long;...
Bên cạnh đó, một số chính sách cần điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế như chính sách phân bổ ngân sách nhằm khai thác (và bảo tồn) các điểm TNDLNV; chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào hoạt động khai thác các điểm TNDLNV; chính sách giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các điểm TNDLNV đang được khai thác do Nhà nước quản lý (như Khu DTLS Địa đạo Củ Chi, Căn cứ Rừng Sác,...);...
2.3.3.5. Vốn đầu tư cho du lịch
- Vốn từ ngân sách Nhà nước: Nguồn vốn này do Nhà nước cấp hàng năm cho các điểm TNDLNV thuộc Nhà nước quản lý nhằm duy trì hoạt động và tu bổ các điểm TNDLNV. Trong giai đoạn 2007 - 2015, dựa vào nguồn vốn này, UBND Thành phố đã tu bổ 20 điểm TNDLNV với kinh phí 150 tỷ đồng [84]. Một số điểm du lịch văn hóa sau khi tu bổ đã có một diện mạo mới hoặc tăng cường sức hút đối
với khách du lịch. Tiêu biểu như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bưu điện Trung tâm Thành phố,... Bên cạnh đó, một số điểm tài nguyên tuy có tiềm năng du lịch song chưa trở thành điểm du lịch do chưa có nguồn vốn đầu tư CSVC-KT để khai thác. Tiêu biểu như Giồng Cá Vồ, Lò gốm cổ Hưng Lợi, Đình Bình Đông,...
- Vốn xã hội hóa: Nguồn vốn xã hội hóa thường được huy động vào những hạng mục kinh doanh du lịch có thể sinh lợi nhuận. Một số điểm du lịch văn hóa nhờ khai thác tốt nguồn vốn này nên đã đa dạng hóa các loại hình tham quan và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tiêu biểu như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, CVVH Đầm Sen, CVVH Suối Tiên, Bảo tàng Y học Cổ truyền,...
2.3.3.6. Quảng bá và xúc tiến du lịch
Hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch giúp khách du lịch và nhà đầu tư có thêm thông tin về các điểm TNDLNV. Hiện nay, hầu hết các điểm TNDLNV đang được khai thác trên địa bàn Thành phố đã có trang thông tin điện tử riêng (hoặc được giới thiệu trên trang thông tin điện tử của UBND TPHCM và của Sở Du lịch TPHCM). Trong giai đoạn 2011 - 2016, Thành phố đã 4 lần tổ chức Lễ hội Chào đón năm mới “Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và Hội nhập”; tổ chức thành công 12 lần Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM. Trong các sự kiện này, có sự tham gia của nhiều đơn vị quản lý và khai thác các điểm du lịch văn hóa. TPHCM có chủ trương giới thiệu và quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống (múa rối nước, hát bội, đờn ca tài tử,…) trong các lễ hội và sự kiện đặc biệt. Tiêu biểu như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội TPHCM chào đón năm mới, Ngày hội Du lịch TPHCM,…
Tuy hoạt động quảng bá được quan tâm song sự tham gia của một số đơn vị khai thác du lịch chưa thực sự sâu sắc. Nhiều trang thông tin điện tử quảng bá về điểm du lịch văn hóa còn sơ sài, thiếu cập nhật thông tin, ngôn ngữ đa phần là tiếng Việt. Điều này ảnh hưởng đến sự tiếp cận thông tin của khách du lịch và nhà đầu tư đối với các điểm du lịch văn hóa.
2.3.3.7. Nhu cầu, sở thích của khách và thị trường khách
Khách du lịch đến TPHCM đa dạng về độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, nguồn cấp khách,... Đặc điểm này dẫn đến sự khác nhau về sở thích tham quan và hướng khai thác nguồn TNDLNV.
- Đối với thị trường khách du lịch quốc tế: Mỗi thị trường khách du lịch có nhu cầu và sở thích tham quan khác nhau, đòi hỏi việc khai thác nguồn TNDLNV phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng thị trường nhằm đem lại hiệu quả khai thác cao nhất. Dưới đây là các thị trường khách du lịch chủ yếu đến TPHCM [72]:
+ Thị trường Đông Bắc Á: Đây là thị trường đang có xu hướng phát triển, tiêu biểu như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Mục đích chung là tham quan, vui chơi giải trí, kinh doanh, hội nghị, hội thảo, thăm thân nhân,… Riêng khách du lịch Nhật Bản, họ đặc biệt thích tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa địa phương, các yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng ở mức cao. Sản phẩm thường mua làm quà tặng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
+ Thị trường ASEAN: Từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, số lượt khách đến từ các nước trong khu vực tăng, đặc biệt là Malaysia, Singapore, Thái Lan. Mục đích du lịch chủ yếu là kinh doanh, sau đó là tham quan và thăm thân nhân. Đây là thị trường có khả năng chi tiêu lớn, đặc biệt là khách kết hợp đi du lịch với việc kinh doanh. Tuy vậy, thị trường này đòi hỏi giá rẻ, dịch vụ có chất lượng, SPDL có sự khác biệt so với nước họ.
+ Thị trường Tây Âu: Khách đến từ thị trường này đang có xu hướng giảm. Hai thị trường truyền thống quan trọng nhất là Pháp và Anh. Đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Mục đích du lịch chủ yếu để tham quan (đặc biệt là tìm hiểu lịch sử - văn hóa) hoặc kết hợp với kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Các mặt hàng lưu niệm và ẩm thực truyền thống được thị trường này ưa chuộng.
+ Thị trường Bắc Mỹ: Chủ yếu là khách du lịch đến từ Mỹ và Canada. Đây là thị trường truyền thống của TPHCM. Thị trường này có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Mục đích du lịch chủ yếu là tham quan, kinh doanh, thăm thân nhân, thăm chiến trường xưa, vui chơi giải trí.
+ Thị trường châu Đại Dương: Khách chủ yếu đến từ Úc và New Zealand. Mục đích chính là tham quan, đặc biệt là tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa và ẩm thực truyền thống.
+ Thị trường Đông Âu và Liên Bang Nga: Thị trường này chiếm tỉ trọng không đáng kể ở TPHCM, đa phần là khách Nga. Mục đích du lịch chủ yếu là tham quan, vui chơi giải trí.
- Đối với thị trường khách du lịch nội địa: Mỗi loại hình du lịch gắn với sở thích riêng của từng nhóm khách du lịch:
+ Du lịch tham quan: Đối tượng khách đa dạng về lứa tuổi, nghề nghiệp và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách du lịch đến TPHCM.
+ Du lịch vui chơi, giải trí: Chủ yếu là khách du lịch trẻ và trung tuổi. Riêng khách du lịch đến TPHCM vào dịp cuối tuần thường đến từ các tỉnh lân cận.
+ Du lịch công vụ, thương mại: Chủ yếu là khách du lịch từ các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Họ thường kết hợp đi du lịch với hội nghị, hội thảo, kinh doanh.
+ Du lịch học tập, nghiên cứu: Chủ yếu là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa. Nhất là tại các DTLSVH và công trình đương đại (các bảo tàng).
+ Du lịch tín ngưỡng, tôn giáo: Đối tượng chủ yếu là người lớn tuổi, người kinh doanh buôn bán hoặc hành nghề đi biển.
2.3.4. Đặc điểm nguồn tài nguyên du lịch
Như đã trình bày ở mục 2.2, TPHCM có nguồn TNDLNV phong phú và đa dạng. Ngoài ra, nơi đây còn có các điểm TNDLTN đang được khai thác như Vườn cò Quận 9, KDL Vàm Sát, Bãi biển 30 tháng 4,... Các điểm TNDL vừa phân bố rộng khắp các quận huyện, vừa tập trung với mật độ cao ở khu vực trung tâm, đặc biệt là quận 1, quận 3, quận 5 (xem bản đồ, Hình 2.3). Đây là điều kiện thuận lợi để liên kết trong khai thác TNDLNV (cùng loại và khác loại), giữa TNDLNV với TNDLTN (trong và ngoài TPHCM).
Một số điểm TNDLNV đang được khai thác có diện tích rộng nên rất thuận lợi cho việc đa dạng hóa mở rộng nội dung tham quan như CVVH Đầm Sen và CVVH Suối Tiên (nơi tổ chức lễ hội, các sự kiện đặc biệt), KDL Địa đạo Củ Chi, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn,... Bên cạnh đó, một số điểm du lịch văn hoá có
diện tích hẹp gây trở ngại cho sự đa dạng hóa nội dung tham quan. Ví như tại bảo tàng Y học Cổ truyền, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam,... (do không gian khai thác có hạn nên khó bổ sung các chủ đề và các khu trưng bày).
Đặc điểm của từng loại TNDLNV cũng ảnh hưởng đến thời gian khai thác trong hoạt động du lịch. Trong khi các công trình nhân tạo có thể khai thác thường xuyên trong năm thì các lễ hội và sự kiện đặc biệt chỉ khai thác vào khoảng thời gian nhất định. Ví như Đường hoa xuân Nguyễn Huệ chỉ tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán.
Trên đây là 04 nhóm nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến khai thác TNDLNV ở TPHCM. Mục tiếp theo sẽ trình bày thực trạng khai thác nguồn tài nguyên này dưới ảnh hưởng của các nhóm nhân tố đã nêu.
2.4. Thực trạng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn ở Thành phố Hồ Chí Minh
2.4.1. Khái quát chung về hoạt động du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh
2.4.1.1. Lượt khách đến Thành phố Hồ Chí Minh
Trong giai đoạn từ 1995 đến 2015, số lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến TPHCM không ngừng gia tăng (tăng 14 lần). Tốc độ tăng trưởng
bình quân năm đạt 14,1%.
Nguồn: Số liệu từ Sở VHTT&DL TPHCM [62], Tổng cục Du lịch [76]
Hình 2.5. Biểu đồ lượt khách du lịch đến TPHCM giai đoạn 1995 - 2015
Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của khách du lịch nội địa cao hơn khách du lịch quốc tế (17,2% so với 8,6%). Sự gia tăng khách du lịch quốc tế có phần thiếu ổn định vì phụ thuộc vào tình hình KT-XH thế giới. Ví như vào các năm 2003 và
2009, tốc độ tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
2.4.1.2. Thị trường khách và mục đích chuyến đi
Về thị trường khách, khu vực Đông Bắc Á, Châu Âu và Hoa Kỳ là các thị trường truyền thống với số lượt khách đến TPHCM khá ổn định. Khách đến từ các nước Đông Nam Á có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây (do sự gần gũi về địa lý, chính sách nhập cảnh). Các thị trường được xác định là tiềm năng gồm Trung Đông và Nga.
Về mục đích chuyến đi, khách đi du lịch thuần tuý chiếm tỉ lệ cao nhất (chiếm 75%). Kế đến là kết hợp giữa du lịch với thương mại (chiếm 15%). Số còn lại là các mục đích khác (chiếm 10%) [32, tr.1]. So với số liệu năm 1995 [20], có thể thấy khách du lịch đến TPHCM với mục đích du lịch thuần túy năm 2012 tăng 30,6% (tăng từ 44,4% lên 75%). Tuy nhiên, mục đích du lịch kết hợp với thương mại có xu hướng giảm (từ 31% xuống 15%) [32, tr.1].
2.4.1.3. Thời gian lưu trú và chi tiêu
Thời gian lưu trú của khách du lịch ở TPHCM có sự gia tăng từ 04 ngày (năm 1995) lên 5,3 ngày (năm 2013). Mức chi tiêu bình quân trong một ngày cũng tăng từ 80 USD (năm 1995) lên 144,4 USD (năm 2013) [73], [74]. Đối với khách du lịch quốc tế, các thị trường khách có mức chi tiêu cao là Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ. Đối với khách du lịch nội địa, có mức chi tiêu cao là khách đi du lịch với mục đích tham quan, vui chơi giải trí, thương mại và công vụ.
2.4.1.4. Doanh thu từ hoạt động du lịch
Doanh thu từ hoạt động du lịch ở TPHCM chiếm tỉ lệ cao trong tổng doanh thu du lịch cả nước và đóng góp đáng kể vào tổng GRDP của Thành phố. Theo Sở Du lịch TPHCM (2016a), tổng doanh thu du lịch năm 2015 của TPHCM là 94,6 nghìn tỉ đồng (chiếm 30,2% doanh thu du lịch cả nước và chiếm 9,9% tổng GRDP Thành phố) [51].