Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 2

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là những hoạt động liên quan đến dòng họ và quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một luận văn thạc sĩ và phụ thuộc vào thực tế nghiên cứu cho thấy những yếu tố nào trong quan hệ dòng họ của người Tày ở đây có sự biến đổi rõ rệt nhất, đề tài chỉ tập trung vào quan hệ dòng họ ở một số khía cạnh của đời sống văn hoá tín ngưỡng, các hoạt động kinh tếvà đời sống xã hội.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Không gian:

Luận văn tập trung vào mốiquan hệ dòng họ của các dòng họ người Tày ở hai thôn Khun Phang và làng Đăng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Phạm vi thời gian:

Đề tài nghiên cứu về sự biến đổi trong quan hệ dòng họ của người Tày từ sau Đổi mới (1986) đến nay. Tuy nhiên, để có thể thấy rõ được sự biến đổi trong quan hệ dòng họ, nghiên cứu có tìm hiểu, đề cập tới thời kỳ trước đổi mới trong khuôn khổ tài liệu thứ cấp cho phép.

3.3. Địa bàn nghiên cứu

Đề tài chọn xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn làm địa bàn nghiên cứu. Nằm ở khu vực phía Nam Lạng Sơn, đây là vùng sâu trong nội địa của tỉnh. Người Tày ở huyện Chi Lăng nói chung ít tham gia các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Nông nghiệp, buôn bán nhỏ và dịch vụ là nguồn sinh kế chính của đồng bào nơi đây. Gần đây, học viên có cơ hội tham gia một đề tài nghiên cứu của Viện Dân tộc học về biến đổi kinh tế - xã hội của người Tày tại xã Quang Lang. Học viên muốn chọn địa bàn này cho nghiên cứu thực địa của luận văn để có thể kế thừa các tài liệu, hiểu biết chung về đời sống kinh tế - xã hội của người Tày nơi đây, làm cơ sở để hiểu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.

rõ hơn quan hệ dòng họ của họ từ sau Đổi mới (1986). Tại điểm nghiên cứu, chúng tôi đã chọn 2 làng người Tày, một làng ven thị trấn và đường quốc lộ 1A, một làng ở trong sâu hơn để so sánh mức độ biến đổi kinh tế - xã hội cũng như biến đổi trong quan hệ dòng họ nơi đây.

4. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

Biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1986 đến nay - 2

4.1. Câu hỏi nghiên cứu

Sau năm 1986 đất nước ta bước vào công cuộc Đổi mới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, đời sống văn hóa của nhân dân cả nước nói chung, người Tày ở Lạng Sơn nói riêng đã có sự biến đổi mạnh mẽ. Trong đó, mối quan hệ dòng họ vốn được xem như thành tố cốt lõi tạo nên xã hội người Tày, nền tảng của thiết chế xã hội truyền thống, giữ vai trò quan trọng chi phối đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tộc người cũng đang dần biến đổi. Để làm rõ quá trình biến đổi của dòng họ người Tày trong bối cảnh chung của đất nước, cũng như để giải đáp cho vấn đề nghiên cứu được đặt ra, đề tài đưa ra một vài câu hỏi cụ thể sau:

- Cấu trúc dòng họ và quan hệ dòng họ của người Tày tại địa bàn nghiên cứu đã và đang vận hành như thế nào?

- Quan hệ dòng họ đóng vai trò như thế nào trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người Tày từ sau Đổi mới?

- Đâu là nguyên nhân và xu hướng của biến đổi trong quan hệ dòng họ của người Tày?

4.2. Giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu này giải thuyết rằng từ sau Đổi mới (1986), dưới tác động của bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế, đời sống của người Tày ở Lạng Sơn đang dần được cải thiện. Từ đó nảy sinh nhu cầu phục hồi lại các hình thức tổ chức sinh hoạt trong dòng họ, đồng thời, củng cố lại cấu trúc dòng họ. Vai trò và vị trí của cá nhân trong dòng họ ngày càng được tăng cường. Nhờ đó, giá trị cơ bản dòng họ dần được phục sinh sau thời gian dài bị vùi lấp đi trong thời bao cấp. Dòng họ ngày càng đóng vai trò quan

trọng trong đời sống của người Tày. Nó như là chỗ dựa tinh thần, một nguồn vốn xã hội cho cộng đồng trong nền kinh tế thị trường.

Mối quan hệ trong dòng họ của người Tày ngày càng được củng cố và chuyển biến theo hướng tích cực. Con người có xu hướng cố kết lại với nhau để ứng phó với thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và quá trình hiện đại hoá. Nhưng những mối quan hệ này lại dễ bị tác động bởi những quan hệ kinh tế và lợi ích kinh tế mới. Vì vậy, cũng nảy sinh một số mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng họ và các thành viên trong cộng đồng do ảnh hưởng của lối sống mới du nhập và tệ nạn xã hội trong cộng đồng ngày càng gia tăng.

Quan hệ dòng họ có vai trò quan trọng trong cả đời sống tín ngưỡng và đời sống kinh tế. Sự tương trợ, giúp đỡ này có ý nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần. Quan hệ dòng họ và mạng lưới họ hàng là mạng lưới xã hội, một nguồn vốn xã hội được xây dựng và sử dụng cho lợi ích từng gia đình. So với mạng lưới khác như cộng đồng thôn bản, bạn bè, quan hệ dòng họ đóng vai trò quan trọng hơn.

5. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chủ đạo được sử dụng trong nghiên cứu này là điền dã dân tộc học.Để thu thập được thông tin đầy đủ, chính xác và có giá trị khoa học, mang tính chân thực cao tác giả luận văn đã vận dụng một số kỹ năng sau:

Quan sát: với mục đích hình dung được cảnh quan, môi trường cư trú, cách bố trí làng bản, lối sống sinh hoạt và sự giao tiếp của các gia đình, dòng họ người Tày, giúp tác giả thu thập được những thông tin ban đầu về đối tượng nghiên cứu, định hướng chính xác cho những vấn đề mục tiêu nghiên cứu đặt ra.

Quan sát tham dự: đây là phương pháp quan trọng và hữu dụng cho đề tài nghiên cứu. Với phương châm ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tác giả thâm nhập và hòa đồng với cộng đồng trong thời gian khoảng 2 tháng tại địa bàn nghiên cứu. Việc quan sát tham dựđược thực hiện chủ yếu trong việc

sinh hoạt, hội họp cộng đồng, dòng họ, gia đình và các tổ chức đoàn thể; trong các nghi lễ, tập tục của các gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản.Qua việc tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, phương pháp này giúp tác giả phản ánh đầy đủ hơn quan điểm của chủ thể về vai trò của dòng họ trong đời sống tộc người từ sau Đổi mới đến nay.

Phỏng vấn sâu: cùng với việc quan sát tham dự, tác giả kết hợp thực hiện phương pháp phỏng vấn sâu bán cấu trúc. Đây là kỹ năng cơ bản để tác giả thu thập thông tin cho luận văn. Tác giảđã tiến hành phỏng vấn60 người, bao gồm đủ mọi thành phần trong cộng đồng: nam, nữ, người già, trung niên, thanh niên, học sinh…. Sự đa dạng về giới, độ tuổi như vậy cho phép thu được nguồn thông tin đa chiều về liên quan đến dòng họ và quan hệ trong dòng họ của người Tày ở địa bàn nghiên cứu.

Luận văncũng sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và tổng hợp để hệ thống hóa các nguồn tài liệu sơ cấp và thứ cấp thu được trong quá trình điều tra, nghiên cứu. Phân tích và so sánh để đánh giá thực trạng biến đổi, vị trí, vai trò của dòng họ và mối quan hệ trong dòng họ của người Tày sau Đổi mới đến nay.

Ngoài ra, luận văn kế thừa một số kết quả định lượng của đề tài “Biến đổi kinh tế - xã hội của người Tày ở một xã vùng Đông Bắc” của Viện Dân tộc học mà học viên đã có cơ hội tham gia năm 2016. Được sự cho phép của chủ nhiệm đề tài, học viên sử dụng kết quả xử lý 140 phiếu điều tra hộ gia đình liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội của người Tày hai thôn Khun Phang và Làng Đăng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn

6.1. Ý nghĩa khoa học

Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần bổ sung thêm tư liệu thực tế về dòng họ và biến đổi quan hệ dòng họ của người Tày ở một địa phương cụ thể vùng Đông Bắc.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Qua tìm hiểu, phân tích về mối quan hệ dòng họ của người Tày, đề tài góp phần làm rõ hơn cấu trúc, tổ chức sinh hoạt, chức năng, vai trò và vị trí của dòng họ trong đời sống của cộng đồng, qua đó, cho thấy quá trình vận động và biến đổi trong quan hệ dòng họ của người Tày dưới tác động của quá trình Đổi mới đất nước hiện nay.Đặc biệt,đề tài luận văn giúp nhìn nhận rõ hơn về việc dòng họcó phải là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự cố kết bên trong và sự giao lưu ra bên ngoài của cộng đồng người Tày hiện nay hay không; Dòng họ có phải là thành tố quan trọng giúp duy trì, tái tạo, bảo lưu văn hóa tộc người, đồng thời là chỗ dựa tinh thần, một nguồn vốn xã hội quan trọng trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, hội nhập và phát triển mạnh như hiện nay hay không. Từ việc xem xét vai trò, xu hướng biến đổi của dòng họ trong đời sống xã hội người Tày, đề tài hy vọng góp phần cung cấp thêm cơ sở khoa học các nhà quản lý, các cấp chính quyền, nhà hoạch định chính sách lưu ý về vai trò của dòng họ trong đời sống của cộng đồng để quản lý, đưa ra các chính sách phù hợp trong vấn đề phát triển nông thôn miền núi và xây dựng nông thôn mới ở nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của luận văn được chia thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Dòng họ của ngườiTày ở xã Quang Lang

Chương 3: Biến đổi quan hệ dòng họ trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ vòng đời từ năm 1986 đến nay

Chương 4: Biến đổi quan hệ dòng họ trong hoạt động kinh tế và đời sống xã hội từ năm 1986 đến nay

Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu

1.1 Tổng quan nghiên cứu về dòng họ.

1.1.1 Nghiên cứu về dòng họ và quan hệ dòng họ ở Việt Nam Nghiên cứu về dòng họ và quan hệ dòng họ ở người Kinh(Việt):

Dòng họ là thành tố văn hóa, thiết chế xã hội quan trọng, góp phần tạo nên kết cấu làng xã. Dòng họ sớm đã đóng vai trò và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Việt. Do vậy, từ lâu dòng họ là đề tài thu hút rất nhiều các nhà nghiên cứu với nhiều lĩnh vực khác nhau: xã hội học, sử học, văn hóa, dân tộc học… Vấn đề dòng họ được đề cập trong các bộ chính sử, các công trình nghiên cứu về làng xã, các chuyên khảo về dòng họ trong mối quan hệ với văn hoá, phong tục người Việt, cấu trúc kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống(Gourou 2004, Trần Quốc Vượng 1997, Phan Đại Doãn 1999; 2003, Trần Từ 1984,...). Những công trình này từ chỗ hệ thống, mô tả về phả hệ của các dòng họ hay thống kê, điều tra về tên các dòng họ ở các làng xã trong thời phong kiến và thuộc địa đã đi tới tìm hiểu về cấu trúc, nội dung, vai trò và ảnh hưởng của dòng họ đối với các thành viên, trong đời sống cộng đồng làng xã và trong lịch sử của dân tộc.

Tiếp nối hướng nghiên cứu trên, trong những năm 2000, đã có nhiều công trình khóa luận, luận văn, luận án nghiên cứu về vấn đề dòng họ của người Kinh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu, luận án Tiến sĩ Lịch sử của Phan Chí Thành (2006), với nghiên cứu “Dòng họ và đời sống làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ qua tư liệu ở một số xã thuộc huyện Thạch Thất – Hà Tây”; Luận văn thạc sĩ ngành Văn hóa học của Đỗ Thị Phương Anh (2006) về “Văn hóa dòng họ Nguyễn Quý làng Đại Mỗ (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội)”; Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử của Lê Minh Anh (2000) về “Dòng họ và quan hệ dòng họ của người Việt làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định”… Mặc dù các công trình này còn nặng về truyền thống nhưng đã khái quát được thực trạng, xu hướng vận động và một số biến đổi

của các dòng họ ở các địa phương khác nhau, qua đó làm rõ vai trò của dòng họ trong đời sống cộng đồng.

Mới đây nhất, có hai nghiên cứu quan trọng về quan hệ dòng họ của người Việt đã được thực hiện (Nguyễn Tuấn Anh 2010; Nguyễn Thu Hiền 2015). Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Tuấn Anh (2010) “Kinship as Social Capital: Economic, Social and Cultural Dimensions of Changing Kinship Relations in a Northern Vietnamese Village”. Đã phân tích về biến đổi trong quan hệ dòng họ và vai trò của vốn xã hội ở một làng quê Nghệ An. Tác giả đã phân tích một cách có hệ thống quan hệ dòng họ ở làng được nghiên cứu từ thời trước Cách mạng Tháng Tám cho đến nay. Tác giả cho rằng trong xã hội Việt Nam truyền thống trước Cách mạng, nội tộc đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ dòng họ. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, do tác động của cải cách ruộng đất, phong trào tập thể hoá và cuộc vận động về tư tưởng, diễn ra sự giản tiện hoá các nghi lễ thờ cúng của dòng họ, vai trò và chức năng của dòng họ bị suy giảm ở cả các khía cạnh tín ngưỡng, kinh tế và giáo dục. Quan hệ tình cảm của các thành viên trong họ cũng bị tổn hại trong thời kỳ này. Sang thời kỳ Đổi mới, qua sự phục hồi và tăng cường các nghi lễ thờ cúng, nghi lễ vòng đời, người dân có xu hướng gây dựng vốn xã hội không chỉ giữa những người trong họ nội mà còn cả với những người trong mạng lưới họ hàng bên ngoại, họ bên vợ (chồng). Quan hệ dòng họ ở đó không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp tang ma, cưới xin mà còn trở thành vốn xã hội trong đầu tư giáo dục cho trẻ em, trong các hoạt động kinh tế và vay vốn tín dụng tư nhân.

Trong khi đó, luận án Tiến sỹ của Nguyễn Thu Hiền (2015) nghiên cứu về “Quan hệ dòng họ ở làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) - truyền thống và biến đổi” lại cho thấy kết quả thú vị khác. Nghiên cứu cho rằng do đặc thù của một làng nghề, quan hệ dòng họ ở Bát Tràng vừa có nét chung của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ, vừa có nét riêng của làng nghề. Trong giai đoạn hiện nay, ở Bát Tràng có sự biến đổi về

tổ chức và tôn ty trật tự trong quan hệ dòng họ. Nguyên tắc “đích trưởng”, Hội đồng gia tộc được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tính năng động của các thành viên trong họ. Giống như Nguyễn Tuấn Anh (2015), tác giả khẳng định rằng nữ giới ngày nay cũng có thể được tham gia vào việc họ. Ngoài ra, còn có sự biến đổi trong tổ chức thờ cúng dòng họ với phong trào trùng tu, tôn tạo nhà thờ, tổ chức thờ cúng với quy mô và hình thức lớn hơn. Trong khi đó, do những thay đổi trong tục lệ tang ma, cưới xin, sự tương trợ về kinh tế, nhân công của dòng họ trong các dịp này lại giảm đi. Vai trò của quan hệ dòng họ trong lĩnh vực kinh tế cũng không thực sự nổi bật do quan hệ dòng họ trong hoạt động kinh tế ở làng nghề ở đây vốn đã mờ nhạt.

Điểm lại các công trình nghiên cứu về dòng họ ở người Việt cho thấy các nghiên cứu còn nặng về quá khứ, ít thảo luận về sự biến đổi của các yếu tố truyền thống trong xã hội đương đại. Tuy nhiên, kết quả của một số ít các nghiên cứu đề cập đến biến đổi của quan hệ dòng họ ở làng Việt nêu trên cho thấy nhiều khía cạnh trong quan hệ dòng họ đã và đang biến đổi. Có cả sự tương đồng và khác biệt trong xu hướng biến đổi ở các cộng đồng, tuỳ thuộc vào đặc thù kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương. Các kết quả đó gợi mở sự cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về vai trò của dòng họ, quan hệ dòng họ như là một phần của thiết chế văn hoá, xã hội trong sự phát triển hiện nay của người Việt và việc áp dụng những hướng nghiên cứu này ở các tộc người thiểu số ở nước ta trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Nghiên cứu về dòng họ và quan hệ dòng họ ở các tộc người thiểu số:

Dòng họ và quan hệ dòng họ được đề cập và nghiên cứu trong nhiều công trình Dân tộc học/Nhân học về các tộc người thiểu số ở nước ta. Do điều kiện hạn hẹp, chúng tôi chỉ xin điểm qua một vài xu hướng nghiên cứu chính về chủ đề này ở một số tộc người.

Ở khu vực miền núi phía Bắc, các nghiên cứu về dòng họ và quan hệ dòng họ tập trung nhiều vào các dân tộc có dân số lớn như Thái, Nùng, Hmông... Trong đó, có thể nói, nghiên cứu về dòng họ người Hmông thu hút

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/05/2022