Bia đá thế kỷ XVII của một số chùa ở ngoại thành Hà Nội (khảo sát 10 huyện phía tây và phía nam Hà Nội) - 15

mỗi cá nhân đều có thể dãi bày nỗi niềm riêng tư, cầu mong cho bản thân. Vì thế những người bình dân ở các làng quê tự nguyện đóng góp xây dựng tu sửa chùa nhiều hơn và phổ biến hơn so với việc đóng góp để xây dựng đình.

Tiểu kết chương 3

Trong tổng số 17 ngôi chùa được tạo dựng vào giai đoạn thế kỷ XVII ở một số huyện ngoại thành Hà Nội thì có 29 bia đã khắc ghi lại việc tạo dựng, trùng tu chùa phục hưng cho đạo Phật. Qua bia đá có thể thấy được cách phân biệt giữa loại hình kiến trúc của "Đại danh lam" do những vua chúa đứng ra

xây dựng, có quy mô lớn và "danh lam" là do các quan lại, hoặc người dân đứng ra xây dựng, nhưng có sức lan tỏa cả một vùng.

Vị trí và cảnh quan ngôi chùa cũng được ghi lại khá chi tiết trong phần mở đầu mỗi văn bia. Bởi vị trí của chùa cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tín ngưỡng của người dân, nên phía trước chùa thường là bãi trống, phía trước- sau có dòng nước uốn quanh, bên trái- bên phải thì có thanh Long, bạch Hổ làm điểm tựa. Điều đó đã dần trở thành quy luật cho việc lựa chọn nơi thờ cúng trong tâm thức của người dân.

Một điều đáng quan tâm là nội dung của 29 văn bia đều nhắc đến quy mô của 17 ngôi chùa khi xây dựng xong hoặc trùng tu lại trong giai đoạn thế kỷ XVII, bao gồm đầy đủ các hạng mục công trình: từ những công trình chính trong chùa (Tam bảo) đến những công trình phụ trợ được gắn kết với nhau, tạo nên không gian thờ tự được tôn nghiêm.

Bên cạnh đó, trong văn bia còn ghi rò việc sử dụng vật liệu để làm chùa, ngoài những vật liệu thảo mộc (gỗ, tranh, tre), còn sử dụng các chất liệu bền chắc như: đá, đất nung… Điều đó có thể giúp ích cho những người làm công tác bảo tồn di tích trong giai đoạn hiện nay có thể lựa chọn vật liệu để trùng tu các ngôi chùa có thể đảm bảo được tính nguyên gốc của nó.

Ngoài ra, cuối mỗi bài văn bia còn ghi số lượng người tham gia trùng tu, sửa chữa chùa thuộc nhiều đối tượng khác nhau, từ tầng lớp vua chúa, quan

lại đến các nhà sư, người dân trong làng xã đều bỏ tiền của, công sức để xây dựng chùa, hoặc chú trọng việc bảo tồn di sản của cha ông, nên mới có được những ngôi chùa có quy mô kiến trúc bề thế như ngày hôm nay.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu bia đá chùa thế kỷ XVII ở 10 huyện ngoại thành Hà Nội đã tổng hợp lại việc tạo dựng, trùng tu các ngôi chùa qua văn bia và nghệ thuật điêu khắc trang trí trên bia đá là nội dung chính trong luận văn.

Bia đá thế kỷ XVII của một số chùa ở ngoại thành Hà Nội (khảo sát 10 huyện phía tây và phía nam Hà Nội) - 15

1. Bia đá được tạo tác trong các ngôi chùa Việt giai đoạn thế kỷ XVII còn tồn tại đến ngày nay phân bố rải rác trong di tích ở các làng xã. Bia đá thời kỳ này hầu hết sử dụng các nguồn đá chuyên dùng hoặc vật liệu sẵn có của địa phương như đá nhám, đá vôi, đá sa thạch…để chế tác. Do nguồn đá khác nhau đã hình thành nên từng loại bia với cách thức và quy trình khác nhau, trong đó bia mang phong cách dân gian là phổ biến. Bia thế kỷ XVII đã tiếp thu truyền thống dân gian của bia đá các thế kỷ trước, làm cơ sở cho bước phát triển phong cách dân gian trên bia thế kỷ sau này.

2. Sự xuất hiện nhiều bia đá chùa thế kỷ XVII với 1/5 tổng số tác giả soạn văn bia là Tiến sĩ cho thấy văn bia được thể hiện như một loại văn chương bác học, mặc dù bia đá được dựng ở các làng quê. Sự tham gia của các nhà khoa bảng trong việc soạn văn bia cho chùa làng đã thể hiện sự dung hợp giữa các tôn giáo khác nhau mà không bị loại trừ, bài xích. Bởi lẽ các Tiến sĩ được đào tạo theo quan điểm của Nho giáo, họ hành đạo và nhập thế tích cực. Ở những bài văn bia nói về việc trùng tu sửa sang chùa, họ còn ca ngợi những triết lý của nhà Phật. Bên cạnh đó các nhà sư cũng đã tích cực tham gia vào những hoạt động của đời sống xã hội ngoài việc hành pháp và trông coi tu bổ chùa chiền. Những điều đó đã một lần nữa cho thấy có sự đan xen giữa các tôn giáo khác nhau trong đời sống dân gian ở vùng ngoại thành Hà Nội. Nếu so với thời Nguyễn, thời Lê Sơ khi Nho giáo được coi là tư tưởng chính thống thì sự đan cài giữa Nho và Phật như ở thế kỷ XVII thật đặc sắc. Qua đó cũng phản ánh quan hệ giữa quan chức với các làng xã không quá xa vời, tách biệt mà có phần gần gũi.

3. Hình dáng bia đá thời kỳ cũng này không tuân thủ theo một kích thước nào cả, các bia có hình dáng khác nhau bao gồm bia 1 mặt, bia 2 mặt, 4 mặt, trong đó dạng bia 2 mặt và bia 4 mặt chiếm tỷ lệ phổ biến. Kỹ thuật sử dụng chủ yếu là chạm nổi, chạm chìm, chạm nét…các đường nét được chau chuốt tỷ mỷ. Những hình tượng chính được làm nổi rò trên trán hoặc diềm bia đã phản ánh những thành công nổi bật, trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc, trang trí dân gian thế kỷ XVII. Các nghệ nhân thời này đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá mà vận dụng chúng trong tạo hình.

Trang trí trên bia thế kỷ XVII được thể hiện từng mảng đề tài, nét tả thực đậm chất dân gian đa dạng phong phú hơn so với thời kỳ trước. Mặc dù những nét chạm trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII có những nét tương đồng như những nét chạm thế kỷ XVI, đến giữa thế kỷ XVII những nét chạm có phần mập mạp hơn và những hình tượng phong phú hơn, không còn tuân thủ theo một quy chuẩn nhất định. Ngoài những biểu tượng mang tính chất chính thống như hình rồng, phượng…thì trên bia đá thời kỳ này từ những hình tượng dân gian (như chim thú, tôm, cua, cá, rồi hình ảnh con chuột đồng, trâu…), đến những biểu tượng tự nhiên (hình hoa lá, dây leo tay mướp, hoa sen, hoa cúc, vân xoắn, đao mác…) phong phú về kiểu dáng đã xuất hiện nhiều trên bia. Đặc biệt trong thời kỳ này bia gửi hậu của những người có công với làng xã đã được chạm chân dung trên bia đá phổ biến hơn so với thời kỳ trước. Đó chính là những chuyển biến trong chạm khắc bia đá của Việt Nam thời kỳ này. Qua những trang trí trên bia thế kỷ XVII đã góp phần khẳng định một thời kỳ phát triển cao của văn hoá dân gian.

4. Trong 17 ngôi chùa thì có 04 ngôi chùa là Đại danh lam, bởi những di tích này hầu hết đã có từ thời kỳ Lý - Trần, nhưng đến thế kỷ XVII được tiến hành trùng tu lớn và kiến trúc gỗ truyền thống còn lưu lại được hầu hết là của thời kỳ này. Việc tạo dựng và trùng tu chùa đều tuân theo những nguyên tắc nhất định, vật liệu dùng chủ yếu bằng gỗ, bên cạnh đó còn sử dụng các

chất liệu đất nung, đá. Đó là những vật liệu bền chắc, có thể tồn tại được lâu dài.

Ngoài ra bia đá cũng đã xác định tương đối vị trí xây dựng chùa, đó phải là nơi đắc địa, phong quang thoáng đãng, bởi đây là những ngôi chùa lớn, không những của một làng mà của một vùng rộng lớn, phía trước còn có thêm những dòng sông nhỏ làm nơi tụ thuỷ, tụ phúc của dân làng. Ngoài ra, bố cục cảnh quan các ngôi chùa thường có dáng vẻ uy nghiêm, tĩnh mịch mà không xa rời đời sống của người dân. Đồng thời qua văn bia cũng đã khẳng định thêm việc tạo tượng, đúc chuông, là những đồ thờ không thể thiếu trong mỗi ngôi chùa Việt.

5. Các ngôi chùa vùng ngoài thành Hà Nội là nơi tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhưng so với các công trình tín ngưỡng khác thì ảnh hưởng của nó rộng rãi hơn, có sức lan tỏa nhiều hơn. Điều này được ghi nhận qua sự đóng góp tiền của để hưng công xây dựng các ngôi chùa. Các Cung phi, Hoàng hậu đã nhiều lần góp tiền bạc để trùng tu hoặc xây dựng những ngôi chùa đẹp nổi tiếng trong vùng như chùa Đậu, chùa Mui, chùa Thầy, chùa Bối Khê...

6. Tồn tại cho đến nay, nhiều bia đá thế kỷ XVII còn bảo tồn được khá nguyên vẹn từ phần nội dung văn bản chữ Hán đến những trang trí chạm khắc trên bia đá là do ý thức bảo vệ di tích của người dân và sự hiểu biết của các ban ngành quản lý di tích. Tuy nhiên, không phải tất cả bia đá ở các địa phương đều được bảo quản tốt, mà trên thực tế một số bia đá đang trong tình trạng bị xuống cấp hoặc không được sử dụng đúng với chức năng của nó. Một số bia đá hiện nay đã bị bào mòn rất nhiều do mưa nắng thất thường, không còn rò nét chữ, nét chạm khắc…như bia chùa Sổ, chùa Bối Khê (Thanh Oai)...Bên cạnh đó một số bia đá không được sử dụng đúng với mục đích, chức năng của nó, do trong quá trình tu sửa di tích, người dân đã đào bia đá lên đặt vào một góc tường, một góc vườn nào đó như bia chùa Sổ (Thanh Oai

- Hà Nội), phần đế bia đã bị chìm xuống móng, không còn rò hình dáng của rùa đội bia… hoặc một số bia đá trong quá trình trùng tu di tích, do công tác bảo quản không cẩn thận đã bị vật liệu xây dựng rơi vãi, làm bia đá bị vỡ làm đôi, nên người dân đã dùng xi măng hàn gắn lại như bia chùa Thầy (Quốc Oai), hay đã trát thêm xi măng ở bên ngoài mé bia dày 0.10m ở chùa Mía (Sơn Tây)... Nhiều nơi, người dân địa phương lại có những quan niệm chỉ chú trọng đến những bia ghi thần tích, lịch sử xây dựng và trùng tu di tích, những bia hậu bị coi nhẹ, nên nhiều bia hậu được tạo dựng vào thế kỷ XVII có giá trị nghệ thuật cao không được sử dụng đúng với mục đích của nó. Ngoài ra, trong những năm gần đây việc nghiên cứu về bia đá được chú trọng, nhiều nhà nghiên cứu đã về các địa phương sưu tầm bia, để lưu lại những tư liệu, họ đã dùng cách rập lại hoa văn và nội dung văn bia. Khi hoàn tất công việc, không vệ sinh,.. đã gây nấm mốc mặt bia, nên nhiều bia đá đã bị biến đổi thành nhiều màu khác nhau.

Trước thực trạng đó, thiết nghĩ cần phải đề ra những nguyên tắc chung và những giải pháp mang tính đặc thù riêng cho loại hình di vật này. Trước hết cần phải coi những bia đá nói chung và bia đá thế kỷ XVII nói riêng là những di sản của cha ông để lại, nó có những giá trị nhất định về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật điêu khắc trang trí... Do đó, bia đá không chỉ là đối tượng quan tâm của ngành Hán Nôm mà còn đòi hỏi sự kết hợp liên ngành lịch sử, văn học, mỹ thuật… góp phần cho công tác bảo tồn các di tích kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích gắn liền với bảo tồn các di vật nói chung và bia đá nói riêng trong các di tích. Hơn nữa, cần tiến hành khảo sát, lập danh mục những bia đá có niên đại tuyệt đối và tương đối mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII (với những bia đá đã bị bào mòn, không còn rò niên đại tạo tác). Từ đó đưa ra những biện pháp bảo vệ nhất định loại hình di vật này trong các di tích của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ngoài ra, bia đá trong các di tích hiện nay hầu hết nằm ngoài trời, chính vì vậy trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, mưa nắng thất thường… làm cho bia đá dần dần bị bào mòn không còn rò phần văn bản cũng như hình tượng chạm khắc. Do vậy, các ngôi chùa cần có những quy hoạch nhất định và xây dựng nhà bia bảo vệ, điều đó có thể làm tăng thêm tuổi thọ cho bia đá,

làm cơ sở để đánh giá khách quan hơn sự tồn tại của di tích.

Bia đá kết đọng những giá trị về văn học, nghệ thuật, lịch sử… là tấm gương phản ánh truyền thống văn hoá, là sự khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu không có sự đánh giá đúng mức, khoa học và các biện pháp bảo tồn đối với các bia đá trong chùa hiện còn ở các địa phương vùng ngoại thành Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung, thì e rằng chúng sẽ bị mai một và hư hại, hiện trạng đó đã từng xảy ra. Do đó chúng ta cần phải có những biện pháp tích cực để bảo vệ nguồn di sản quý giá này, đồng thời có những công trình nghiên cứu sâu hơn về nội dung văn bia để có thể hiểu, trân trọng và phát huy hơn nữa những giá trị của cha ông ta để lại.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022