Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam - 2

chỉ mới ra đời cách đây chưa đầy một trăm năm. Hai đạo luật về chứng khoán và giao dịch chứng khoán của Mỹ ra đời vào năm 1933 và 1934 là hai đạo luật đầu tiên trên thế giới về chứng khoán và TTCK. Cho đến nay thì hầu hết các nước trên thế giới kể cả các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi cũng đã có Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán như: Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Bungari Ba Lan, Belarus…

Ở Việt Nam, ý nghĩa thực sự của sự ra đời thị trường chứng khoán đã vượt ra ngoài khuôn khổ là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Hơn thế nữa, nó còn là tiền đề cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, cải cách chế độ doanh nghiệp theo hướng kinh tế thị trường.

Dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự hình thành thị trường chứng khoán nước ta là Luật Công ty ra đời năm 1990 với quy định cho phép các công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu. Quy định này ra đời cùng với chương trình thí điểm cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước vào năm 1992. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở pháp lý là các văn bản hướng dẫn thi hành nên hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán còn diễn ra một cách tự phát và chưa có sự quản lý của Nhà nước.

Sau đó, phải đến ngày 20/7/2000, trường chứng khoán Việt Nam mới chính thức đi vào hoạt động được đánh dấu bằng sự đi vào hoạt động của Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) triển khai hoạt động. Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán, Chính phủ ban hành Nghị định 75/1996/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 về chứng khoán và thị trường chứng khoán, sau đó là Nghị

định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán (thay thế Nghị định 48). Các văn bản pháp luật này bước đầu đã tạo được một khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành và phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau một số năm hoạt động cho thấy quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển của nền kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ là trở thành một kênh huy động vốn trong nước hữu hiệu cho nền kinh tế bên cạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế này xuất phát từ hệ thống pháp luật về chứng khoán còn thiếu đồng bộ, chưa có Luật Chứng khoán để tạo môi trường pháp lý thống nhất, đầy đủ, ổn định điều chỉnh mọi hoạt động diễn ra trên thị trường chứng khoán. Nhận thức được vấn đề đó, ngày 29/6/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Sau gần 4 năm đi vào thực hiện, Luật Chứng khoán đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cao, đảm bảo cho một thị trường hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, giúp thị trường phát huy vai trò to lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán phát triển thì một số quy định của Luật Chứng khoán lại chưa phù hợp với hoạt động của thị trường như: phạm vi áp dụng còn hẹp, một số quy định chưa rõ ràng, các quy định về thẩm quyền của cơ quan quản lý còn thiếu linh hoạt. Để giải quyết những vướng mắc trên, ngày 24/11/2010 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Dựa trên cơ sở khuôn khổ pháp lý trên, thị trường chứng khoán nước ta đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Theo “Báo cáo việc tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước năm 2010 và chương trình công tác năm 2011” thì tính đến hết năm 2010, có 631 công ty đã niêm yết trên hai Sở; trong năm 2010, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ

phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 109 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2009).

Bên cạnh sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán nước ta, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trên thị trường trong đó có các nhà đầu tư trong công ty niêm yết luôn được đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là mục tiêu quản lý thị trường chứng khoán do Tổ chức quốc tế các Uỷ ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị. Bảo vệ tốt nhà đầu tư giúp nhà đầu tư an tâm hơn khi bỏ vốn để mua chứng khoán và dành sự ủng hộ cho các kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết, ngược lại các công ty niêm yết thu hút được nhiều vốn, tăng tiềm lực kinh tế, gia tăng giá trị cổ phiếu và khuyếch trương danh tiếng của mình trên thương trường. Ở phạm vi toàn thị trường, bảo vệ tốt nhà đầu tư giúp thị trường phát triển ổn định, an toàn, giảm thiểu được những rủi ro vốn có của thị trường chứng khoán. Do đó, không chỉ ở thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam mà cả các thị trường chứng khoán phát triển khác, các nhà lập pháp luôn dành sự quan tâm thích đáng tới tiêu chí bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư khi đưa ra chính sách phát triển thị trường này.

Để cụ thể hoá Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết (kèm theo Quyết định 15/2007/QĐ- BTC ngày 19/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán – sau đây gọi tắt là Quy chế quản trị công ty niêm yết (kèm theo Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Tuy nhiên, thực tế bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong các công ty niêm yết vẫn chưa thực sự hiệu quả. Quyền của cổ đông thiểu số bị lạm dụng, các nhóm cổ đông có sự phân hoá quyền lực và lợi ích rất sâu sắc,

chưa kiểm soát được các giao dịch tư lợi của thành viên quản lý công ty niêm yết gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác…

Ngày 09/9/2010, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2010 – 2011”, trong đó Việt Nam được thăng hạng 16 bậc từ vị trí 75/133 lên vị trí 59/139. Mặc dù vậy, có nhiều yếu tố mà Việt Nam đứng ở gần cuối bảng xếp hạng của WEF trong đó mức độ bảo vệ nhà đầu tư đứng thứ 133/139 [4]. Chính mức độ bảo vệ nhà đầu thấp cũng là một yếu tố khiến Việt Nam bị giảm điểm trong xếp hạng môi trường kinh doanh do Tạp chí Forber công bố mới đây. Ở yếu tố này trong xếp hạng của Tạp chí Forber, Việt Nam xếp 125/128 nền kinh tế được đưa vào báo cáo [9]. Trong các “Báo cáo Môi trường kinh doanh” do Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế công bố năm 2009 và năm 2010, Việt Nam thường xuyên đứng cuối bảng về mức độ bảo vệ nhà đầu tư, đứng thứ 171/183 năm 2009

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

[10] và 172/183 năm 2010 [11]. Rõ ràng, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là vô cùng cấp thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính các nhà đầu tư - một chủ thể quan trọng và không thể thiếu của thị trường chứng khoán, đồng thời đảm bảo sự vận hành thị trường chứng khoán một cách công bằng, hiệu quả; nâng cao thứ hạng quốc tế và cải thiện hình ảnh của Việt Nam trước con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, tác giả đã chọn đề tài “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam” để làm luận văn thạc sỹ luật học của mình.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam - 2

2. Tình hình nghiên cứu đề tài


Vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung trong thời gian gần đây đã được quan nghiên cứu bởi một số tổ chức quốc tế. Trong số đó, phải kể đến “Báo cáo năng lực cạnh

tranh toàn cầu năm 2010 – 2011” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và “Báo cáo về môi trường kinh doanh” được Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố năm 2010. Những nghiên cứu này đánh giá và xếp hạng mức độ bảo vệ nhà đầu tư dựa trên một số tiêu chí nhất định mà không đi sâu phân tích về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nói chung và bảo vệ nhà đầu tư trong công ty niêm yết nói riêng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học trong nước thuộc các lĩnh vực khác nhau đã dành sự quan tâm nhất định tới vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu: luận án tiến sỹ: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam” của Hoàng Thị Quỳnh Chi. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã tập trung luận giải một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh yêu cầu bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các công trình này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu khung pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán một cách bao quát, tổng thể. Ngoài ra, một số bài báo và ấn phẩm đã bắt đầu nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhà đầu tư và công ty niêm yết trong việc bảo vệ nhà đầu tư như: “Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của PGS.TS Lê Hoàng Nga, “Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ: Biết bệnh nhưng chưa tìm thấy thuốc?” của tác giả Hà Minh… Nhưng các bài báo, ấn phẩm này cũng mới chỉ đề cập đến hoặc nghiên cứu một số khía cạnh của vấn đề này. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập, đánh giá một cách có hệ thống và đầy đủ nhất về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong các công ty niêm yết. Vì vậy, tác giả đã chọn đề tài này để nghiên cứu nhằm mục đích góp một tiếng nói vào vấn đề bảo vệ nhà đầu tư xét trong các công ty niêm yết - các tổ chức phát hành cổ phiếu ra công chúng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản như sau:


3.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp


Phương pháp phân tích được sử dụng để làm rõ các quy định của pháp luật về quyền và lợi ích của nhà đầu tư trong công ty niêm yết. Trong đó, tập trung vào các quy định tại Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Quy chế quản trị công ty niêm yết; Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết. Ngoài ra, các số liệu thống kê, một số tình huống nghiên cứu cũng được phân tích trên cơ sở quy định của pháp luật. Từ sự phân tích này, tác giả sẽ tổng hợp vấn đề để đưa ra ý kiến, nhận định cho vấn đề được xem xét.

3.2. Phương pháp so sánh


Khi xem xét các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết, tác giả có so sánh với pháp luật của một số nước để thấy được những điểm hợp lý hoặc còn bất cập trong việc điều chỉnh cơ chế bảo vệ nhà đầu tư do các công ty niêm yết thực hiện. Từ đó, có thể đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các quy định đối với vấn đề này.

Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ duy vật lịch sử.

4. Mục đích và phạm vi nghiên cứu


4.1. Mục đích nghiên cứu


Mục đích của luận văn là nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ nhà đầu tư trong các công ty niêm yết. Trên cơ sở đó, luận văn đề xuất các phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư trong công ty

niêm yết, góp phần vào việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về pháp luật điều chỉnh các hoạt động bảo vệ nhà đầu tư trong các công ty niêm yết, phân tích những nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo vệ nhà đầu tư trong mối quan hệ với công ty niêm yết.

- Phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư trong công ty niêm yết. Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng trên. Đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này, từ đó rút ra những vấn đề cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

- Đề xuất các quan điểm, phương hướng và những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam.

4.2. Phạm vi nghiên cứu


Phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa nhà đầu tư và công ty niêm yết trong việc bảo vệ nhà đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Quy chế quản trị công ty niêm yết; Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết. Luận văn không đề cập đến vấn đề này trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc giữa nhà đầu tư với các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán như: công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, khái niệm nhà đầu tư được đề cập trong luận văn chỉ đề cập đến những người sở hữu cổ phiếu của công ty

niêm yết (gắn với quyền sở hữu cổ phiếu là quyền mua cổ phần và chứng quyền) hay cổ đông công ty; không bao gồm những nhà đầu tư sở hữu trái phiếu, chứng chỉ quỹ, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, chỉ số chứng khoán. Do đó, chứng khoán được đề cập đến chỉ là cổ phiếu, không bao gồm những loại chứng khoán khác.

5. Giới hạn thời điểm nghiên cứu


Các số liệu và quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong luận văn được cập nhật đến 30/01/2012.

6. Kết cấu của luận văn


Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương được kết cấu như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết

Chương 2: Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam

Chương 3: Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí