dân chúng về pháp luật thường gây khó khăn và tốn kém cho họ. Nên theo mô hình hồ sơ đăng ký kinh doanh của Anh Quốc phù hợp hơn đối với Việt Nam hiện nay.
Giải pháp thứ năm: Đồng bộ hóa các các văn bản pháp luật.
Chương trên đã phân tích xu hướng không thích hợp với luật của các văn bản dưới luật. Dù vậy luật không thể qui định thật đầy đủ chi tiết do trình độ xây dựng xây dựng luật hiên nay ở Việt Nam. Do đó vẫn cần tới các văn bản dưới luật. Tuy nhiên để các văn bản dưới luật không mâu thuẫn với luật thì trước hết nguyên tắc của luật phải rõ ràng, sau đó phải thiết lập một cơ chế hữu hiệu hủy bỏ các văn bản dưới luật mâu thuẫn với luật kịp thời. Vì vậy có thể phải làm tái hồi lại chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân. Việc này có ý nghĩa quan trọng là việc ban hành các văn bản dưới luật luôn luôn được một tổ chức ngoài Chính phủ theo dõi, giám sát và yêu cầu hủy bỏ kịp thời. Tuy nhiên các luật do Quốc hội làm ra phải có đầy đủ các chế tài để bảo đản quyền lực và chế tài để có thể hủy bỏ các văn bản trái luật.
Giải pháp thứ sáu: Tăng cường các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật bởi cơ quan đăng ký kinh doanh, cán bộ, công chức hay nhân viên của cơ quan này.
Luật Doanh nghiệp 2005 đã nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm các qui định về đăng ký kinh doanh và trao quyền cho cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý. Có lẽ pháp luật phải làm ngược lại, có nghĩa là nghiêm trị những hành vi vi phạm của cơ quan đăng ký kinh doanh và cán bộ, công chức hay nhân viên của cơ quan này. Xuất phát từ vấn đề bảo vệ tự do kinh doanh và quan niệm đăng ký kinh doanh không phải là một hành vi quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, nên cần phải qui định các chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm từ phía nhà nước. Các chế tài này bao gồm cả chế tài hình sự, chế tài dân sự và hành chính. Người nào đã bị xử lý hành chính về
hành vi cố ý gây cản trở việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. Ngoài ra còn phải bồi thường dân sự cho người bị thiệt hại. Có như vậy pháp luật về đăng ký kinh doanh mới được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và tự do kinh doanh mới được bảo đảm.
Giải pháp thứ bảy: Tin học hóa công tác đăng kinh doanh.
Hiện nay nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh đã triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng, chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đó vẫn là hiên tượng cá biệt. Có lẽ phải bảo đảm triển khai toàn quốc phương thức đăng ký kinh doanh này. Vì vậy trước hết Nhà nước cần phải nghiên cứu xây dựng một văn bản Luật về việc hiến đại hóa công tác đăng ký kinh doanh nhằm bảo đảm tự do kinh doanh, đơn giản, thuận tiện, đồng thời phải bảo đảm an toàn khi tiến hành hoạt động.
Giải pháp thứ tám: Nâng cao đạo đức và ý thức của cán bộ, công chức và nhân viên của các cơ quan đăng ký kinh doanh.
Việc vi phạm các qui định pháp luật về đăng ký kinh doanh của cán bộ, công chức và nhân viên hầu hết là do sự suy thoái về đạo đức và thiếu ý thức. Thực tế và lý thuyết đều cho thấy hoạt động đăng ký kinh doanh không đòi hỏi trình cao hoặc đặc biệt, nhưng lại có ý nghĩa lớn về bảo đảm quyền của người dân, đời sống của họ. Vì vậy việc tuyển chọn những người làm việc đăng ký kinh doanh nên chú trọng hơn vào đạo đức và ý thức đối với công việc. Trong quá trình làm việc những người này phải luôn luôn tự trau dồi đạo đức và ý thức đối với công việc. Gắn liền với nó là sự bảo đảm kiểm tra, giám sát và giáo dục những người này của các cấp có thẩm quyền. Có như vậy những hành vi chây ì, hạch sách, nhũng nhiễu, cản trở đăng ký kinh doanh mới được loại bỏ và tự do kinh doanh mới được bảo đảm.
Có thể bạn quan tâm!
- Điều Kiện Về Hồ Sơ Và Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh Về Hồ Sơ Đăng Ký Kinh Doanh
- Thực Trạng Thi Hành Các Qui Định Của Luật Doanh Nghiệp 2005 Về Tự Do Kinh Doanh Và Đăng Ký Kinh Doanh
- Kiến Nghị Về Các Định Hướng Hoàn Thiện Luật Doanh Nghiệp 2005
- Bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp 2005 - 11
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
KẾT LUẬN
Tự do kinh doanh được khởi xướng trong quá trình đổi mới ở Việt Nam, hiện đóng một vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Nó có thể được xem là dấu chấm hết cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp.
Tự do kinh doanh được khẳng định và được luật hóa trở thành một công cụ quan trọng trong việc bảo đảm đời sống của người dân. Với quyền tự do này, người dân có thể bỏ đồng vốn ít ỏi, chắt chiu của mình ra để thành lập doanh nghiệp kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và thông qua đó cung cấp những hàng hóa và dịch vụ đáp ứng cho các nhu cầu của xã hội. Điều đó có nghĩa là, khi nói đến tự do kinh doanh là nói tới việc thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Có mấy vấn đề lớn sau về tự do kinh doanh:
Thứ nhất, quyền tự do kinh doanh là một quyền tự nhiên được nhận thức và được hiến định và được luật hóa;
Thứ hai, các qui định của Hiến pháp và pháp luật không đưa ra định nghĩa quyền này theo logic hình thức mà chỉ khẳng định hoặc mô tả các thành tố của nó;
Thứ ba, các học giả trong và ngoài nước nhận thức tương đối đồng nhất về bản chất tự nhiên của quyền này, tuy nhiên quan niệm về các thành tố của nó có mức độ rộng hẹp khác nhau;
Thứ tư, khó có sự phân biệt thật rạch ròi giữa quyền này với các quyền tự do khác như tự do hợp đồng, tự do lập hội, tự do định đoạt…
Quyền tự do kinh doanh được hiểu là quyền tự nhiên của con người đã được hiến định và luật hóa để bảo đảm cho đời sống của con người và bao gồm các quyền tự do góp vốn thành lập doanh nghiệp, tự do lựa chọn hình thức doanh nghiệp, tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, tự do thuê mướn
và sử dụng lao động, tự do quản trị doanh nghiệp và tự do lựa chọn đối tác để giao dịch.
Vì là một quyền con người, nên quyền tự do kinh doanh cũng có các đặc tính: “phổ biến”, “cơ bản”, và “tuyệt đối”. Đặc tính “phổ biến” thể hiện ở chỗ: không kể chủng tộc, nòi giống, giới tính, quốc tịch hay địa vị xã hội…, mọi người đều có quyền như nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Đặc tính “cơ bản” thể hiện ở chỗ: các quyền đó không thể chuyển nhượng được, dù chúng có thể bị từ chối hay bị vi phạm. Đặc tính “tuyệt đối” thể hiện ở chỗ: các quyền này là nền tảng căn bản nhất của đời sống con người mà không thể bị hạn chế hay giảm bớt.
Quyền tự do kinh doanh liên quan tới đề tài này bao gồm: quyền tự do góp vốn thành lập doanh nghiệp, tự do lựa chọn hình thức doanh nghiệp, tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, tự do thuê mướn và sử dụng lao động, tự do quản trị doanh nghiệp và tự do lựa chọn đối tác để giao dịch. Các thành tố này luôn luôn được xem xét trong việc thiết lập nên các qui định pháp luật và trong việc giải quyết các tranh chấp thực tế mà trong đó có cả vấn đề đăng ký kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh hay đăng ký thương mại là một nghĩa vụ quan trọng đầu tiên của thương nhân, có nghĩa là muốn trở thành thương nhân phải đi đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh là việc ghi tên và các thông tin chi tiết khác của thương nhân vào sổ đăng ký kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh trước hết được xem là một thủ tục khai sinh ra thương nhân. Kể từ khi đăng ký kinh doanh hoàn tất thương nhân mới có quyền hoạt động kinh doanh và phải gánh chịu các nghĩa vụ của thương nhân. Về mặt học thuật, người ta chia thương nhân thành hai loại: thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân (công ty). Như vậy việc đăng ký kinh doanh đối với thương nhân pháp nhân có ý nghĩa khai sinh ra pháp nhân.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân thương nhân, mà còn có ý nghĩa đối với việc quản lý nhà nước và trật tự công cộng, đạo đức xã hội. Vì thế, đăng ký kinh doanh có lẽ vừa là nhu cầu, vừa là nghĩa vụ đối với mỗi thương nhân khi khởi nghiệp kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh phải bảo đảm các mục tiêu nói trên, nên đã trở thành một chế định lớn của Luật Doanh nghiệp 2005. Nói chung một chế định đăng ký kinh doanh cần phải có những nội dung cần thiết như: Nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân; cơ quan đăng ký kinh doanh; điều kiện đăng ký kinh doanh và thủ tục đăng ký kinh doanh. Những nội dung này trong từng thành tố phải hướng tới các mục tiêu nói trên khi xây dựng. Việc thiếu phân tích xuất phát từ các mục tiêu cụ thể khi xây dựng có thể dẫn tới các thiếu sót của chế định này.
Thành tố khởi đầu cho quyền tự do kinh doanh là vấn đề thành lập doanh nghiệp mà doanh nghiệp với tư cách một phương tiện kiếm sống quan trọng của con người. Trong khi đó đăng ký kinh doanh là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp và mang ý nghĩa pháp lý là việc khai sinh ra doanh nghiệp. Do đó quyền tự do kinh doanh và đăng ký kinh doanh có mối quan hệ gắn bó khăng khít.
Quyền tự do kinh doanh là nền tảng tư tưởng quan trọng của đăng ký kinh doanh và mang đầy ý nghĩa triết học pháp quyền. Nếu không có quyền này thì không có sự tồn tại của khái niệm thành lập doanh nghiệp dân doanh.
Từ các nghiên cứu, có thể rút ra hai định hướng căn bản như sau đối với pháp luật về đăng ký kinh doanh:
Định hướng thứ nhất: Tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp với chi phí thấp về thời gian và công sức.
Định hướng thứ hai: Giảm quản lý nhà nước, tăng tự do kinh doanh.
Từ đó có các giải pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký kinh doanh như sau:
Giải pháp thứ nhất: Học hỏi kinh nghiệm của các nước có môi trường kinh doanh truyền thống, thông thoáng, lành mạnh.
Giải pháp thứ hai: Thành lập một cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia tập trung thống nhất ở trung ương và có các chi nhánh tại các địa phương.
Giải pháp thứ ba: Bãi bỏ các loại giấy phép kinh doanh không có tác dụng thực tế và qui định về giấy phép con bởi luật.
Giải pháp thứ tư: Đơn giản hoá hơn nữa thủ tục đăng ký kinh doanh và hiện đại hóa công tác đăng ký kinh doanh.
Giải pháp thứ năm: Đồng bộ hóa các các văn bản pháp luật.
Giải pháp thứ sáu: Tăng cường các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật bởi cơ quan đăng ký kinh doanh, cán bộ, công chức hay nhân viên của cơ quan này.
Giải pháp thứ bảy: Tin học hóa công tác đăng kinh doanh.
Giải pháp thứ tám: Nâng cao đạo đức và ý thức của cán bộ, công chức và nhân viên của các cơ quan đăng ký kinh doanh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt
[1] Đặng Ngọc Bảo, Thực trạng thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư 2005, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011
[2] Bee Phet Tongkao, Đăng ký kinh doanh theo pháp luật của nước CHDCNH Lào- Thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011
[3] Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2009
[4] CIEM và GTZ, Tìm hiểu về Luật Doanh nghiệp 2005, Giấy phép xuất bản số: 118-2006/CXB/5-15LĐ-ngày 16- 02- 2006
[5] Ngô Huy Cương, Tự do ý chí và sự tiếp nhận tự do ý chí trong pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02/ 2008
[6] Ngô Huy Cương, Những vấn đề lớn cần xem xét lại trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và những kiến nghị liên quan, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 6 (238)/ Tháng 6/2013
[7] Ngô Huy Cương, Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Sách chuyên khảo, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006
[8] Ngô Huy Cương, Một số nội dung của hợp đồng thành lập công ty, Tạp chí Khoa học (Kinh tế- Luật), Số 1/2004
[9] Ngô Huy Cương, Công ty: Từ bản chất pháp lý tới các loại hình, Tạp chí Khoa học (Kinh tế- Luật), Số 1/2003
[10] Bùi Ngọc Cường, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001
[11] Đăng ký kinh doanh- Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia,
Bài học quốc tế- Mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh
[12] Đăng ký kinh doanh- Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia,
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Quý 1/2013
[13] Đăng ký kinh doanh- Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia,
Tổng quan về tình hình doanh nghiệp 2013
[14] Nguyễn Thị Giang, Bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo qui định của Luật Doanh nghiệp năm 2005- Lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2012
[15] Bùi Xuân Hải, Tự do kinh doanh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn,
Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2011
[16] Phan Đức Hiếu, Khung pháp luật về điều kiện và đăng ký kinh doanh- Thực trạng và nhu cầu hoàn thiện, Hội thảo khoa học: “Khung pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư ở Việt Nam hiện nay- Nhu cầu và định hướng hoàn thiện” do Viện Nhà nước và Pháp luật và Konrad Adenauer Stiftung tổ chức tại Huế ngày 23 và 24 tháng 8 năm 2012
[17] Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật kinh tế Việt Nam,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001
[18] Francis Lemeunier, Nguyên lý và thực hành luật thương mại, luật kinh doanh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993
[19] Trần Thị Ngân, Pháp luật về giấy phép và điều kiện kinh doanh trong giai đoạn gia nhập thị trường ở Việt Nam- Những vấn đề lý luận và thực tiễn,
Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008
[20] Ngân hàng thế giới, Báo cáo Xếp hạng môi trường kinh doanh 2013,
Doing Business Report 2013
[21] Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội, Hướng dẫn thủ tục dăng ký kinh doanh
[22] Mai Hồng Quỳ, Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Lao động, TP. Hồ Chí Minh, 2012