Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự - 2

thái độ của một bộ phận không nhỏ NTHTT về vấn đề bảo vệ quyền con người, tính chất, ý nghĩa, hậu quả của hành vi xâm phạm quyền con người, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả của cơ quan, cá nhân có hành vi xâm hại quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra chưa đúng đắn, đầy đủ, nghiêm túc, thiếu tích cực.

Bảo vệ quyền con người là mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động xây dựng, áp dụng, thực thi pháp luật. Việc thực thi, áp dụng các quy định pháp luật TTHS về khởi tố, điều tra để bảo vệ quyền con người là yêu cầu bắt buộc đồng thời là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác áp dụng pháp luật TTHS, đảm bảo hiệu lực pháp luật, củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đội ngũ cán bộ tư pháp hình sự... Nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, từng bước nâng cao tính nhân văn, nhân đạo của chế độ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách tư pháp nói chung, hạn chế, triệt tiêu tình trạng xâm phạm quyền con người, không để xảy ra oan, sai trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự nói riêng. Vì vậy tác giả lựa chọn đề tài “Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự” làm luận văn thạc sĩ luâṭ hoc̣ .

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Ở nước ta, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp nói riêng là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước cùng các nhà khoa học xã hội hết sức quan tâm nghiên cứu, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Có thể chia các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này thành các nhóm chính sau đây:

Công trình nghiên cứu là sách giáo trình, sách chuyên khảo gồm có: “Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người” của tập thể tác giả

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, T.S Vũ Công Giao, ThS. Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2001; "Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam" của tác giả Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2013; “Tìm hiểu vấn đề nhân quyền trong thế giới hiện đại” do TS. Chu Hồng Thanh chủ biên, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1996; “Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trong Công an nhân dân” của tác giả Đỗ Ngọc Quang, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2000; “Nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người” của tác giả Nguyễn Minh Tuấn và Mai Văn Thắng, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014; “Bình luận và khuyến nghị chung của các ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người”, Viện nghiên cứu quyền con người (2008), Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.

Công trình nghiên cứu là đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án. Tiêu biểu: "Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam" của GS.TSKH Lê Cảm, TS Nguyễn Ngọc Chí, GS.TS Trịnh Quốc Toản (đồng chủ trì), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia, Hà Nội, năm 2005; Báo cáo tổng thuật Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.07-16 nghiên cứu về “Các điều kiện đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước” do GS.TS Hoàng Văn Hảo chủ nhiệm; “Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự: Lý luận, thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật” do GS.TSKH. Lê Văn Cảm (chủ trì), Hà Nội, 2013; Luận án tiến sĩ luật học “Đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Huy Hoàn, bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2004; “Bảo vệ quyền con người trong TTHS Việt Nam” của tác

giả Nguyễn Quang Hiền, Luận án tiến sỹ luật học Viện nhà nước và pháp luật, Hà Nội, năm 2008.

Công trình nghiên cứu là bài viết đăng trên tạp chí: “Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, Tạp chí Khoa học, chuyên san Luật học, số 23(2)/2009; "Bảo vệ quyền con người bằng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra thông qua thẩm quyền điều tra" của ThS. Trần Thu Hạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2012; “Những vấn đề pháp lý cơ bản về Luật hình sự quốc tế và việc bảo vệ quyền con người” của tác giả Trịnh Tiến Việt, Tạp chí TAND kỳ II tháng 5/2009 (số10); “Chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự”, Tường Duy Kiên, Tạp chí Nghề Luật số 5/2006.

Mặc dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lĩnh vực quyền con người, nhưng nhìn chung, những công trình nghiên cứu nêu trên chủ yếu đề cập đến một số vấn đề lý luận chung về quyền con người, từng lĩnh vực hoạt động cụ thể về quyền con người, về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về việc xây dựng pháp luật liên quan vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung, đề cập một số khía cạnh cụ thể về quyền con người trong hoạt động tư pháp. Một số công trình khác nghiên cứu về vấn đề quyền con người trong phạm vi một số chủ thể tham gia tố tụng cụ thể nhưng mở rộng trong toàn bộ quá trình tố tụng. Vấn đề bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và trực tiếp về cả lý luận và thực tiễn. Các công trình nêu trên là những tài liệu tham khảo quan trọng đối với tác giả trong quá trình thực hiện Luận văn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

3. Mục đích và nhiệm vụ của Luận văn

Làm rõ những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu

Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự - 2

thực trạng quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền con người, làm sáng tỏ những bất cập, hạn chế để đưa ra những kiến nghị và giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam.

Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra là:

- Làm rõ những vấn đề lý luận về quyền con người và bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.

- Phân tích các quy định của Bộ luật TTHS năm 2003 liên quan đến bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự; tìm ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành.

- Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật TTHS và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu vấn đề lý luận quyền con người và việc bảo vệ quyền con người của người bị tình nghi phạm tội – người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can) và người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án… trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam. Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS để đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu của Luận văn: trong khuôn khổ nghiên cứu đề tài, Luận văn này chỉ đề cập đến bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự từ 2010 đến 2014.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin (duy vật biện chứng và duy vật lịch sử), tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về bảo vệ quyền con người. Việc nghiên cứu được thực hiện từ góc độ lý luận về quyền con người nói chung và từ góc độ TTHS nói riêng.

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng là phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, khảo sát… Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nghiên cứu hồ sơ một số vụ án cụ thể để có cơ sở thực tiễn.

6. Những điểm mới về mặt khoa học

Đề tài là một trong những công trình nghiên cứu có tính hệ thống về lý luận và thực tiễn bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam và có những điểm nổi bật như sau:

- Phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, đặc điểm và nội dung của quyền con người được bảo vệ trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam.

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của CQĐT, VKS trong việc bảo vệ quyền con người.

- Nhận diện vi phạm quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, đánh giá thực trạng bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ở Việt Nam.

- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.

7. Kết cấu Luận văn

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Danh mục từ ngữ viết tắt, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của Luận văn gồm 2 chương:

- Chương 1. Những vấn đề chung về bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự

- Chương 2. Thực tiễn bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự và những đề xuất, kiến nghị.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIAI ĐOẠN KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

1.1. Những khái niệm có liên quan đến quyền con người và bảo vệ quyền con người trong TTHS

1.1.1. Khái niệm quyền con người

Con người là sản phẩm của quá trình chọn lọc, phát triển tự nhiên, xã hội. Con người và các quyền con người về tự nhiên, xã hội luôn được mỗi cá nhân, quốc gia, cộng đồng quốc tế quan tâm nghiên cứu, thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Những ý niệm về quyền con người xuất hiện từ thời tiền sử, được phát triển lên thành tư tưởng về quyền con người trong nền văn minh Lưỡng Hà rực rỡ ở Trung Đông (khoảng năm 3.000 - 1.500 trước Công nguyên - TCN) với Bộ luật Hammurabi (khoảng năm 1780 TCN) mà tinh thần chủ đạo là: “… ngăn ngừa những kẻ mạnh áp bức kẻ yếu…”, làm cho người cô quả có nơi nương tựa, đem lại hạnh phúc chân chính và đặt “nền thống trị nhân từ” cho mọi thần dân trên vương quốc Babylon. Nhiều văn bản pháp luật cổ khác, tiêu biểu như Bộ luật của vua Cyrus Đại đế ban hành vào khoảng các năm 576

- 529 TCN; Bộ luật do nhà vua Ashoka (Ashoka’s Edicts) ban hành vào khoảng các năm 272 - 231; Hiến pháp Medina (The Constitution of Medina) do nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào năm 622; Đại Hiến chương Magna Carta (1215) và Bộ luật về quyền (1689) của nước Anh; Tuyên ngôn về các quyền của con người và của công dân (1789) của nước Pháp; Tuyên ngôn độc lập (1776) và Bộ luật về các quyền (1789) của nước Mỹ, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật (1470 - 1497) thời Hậu Lê của Việt Nam… chứa đựng những quy định có tính nhân văn sâu sắc về quyền con người. Trong đó bao gồm cả các quy định cụ thể về quyền của phụ nữ, trẻ em, v.v.. Cùng với sự

phát triển của xã hội, các tư tưởng, quan điểm về quyền con người ngày càng hoàn thiện về mặt lý luận và mang tính thực tiễn cao hơn.

Có rất nhiều định nghĩa về quyền con người, mỗi định nghĩa phản ánh một khía cạnh khác nhau, xuất phát từ các góc nhìn khác nhau về vấn đề quyền con người. Tuy nhiên, tổng hợp lại có thể chia thành ba nhóm quan niệm chủ yếu về quyền con người.

Quan niệm thứ nhất: bắt nguồn từ chỗ coi con người là một thực thể tự nhiên, nên quyền con người phải là quyền "bẩm sinh", là "đặc quyền", nghĩa là quyền con người, quyền lợi của con người với tư cách là người, gắn liền với cá nhân con người, không thể tách rời. Quan điểm này được các đại biểu tư tưởng của giai cấp tư sản ở Thế kỷ XVII, XVIII như Crotius, Hobbes, Kant, Locke, Spinoza, Rousseau hoàn thiện và nêu ra trong học thuyết về pháp luật tự nhiên. Trường phái này cho rằng, quyền tự nhiên, pháp luật tự nhiên đứng trên, cao hơn pháp luật nhà nước. Xuất phát từ quan điểm này, Jacques Mourgon (Giáo sư Đại học khoa học xã hội Toulouse) đưa ra định nghĩa: "Quyền con người là những đặc quyền được các quy tắc điều khiển mà con người giữ riêng lấy trong các quan hệ của mình với các cá nhân và với chính quyền" [10, tr.12]. Định nghĩa này chủ yếu đề cập đến quyền con người ở khía cạnh tự nhiên của nó.

Quan niệm thứ hai cho rằng: con người chỉ là một thực thể xã hội, nên quyền của con người chỉ được xác định trong mối tương quan với các thực thể xã hội khác và vì là quan hệ xã hội nên quyền con người được chế độ nhà nước, pháp luật điều chỉnh bảo vệ. Quan niệm này có tính tích cực khi coi quyền con người là một khái niệm có tính lịch sử, đặt con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vì con người là thực thể của xã hội, có mối quan hệ phổ biến với xã hội nên quyền con người cũng luôn gắn liền với đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống áp bức bóc lột, đấu tranh chống bạo lực, chống bất

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2022