Ví dụ người đi câu hát: "Người ta câu riếc câu rô- anh đây câu lấy một cô không chồng", người đi cấy: "Người ta đi cấy lấy công- Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà", người đánh lờ: "Ai ơi chớ bảo tôi già, tôi còn gánh nổi dăm ba cái lờ", thày đồ:" Chữ trên là trên chữ dưới- chữ dưới là dưới chữ trên"...vv. Các câu hát theo làn điệu đơn giản, không cần nhạc đệm. Các nhạc cụ đi theo đoàn như chiêng, trống, não bạt...tha hồ khua gõ tuỳ tiện. Lời hát cuối câu có tiếng "Ê" kèm theo rất gây hưng phấn. Đám diễn trò vui nhộn, rộn rã, người xem thích thú đứng nêm chật cả sân miếu. Hội trò Trám không chỉ hấp dẫn người dân Tứ xã mà còn thu hút rất đông nhân dân trong vùng tới dự. Xưa có câu:
"Cuộc đời vất vả sớm hôm
Đi xem trò Trám đủ ôm miệng cười"
Hay: "Bà bế cháu mẹ bồng con
Không xem trò Trám cũng buồn cả năm".
Lễ hội trò Trám với những nghi lễ và trò diễn đặc sắc là lễ hội mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp - tín ngưỡng phồn thực của người Việt ở Phú Thọ. Với nội dung diễn xướng phong phú, hình thức thể hiện khôi hài, trò trình nghề Tứ Xã đã đem lại tiếng cười sảng khoái cho người nông dân sau một năm làm việc vất vả. Vì vậy nó luôn sống mãi trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng nhân dân đất Tổ.
* Lễ hội hát Xoan (xã Kim Đức, TP. Việt Trì):
Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Phú Thọ. Hát Xoan là tiếng hát cửa đình thể hiện những lễ tục diễn xướng tế thần linh và được tổ chức hát vào mùa xuân, còn có tên gọi là "Khúc môn đình" (hát cửa đình), gắn với lễ hội đình làng thờ thành hoàng.
Nguồn gốc của hát Xoan cũng có những cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các vua Hùng dựng nước. Theo truyền thuyết, hát Xoan có từ thời Hùng Vương dựng nước. Có câu chuyện kể rằng vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi nay là quê Xoan Phù Đức - An Thái, được thấy các trẻ chăn trâu hát, múa, vua rất ưa thích và lại dạy cho các em nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của vua Hùng và các trẻ chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan đầu tiên. Lại có một câu chuyện kể rằng: Hoàng hậu vợ vua Hùng mang thai, đến kỳ sinh nở đau bụng mãi mà không đẻ được. Có một người hầu gái tâu với vua về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi hát hay, nếu đón
nàng về thì có thể đỡ đau mà sinh nở được. Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến, giọng hát hay như chim hót và tay dẻo như bún của nàng đã làm cho hoàng hậu quên đau mà sinh hạ hoàng tử. Nhà vua mừng rỡ hết lời ngợi khen, truyền cho các công chúa và cung nữ đều học lấy điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên nhà vua đặt tên các điệu múa hát đó là hát Xoan (từ xuân gọi chệch).
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo tồn và phát huy di sản lễ hội để phát triển du lịch ở Phú Thọ hiện nay - 6
- Thực Trạng Bảo Tồn Và Phát Huy Di Sản Lễ Hội Để Phát Triển Du Lịch Ở Tỉnh Phú Thọ
- Thống Kê Các Lễ Hội Truyền Thống Ở Phú Thọ Gắn Với Di Tích
- Hiệu Quả Của Việc Bảo Tồn Và Phát Huy Di Sản Lễ Hội Để Phát Triển Du Lịch
- Những Vấn Đề Đặt Ra Và Bài Học Kinh Nghiệm Trong Việc Bảo Tồn, Phát Huy Di Sản Lễ Hội Để Phát Triển Du Lịch
- Phục Dựng Lại Các Lễ Hội Truyền Thống Gắn Với Các Tua, Tuyến Du Lịch Trọng Điểm, Xây Dựng Thành Phố Việt Trì - "thành Phố Lễ Hội"
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Về nguồn gốc hát Xoan cũng có dị bản khác. Các nghệ nhân thôn Phù Đức kể rằng "Xưa có 3 anh em vua Hùng đi săn qua thôn Phù Đức, nghỉ lại ở khu rừng gần thôn, thấy trên bãi cỏ có đám trẻ chăn trâu vừa hát, vừa đánh vật kéo co, thấy vậy đức Thánh Cả bảo những người đi theo đem những bài hát họ biết dạy cho lũ trẻ. Nơi các vị ngồi sau này là miếu Lãi Lèn. Về sau đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì Phù Đức mở hội cầu, có đánh vật, kéo co và trình diễn cảnh hát xướng ấy. Nên hát Xoan còn gọi là hát Lãi Lèn.
Như vậy hát Xoan dân gian có từ thời Hùng Vương dựng nước. Sau này tới thời Hậu Lê, hát Xoan dân gian được hoà nhập với Xoan cung đình và cho ta thấy những bài bản Xoan như bây giờ.
Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng và những đình đám của mình. Hát Xoan có phường gọi là phường Xoan và cũng gọi là họ.
Phường Xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Phường Xoan chỉ nhận người làng mà không bao giờ nhận nạp người nơi khác. Mỗi phường có một trùm phường, 4 hay 5 kép và từ 12 tới 15 đào. Trùm phường Xoan bao giờ cũng là nam và là người đứng tuổi, theo phường lâu, có uy tín, có kinh nghiệm, biết giao thiệp ứng xử và thuộc nhiều làn điệu, bài bản. Trùm phường Xoan không có thời gian cụ thể mà tùy điều kiện, hoàn cảnh, có người vài năm, mà cũng có người hàng chục năm. Kép Xoan thường là người đứng tuổi, đã lập gia đình, mà cũng có thể là trai tơ. Mỗi phường có 2 em trai nhỏ tuổi từ 10 đến 15 được gọi là kép con hay kép nhỏ để múa 2 điệu Giáo trống, Giáo pháo mở đầu cuộc hát. Trong hát Xoan kép chỉ hát mà không múa, chỉ có đào múa. Khi hát, kép sẽ dẫn cách là hát dẫn các quả cách và đào sẽ hát theo lời kép. Đào Xoan là con gái còn son tuổi từ 15 đến đôi mươi, nhưng nhỏ tuổi hơn nữa vẫn được vào phường nếu có dáng xinh đẹp và giọng hát tốt.
Trang phục hát Xoan: Trang phục của phường Xoan là do đào kép tự trang bị lấy. Nam sắm mỗi người một chiếc áo the dài và bộ quần áo trắng. Y phục của một cô đào Xoan gồm một chiếc áo tứ thân, một cặp áo cánh tơ tằm, một khăn vuông thâm, một khăn vấn bằng vải nâu tím, đôi thắt lưng màu và yếm trắng hay yếm màu. Khi trình diễn, trang phục của đào Xoan không nhất thiết phải đồng đều, đào nào sắm được sao thì mặc vậy. Kép Xoan vào cuộc hát mặc áo the dài, quần trắng, đầu mang khăn xếp hoặc quấn khăn lượt, cổ quấn khăn nhiễu điều hay khăn lụa bạch.
Nhạc cụ: Nhạc cụ của phường Xoan chỉ là một, hai chiếc trống con và bộ phách.
Bộ phách làm bằng tre hay mai già dầy, dài một gang tay.
Phương thức trình diễn hát Xoan: Hát Xoan được trình diễn theo trình tự nhất định, một chương trình có trình tự lề lối. Ngay lúc mở đầu cuộc lễ, trùm Xoan vào lễ khấn Thánh, hát bài nhập tịch, bốn đào Xoan đứng phía sau múa, tay cầm quạt. Đây là phần hát khai mạc mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ, tế lễ xong, cuộc hát chính thức bắt đầu.
Nội dung của lễ hội hát Xoan Kim Đức bao gồm:
Tế lễ (có hát thờ, còn gọi là hát trong cửa đình): Trùm Xoan vào khấn lễ thánh, hát bài Nhập tịch mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ, bốn đào xoan tay cầm quạt đứng múa phía sau. Tế lễ xong, cuộc hát chính thức bắt đầu với 4 giọng lề lối: Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Các bài hát này có ý nghĩa nổi trống, đốt pháo, dâng hương, vào đám.
Giáo trống và Giáo pháo do một kép nhỏ múa trên chiếu, tay cầm trống con, cũng có khi cầm phách. Có 4 đào đứng 4 góc chiếu vỗ trống hát theo. Trong Giáo pháo, các câu hát ngắn gọn, nam nữ hát dồn đuổi nhau từng câu hoặc nửa câu một, giọng nữ cất lên ngay sau khi giọng nam hát tiếng cuối, tạo thế dồn dập, bắt giọng, gây không khí vui khỏe, rộng ràng.
Với Thơ nhang và Đóng đám, kép ngồi ngoài chiếu hát, chỉ có đào là hát múa trên chiếu. Kép không múa. Khi múa Thơ nhang, đào cầm 3 nén nhang, múa xong đưa ông từ cắm vào hương án.
Cả bốn giọng lề lối trên đều hát theo lối đan xen nam nữ, nam hát chính, nữ hát đuổi theo và hát đệm tầm vông.
Hát hội - hát giao duyên (hát ngoài cửa đình): Là phần trình diễn 14 quả cách, đều do đào múa với đội hình 4 người, kép hát chính. 14 quả cách gồm: Kiều Dương cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối rẫy cách, Hồi liên cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Hò chèo cách, Tứ dân cách, Chơi Dân cách.
Mỗi quả cách là một tiết mục múa hát tổng hợp được biểu diễn liên hoàn với sự tham gia của các cô đào và kép. Hát hết các bài bản hát thờ trên là tạm nghỉ hát Xoan để hát các giọng nhà tơ khoảng nửa tiếng đồng hồ. Hát nhà tơ chỉ có một hoặc hai đào hát đổi nhau, phần ca hát này được gọi là hát phú lý vì chỉ hát các giọng hát phú lý mà không hát các giọng ca trù khác của hát nhà tơ. Phường Xoan vẫn gọi phần hát này là "hát chơi bời".
Các giọng lề lối cuối gồm có: Bỏ bộ, chơi bợm hay bợm gái, đúm, Xin huê - Đố chữ và Cài huê - Mó cá.
Hát đúm là một tiết mục hát đối đáp giữa trai địa phương và đào Xoan. Hát đối đáp của đúm Xoan khác với đối đáp ví giao duyên. Đối Xoan là hát đối bài, mỗi bên hát hết một bài dài đủ các phần lề lối. Mỗi quả đúm là một cặp hát, hát bao nhiêu bài là do trùm Xoan ấn định trước với quan viên địa phương.
Sau các quả đúm là hát Xin huê - đố chữ. Xin huê - đố chữ không có múa cũng như phần hát đúm và cũng là hát đối nam nữ, không có hát chúc tụng. Nam nữ hát hết huê gạo với huê rượu, huê lau tới huê mua. Sau hát Xin huê là hát Đố chữ. Gọi là Đố chữ nhưng có cả đố huê.
Cài huê - Mó cá là tiết mục hát cuối cùng của Hát Xoan và Mó cá cũng là hát giã, hết cuộc, cho nên người ta cũng gọi Mó cá là Giã cá. Cài huê - Mó cá là hình thức hát múa nghi lễ với ý nghĩa dâng hoa, dâng cá lên thành hoàng cầu phúc lộc. Múa Cài huê, 12 đào kết với 4 trai làng thành 4 cánh hoa, trai ở trong, nữ vòng ngoài, mỗi cánh là 3 nữ 1 nam. Hát Mó cá vẫn giữ nguyên số người ở đội hình Cài huê, 12 đào Xoan nắm tay nhau quây thành vòng tròn và 4 nam ở giữa.
Sau Cài huê - Mó cá, ông trùm phường Xoan hát chào giã là lời chào giã đám, chào vua làng ra về. Phần này, 4 cô đào múa từ lòng đình múa ra sân đình, ý là tiễn "Thánh" ra về. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, đáp ứng nhu cầu về thờ lễ
và vui chơi trong cộng đồng cư dân Phú Thọ gắn với lễ hội thờ thành hoàng làng. Làng vào đám với mục đích “mở tiệc thờ thần”, với yêu cầu "Đại vương phù hộ ninh dân đời đời”. Hát Xoan là lễ ca nhằm dâng lên thần linh những lời thành kính, đón rước thần linh về hưởng tế và phù hộ cho làng. Vì thế, Xoan là tiếng hát cầu chúc, khấn nguyện.
Mỗi lời hát, điệu múa trong hát Xoan đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống lao động. Vì thế, trong lời hát có những hình ảnh quen thuộc hàng ngày như hoa, lúa, cá... trong điệu múa cũng mô phỏng các động tác đi cấy, đi gặt, đánh cá...của cư dân nông nghiệp. Lời bài hát cũng mang nội dung chúc tụng, cầu mùa. Điều đó cho thấy hát Xoan là loại hình dân ca (forksongs) có bề dày phát triển lâu đời và gắn với tín ngưỡng nông nghiệp truyền thống của cư dân Việt xưa.
Có thể thấy, trong hội làng truyền thống của cư dân nông nghiệp bao giờ cũng có nhiều nội dung nhưng luôn tập trung nêu bật một vấn đề mang tính tâm nguyện đó là cầu " phong đăng hoà cốc", cầu " nhân khang vật thịnh". Ước vọng đó được gửi gắm qua hoạt động rước, cướp hoặc trình diễn vật linh. ở hội hát Xoan Kim Đức nói riêng, cũng như trong hát Xoan Phú Thọ nói chung, vật linh được thể hiện là hình ảnh con cá được hát và diễn qua tiết mục "Mó cá". Hình ảnh này mang đậm dấu ấn nông nghiệp đồng thời thể hiện tính bản địa, tính cá biệt đặc sắc. Hoạt động bắt cá mang ý nghĩa cầu phồn thực trong tư duy nông nghiệp, cầu cho họ Xoan, cho dân nơi Xoan đến hát sẽ được mưa thuận gió hoà, nuôi trồng phát triển, con đàn cháu lũ đến muôn đời.
Lễ hội hát Xoan xã Kim Đức, thành phố Việt Trì thực sự là một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian của vùng văn hoá đất Tổ. Sự hội tụ gần như đầy đủ của tất cả các thành tố dân gian trong lễ hội hát Xoan Kim Đức tạo nên cho hội làng nơi đây sức sống trường tồn và giá trị nổi bật không chỉ ở phạm vi một địa phương mà lan rộng ra cả bạn bè thế giới.
* Hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông):
Làng Hiền Quan thờ bà Thiều Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền, năm 16 tuổi Thiều Hoa đến tu tại chùa Phúc Thánh (Hiền Quan). Nghe tin Trưng Trắc dấy binh khởi nghĩa, Thiều Hoa tập hợp được một đội quân 500 người, hàng ngày luyện tập võ nghệ, chơi trò đánh Phết, phóng lao rồi về Hát Môn tụ nghĩa. Hàng năm tại đền thờ Thiều
Hoa ở Hiền Quan có tổ chức lễ hội tưởng niệm nữ tướng và chơi trò đánh Phết vào ngày 12- 13 tháng Giêng âm lịch.
Ngày 12 là ngày cáo hội. Buổi sáng dân làng rước kiệu và án nhang từ đền thờ Thiều Hoa về đình, trên kiệu có đặt long ngai và quả Phết. Đám rước vừa đi vừa cất tiếng hú. Sau khi tế lễ thì tổ chức điểm binh- kéo quân rồi đánh thử hai bàn Phết.
Sang ngày 13 là ngày chính hội. Cũng như hôm trước, dân làng rước kiệu, long ngai, án gian ra đình, phía sau là cả một đoàn quân trai thanh gái tú, thắt lưng mầu xanh đỏ, tay giơ cao dùi Phết, cờ quạt, vừa đi vừa cất tiếng hú, tiếng reo, tiếng trống chiêng vang động. Sau lễ dâng hương tưởng niệm, dân làng tổ chức tế lễ trước sân đình theo những nghi thức truyền thống tôn nghiêm và thành kính. Cuộc tế lễ này đủ cả 3 chầu và kéo dài cho tới trưa. Buổi chiều là phần hấp dẫn nhất của ngày hội, đó là trò kéo quân đánh Phết (còn được gọi là luyện quân, đả quần). Trai làng chia thành hai phe, mỗi phe khoảng 50- 60 người xếp hàng dọc trước bàn thờ, tay cầm dùi Phết, cờ quạt, gươm giáo. Các chàng trai cởi trần mặc quần dài, thắt lưng màu bỏ múi, mỗi phe chọn một màu thắt lưng cho dễ phân biệt. Có hai cụ già hàng đầu, tay cầm cờ đuôi nheo, đầu chít khăn đỏ. Sau khi làm lễ trước bàn thờ, các cụ cầm cán cờ đưa chéo ngang đầu, đi dọc hai hàng quân như điểm binh, vì vậy gọi là lễ điểm binh hay điểm kỳ binh pháp. Sau đó, các cụ dẫn hai cánh quân chạy ra, bãi hội. Đi đầu là hàng cờ, giáo gươm rực rỡ, theo sau là hai cánh quân vừa đi vừa giơ cao dùi phết móc từng đôi vào nhau theo hình chữ A tầng tầng lớp lớp. Mỗi cánh quân kéo 3 vòng lớn, vừa chạy vừa reo, hú trong tiếng trống hội giục giã liên hồi, tiếng hàng ngàn người xung quanh hò la, cổ vũ sôi động, màu cờ rực rỡ trong nắng xuân khiến cảnh kéo quân càng thêm hùng tráng. Kéo xong 3 vòng, hai cánh quân tụ lại xếp thành vòng thúng trước bàn thờ rồi lại tháo ra, bên nào tiến về bên ấy xếp thành hai hàng đứng trước sân đình, mặt quay vào nhau, tay cầm gậy Phết móc vào nhau từng đôi một.
Bắt đầu trò cướp Phết. Thoạt tiên, chủ tế làm lễ trước bàn thờ rồi rước một quả Phết ra bãi. Xung quanh có các trai làng đan tay nhau làm hàng rào hộ tống. Khi cả đoàn tiến ra giữa bãi, chủ tế đứng bên lò Phết (1 hố sâu khoảng 60 cm) đọc bài hò Phết, còn gọi là giáo Phết, mang nội dung cầu mùa, cầu chúc cho dân khang vật thịnh. Sau đó, chủ tế ném quả Phết xuống lò, hai người cầm dùi Phết đập xuống 2 bên lò Phết 10 lần rồi đưa
hai dùi Phết xuống lò móc quả Phết lên, lập tức cuộc tranh cướp Phết bắt đầu, đây là phần gay go, hào hứng, hấp dẫn nhất trong ngày hội. Xưa kia trên bãi hội đào ba lò Phết và cả hai phe đều phải ra sức dùng dùi đánh quả Phết rơi vào hố bên mình là thắng. Nay cuộc chơi đơn giản hơn, hàng trăm người tay không lao vào tranh cướp Phết. Nhiều lúc trèo lên đầu lên cổ hoặc nằm chồng đống lên nhau ồn ã náo loạn cả một vùng. Khi một người cướp được Phết chạy ra thì hàng trăm người rượt theo, dồn đuổi rồi xô vào giằng giật vô cùng quyết liệt. Tiếng trống, tiếng reo, tiếng hò la cổ vũ của hàng vạn người tham dự làm cho không gian như rung lên trong nắng mùa xuân. Chỉ khi một người ôm chặt được quả Phết vào lòng chạy qua hàng rào cây nêu ranh giới thì cuộc chơi mới tạm ngừng. Sau quả Phết thứ nhất, chủ tế lại cùng trai làng vào rước ra quả phết thứ hai, rồi quả Phết thứ ba, trình tự như ban đầu. Người xem càng đông, không khí cuộc chơi càng thêm náo nhiệt. Cuộc chơi không hề có giải thưởng như các trò thể thao khác nhưng dân làng quan niệm hễ ai cướp được quả Phết thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.
Sau ba bàn Phết, chủ tế vào làm lễ rồi rước ra ba quả chúi trên mâm phủ lụa điều đến bãi hội, chủ tế ném từng quả về ba hướng theo phía xuôi dòng sông. Một lần nữa, hàng trăm người nhảy lên đón chúi rồi giành giật, xô đẩy, tranh cướp mong kiếm được quả lộc đem về.
Tan hội, dân làng làm lễ tạ rồi nước kiệu từ đình về đền. Mọi người ra về mang trong lòng một niềm vui phơi phới chờ đợi mùa xuân năm sau lại về hội Phết.
Hội Phết Hiền Quan là lễ hội rất tiêu biểu trong kho tàng văn hoá, dân gian vùng đất Tổ. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa tín ngưỡng nông nghiệp sâu xa mà nó được đặt trong một hệ thống các lễ nghi và trò diễn liên kết như lễ phân lương, duyệt bia, kéo quân, điểm binh, đánh phết nhằm tưởng niệm cuộc khởi nghĩa của Thiều Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng trên đất Phú Thọ. Hội Phết cũng là một trò diễn hội làng mang tính chất thể thao vui khoẻ, giàu tinh thần thượng võ và có tính xã hội hoá cao, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên vùng đất Tổ.
2.2.2.3. Thực trạng việc bảo tồn
Công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ khi tái lập Tỉnh (từ năm 1997) đến nay đã được quan tâm và chú trọng, nhiều lễ hội truyền thống
được nghiên cứu phục hồi. Năm 1997 toàn Tỉnh đã tiến hành kiểm kê một cách có hệ thống khoa học toàn bộ di tích, kiểm kê lễ hội và xây dựng đề án bảo tồn văn hoá phi vật thể đến năm 2010. Từ đó nhiều lễ hội đã được nghiên cứu phục dựng như lễ hội Đền Tam Giang - Phường Bạc Hạc, lễ hội Đình Bảo Đà, lễ hội Đình Mộ Chu Hạ, lễ hội Đình Thanh Đình- Thành phố Việt Trì; lễ hội Đình Cổ tích, lễ hội Đình Trẹo Thị trấn Hùng Sơn, lễ hội Đình làng Sơn Vi, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao; lễ hội làng Nam Cường, xã Thanh Uyên, lễ hội làng Hương Nha, huyện Tam Nông…
Theo thống kê toàn tỉnh hiện nay có 260 lễ hội, bao gồm 32 lễ hội lịch sử và 288 lễ hội truyền thống. Trong đó có một lễ hội cấp Quốc gia là lễ hội Đền Hùng còn lại là các lễ hội do địa phương quản lý. Việc bảo tồn các lễ hội truyền thống ở tỉnh Phú Thọ có thể phân chia làm 3 cấp độ: lễ hội được duy trì hoàn toàn cả phần lễ và phần hội; lễ hội chỉ duy trì phần lễ; lễ hội đã bị mai một hoàn toàn.
Các lễ hội vẫn duy trì cả phần lễ và phần hội, được tổ chức hàng năm:
Theo thống kê năm 2005 toàn tỉnh có 92 lễ hội còn được bảo lưu hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn. Trong đó có 30 lễ hội xếp loại A theo tiêu chí của Cục di sản văn hoá (là các lễ hội có chất lượng cao, được tổ chức thường xuyên hàng năm và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia); Hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu cơ, hội Trò Trám xã Tứ Xã, hội phết Hiền Quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức - An Thái, hội nấu cơm thi Gia Dụ, hội rước Voi Đào Xá, hội giã bánh dày Mộ Chu Hạ, Trúc Phê, hội vật Phượng Lâu…
ở nhiều lễ hội, một số nghi lễ và hình thức diễn xướng cổ đã không còn. Trong phần hội, các trò chơi dân gian ở một số lễ hội như (chọi gà, kéo co, đấu vật, cờ người, bịt mắt đập mồi, ném còn…) chưa được đánh giá cao mà thường bị lấn át bởi những trò mới (thi đấu thể thao, vui chơi có thưởng mang tính kinh doanh), các trò chơi dân gian có nguy cơ mai một hoặc sự phục hồi không đầy đủ, bắt chước các lễ hội khác một cách không phù hợp. Ngay cả những lễ hội thu hút đông khách du lịch hàng năm nhưng phương pháp tổ chức các nghi lễ còn đơn giản không phát huy giá trị văn hoá, giá trị tâm linh của lễ hội.