2.4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh
Do đặc điểm của quan hệ bảo lãnh, người được bảo lãnh không nhất thiết phải biết việc có người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của mình. Vì vậy, cần phải phân ra làm hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, người được bảo lãnh không biết có tồn tại quan hệ bảo lãnh... Do không biết và không đóng vai trò gì trong hợp đồng bảo lãnh, do vậy, người được bảo lãnh hầu như không có quyền gì mà chỉ có nghĩa vụ đó là nghĩa vụ hoàn trả lại cho người bảo lãnh phần giá trị nghĩa vụ mà người này đã thực hiện thay cho mình theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp thứ hai, người được bảo lãnh yêu cầu người bảo lãnh đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của mình, chúng ta thường gặp loại hình này trong hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Khi đó, người được bảo lãnh có những quyền và nghĩa vụ sau:
Quyền đề nghị một cá nhân, tổ chức nào đó đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của mình kèm theo với quyền này, người được bảo lãnh phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực các tài liệu, thông tin theo yêu cầu của người bảo lãnh.
Quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện đúng cam kết bảo lãnh và các thỏa thuận trong hợp đồng cấp bảo lãnh và có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ đã cam kết.
Quyền khởi kiện bên bảo lãnh, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ, đồng thời có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ và đúng hạn phí bảo lãnh (nếu có).
Nói riêng trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng, quyền của bên được bảo lãnh hầu như là phụ thuộc trong mối quan hệ với bên bảo lãnh. Sự phụ thuộc ở đây được hiểu là khi có nhu cầu bảo lãnh, bên được bảo lãnh phải thỏa mãn các điều kiện mà bên bảo lãnh đã đưa ra. Hoặc, trong quá trình tham gia quan
hệ bảo lãnh, bên được bảo lãnh còn phải có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu của bên bảo lãnh như cung cấp đầy đủ và trung thực các tài liệu và thông tin theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.
2.4.3. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng - 2
- Phân Biệt Giữa Bảo Lãnh Vay Tiền Với Bảo Lãnh Ngân Hàng
- Quan Hệ Giữa Bên Bảo Lãnh Với Bên Nhận Bảo Lãnh
- Sự Thỏa Thuận Của Các Bên Trong Hợp Đồng Bảo Lãnh
- Năng Lực Của Các Bên Tham Gia Hợp Đồng Bảo Lãnh
- Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng - 8
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
Trong luật dân sự hiện hành không tồn tại một quy định cụ thể nào về quyền và nghĩa vụ của người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định rải rác ở các điều luật khác nhau, ta có thể thấy, người nhận bảo lãnh có một quyền rất quan trọng là quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tùy theo nội dung giao kết trong hợp đồng bảo lãnh, mà bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trước hoặc sau khi yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ.
Nếu các bên không có thỏa thuận gì khác, thì khi nghĩa vụ đến hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện, người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Ngược lại, nếu nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ dự bị, sau khi chứng minh được người được bảo lãnh không còn khả năng thanh toán thì người nhận bảo lãnh mới có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Tuy nhiên, vấn đề quyền yêu cầu của bên nhận bảo lãnh, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về cách thức yêu cầu. Theo mẫu thư bảo lãnh của một số tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng là bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh khi nhận được yêu cầu thực hiện bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh. Tuy vậy, về hình thức của văn bản yêu cầu này lại không được các bên thỏa thuận rõ và pháp luật cũng không có quy định. Do sự không rõ ràng về cách thức yêu cầu của bên nhận bảo lãnh đối với bên bảo lãnh sẽ là khó khăn cho bên nhận bảo lãnh trong việc thực hiện các quyền cũng như tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, quyền lợi của bên nhận bảo lãnh sẽ bị ảnh hưởng.
Tại điểm 3.3 và 3.4 Mục II của Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT/ BLĐTBXH-BTP ngày 11/7/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định các quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh như sau:
Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác; yêu cầu bên bảo lãnh có các biện pháp vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh; yêu cầu bên bảo lãnh đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
Bên nhận bảo lãnh có các nghĩa vụ sau: Thực hiện đúng cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh; thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh; thông báo về nơi làm việc, tình hình làm việc, thu nhập, sức khỏe, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh; giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, mất giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo lãnh giữ giấy tờ, tài liệu này. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh làm hư hỏng hoặc mất giấy tờ, tài liệu của bên bảo lãnh thì phải bồi thường thiệt hại; thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Nếu bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bên nhận bảo lãnh phải nêu rõ lý do trong thông báo về
việc bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn; cung cấp cho bên bảo lãnh giấy tờ, tài liệu chứng minh về thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra; hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt.
2.4.4. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan
Về cơ bản, trong quan hệ bảo lãnh chỉ tồn tại các chủ thể đã phân tích trên. Tuy nhiên, trong một số quan hệ bảo lãnh đặc thù như bảo lãnh ngân hàng, thì còn xuất hiện một số bên liên quan đến việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng, như bên bảo lãnh đối ứng, bên xác nhận bảo lãnh, bên bảo đảm cho nghĩa vụ của khách hàng đối với tổ chức tín dụng bảo lãnh và các bên khác theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế bảo lãnh.
Như đã trình bày ở trên, nghĩa vụ bảo lãnh là một nghĩa vụ dân sự, nếu người bảo lãnh hay chính xác hơn là toàn bộ khối tài sản của người bảo lãnh không làm cho người nhận bảo lãnh yên tâm (vì có thể lúc giao kết hợp đồng bảo lãnh thì khối tài sản của người bảo lãnh là rất lớn, nhưng khi nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh, khối tài sản này không còn gì). Khi đó, người nhận bảo lãnh và người bảo lãnh có thể thỏa thuận một biện pháp bảo đảm nào đó nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Hai bên có thể tiếp tục lựa chọn biện pháp bảo lãnh, khi đó ta có bảo lãnh của bảo lãnh, tức là nghĩa vụ ban đầu được bảo đảm bằng hai khối tài sản của hai người bảo lãnh khác nhau. Lúc này sẽ xuất hiện bên bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh là bên có liên quan. Việc xác lập quan hệ bảo đảm này là hoàn toàn độc lập với giao dịch được bảo lãnh được xác lập ban đầu. Hoặc khi quan hệ bảo lãnh là bảo lãnh gián tiếp, khi đó có sự xuất hiện của Ngân hàng bảo lãnh đối ứng là bên có liên quan bảo lãnh đối ứng là một bảo lãnh ngân hàng do tổ chức tín dụng (Bên phát hành bảo lãnh đối ứng) phát hành cho một tổ chức tín dụng khác (bên bảo lãnh) về việc đề nghị bên bảo lãnh thực hiện bảo lãnh cho các nghĩa vụ của khách hàng của
bên phát hành bảo lãnh đối ứng với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp, khách hàng vi phạm các cam kết với bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên phát hành bảo lãnh đối ứng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng cho bên bảo lãnh.
Mặc dù các quy định của Bộ luật Dân sự chưa thể hiện cụ thể các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ bảo lãnh, song các quy định của pháp luật chuyên ngành đã phần nào khắc phục được những hạn chế này. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, cần thiết phải bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh. Bên cạnh đó, khi xem xét tính chất của quan hệ bảo lãnh chúng tôi cho rằng việc quy định cụ thể một số quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh như quyền đề nghị, nghĩa vụ nộp phí bảo lãnh là chưa phù hợp với nguyên tắc thỏa thuận trong ký kết hợp đồng.
2.5. Thời điểm, thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Quan hệ bảo lãnh phát sinh trên cơ sở thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh thông qua hợp đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh phát sinh khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc xác định rõ thời điểm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là rất cần thiết cho các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
2.5.1. Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Bộ luật Dân sự đã quy định tại Điều 361:
Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình [20].
Theo điều luật trên thì việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh chỉ được đặt ra khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm hướng dẫn thi hành một số quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật dân sự, thì căn cứ để thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định, bao gồm các trường hợp:
Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ đó, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; Bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trường hợp thứ nhất, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh (nghĩa vụ chính) mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Với quy định này, ta thấy rõ ý định của nhà làm luật trong việc thiết lập nghĩa vụ liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh. Nghĩa là, cứ đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thì người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ, mà hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người được bảo lãnh có khả năng trả nợ hay không.
Trường hợp thứ hai, nghĩa vụ bảo lãnh phải thực hiện trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính do bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Đây là trường hợp đặc biệt mà Nghị định này đã quy định bổ sung cho Bộ luật Dân sự. Quy định này là cần thiết vì thực tế quan hệ bảo lãnh thường xuyên xảy ra các tranh chấp loại này.
Ví dụ: Công ty đóng tàu A (bên được bảo lãnh) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội B (bên nhận bảo lãnh) ký kết một hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn 3 năm, có sự bảo lãnh của Tổng công ty vận tải tàu biển C (bên bảo lãnh) để thực hiện hợp đồng này. Đến một thời hạn nhất định, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả lãi vay vốn định kỳ Công ty đóng tàu A đã thực hiện không đúng nghĩa vụ trả lãi đúng định kỳ như hợp đồng tín dụng đã ký kết. Khi đó Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội B (bên bảo lãnh) có đầy đủ cơ sở để cho rằng bên được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng tín dụng, họ có quyền yêu cầu bên bảo lãnh là Tổng công ty vận tải tàu biển C phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là khi bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình như đã cam kết mà không phải là đến thời hạn theo như quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp thứ ba, bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Quy định này không nói rõ tình trạng không có khả năng thanh toán của người được bảo lãnh xảy ra ở thời điểm nào (trước hoặc sau khi nghĩa vụ chính đến hạn). Vì vậy, cần xem xét theo hai trường hợp sau đây:
Trong trường hợp thứ nhất là người được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ trước khi nghĩa vụ đến hạn, điển hình nhất là trường hợp người được bảo lãnh bị tuyên bố phá sản. Ngay sau khi hoàn tất thủ tục tuyên bố phá sản bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án, thì người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ.
Trong trường hợp thứ hai, người được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ sau thời điểm nghĩa vụ chính đến hạn. Nếu khả năng trả nợ của người được bảo lãnh đã được chứng minh bằng một quyết định của Tòa án thì đương nhiên người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu.
2.5.2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác (khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự). Vì vậy, thời hạn thực hiện
nghĩa vụ bảo lãnh là khoảng thời gian mà trong đó người bảo lãnh phải thay người được bảo lãnh để thực hiện phần nghĩa vụ mà người được bảo lãnh chưa thực hiện. Trong bảo lãnh vay tiền thì đó chính là khoảng thời gian mà người bảo lãnh phải thực hiện việc trả nợ thay cho người vay trước tổ chức tín dụng cho vay.
Bộ luật Dân sự cũng như các quy định của pháp luật chuyên ngành chưa đề cập đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quy định khá cụ thể trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm của Chính phủ, cụ thể là "Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn do các bên thỏa thuận; Nếu không có thỏa thuận thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời gian hợp lý, kể từ thời điểm được thông báo" [3]. Như vậy, thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được xác định theo một trong các căn cứ sau:
- Xác định thông qua sự thỏa thuận: Trong trường hợp này, khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận bảo lãnh thông báo cho bên bảo lãnh biết về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, đồng thời các bên tiến hành thỏa thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi đạt được sự thỏa thuận này, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn mà các bên đã thỏa thuận xác định.
- Xác định thời hạn do bên nhận bảo lãnh ấn định: Nguyên tắc chung của luật dân sự về thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận về thời hạn thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý (khoản 2 Điều 285 Bộ luật Dân sự). Vì vậy trong trường hợp bên nhận bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thì thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được bên nhận bảo lãnh ấn định trong thông báo đó. Khoảng thời gian ấn định này được coi là hợp lý nếu đó là khoảng thời gian để người bảo lãnh có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, việc pháp luật