Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY BẰNG GIẤY TỜ CÓ GIÁ
TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM
Bảo đảm tiền vay bằng GTCG xét dưới góc độ hoạt động cho vay của TCTD là biện pháp được áp dụng rất phổ biến tại hầu hết các TCTD ở Việt Nam, từ ngân hàng TMCP đến các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài,...
Mặc dù bảo đảm tiền vay bằng GTCG đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cho vay của TCTD, có ý nghĩa rất lớn đối "sự sống" của bất kỳ tổ chức cá nhân nào trong xã hội đang "khát vốn" để tạo dựng, phát triển sản xuất kinh doanh hay cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhưng trên thực tế, trong thời gian qua, các TCTD cũng như bên vay và bên bảo đảm đã gặp không ít khó khăn khi dùng GTCG để bảo đảm tiền vay mà nguyên nhân chính lại xuất phát từ tính không nhất quán, không đầy đủ của hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh về vấn đề này. Pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam hiện chỉ là những quy định chung chung, rải rác, tủn mủn tại nhiều văn bản khác nhau do nhiều cấp khác nhau ban hành từ Quốc hội, Chính phủ, đến NHNN, Ủy ban chứng khoán, …Chính thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt Nam như hiện nay đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật một cách cấp thiết.
3.1. Các yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG nhằm đưa những quy định tưởng chừng "trên giấy" trở nên thiết thực, thực sự là
công cụ pháp lý hữu hiệu mà các bên chủ thể tham gia quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Các yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam, tựu trung lại chính là:
- Việc hoàn thiện pháp luật phải dựa trên đặc điểm hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam;
Có thể bạn quan tâm!
- Hợp Đồng Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
- Chuyển Giao Và Quản Lý Tài Sản Bảo Đảm Là Giấy Tờ Có Giá
- Tranh Chấp Và Giải Quyết Tranh Chấp Về Bảo Đảm Tiền Vay Bằng Giấy Tờ Có Giá Tại Tổ Chức Tín Dụng
- Bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 12
- Bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 13
Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.
- Việc hoàn thiện pháp luật phải xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam;
- Việc hoàn thiện pháp luật phải căn cứ vào yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam.
Trước hết, về đặc điểm hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam
Việt Nam là đất nước lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đường lối này đã xác định nên đặc điểm của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa luôn có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý, điều tiết ở tầm vĩ mô của Nhà nước. Vì vậy, mọi hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật đều phải tuân theo những định hướng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam có những đặc điểm riêng đòi hỏi sự phù hợp của pháp luật. Nước ta đi lên từ xuất phát điểm là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nhỏ, manh mún nên sự giao thương quốc tế gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường Việt Nam được chuyển đổi từ một nền kinh tế tập
trung bao cấp đã tồn tại rất lâu trong cả thời kỳ chiến tranh và khi đất nước được hòa bình với hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các quan hệ hàng hóa - tiền tệ trong xã hội vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên quan hệ tín dụng thương mại chưa được thừa nhận. Ngành tài chính ngân hàng đã tồn tại rất lâu trong nền kinh tế thị trường nhưng đối với Việt Nam vẫn còn nhiều mới mẻ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung cũng như pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ trong một nền kinh tế thị trường đang phát triển, vấn đề tạo hành lang pháp lý hoàn thiện điều chỉnh quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào quan hệ này càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, việc nắm rõ đặc điểm hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phương hướng hoàn thiện pháp luật.
Hai là, về yêu cầu nội tại của quan hệ bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Mọi hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật đều phải dựa vào thực tiễn, nhằm áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung và pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt Nam nói riêng phải xuất phát từ chính thực tiễn của quan hệ bảo đảm dân sự và quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong các quan hệ này.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển phức tạp, ngành tài chính ngân hàng đóng vai trò là công cụ quan trọng trong việc điều tiết việc cung ứng nguồn vốn ra thị trường. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn hoạt
động của các TCTD là nhiệm vụ cần kíp và không thể "lơ là". Muốn làm được điều này, trước hết pháp luật phải tạo ra được hành lang pháp lý vừa an toàn, thuận tiện cho hoạt động của TCTD.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi người vay vốn, bên bảo đảm trong quan hệ bảo đảm tiền vay cũng luôn phải được pháp luật quan tâm. Vì trong mối quan hệ vay vốn với TCTD trên thực tế, họ là những người "cần vốn", thường phải phụ thuộc vào quyết định của TCTD, nên nếu pháp luật không có được những quy định rõ ràng, thống nhất thì những người vay vốn hay bên bảo đảm tiền vay luôn ở trong "thế yếu".
Trước những yêu cầu nội tại của mối quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt Nam, nhiều quy định pháp luật về vấn đề này đã trở nên lạc hậu, xa rời thực tế, bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ và thống nhất và pháp luật phải dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế để đảm bảo bảo vệ hài hòa các quyền và lợi ích của Nhà nước, của TCTD và của cả người vay vốn, người sở hữu GTCG dùng làm tài sản bảo đảm.
Cuối cùng, về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam.
Việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế đòi hỏi pháp luật Việt Nam phải phù hợp, phải tương thích với pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là phải phù hợp với các cam kết song phương, đa phương, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia "sân chơi chung" của quốc tế.
Để đáp ứng được điều này thì trong tiến trình hoàn thiện pháp luật, pháp luật phải kế thừa, phát huy được các quy định pháp luật tiến bộ, phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó phải ghi nhận, phát triển được các quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của TCTD nói riêng và đời sống kinh tế xã hội tại Việt Nam nói chung trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm lập
pháp tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Pháp luật phải có nhiều quy định được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Đây là mục tiêu đầy khó khăn với các nhà làm luật cũng như các nhà hoạch định chính sách trong giai đoạn hiện nay.
3.2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam
Dựa trên các yêu cầu hoàn thiện pháp luật nêu trên, luận văn đề xuất các phương hướng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt nam là:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về GTCG và bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, không mâu thuẫn, không chồng chéo cho quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD ở Việt Nam vận hành một cách thuận lợi, an toàn và phù hợp với thực tế.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG nhằm tạo cơ sở pháp lý đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, bảo vệ quyền lợi của bên vay và bên bảo đảm, nâng cao ý thức của các bên chủ thể trong việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình. Từ đó thúc đẩy phát triển vững chắc hoạt động cho vay của TCTD trên cơ sở nhận GTCG làm tài sản bảo đảm như là một loại tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao và dễ dàng xử lý để thu hồi nợ vay; bảo đảm tiền vay bằng GTCG trở thành biện pháp an toàn, hữu ích và thực hiện thuận lợi trên thực tế, từ đó, bên vay dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, kinh doanh, phục vụ đời sống.
Thứ ba, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại TCTD cùng với pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, hành chính và đi đôi với việc thiết lập các cơ chế hướng dẫn, phối hợp thực hiện giữa TCTD với các chủ thể liên quan đến giao dịch bảo đảm tiền vay bằng
GTCG, cơ chế giám sát, đảm bảo thực thi các quy định về bảo đảm tiền vay bằng GTCG trên thực tế.
Có thể thấy rằng, những phương hướng trên đây là cơ sở, tiền đề cho việc hoàng thiên pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD. Những phương hường này chỉ phát huy tác dụng thực sự nếu chúng được kết hợp một cách hài hòa và khoa học với những nguyên tắc cơ bản của việc hoàn thiện pháp luật. Việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm điều chỉnh các quan hệ bảo đảm tiền vay bằng GTCG đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi có tính đặc thù.
3.3. Một số kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam
Trong tiến trình xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp lý hiện nay tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam đã được các nhà làm luật nỗ lực "cải tiến" để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của Tổ chức Thương mại Thế giới, của các hiệp định song phương và đa phương, để tiến sát đến các chuẩn mực pháp lý quốc tế.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện. Nhiều vấn đề về xác định thế nào là GTCG để nhận làm tài sản bảo đảm, điều kiện của GTCG làm tài sản bảo đảm là gì, xác định chủ sở hữu GTCG cầm cố, quy trình nhận GTCG cầm cố, các vấn đề về quản lý và xử lý GTCG cầm cố cũng như cơ chế, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD vẫn chưa được pháp luật dân sự quy định thống nhất, hoặc pháp luật quy định chưa rõ ràng hoặc còn "bỏ ngỏ", còn nhiều khiếm khuyết gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn.
Qua việc nghiên cứu về các vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về biện pháp bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD, luận văn có một số kiến nghị, đề xuất các giải pháp sau đây nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng GTCG tại các TCTD ở Việt Nam:
3.3.1. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam
Thứ nhất, cần xây dựng khái niệm GTCG với tư cách là một loại tài sản trong hệ thống pháp luật dân sự cũng như các thuộc tính của nó để giúp cho việc áp dụng pháp luật được dễ dàng, người dân cũng dễ tiếp cận làm tăng tính khả thi của các quy định pháp luật về vấn đề này.
Hiện nay, pháp luật quy định về GTCG cùng song song tồn tại rất nhiều văn bản khác nhau, từ BLDS năm 2005, Luật CCCCN, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các TCTD, Luật NHNN và đến Nghị định số 52, Quy chế phát hành GTCG… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể về mặt nội dung, các quy định hiện hành về GTCG còn bộc lộ nhiều hạn chế như còn nhiều quy định chưa đủ, chưa rõ ràng hoặc còn bỏ ngỏ. Các quy định về GTCG ở mỗi văn bản lại khác nhau, không có sự thống nhất trong khái niệm cũng như đặc điểm của GTCG. Bộ luật Dân sự năm 2005 là bộ luật gốc ghi nhận GTCG là một loại tài sản lại không hề có điều luật nào giải thích GTCG là gì, có những đặc điểm gì. Giấy tờ có giá được BLDS năm 2005 và Nghị định số 163 xác định làm tài sản bảo đảm, nhưng GTCG hiện nay chỉ được hiểu như là một loại giấy tờ trị giá được bằng tiền mà thôi. Các văn bản khác cũng chỉ quy định dưới dạng liệt kê GTCG gồm những loại nào, chứ chưa khái quát lên được GTCG bản thân nó là gì. Ví dụ như Luật CCCCN đưa ra khái niệm về công cụ chuyển nhượng là GTCG, nhưng cũng không có định nghĩa vậy thực chất GTCG là gì?
Như vậy, việc tưởng chừng như đơn giản, hầu như khi nhắc đến GTCG ai cũng có thể cho rằng GTCG là một loại giấy tờ trị giá được bằng tiền nhưng chính tình trạng pháp luật quy định chung chung, không cụ thể cũng không có định nghĩa đầy đủ không những gây khó khăn cho người dân trong việc tìm hiểu pháp luật mà còn gây nhiều lúng túng, nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Chính các TCTD đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác
định loại giấy tờ nào là GTCG để làm tài sản bảo đảm, làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay có bảo đảm bằng GTCG của TCTD ở Việt Nam.
Nếu thuật ngữ pháp lý không được hiểu đúng và không được áp dụng đúng, quyền lợi của các bên liên quan không được đảm bảo, quan trọng hơn, nguyên tắc pháp chế bị vi phạm, tính tôn nghiêm của pháp luật không được bảo toàn. Chẳng hạn như đối với một số loại giấy tờ có ghi danh, có ghi nhận số tiền như sổ/thẻ tiết kiệm, sổ hưu trí, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... có phải là GTCG hay không. Chính vấn đề này đã có sự tranh luận giữa các cán bộ xét xử trong ngành tòa án, giữa các luật gia, luật sư và nhiều nhà nghiên cứu pháp luật giữa hai quan điểm trái ngược, công nhận và không công nhận đó là GTCG.
Để giải quyết tình trạng này, có chuyên gia cho rằng, cần phải thống nhất pháp luật điều chỉnh về GTCG. Khái niệm và các thuộc tính của GTCG cần được quy định rõ ràng tại Bộ luật Dân sự trên cơ sở đó các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có cơ sở, căn cứ để viện dẫn khi có quy định liên quan đến GTCG. Quy định thống nhất về khái niệm GTCG, các khía cạnh pháp lý liên quan đến GTCG với tư cách là một tài sản để từ đó có thể xác định được chính xác những loại giấy tờ nào được coi là GTCG, GTCG khác với các loại tài sản khác như thế nào.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính ngân hàng cũng phải có quy định thống nhất về khái niệm, đặc điểm của GTCG.
Theo tác giả, khái niệm GTCG có thể được xây dựng theo hướng: GTCG trong quan hệ pháp luật dân sự được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định xét trong mối quan hệ pháp lý với chủ thể khác, trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự.