bảo lãnh mới được tính đến. Tuy nhiên, về lý thuyết người có quyền hoàn toàn có thể yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trước, sau đó nếu người bảo lãnh không còn đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì mới yêu cầu tiếp người thế chấp thực hiện nghĩa vụ hoặc không yêu cầu nữa.
* Vụ thứ hai là vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai với bị đơn là Xí nghiệp tư doanh Kim Chi. Nội dung vụ án cụ thể như sau: ngày 18/10/2001, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) và Xí nghiệp tư doanh Kim Chi (sau đây gọi tắt là Xí nghiệp) ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 23. Theo đó, Ngân hàng cho Xí nghiệp vay 1.600.000.000 đồng, lãi suất 0,65%/tháng, thời hạn cho vay là 6 tháng. Để bảo đảm cho khoản nợ vay theo yêu cầu của Ngân hàng, Xí nghiệp và những người bảo lãnh đã bảo đảm bằng các tài sản sau:
- Nhà và đất ở số 15A Trần Phú, thành phố Pleiku, chủ sở hữu là bà Phan Thị Đại và ông Nguyễn Anh, trị giá 520.000.000 đồng, phạm vi bảo đảm 364.000.000 đồng (tài sản thế chấp).
- Nhà và đất ở 15 Trần Phú, thành phố Pleiku của ông Hà Văn Hiến và bà Nguyễn Thị Kim Chi, trị giá 300.000.000 đồng.
- Nhà và đất ở 15C Trần Phú, thành phố Pleiku trị giá 356.000.000 đồng; nhà và đất ở 46 Đinh Tiên Hoàng, thành phố Pleiku trị giá 275.000.000 đồng cả hai tài sản này đều thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Lâm, phạm vi bảo đảm là 427.000.000 đồng (tài sản bảo lãnh).
- Nhà và đất ở số 10A Võ Thị Sáu, thành phố Pleiku của bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp.
Các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh trên đều có xác nhận của Phòng công chứng Nhà nước tỉnh Gia Lai. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được Ngân hàng định giá là 2.308.000.000 đồng để bảo đảm cho khoản vay 1.600.000.000 đồng (bằng 69,3% tổng giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh).
Ngày 04/01/2002, Ngân hàng và Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 03 với nội dung Ngân hàng cho Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai vay 40.000.000.000 đồng.
Ngày 09/5/2002, hai bên đã thỏa thuận ký tiếp các hợp đồng bảo lãnh như các biện pháp bảo đảm bổ sung cho nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, lãi phạt nếu có phát sinh) của số tiền 37.055.455.000 đồng, cụ thể:
Ông Hà Văn Hiến và bà Nguyễn Thị Kim Chi đồng ý bảo lãnh bổ sung bằng tài sản là ngôi nhà và đất tại số 2A85 Lý Thái Tổ, thành phố Pleiku bằng hợp đồng bảo lãnh số 10B/5 ngày 10/5/2002.
Có thể bạn quan tâm!
- Năng Lực Của Các Bên Tham Gia Hợp Đồng Bảo Lãnh
- Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng - 8
- Thực Tiễn Hoạt Động Bảo Lãnh Thực Hiện Nghĩa Vụ Trong Quan Hệ Vay Tiền Của Các Tổ Chức Tín Dụng
- Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng - 11
- Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng - 12
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
Ông Nguyễn Anh và bà Phan Thị Đại đồng ý bảo lãnh bổ sung bằng tài sản là ngôi nhà và đất ở số 15A Trần Phú, thành phố Pleiku bằng hợp đồng bảo lãnh số 975 ngày 09/5/2002.
Bà Nguyễn Thị Lâm đồng ý bảo lãnh bổ sung bằng tài sản là nhà và đất tại 15C Trần Phú bằng hợp đồng bảo lãnh số 10A/5 ngày 10/5/2002.
Các hợp đồng bảo lãnh này không được công chứng.
Quá trình thực hiện hợp đồng số 23 ngày 18/10/2001 như sau:
Ngày 18/10/2001 Ngân hàng đã cho Xí nghiệp vay 1.600.000.000 đồng theo hợp đồng đã ký. Ngày 18/4/2002, hợp đồng tín dụng số 23 của Xí nghiệp đến hạn nhưng chưa được Ngân hàng đồng ý cho gia hạn đến ngày 02/6/2002. Ngày 22/4/2002 Xí nghiệp đã thanh toán cho Ngân hàng 100.000.000 đồng và ngày 13/5/2002 thanh toán 200.000.000 đồng, dư nợ còn 1.300.000.000 đồng.
Ngày 22/4/2002 Ngân hàng và Xí nghiệp ký hai phụ lục hợp đồng rút bớt tài sản thế chấp là nhà và đất ở số 10A Võ Thị Sáu và 46 Đinh Tiên Hoàng. Ngày 04/6/2002 Ngân hàng đã chuyển nợ quá hạn món vay trên, đồng thời tiến hành các thủ tục để xử lý nợ và tài sản bảo đảm.
Bà Phan Thị Đại và ông Nguyễn Anh là chủ sở hữu ngôi nhà và đất ở số 15A Trần Phú và bà Nguyễn Thị Lâm là chủ sở hữu ngôi nhà và đất ở tại 15C Trần Phú đã đồng ý xử lý hai ngôi nhà trên để trả nợ thay thông qua việc bán đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá tỉnh Gia Lai. Ngày 19/3/2003 Trung tâm bán đấu giá tỉnh Gia Lai đã bán hai tài sản trên được 1.806.000.000 đồng, số tiền này Ngân hàng đã tự xử lý như sau:
Thu nợ vào hợp đồng tín dụng số 23 của Xí nghiệp gồm nợ gốc 591.000.000 đồng, nợ lãi 96..559.667 đồng (theo tỷ lệ phạm vi bảo lãnh 69,3%). Thu nợ vào hợp đồng tín dụng số 03 của Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai số tiền gốc là 1.080.218.393 đồng.
Theo tính toán trên của Ngân hàng thì cho đến ngày 17/5/2004 dư nợ còn lại của hai hợp đồng trên như sau: hợp đồng số 03 nợ gốc còn lại 29.085.000.000 đồng và nợ lãi là 5.813.206.313 đồng. Hợp đồng số 23 nợ gốc còn lại 709.000.000 đồng, nợ lãi 131.878.131 đồng (tính đến ngày 24/5/2004).
Xí nghiệp lại cho rằng đã trả nợ xong cho Ngân hàng.
Do xảy ra tranh chấp, ngày 17/5/2004 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã có đơn khởi kiện đến Tòa án Gia Lai với yêu cầu:
Xí nghiệp phải thanh toán hết số nợ còn lại của hợp đồng số 23 với nợ gốc là 709.000.000 đồng và nợ lãi là 131.878.131 đồng. Yêu cầu ông Hiến và bà Chi liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Xí nghiệp là 29.085.000.000 đồng, đồng thời Ngân hàng đề nghị sau khi phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo hợp đồng số 23, số còn lại nếu còn thừa thì tận thu cho món vay hợp đồng số 03.
Bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 24/01/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định: Bác đơn khởi kiện của Ngân hàng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngân hàng đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Xí nghiệp phải thanh toán toàn bộ số nợ còn lại. Hoặc ông Hiến và bà Chi chịu trách nhiệm liên đới trả nợ thay cho Xí nghiệp. Bản án
phúc thẩm số 04/PTKT ngày 06/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định: không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng, giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.
Trong vụ án này, chúng ta nhận thấy có mấy vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, một tài sản có thể dùng để bảo lãnh cho hai nghĩa vụ khác nhau, điều này có nghĩa là Ngân hàng và Tòa án đã chấp nhận hình thức bảo lãnh đối vật mà không phải là đối nhân theo đúng bản chất của bảo lãnh.
Thứ hai, là việc xử lý tài sản bảo đảm. Sau khi được sự đồng ý của người bảo lãnh, Ngân hàng đã tiến hành bán phát mại tài sản của bà Đại và ông Nguyễn Anh, số tiền thu được ngoài việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho hợp đồng số 23, số còn lại Ngân hàng thu luôn cho hợp đồng số 03 mà không hoàn lại cho người bảo lãnh. Như vậy là không đúng vì nghĩa vụ bảo lãnh cho hợp đồng thứ hai chưa đến hạn thực hiện hợp đồng nên người bảo lãnh chưa phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Thông qua hai vụ án cụ thể trên đây, ngoài những vấn đề còn tồn tại đã được đề cập, còn một số vấn đề mang tính chất chung như sau:
Người bảo lãnh luôn luôn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến một vụ án những không có vụ án nào người nhận bảo lãnh khởi kiện người bảo lãnh để yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này chứng tỏ một thực tế, người bảo lãnh luôn là người có nghĩa vụ dự bị, tức là chỉ khi người được bảo lãnh không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ thì người bảo lãnh mới phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Đại đa số các vụ án có liên quan đến hợp đồng bảo lãnh, thì người bảo lãnh đều phải có một tài sản cụ thể để chấp cho người nhận bảo lãnh, và các bên cũng không nói rõ đây là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh hay tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh. Điều này là rất khó khăn cho việc xử lý tài sản, đặc biệt trong những vụ án có nhiều biện pháp bảo đảm cho một nghĩa vụ. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta cần phải quy định rõ bảo
lãnh là một biện pháp bảo đảm đối nhân, do vậy không có việc dùng tài sản của người thứ ba để bảo lãnh cho một nghĩa vụ, mà phải là người bảo lãnh có thể dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Có như vậy thì quan hệ bảo lãnh mới rõ ràng và không mâu thuẫn với bản chất của bảo lãnh.
Việc xử lý tài sản bảo đảm còn mang tính chất tùy tiện, Ngân hàng không tiến hành khởi kiện và bán phát mại tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật, mà lại tự tìm người mua tài sản sau đó yêu cầu người này nộp tiền vào thanh toán cho nghĩa vụ được bảo lãnh. Sau khi người mua tài sản nộp tiền thì Ngân hàng trả lại giấy tờ nhà đất cho người được bảo lãnh để người này tiến hành thủ tục mua, bán, chuyển nhượng. Trong việc này Ngân hàng và người được bảo lãnh đã mắc rất nhiều sai sót, hậu quả kéo theo là rất phức tạp. Hoặc như trong vụ án thứ hai, Ngân hàng đã bán phát mại tài sản bảo đảm của người bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ, sau khi đã trừ hết các khoản có trong nghĩa vụ bảo lãnh. Số còn thừa, Ngân hàng giữ lại để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh ở một hợp đồng khác chưa đến hạn thực hiện, như vậy là không đúng với các quy định của pháp luật.
3.3. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các Tổ chức tín dụng
3.3.1. Yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh nói chung và bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng nói riêng luôn đặt ra trước yêu cầu của nền kinh tế hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc xây dựng và dần hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh xuất phát từ những yêu cầu về lý luận và thực tiễn sau đây:
- Đường lối đổi mới kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây có ảnh hưởng quyết định tới toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta, trong đó có pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, pháp luật
về bảo lãnh trong hoạt động ngân hàng. Cùng với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, phát huy nội lực, bảo đảm sự bình đẳng đối với các thành phần kinh tế đã tạo cho hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ở nước ta có sự thay đổi. Các quy định về các biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung và pháp luật về bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng nói riêng đang được hoàn thiện, tiến tới một chuẩn mực chung của thông lệ quốc tế trong nền kinh tế thị trường. Để đáp ứng yêu cầu của đường lối đổi mới mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường thì hệ thống pháp luật về bảo lãnh cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
- Sự phát triển và đa dạng hóa các loại hình nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng trong điều kiện hội nhập là một yêu cầu bức xúc đối với nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây. Đối với nền kinh tế thị trường, hoạt động bảo lãnh ngân hàng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, nó không chỉ đơn thuần là dịch vụ ngân hàng mà điều quan trọng đó là sự tài trợ của ngân hàng đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
- Thực trạng và những vấn đề đặt ra về pháp luật bảo lãnh trong hoạt động ngân hàng nêu tại chương 2 cho thấy còn nhiều nội dung cần được xem xét để hoàn thiện như bản chất của bảo lãnh ngân hàng, để từ đó đưa ra những quy định, khái niệm, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo lãnh cho phù hợp.
- Yêu cầu về mặt hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề đặt ra trước mắt và cấp thiết đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động của hệ thống ngân hàng phải có những thay đổi đáng kể để phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó các quy định của pháp luật được thể hiện thông qua sự thống nhất đối với các quy định của pháp luật trong nước và các quy tắc, thông lệ quốc tế trong hoạt
động ngân hàng, việc chấp nhận những quy tắc tạo sự phù hợp giữa pháp luật Quốc gia và quy tắc, thông lệ Quốc tế sẽ đảm bảo cho việc thực hiện các quy định được thống nhất và ổn định.
Từ những yêu cầu về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn nêu trên, chúng tôi cho rằng pháp luật về bảo lãnh trong hoạt động ngân hàng cần được hoàn thiện những nội dung sau:
- Pháp luật về bảo lãnh trong hoạt động ngân hàng là một bộ phận đặc thù của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Hoàn thiện các quy định về bản chất của bảo lãnh, chủ thể quan hệ bảo lãnh, hình thức bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của các bên, đối tượng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
- Hoàn thiện các quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.
3.3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh
3.3.2.1. Xây dựng pháp luật bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng là một bộ phận đặc thù của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Như đã phân tích tại chương 2, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại những hệ thống pháp luật khác nhau, do đó việc áp dụng pháp luật để thực hiện những giao dịch liên quan về bảo lãnh còn có những điểm chưa thống nhất. Khắc phục tình trạng này, để xây dựng hệ thống pháp luật có sự thống nhất, khoa học, pháp luật bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cần được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu sau:
- Pháp luật về bảo lãnh ngân hàng phải được xây dựng thống nhất, đồng bộ với các quy định về bảo lãnh tại Bộ luật Dân sự: Do bản chất, đặc điểm của biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động ngân hàng là
bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nên pháp luật về bảo lãnh ngân hàng là một bộ phận của pháp luật về giao dịch bảo đảm và được xây dựng trên nền tảng của đạo luật gốc - Bộ luật Dân sự.
Để đạt mục tiêu này, pháp luật về bảo lãnh ngân hàng phải tuân thủ các nguyên tắc cũng như những quy định cơ bản về bảo lãnh tại Bộ luật Dân sự như nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng, nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, hình thức, phạm vi bảo lãnh, mối quan hệ giữa các bên tham gia quan hệ bảo lãnh.
- Xây dựng cơ chế đặc thù cho hoạt động bảo lãnh trong ngân hàng trên cơ sở những nguyên tắc chung của luật dân sự: xuất phát từ những điểm đặc thù của hoạt động bảo lãnh ngân hàng, ta có thể quy định những điểm đặc thù trên những nguyên tắc cơ bản chung về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Bộ luật Dân sự như tính độc lập của bảo lãnh, chủ thể tham gia quan hệ bảo lãnh và có những quy định về việc hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm cho quan hệ bảo lãnh, việc hỗ trợ này cần phải thực hiện theo con đường tư pháp như các quy định về tố tụng trong việc giải quyết tranh chấp về quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của bên được bảo lãnh.
- Việc xây dựng các quy định về bảo lãnh cũng nhằm tạo sự thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, khắc phục sự không thống nhất, rõ ràng, đồng thời tuân thủ những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, tránh việc ban hành hay áp dụng văn bản pháp luật vì lợi ích riêng của một số ngành, lĩnh vực, chủ thể nhất định.
3.3.2.2. Hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng
- Về bản chất của bảo lãnh ngân hàng:
Việc xác định đúng bản chất của bảo lãnh ngân hàng sẽ là cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo lãnh như chủ thể, đối tượng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo