Vì thế, vấn đề đặt ra là cần có thêm những Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ không phải là những sản phẩm, dịch vụ truyền thống để tạo nên sự phát triển hài hòa, đồng bộ.
3.2.2. Hoàn thiện các quy định về điều kiện bảo hộ NHTT
Điều kiện bảo hộ đối với NHTT ngoài các điều kiện như đối với nhãn hiệu thông thường đó là dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác nhau, NHTT còn có những trường hợp riêng cho việc đăng ký NHTT là các dấu hiệu gắn với địa danh.
Mặc dù Nghị định 122/2011 đã thống nhất cơ quan cấp giấy phép sử dụng địa danh khi đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, chưa có những quy định cụ thể về địa danh thuộc đơn vị hành chính nào phải xin cấp giấy phép sử dụng địa danh. Đó có thể là địa danh cấp xã, huyện, tỉnh…thậm chí nhiều đơn nhãn hiệu gắn với tên đường phố. Vậy có cần xin giấy phép sử dụng địa danh hay không?
Dấu hiệu được sử dụng làm NHTT bao gồm cả dấu hiệu từ ngữ và hình ảnh. Khoản 3 Điều 87 của Luật SHTT có quy định “Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
Luật chỉ quy định việc xin phép sử dụng dấu hiệu chỉ địa danh hay dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản của địa phương mà không quy định rõ rằng các dấu hiệu này là dấu hiệu từ ngữ hay hình ảnh. Thực tế cho thấy phần lớn việc xin phép sử dụng các dấu hiệu là từ ngữ gắn với địa danh chứ không
có hình ảnh chỉ địa danh. Vậy chỉ có từ ngữ chỉ địa danh hay cả hình ảnh chỉ địa danh phải xin phép sử dụng? Trong khi dấu hiệu từ ngữ và hình ảnh đều có ý nghĩa như nhau trong việc đăng ký và sử dụng NHTT. Vậy nên sửa đổi khoản 3 Điều 87 như sau: “…đối với từ ngữ hoặc hình ảnh gắn với địa danh thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
Nghị định 122/2011 thống nhất việc cơ quan cấp giấy phép sử dụng địa danh là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng cần có những quy định cụ thể đối với đơn vị hành chính phải xin phép sử dụng địa danh ví dụ như chỉ giới hạn địa danh cấp huyện hoặc tỉnh. Đối với cấp xã/phường hoặc thị trấn/thôn thì không cần phải xin phép sử dụng địa danh vì đây là những đơn vị hành chính nhỏ. Vì vậy, nên sửa đổi khoản 4 Điều 19 của Nghị định 122 như sau:
“Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của địa phương và cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh cấp huyện và cấp tỉnh…”
3.2.3. Hoàn thiện các quy định về cơ chế và đăng ký NHTT
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Tiễn Trong Việc Đăng Ký Bảo Hộ Nhtt
- Thực Tiễn Trong Việc Quản Lý Và Sử Dụng
- Một Số Kiến Nghị Cụ Thể Đối Với Việc Hoàn Thiện Pháp Luật
- Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể theo luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam - 14
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Như chúng ta đã biết các đối tượng được bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam chỉ khi các đối tượng này đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục SHTT. Tức là quyền của chủ sở hữu chỉ của nhãn hiệu nói chung và NHTT nói riêng chỉ được công nhận khi được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngoài con đường này ra thì pháp luật Việt Nam không chấp nhận việc công nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu dựa trên bất cứ các căn cứ nào khác.
Trong khi đó trên thế giới ngoài việc thông qua cơ chế đăng ký, các nước còn có nhiều hình thức khác nữa để công nhận chủ sở hữu đối với NHTT đó là trên cơ sở sử dụng hoặc các nước tạo ra một cơ chế chung cho việc đăng ký.
Thực tế cho thấy cơ chế một nước càng thông thoáng bao nhiêu thì càng khuyến khích các chủ thể đăng ký bảo hộ ở nước họ. Đây là một yếu tố không nhỏ để phát triển kinh tế của đất nước và rút ngắn khoảng cách hội nhập với thế giới.
Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp mà chủ sở hữu đích thực của NHTT không thể xác lập quyền sở hữu của mình chỉ vì chưa đi đăng ký tại Cục SHTT. Điển hình như NHTT “Rượu Bầu đá” của Bình Định như đã phân tích ở trên. Mặc dù đã sử dụng sản phẩm này từ rất lâu, nhưng do chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc đăng ký nên Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bầu đá đã chưa đăng ký NHTT cho mình. Khi Công ty TNHH Minh Anh đăng ký nhãn hiệu đó cho riêng mình thì Hiệp hội mới thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký NHTT cho chính mình và cho các thành viên sản xuất kinh doanh của Bình Định. Chính vì những yếu tố nêu trên Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở việc bảo hộ các đối tượng SHTT nói chung và NHTT nói riêng thông qua việc đăng ký mà nên mở rộng ra các hình thức khác như thông qua việc sử dụng. Để làm được điều đó, quy định của Luật cần cụ thể hơn nữa đối với các căn cứ để đăng ký bảo hộ NHTT thông qua việc sử dụng trước. Căn cứ xác lập quyền đối với NHTT nên được sửa đổi từ một căn cứ (chỉ thông qua thủ tục đăng ký) thành hai căn cứ như sau:
Thông qua thủ tục đăng ký;
Thông qua việc sử dụng trước tức là mặc dù không có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng dấu hiệu được sử dụng làm NHTT đó đã được sử dụng trước thì dấu hiệu đó vẫn được ưu tiên chấp nhận bảo hộ.
Ngoài ra, cần phải có cơ chế giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp, trong cơ chế này thì căn cứ là dấu hiệu được sử dụng trước vẫn cần được ưu tiên.
Chúng ta cũng có thể cân nhắc đến việc thiết lập một cơ chế đăng ký riêng đối với NHTT, cơ chế này sẽ điều chỉnh chi tiết các vấn đề chỉ liên quan
đến NHTT. Ví dụ như cơ chế này sẽ áp dụng linh hoạt giữa việc đăng ký NHTT thông qua cả hai hình thức đó là thông qua việc đăng ký và việc sử dụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể một cách hiệu quả và đầy đủ nhất.
Thực tế hiện nay trong quá trình xử lý đơn nhãn hiệu vẫn có trường hợp người sử dụng trước vẫn có thể xác lập quyền đối với nhãn hiệu của mình mặc dù đã bị chủ thể khác đăng ký trước với ngày ưu tiên sớm hơn; đó là trường hợp chứng minh được đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhãn hiệu đã được nhiều người biết đến và được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chủ sử dụng trước đều có thể đưa ra những bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu của mình chưa kể việc đó còn mất nhiều thời gian, chi phí và công sức…
Trong việc đăng ký
Chủ thể đăng ký: Luật quy định NHTT dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của thành viên của tổ chức là chủ sở hữu. Nhưng tổ chức ở đây bao gồm những tổ chức nào và có hạn chế những tổ chức không được đăng ký hay không thì không được quy định rõ. Trong khi đó sự tồn tại của nhiều hình thức tổ chức là chủ sở hữu như Hiệp hội, Hợp tác xã, Công ty…sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra tiêu chí chung để quản lý vì mỗi hình thức tổ chức đều có những đặc điểm riêng và tiêu chí hoạt động khác nhau.
Hơn nữa, có những sản phẩm đặc sản truyền thống xuất phát từ một địa phương cụ thể, gắn với địa phương đó nhưng lại do một tổ chức ở nơi khác đăng ký là chủ sở hữu. Như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và quản lý hay bảo vệ, phát triển sản phẩm đặc sản của vùng đó vì tổ chức sở hữu nếu không xuất phát từ vùng là nguồn gốc của sản phẩm sẽ không hiểu và không nắm vững những đặc điểm riêng của địa lý hay những đặc tính riêng biệt của sản phẩm, dịch vụ.
Biện pháp đặt ra đối với NHTT chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, dịch vụ đó là cần có quy định cụ thể để giới hạn những tổ chức có thể làm chủ sở hữu đối với NHTT và nên có những quy định để hạn chế những tổ chức không xuất phát từ vùng địa lý của những sản phẩm, dịch vụ truyền thống có thể đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với những sản phẩm, dịch vụ truyền thống đăng ký gắn với địa danh cụ thể.
Đối tượng đăng ký: Luật SHTT không giới hạn đối tượng đăng ký NHTT là các sản phẩm, dịch vụ truyền thống nhưng phần lớn các đơn đăng ký NHTT là sản phẩm nông nghiệp gắn liền với sản phẩm, dịch vụ truyền thống của các địa phương. Ví dụ như danh mục các dự án tạo lập, quản lý và phát triển NHTT được hỗ trợ từ Chương trình 68 thì 17 sản phẩm, của 17 tỉnh, thành phố của cả nước đều gắn với sản phẩm đặc sản truyền thống. Có sự khác biệt này là do thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng ta chỉ chú trọng đến các sản phẩm dịch vụ gắn với cuộc sống lâu đời của người dân. Trong khi đó còn rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ khác không phải là sản phẩm hay dịch vụ truyền thống cũng cần thiết cho việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức NHTT. Vì vậy, ngoài các quy định và hỗ trợ cho việc phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ truyền thống cần có những quy định hỗ trợ cho các sản phẩm, dịch vụ không phải truyền thống ví dụ như các sản phẩm công nghiệp, lâm nghiệp…để tạo nên sự phát triển hài hòa và đồng bộ.
Thủ tục đăng ký: Đăng ký NHTT trải qua các giai đoạn khác nhau và đòi hỏi một thời gian khá dài để hoàn thành thủ tục đăng ký. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT 2009 đã sửa đổi thời gian thẩm định đơn nhãn hiệu từ 6 tháng lên 9 tháng. Nhưng thời gian này vẫn chưa đủ để đảm bảo các đơn được thẩm định trong đúng hạn quy định của Luật. Tỷ lệ các đơn bị quá hạn thẩm định còn rất nhiều, nguyên nhân có thể do số lượng thẩm định viên còn thiếu, do trình độ thẩm định viên hoặc do cơ chế đăng ký bảo hộ…
Ngoài ra, đối với việc đăng ký NHTT có gắn với địa danh thì Luật đòi hỏi phải có giấy phép sử dụng địa danh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trước Nghị định 122/2011 ra đời, người dân thường lúng túng khi xin cấp giấy phép sử dụng địa danh vì họ không biết cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng địa danh (có thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và có trường hợp cả Ủy ban nhân dân xã). Nghị định 122 ra đời đã quy định thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng địa danh chỉ là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này đã hạn chế sự chồng chéo trong quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một điểm hạn chế đó là mất rất nhiều thời gian để được cấp giấy phép sử dụng địa danh. Trong trường hợp thiếu giấy phép sử dụng địa danh khi nộp đơn đăng ký NHTT, Cục SHTT chỉ ấn định trong thời hạn 01 tháng để chủ đơn bổ sung. Tuy nhiên, thời hạn này là quá ít để chủ đơn có thể xin được giấy phép sử dụng địa danh thông qua thủ tục hành chính của nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần cải cách thủ tục hành chính để tạo nên sự thông thoáng, tránh rườm rà. Chẳng hạn như việc xin cấp giấy phép địa danh thuộc đơn vị hành chính nào sẽ do Ủy ban nhân dân cấp đó cấp phép để tích kiệm được thời gian, giảm tải áp lực công việc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đòi hỏi này không chỉ là ở trong lĩnh vực pháp luật mà ở tất cả các ngành trong cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay.
Trong quản lý và sử dụng NHTT
Quy chế quản lý và sử dụng: là tài liệu bắt buộc khi nộp đơn đăng ký NHTT. Là tài liệu bắt buộc nhưng thực tế quy chế quản lý và sử dụng này chỉ là hình thức và chưa phát huy được vai trò trong việc quản lý và sử dụng NHTT. Quy chế có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và của thành viên sử dụng nhưng không cơ chế để xử lý các chủ thể nếu không thực hiện đúng các yêu cầu được ghi nhận trong quy chế quản lý và sử dụng chỉ là mang tính hình thức không áp dụng được trên thực tế. Hơn nữa, quy chế
quy định rõ quyền và nghĩa vụ của thành viên trong việc sử dụng NHTT nhưng chủ sở hữu NHTT có thể sử dụng NHTT không thì không được quy định. Không giống như Việt Nam, Tổ chức SHTT thế giới quy định “NHTT do một hiệp hội hoặc Hợp tác xã sở hữu, nhưng bản thân các tổ chức này không sử dụng NHTT mà chỉ những thành viên của họ có thể sử dụng NHTT để tiếp thị sản phẩm” [9]. Tuy nhiên, quy định này của tổ chức SHTT thế giới hạn chế quyền sử dụng NHTT của chủ sở hữu.
Để tránh việc hiểu và áp dụng sai quy định của Luật thì nên quy định rõ quyền của chủ sở hữu NHTT đối với việc sử dụng NHTT trong quy chế.
Tạo đầu ra cho sản phẩm: Đây là yếu tố ảnh hưởng đến cả quá trình sản xuất nên để giải quyết ổn thỏa bài toán đầu ra cho người dân, cần phải liên kết chặt chẽ giữa người dân (sản xuất) với doanh nghiệp thương mại, chính quyền địa phương và các tổ chức. Có như vậy, việc triển khai tiêu thụ đặc sản địa phương mới ổn định, giúp người nông dân an tâm sản xuất.
Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên và đồng thời xây dựng các văn bản pháp quy khác như: tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định đóng gói bao bì, gắn tem nhãn, quy trình kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, bộ máy điều hành việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng cần được đầu tư tốt, cử các cán bộ có năng lực, có hiểu biết về SHTT tham gia đồng thời nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ để duy trì hoạt động của bộ máy đó đặc biệt là trong thời gian đầu khi xác lập quyền. Nhà nước cũng cần có các chính sách, biện pháp mở rộng thị trường, đưa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đi vào nề nếp, chuyên nghiệp. Có như vậy, các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương mới có thể phát huy được giá trị của mình.
KẾT LUẬN
Từ những nội dung cơ bản của luận văn chúng ta đã phần nào thấy được tầm quan trọng của việc bảo hộ các đối tượng của quyền SHCN nói chung và đối với NHTT nói riêng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đã đầu tư tiền của, công sức trong sản xuất, kinh doanh và cũng là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đây là một trong những động lực bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đầu tư trong nước, nước ngoài.
Cũng từ những nội dung cơ bản của luận văn nêu trên chúng ta cũng thấy được việc phát triển NHTT đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là một bước đi đúng đắn để tạo ra một sức mạnh đồng bộ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vấn đề bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đặc biệt là đối với NHTT còn khá mới mẻ đối với người dân. Phần lớn người dân chưa ý thức và chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo hộ các đối tượng của quyền SHCN. Đây là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Để phát huy hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với NHTT cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và mỗi người dân, cụ thể như nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; nâng cao nhận thức về SHTT của người dân và đặc biệt là chủ sở hữu và thành viên sử dụng NHTT; tạo ra những biện pháp hỗ trợ người dân/doanh nghiệp trong việc xác lập quyền đối với NHTT. Người dân cần tìm hiểu và thấy được tầm quan trọng của việc bảo hộ các đối tượng của quyền SHCN nói chung và đối với NHTT nói riêng. Có như vậy mới tạo nên sự phát triển hài hòa và đồng bộ trong nền kinh tế, rút ngắn khoảng cách hội nhập của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.