nơi ủng hộ, báo giới bênh vực. Bên chúng ta rất đông, một lực lượng rất mạnh. Song phải biết tranh đấu có hàng ngũ trật tự mới chiến thắng địch nhân. Muốn vậy phải biết tổ chức cuộc tranh đấu” [2, tr.491] và cũng chỉ cho chị em trước khi đấu tranh thì nên vận động tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ vì sao phải đấu tranh, phải có đại biểu và phải có khẩu hiệu của mỗi gian hàng, phải lựa chọn ra người cương quyết nhất để chỉ huy cuộc bãi thị.
3.3.2. Phản ảnh bất công mất dân chủ và đấu tranh đòi cải thiện đời sống của binh lính.
Binh lính mà đông đảo là công nhân, nông dân bị nhà cầm quyền Đông Dương tuyển mộ bắt buộc để tăng cường cho bộ máy đàn áp, bảo vệ quyền thống trị của chủ nghĩa thực dân và ứng phó với tình hình chiến tranh. Đi lính, những người lính phải chịu chế độ nhà binh vô cùng khắc nghiệt. Khi có chiến tranh họ bị đẩy ra tuyến đầu, chịu hòn tên mũi đạn, thương vong, thiệt hại đến tính mạng. Trong khi đó ở gia đình thì thiếu đi người lao động khỏe làm cho gia đình đã nghèo càng nghèo hơn. Bởi vậy, khi phải đi lính, không những bản thân người đó mà cả gia đình, cha mẹ, vợ con họ cũng vô cùng lo lắng.
Với vấn đề binh lính, nổi cộm lên là chế độ nhà binh khắc nghiệt. Vì lính thường sống, sinh hoạt tập trung trong các trại nên những sự hà khắc của nhà binh ít được xã hội biết đến. Để giải quyết vấn đề này, Dân Chúng giành khá nhiều trang đăng những bức thư của binh lính, trong đó cuộc sống của họ đã được chính họ giãi bầy một cách hết sức chân thực.
Dân Chúng số 23 đăng bức thư của binh lính đóng ở Thủ Dầu Một, phản ánh cuộc sống trong trại lính và chế độ nhà binh ở nơi đây như sau: Cơm không đủ ăn, thức ăn hầu như chỉ có cá mắm và hầu như bữa nào cũng thiếu, bữa ăn chậm so với giờ quy định, khi ăn không có ánh sáng đèn đóm gì cả. Người nào đưa yêu sách thì bị đánh đập. Thỉnh thoảng có tổ chức hát bóng cho binh lính xem ngay trong trại thì mỗi người lính khi xem vẫn mất 4 xu, có đi xem hay không, cuối tháng lĩnh lương đều phải trừ như nhau. Lính không được phát tem thư để gửi tem thư về cho gia đình, nhưng trong sổ lương vẫn thấy trừ tiền đều đặn…
Dân Chúng số 29, ngày 5/11/1938 có bài “Chúng tôi đương cần một sự sửa đổi nhân đạo”. Ngay mở bài tác giả đã khẳng định “binh lính ở Ô cấp cũng
như ở nhiều nơi khác, từ khi chúng tôi xa nhà cửa, cha mẹ, vợ con để hy sinh trong cuộc phòng thủ cho xứ sở, dấn mình vào cảnh tượng nhà binh, thì chúng tôi phải chịu lắm nỗi ê chề đau đớn” [2, tr.7]. Ngoài việc tố cáo kỷ luật khắt khe của nhà binh, sinh hoạt chế độ thiếu cơm, thiếu áo, bị những người thừa hành đánh đập, chửi rủa. Tác giả còn nêu lên một hiện tượng cực kỳ vô nhân đạo, đúng là coi người như thú vật, đó là việc “chăm sóc sức khỏe cho binh lính”. Bài báo viết:
“ Các thầy điều dưỡng ở đây không biết tìm thuốc cho phù hạp với người đau, nên mỗi lần có bịnh thì cứ chích mà phần nhiều bịnh nhơn phải chết oan vì khắc thuốc. Có người mới đau sơ mà sau khi chích mũi thuốc chừng 20 phút đồng hồ là chết ngay không kịp nói. Có một điều chúng tôi không thể tưởng tượng có được là chúng tôi đau mà không dám vào nhà thương, chờ cho bịnh đã trầm trọng rồi mới vào, thì ra đã mươi phần nguy cấp. Nói tới đây có người cho rằng “bộ chúng tôi nói giỡn!!!” hay là chúng tôi muốn chết !!! Không! chúng tôi nói thiệt, và không muốn chết bao giờ, nhưng chúng tôi phải lấy làm sợ hãi lo lắng dưới sự hung ác, tàn bạo của chú chef bịnh ở nhà thương; thì thà rằng chúng tôi phải chết hơn là thấy mặt cái người quái gở ấy” [2, tr.8].
Sau khi vạch trần những áp bức, những giả dối của chính phủ đối với binh lính người bản xứ. Số 39, ngày 20/12/1938 có bài “ Đòi cải thiện sinh hoạt cho binh lính, địa vị của binh lính trong cuộc tranh đấu chống phát xít và chiến tranh” Dân Chúng chỉ trích Chính phủ “ Tình cảnh anh em binh lính ở Đông Dương hết sức khổ cực, đủ các phương diện, nên gần đây họ phải đánh liều kêu ca và phản đối song vẫn chưa thấy cải cách cho họ, họ ở binh lính như ở tù, bị bệnh tật chết chóc khinh rẻ bèo bọt” và nêu rõ quan điểm của mình: “chúng tôi những người cộng sản, hết sức chống chính sách, nhồi sọ binh lính để lợi dụng họ làm bia đỡ đạn. Chúng tôi hết sức ủng hộ những điều yêu cầu thiết thực của họ” [2, tr.293]. Dân Chúng yêu cầu chính phủ cần phải cải thiện sinh hoạt cho binh lính về mọi phương diện như tăng lương, tăng trợ cấp cho cha mẹ, vợ con, bỏ chế độ đánh phạt vô lý, cho tự do đọc sách báo…Trước đó bài báo với ý tứ phân tích thiệt hơn cho chính phủ trong vấn đề điền lính còn khéo léo giác ngộ binh lính “ Người lính ở thế kỷ 20 ngày càng giác ngộ cái vai trò của mình,
không chịu để cho người ta xô đẩy ra hy sinh vô bổ cho bọn áp bức bóc lột mình hưởng lợi. Họ sẽ ngày càng nhận rõ rằng chỗ đứng của mình là ở trong hàng ngũ dân chúng, vì họ là con cháu dân chúng” “trong khi chống phát xít họ muốn tranh đấu để bênh vực tự do cho họ, cha anh họ” “chỉ khi nào thấy rõ là chống phát xít tức là để bênh vực quyền lợi của mình thì họ mới có thể hăng hái hy sinh” [2, tr.292]
Có thể bạn quan tâm!
- Phản Ảnh Bất Công, Mất Dân Chủ Và Đấu Tranh Đòi Cải Thiện Đời Sống Của Công Nhân Và Nông Dân.
- Phản Ảnh Bất Công, Mất Dân Chủ Và Đấu Tranh Đòi Cải Thiện Đời Sống Của Nông Dân.
- Phản Ảnh Bất Công, Mất Dân Chủ Và Đấu Tranh Đòi Cải Thiện Đòi Sống Của Các Thành Phần Khác.
- Ban Chỉ Đạo Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long Hà Nội, Hội Nhà Báo Thành Phố Hà Nội (2004), Sơ Thảo Lịch Sử Báo Chí Hà Nội (1905-2000) , Nxb Chính Trị Quốc Gia,
- Báo dân chúng với cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ - 14
- Báo dân chúng với cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ - 15
Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.
3.3.3. Phản ánh tình trạng thiếu trường học, đấu tranh đòi cải thiện điều kiện học tập cho học sinh.
Thực dân Pháp cai trị nước ta không quan tâm nhiều đến việc mở trường học để khai thông dân trí. Chúng muốn kìm hãm nhân ta trong vòng ngu dốt, hạn chế tính hiếu học truyền thống của dân tộc ta, nhất là đối với thiếu nhi và thanh thiếu niên để dễ bề thống trị. Mở trường học do yêu cầu cần thiết phải có một số ít người biết chữ để làm việc, để phục vụ cho chính quyền thống trị, đồng thời để lừa bịp nhân dân ta về chính sách văn minh khai hóa. Vì vậy, số lượng trường học ở Đông Dương rất hạn chế, giáo viên cũng ít và không được đầu tư đầy đủ, thích đáng để phục vụ nhu cầu được học hành của trẻ em bản xứ.
Nạn thiếu trường học là một hiện tượng rất phổ biến trên toàn xứ Đông Dương. Dân Chúng số 20 có bài “ Nạn trường học thiếu” đây là một lá đơn của cha mẹ học sinh gửi Thống đốc và quan chánh sở giáo huấn Nam kỳ. Trong đơn nêu lên tình trạng thiếu trường học ở Vĩnh Long
“ Nguyên trường Sơ đẳng Ngã tư có chín lớp học mà số học sanh đến 420, nghĩa là sức chứa mỗi lớp 50 học sinh. Đây là thị tứ, mỗi năm phải lãnh các học sinh trường làng gửi đến mà trường cũng chỉ có một lớp nhì năm thứ nhất và lớp sơ đẳng. Do tình trạng đó mà kỳ tựu trường lần này, kỳ thi lên lớp sơ đẳng số thí sinh có đến 105, số chấm đỗ chỉ có 41. Do thiếu chỗ, nên trường không nhận học sinh ở các trường khác đến thi dù có đủ giấy tờ chứng nhận” [1, tr.507].
Tiếp đến, Dân Chúng số 25, ngày 15/10/1938 có bài “ Nạn thiếu trường” Trong bài tác giả Uy Đông lên án “ Khắp xứ không biết mấy mươi ngàn trẻ em không chỗ học phải chịu dốt nát thê thảm vô cùng” [1, tr.643] và dẫn chứng: Trường Trung học đường Pétruský lớn nhất Nam Kỳ, muốn vào học, học sinh phải qua một kỳ thi, như năm 1938, 900 thí sinh chỉ lấy 180, loại ra trên 700 thì khoảng
100 là con nhà giàu chạy vào các trường tư, vẫn còn phải thất học đến 600. Trường sơ học ở Châu Thành, trường xã Tây ở Chợ Lớn, Chợ đũi Richaud, Dakao ở Sài Gòn trung bình 5 em đến tuổi đi học thì chỉ xin được 1 em.
Ở thôn quê nạn thiếu trường học còn trầm trọng hơn ở thành thị. Phần đông học sinh học hết trường làng sang trường tỉnh bị đuổi không thể theo học được nữa. Như trường Gò Đen mà báo Presse Indochinois viết, được báo Dân Chúng nhắc lại là kỳ thi vào lớp nhì năm 1938, có 400 thí sinh nhưng chỉ có đủ chỗ ngồi cho 80 học sinh, còn thì phải loại cả. Chín trường làng đưa 400 học sinh ra Gò Đen đã phải loại trên 300 vì thiếu chỗ. Ở Vĩnh Long, mấy trăm học sinh đưa ra trường Ngã Tư, không một học sinh được nhập học. Nhiều học trò đã phải chịu cảnh dốt nát, thất học vì nghèo không đủ đóng học phí ở các trường tư, mà xin vào trường công lại cũng không được nhận, nên đành bỏ học.
Trường đã thiếu, chính phủ còn đóng cửa bớt lớp và giảm bớt giáo viên. “Trường An phú Tây ở Chợ Lớn mấy năm nay đóng cửa hết một lớp còn một không sao chứa hết số trẻ em đúng tuổi đi học mỗi năm có đến hàng trăm. Nhiều chỗ khác, hai làng ở kế cận; mỗi làng có một nhà trường, nhà nước đóng đi một để cho hai làng có một ” [1, tr.644]. Tình trạng học nửa ngày, thay nhau học theo ca, chất lượng không đảm bảo, thực tế là đã có những trường “hàng năm số trẻ em chịu dốt có đến 200”. Nhiều trường không đủ giáo viên, ví dụ trường Tân Túc ở Chợ Lớn lớp 1 không có thầy dậy. Theo Dân Chúng điều tra thì Ty học chánh ở Nam kỳ hiện nay thiếu 360 giáo viên.
Người có con không có chỗ để xin cho đi học than phiền về nạn thiếu trường đã đành, người có con được đi học cũng không hết than phiền về sự sửa đổi chương trình giáo dục, rồi thời gian học ít, chỉ học nửa ngày, cha mẹ rất lo lắng về kiến thức thu nhận được trong tình trạng con em mình học hành “Một ngày chúng nó chỉ học có nửa ngày, nửa ngày kia chúng nó chạy chơi u hấp, thả diều mà chúng nó quên hết bài học” [1, tr. 644].
Vì thiếu trường học, thiếu thầy dậy, cung không đủ cầu nên sinh ra vô số bất công như sự khắt khe, sự áp chế vô lối để gạt bớt học sinh khi thi tuyển vào trường, cũng như sự thiếu chăm sóc học sinh và thậm chí đề ra những hình phạt nghiêm khắc đến khắc nghiệt đối với những học sinh hiện đang theo học trong trường:
Dân Chúng Số 18, ngày 21/9/1938 bài “Cái ngục trong trường Chấn Thanh” cho biết trường đã dùng một căn phòng tối nhơ bẩn, ngập nước và thiếu không khí để nhốt phạt học sinh. Tác giả bài báo đã hài hước so sánh “một tội nhân trong khám còn được tự do thong thả hơn” [1, tr.432]
Chất lượng trường lớp kém, nhanh xuống cấp, ban đầu thầy trò còn lấy cây chống đỡ, sau hư hỏng nặng phải chuyển lớp vào học ở đình, chùa, miếu thờ ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Số 33, Dân Chúng dẫn chứng bằng 2 bài “ Học sanh tr- ường Lyceum P.Doumer làm reo” và “ Trường Chấn Thanh” nêu ra tình trạng chỗ ăn ngủ của học sinh trong trường thiếu vệ sinh, đồ ăn thiếu chất, ôi thiu làm cho học sinh phải bãi khóa, và tình trạng vô cớ đuổi học trò của trường Chấn Thanh. Dân Chúng số 35 có bài khẳng định việc học sinh bãi khóa là do sự quản lý và chăm sóc của nhà trường không tốt, đốc trường nên sửa đổi, không thể có tư cách gì mà đuổi những học sinh bãi khóa được. Yêu cầu nhà cầm quyền buộc đốc trường cho học trò vào học lại. Số 47, Dân Chúng đưa tin một số học sinh trường Kế Sách bị đuổi học chỉ vì có một số học sinh làm bài văn trong đó có tỏ ý nên đoàn kết giúp đỡ nhau.
Với hình thức là lời than phiền của phụ huynh học sinh, trong bài “Thi khó!thi khó” Dân Chúng số 71 lên án Chính phủ cố tâm làm cho trẻ con An Nam thất học, đưa ra những bài thi khó so với lứa tuổi của các em, ví như 12-13 tuổi thì bắt cắt nghĩa những chữ mà chính thầy giáo cũng khó giải thích được hoàn toàn “những đứa trẻ mới bập bẹ đôi câu chữ Pháp mà bắt chúng nó phải tả cảm tình của chúng nó trong khi bị quở phạt hay được khen ngợi” [3, tr.417]. Tác giả bài báo tố cáo rằng qua cuộc thi thành chung thì ta càng nhận thấy chính sách nhỏ giọt trong giáo dục của chính phủ Pháp. Thường thì 5 cuộc thi bằng thành chung Pháp diễn ra vào 2 ngày khác nhau để thí sinh nếu rớt Pháp Việt còn có cơ hội được thi thành chung Pháp. Nay hai kỳ thi đó tổ chức trong 1 ngày. Rồi những cửa ải lọc thí sinh như thí sinh phải được 45 điểm Pháp văn thì mới được thi toán và khoa học, và phải có 150-170 điểm các môn này mới được thi vấn đáp. Tác giả kết luận “5 lừa mười lọc số thí sinh đậu Pháp văn kể trên sẽ không còn mấy người sau khi trải qua 2 cuộc khi khoa học và toán, lịch sử và vấn đáp” [3, tr.418].
Dân Chúng nhắc lại lời Thống đốc Pagiê “Bổn chức không muốn thấy đứa trẻ nào thất học” để liên hệ với thực tế vừa nêu ra để phê phán cái gọi là chính sách và chức năng khai hóa của ngời Pháp ở Đông Dương. Và nhân danh người có con không có chỗ học Dân Chúng đưa ra yêu sách:
“- Mở thêm trường cho đủ chỗ học tùy theo số học sinh
- Bỏ hẳn lệ hạn chế tuổi tác cho học sinh
- Trợ cấp giấy viết, bút mực…cho học sinh nghèo
- Mở thêm lớp học giáo khoa để dùng mấy người thi rớt bằng thành chung không, đang không có chỗ làm” [1, tr.645].
Với những bằng chứng trên, Dân Chúng phản ánh sự thờ ơ của chính phủ về vấn đề học hành của con trẻ, và vạch trần bộ mặt thực chất của thuộc địa “Khai hóa văn minh” của thực dân Pháp.
KẾT LUẬN
Báo Dân Chúng là cơ quan ngôn luận của lao động và nhân dân Đông Dương thời kỳ vận động dân chủ, ra đời trong thời điểm nhân dân cả nước sôi nổi hưởng ứng phong trào mặt trận bình dân, đấu tranh đòi các quyền dân chủ tối thiểu, đòi cải thiện đời sống. Sự ra đời của báo Dân Chúng đã ghi lại những chiến công có ý nghĩa lịch sử cho báo chí cách mạng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, buộc kẻ thù phải chấp nhận quyền tự do báo chí ở Nam kỳ. Đồng thời giương cao khẩu hiệu dân chủ, động viên, tổ chức quần chúng đòi tự do lập hội ái hữu, nghiệp đoàn, đòi tự do biểu tình và các quyền dân chủ khác.
Hai mặt đấu tranh đòi tự do dân chủ và đòi cải thiện dân sinh trên báo Dân Chúng có quan hệ hữu cơ với nhau, thống nhất với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trong một xã hội thuộc địa, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, mỗi giai cấp và mỗi tầng lớp đều chịu những bất công về quyền lợi kinh tế, vị trí xã hội khác nhau. Vì vậy các mục tiêu đấu tranh trên báo đã tùy từng tầng lớp cụ thể: như đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho công nhân, nông dân, tiểu
tư sản, thì đối với các thành phần khác lại tùy từng vấn đề. Để phản ánh được thấu đáo, đầy đủ quả là một nghệ thuật của báo Dân Chúng.
Những tin bài trong báo, đặc biệt về mặt trận đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh rất cụ thể, chính xác và cần thiết. Điều này giúp người đọc nhận rõ được thời thế lúc đó mà tin cậy Báo, nghe theo Báo, làm theo Báo hướng dẫn.
Báo Dân Chúng đã đi vào lòng quần chúng nhân dân, hiểu nối thống khổ của quần chúng nhân dân lao động, và bênh vực những quyền lợi hàng ngày của các lớp quần chúng. Những sự bất công, uất ức, những nỗi đắng cay, cơ cực và những nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp lao động đặc biệt công nhân, nông dân, binh lính, thợ thuyền, học sinh được phô bày trên các mặt báo.
Từ những sự quan tâm sâu sắc đó, báo Dân Chúng nghiên cứu sự thắng lợi và thất bại trong các cuộc đấu tranh của nhân dân để hướng dẫn nhân dân, nâng cao lực lượng tranh đấu, phương pháp tranh đấu và tinh thần đoàn kết của họ trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cho giai cấp của mình.
Để đạt được mục đích giác ngộ trình độ chính trị của quần chúng, trước tiên Dân Chúng đã có chủ trương thích hợp với thời thế và nhân tâm, để là nơi tin tưởng của quần chúng. Báo không bỏ qua quyền lợi của nhân dân bị áp bức, không bỏ qua những đòi hỏi cốt yếu cần thiết trong giai đoạn lịch sử, đấu tranh từ những việc rất rất bình thường từ miếng cơm, manh áo hàng ngày của người lao động, từ những sự bất công mất dân chủ dù là nhỏ nhất cũng được phản ánh trên báo. Báo thuật lại những vụ việc, dẫn chứng những gương đấu tranh, kể rõ sự lợi ích của đoàn kết, giải thích những nguyên tắc hợp tác… Thực tế chứng minh, tòa soạn báo đã trở thành nơi nhân dân gửi đơn từ nhờ cậy đăng lên những nguyện vọng của họ. Tự do, cơm áo, hòa bình là khẩu hiệu đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn lịch sử lúc đó. Trong lúc nhân dân Đông Dương bị bóc lột, bị đói rét, nhất là trong mấy năm kinh tế khủng hoảng tình hình đời sống của họ lại càng cùng khổ hơn nữa thì khẩu hiệu đó đồng thời chính là nguyện vọng của các các tầng lớp nhân dân.
Là báo Đảng, phục vụ sự lớn mạnh của Đảng, nên báo Dân Chúng có sự liên kết giữa tác động của bài báo đối với nhà nước thực dân và tác động đối với quần chúng nhân dân. Đối với dân chúng bài báo nêu được cái lý “phải đòi” còn đối với nhà nước thực dân thì cho thấy cái thế “phải biết” “phải xét” “ phải
nhượng bộ” “phải cải cách” “phải cho”. Như vậy báo viết cho 2 loại đối tượng. Viết cho địch để đòi, để xin, cái đòi, cái xin đó có những cái nhỏ nhặt và vô hy vọng nhưng cũng đều là những cuộc đấu tranh trong vòng pháp lý của địch bắt buộc địch phải cho. Mà dù nó không cho thì cũng có một tác dụng rất lớn là khoét sâu mâu thuẫn cơ bản vốn có của chế độ cai trị của thực dân.
Viết cho quần chúng đọc, tờ báo của Đảng ra hợp pháp thì ý nghĩa lớn nhất là được công khai, hợp pháp giác ngộ quần chúng, được công khai phổ biến trong quần chúng những cách thức, những nguyên tắc của đấu tranh chính trị. Báo đưa lần những cuộc đấu tranh ban đầu còn rời rạc, lẻ tẻ đấu tranh đòi quyền lợi sống còn hàng ngày của dân chúng lên thành đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị, quy tụ quần chúng ngày một thêm đông vào mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng. Nhiều các yêu sách, đơn từ, ngoài khẩu hiệu của mình đã có thêm cả khẩu hiệu của giai cấp khác…Như công nhân, nông dân không chỉ đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi chia công điền mà còn đòi tự do báo chí, cải cách tuyển cử, đòi sửa đối chính sách thuế…Do đó đã gây được nhanh chóng, kịp thời và mạnh mẽ một phong trào thực sự có tính chất quần chúng. Làm được như thế là do báo đã khéo léo liên kết được hai mặt tác động với đương quyền và tác động với quần chúng.
Qua báo Dân Chúng có thể thấy được cuộc đấu tranh công khai hợp pháp mà Đảng lãnh đạo quần chúng tiến hành dưới chính quyền đang còn trong tay của đế quốc, thấy rõ được những hoạt động của Đảng trong giai đoạn 1938-1939 là rất cần thiết tạo đà, tạo cơ số chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám.
Dân Chúng đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận và hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng giao phó, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng là sự thất bại cay đắng trong lịch sử đàn áp, bóp nghẹt tự do báo chí của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương. Dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn để đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của công tác tuyên truyền, vạch trần chế độ thuộc địa và nửa phong kiến thối nát phản động, không những thể hiện được vai trò của mình là vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén và mạnh mẽ, mà còn phản ánh hoạt động của các phong trào cách mạng và nguyện vọng bức thiết của quần chúng.