dịu dàng chứ không hề kiêu sa, đài các. Nó giống như những nét hồn nhiên, trong sáng của tâm hồn người con gái dân tộc.
Việc sử dụng thủ pháp so sánh để miêu tả ngoại hình nhân vật của Cao Duy Sơn đã được chúng tôi nói rõ ở mục 3.1.1 của luận văn (xin xem thêm các trang từ 69 đến 72). Thủ pháp so sánh còn được nhà văn sử dụng đắc lực trong việc phản ánh tâm hồn, tính cách của con người. Tâm hồn con người có khi được hiện lên qua ngoại hình. Khi nói về nỗi cô đơn của Ngấn, nhà văn viết: “Cơ thể gầy còm của nó lạnh lùng như một tảng đá mồ côi” [35,9]. Cái “cơ thể gầy còm” của một đứa trẻ đang bị bạn bè cô lập và chọc phá được so sánh với hình ảnh của một “tảng đá mồ côi”. Có lẽ không một hình ảnh nào sâu sắc hơn hình ảnh của một tảng đá mồ côi để nói về sự cô độc đến tuyệt đối của Ngấn trong lúc này. Hình ảnh so sánh thật giàu sức gợi. Hình ảnh của Nùng Sinh trước cái chết của Mảy Nhung cũng được ví với hình ảnh của “một tảng đá mồ côi”. Sự đơn độc được gợi ra từ hình ảnh của tảng đá. Nhưng là “tảng đá mồ côi” thì sự đơn độc ấy nhân lên gấp bội phần để chuyển thành nỗi đau thấm thía, xót xa! Cũng có khi nhà văn chỉ so sánh “đôi mắt lạnh như núi mùa đông” [35,49] cũng đủ để người đọc cảm nhận được được hết nỗi cô đơn, giá lạnh trong tâm hồn con người. Không chỉ vậy, có khi nỗi cô đơn được so sánh một cách trực tiếp: “Nỗi cô đơn như ngọn núi đứng một mình không cây cối” [35,43]. “Lòng hoang vắng tựa như gió thu lùa qua ngôi nhà xưa trống trải” [40,104]. Hình ảnh so sánh gợi sự trống trải, cô độc và xót xa. Hình ảnh “ đá mồ côi” một lần nữa được nhà văn sử dụng không đơn thuần để nói về sự cô độc mà còn để nói tới nỗi đau. Đó là nỗi đau của Hoán khi Lằn Dì trở về với ý định giành lấy đứa con: “Hoán vẫn đứng lạnh lùng như một tảng đá mồ côi” [37,169]. Có thể thấy, nhà văn sử dụng rất nhiều lần hình ảnh “đá mồ côi” để đem ra so sánh. Có lẽ nó chính là hình ảnh duy nhất sâu sắc nói hết được sự đơn độc, đau xót cả về thể xác lẫn tâm hồn con người.
Cuộc sống vô thường nên buồn vui luôn hiện hữu. Trong những trang văn của Cao Duy Sơn, dường như nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Cách diễn tả nỗi buồn của nhà văn hết sức tinh tế. Vẫn trên cơ sở lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, ta bắt gặp rất nhiều những phép so sánh để có thể đi sâu vào trạng thái tâm lí đó của con người. Cái so sánh và cái được so sánh để diễn tả nỗi buồn cũng hết sức phong phú và độc đáo. Có khi đó là nước mắt, là giọng hát, là bước đi của thời gian…Khi rơi vào tình cảnh khốn cùng, nghe những lời hát ru, Mảy Nhung cảm thấy “giọng hát buồn như tiếng suối chảy âm thầm trong đêm vắng” [35,208]. Có những nỗi buồn xen lẫn xót xa khi tuổi xuân người con gái qua mau: “Tuổi con gái vội đi như trăng qua núi” [41,75]. Có những nỗi buồn xen lẫn tủi hờn cho thân phận. Đó là khi người phụ nữ không thể có được thiên chức làm mẹ: “Làm thân con gái như em khác nào có gạo không có lửa, có rau không có muối, như cái cây cho hoa mà không có quả” [35,189]. Cách nói “có
- không có” đi kèm với hàng loạt những thứ cần phải đi đôi với nhau trong cuộc sống khiến cho nỗi sầu tủi như trào dâng, xa xót nghẹn ngào! Còn nỗi đau đớn, cay đắng khi người con gái mình yêu từ chối tình cảm của mình khiến Ngấn cảm thấy “đắng như quả Mác bát trong cuống họng” [35,227]. Có khi là nỗi buồn cho hành trình của một kiếp người qua nhanh quá: “Đời người qua nhanh như mùa cốm tháng mười” [41,174]. Đời người qua nhanh bởi thời gian “trôi qua nhanh như một ngôi sao rơi” [35,127]. Nỗi buồn bủa vây Diệu (Đàn trời) khiến nàng cảm thấy “tiếng sáo của lão (xẩm Ky) hệt như rượu uống với cơn sầu, càng uống càng dâng nỗi buồn nhưng chẳng thể nào dứt bỏ” [40,134]. So sánh âm thanh tiếng sáo - cảm nhận bằng thính giác, với “rượu uống với cơn sầu” - cảm nhận bằng vị giác và tâm trạng, quả là đặc biệt. Nỗi sầu như thể nghe được, nếm được và lặn sâu vào lòng cùng với vị đắng của rượu. Có như vậy mới thấy được sự cảm nhận tinh tế của tác giả. Cũng có khi nhà văn trực tiếp nói tới nỗi buồn. Khi không lấy được Ếm, Sinh (Chợ tình) “ buồn như con suối thu cạn nước”. Còn người phụ nữ khi phải chia sẻ tình cảm của chồng cho
một người phụ nữ khác thì “giọng buồn trôi như mây thu” [41,156]. Phải chăng mùa thu thường gợi buồn nên nó được tác giả so sánh trực tiếp với nỗi buồn? Hơn nữa “suối thu cạn nước” và “ mây thu” là những hình ảnh đẹp. Đẹp nhưng gợi buồn thì nỗi buồn như càng thấm thía hơn, sâu lắng hơn. Cao Duy Sơn đã lựa chọn hình ảnh không chỉ quen thuộc với cuộc sống của người miền núi mà còn rất đẹp, lãng mạn để có thể diễn tả được đời sống nội tâm nhân vât. Không cầu kì, hoa mĩ nhưng đời sống tâm hồn con người miền núi hiện lên thật đa diện, đa chiều. Điều đó nói lên được tài nghệ trong việc sử dụng phép so sánh, liên tưởng của Cao Duy Sơn.
Song song tồn tại với niềm đau, với nỗi buồn là niềm vui, là hạnh phúc. Thủ pháp so sánh cũng khiến cho những trạng thái tâm trạng ấy hiện lên như có thanh có sắc, có đường có nét. Không gì đặc sắc bằng những so sánh khi nói về tình yêu đôi lứa. Trong sáng, thanh khiết và ngọt ngào vô cùng. Những so sánh với hàng loạt hình ảnh quen thuộc, tươi mới và tinh khiết ấy khiến ta cảm thấy tình yêu, hạnh phúc không ở đâu xa mà nó vẫn ngày ngày tồn tại ngay bên ta và trong ta. Bởi “tình yêu như nắng mới của buổi sớm tinh khôi” [40,18]. Nó “tươi sáng và trong vắt như trăng thu, ngọt ngào nguyên sơ như hương lúa” [40,48]. Đặc biệt làm sao khi sự ngọt ngào của tình yêu được ví như hương vị của những bông lúa! Tình yêu đem đến niềm vui. Niềm vui khiến cho tiếng cười vang ngân như tiếng “nước tuôn khỏi miệng ống bương” [35,42]. Tình yêu mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc khiến đôi má người thiếu nữ “ửng như trái hồng” [43,20]. Và cũng chính tình yêu đã nâng đỡ tâm hồn con người để nó “trong suốt như nắng sớm” [39,138].
Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp so sánh để diễn tả đời sống tâm hồn, Cao Duy Sơn cũng thường dùng phép so sánh để nói về phẩm chất, tính cách con người miền núi. Cái được đem ra để so sánh là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc với cuộc sống sinh hoạt của người dân miền núi như ngọn cỏ, con suối, cơn lũ…Đồng bào miền núi gắn với cuộc sống tự cung tự cấp, gần gũi với thiên
nhiên nên thường có tính cách tự do, tâm hồn phóng khoáng. Cá tính tự do ấy được tác giả ví như “cỏ trên núi”. Hình ảnh ấy mang một chút gì hoang dại nhưng lại dẻo dai sức sống. Rừng núi như đã truyền sang cho họ phẩm chất, tính cách hồn nhiên, trong trẻo nên ở họ có “cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu, không bon chen, tị hiềm, đó kị” [40,156]. Hình ảnh con nước suối trong vắt có lẽ là hình ảnh đẹp nhất để nói về phẩm chất trong sáng, chân thực của đồng bào miền núi. Nhưng cũng có khi họ mang trong mình sự ngang tàng có phần hoang dã. Khàng là một nhân vật như thế. “Lớn lên nó ngang như cây mác púp, nghịch như con khỉ độc trên rừng, dữ như con hổ đói” [37,195]. Hay khi nói tới tâm địa xấu xa, tác giả so sánh: “Trong bụng Sài Vẳn như con suối lũ nổi những bọt bẩn” [36,9]. Hình ảnh so sánh bị khuyết nhưng hình ảnh được so sánh đã làm sáng tỏ vế bị khuyết. “Bọt bẩn” trên dòng suối lũ trở thành hình ảnh tượng trưng cho những ý nghĩ đen tối, độc ác, cho sự “ghen ăn tức ở” của Sài Vẳn. Còn với Pìn Sì - một kẻ quyền bính đầy mình nhưng bỗng một ngày mất tất cả nên hắn chưa lúc nào nguôi khao khát trả thù kẻ đã gây cho hắn rơi vào cảnh trắng tay - khao khát ấy có lúc “bùng lên như than hồng ủ trong tro nóng” [35,204]. Hình ảnh than hồng ủ trong tro nóng vô cùng gần gũi với cuộc sống của người miền núi. Ở vùng rừng núi, bất cứ nhà nào, trước khi đi ngủ cũng lấy tro vùi than chứ không dập tắt đi. Ở trong tro, than vẫn rất hồng. Chính vì thế lấy hình ảnh này để so sánh với khao khát trả thù của Pìn Sì quả là tài tình. Nó khiến cho người đọc thấy được sự thù hận không bao giờ buông tha cho tâm hồn Pìn Sì. Không chỉ khuôn mặt góp phần thể hiện tâm tính mà giọng nói cũng làm được điều đó. Lòng ghen tuông, tính cách ương bướng nóng nẩy, độc đoán, ác ôn khiến “giọng của Pẩu nghe như có tiếng gió rít” [37,180]. Nghe giọng nói ấy, người đọc có thể hiểu được anh ta sẵn sàng đánh người nếu làm trái ý anh ta. Như vậy, việc sử dụng thủ pháp so sánh và những hình ảnh quen thuộc để miêu tả tính cách, phẩm chất con người
đã khiến cho hình ảnh đồng bào miền núi hiện lên đa diện, nhiều chiều. Qua đó, độc giả có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống cũng như con người vùng cao.
Tư duy liên tưởng, tưởng tượng của người miền núi rất phong phú. Bởi cuộc sống của họ gắn bó chặt chẽ với những công việc, những thói quen rất riêng của cuộc sống miền núi nên họ có cách nói ước lượng rất thú vị. Đại đa số cách nói đó đều dùng để ước lượng thời gian hoặc khoảng cách. Tác giả thường mượn một mùa cụ thể để làm thước đo cho một năm, mượn những công việc quen thuộc để ước lượng khoảng cách. Năm được đo bằng mùa nhưng đó là những mùa đặc biệt. Phắn đã đến với Diên được “hai mùa tung còn” [35,43]. Cao Duy Sơn đã lấy sự kiện để nói thời gian. “Mùa tung còn” chỉ có ở miền núi. Ấy là vào mùa xuân, khi những chàng trai, cô gái dân tộc háo hức và hồi hộp mượn quả còn để tìm cho mình một người bạn tình. Nếu như diễn tả khoảng thời gian mà Phắn đến với Diên bằng “ hai mùa xuân” thì cách nói ấy sẽ kém độc đáo, thiếu sắc thái dân tộc hơn rất nhiều so với cách nói “hai mùa tung còn”. Khoảng thời gian một năm còn được đo bằng “mùa thuốc phiện” [37,195], “mùa trăng” [35,48], bằng “cái tết” [35,225]. Cũng có khi tác giả lấy những sự vật, hiện tượng quen thuộc trong cuộc sống người miền núi để làm thước đo thời gian. Để diễn đạt khoảng thời gian từ sáng tới tối, tác giả viết: “Họ đi làm từ lúc con gà nhà nó gáy lần thứ nhất đến lúc ông mặt trời về ngủ bên kia núi Nục Vèn mới về nghỉ” [37,197]. Có những khi nhà văn sử dụng cách liên tưởng rất độc đáo. Du và Sìu là hai anh em sinh đôi và họ “nhìn thấy mặt trời trước nhau chỉ bằng nồi cơm sôi” [36,170]. Khoảng thời gian ngắn ngủi được liên tưởng với thời gian đủ để nồi cơm sôi. Hình ảnh liên tưởng khiến cho câu văn mang một nét rất riêng, rất mới lạ. Bước đi của thời gian còn được đo bằng mái tóc điểm sương, bằng nếp nhăn nơi vầng trán: “Sương mai đã về đậu mái đầu, sóng thời gian cũng đã hiện mờ vầng trán” [37,217], bằng sự hao gầy của đôi chân: “Bây giờ thì chân nhỏ, giày rộng” [41,50].
Có thể bạn quan tâm!
- Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 11
- Sử Dụng Thành Ngữ, Tục Ngữ Giàu Sắc Thái Địa Phương
- Vận Dụng Lối So Sánh, Liên Tưởng, Cách Nói Ước Lượng, Giàu Hình Ảnh
- Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn - 15
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Bên cạnh lối nói ước lượng thời gian thì tác giả cũng thường hay sử dụng cách nói ước lượng về khoảng cách. Qua những lời đối thoại của nhân vật độc giả nhận ra được cách nói của người vùng cao khi ước lượng độ dài của quãng đường trước mắt:
“ - …Từ đây đến Cô Sầu còn xa không?
- Mười lần đổi khăn vai, mười lần đổi mõ dao quăng ra bụng, theo hướng đông bắc là sẽ đến” [35,128].
Khoảng cách từ Tà Lùng đến Tà Phàn được ước lượng bằng thời gian “một ngày đi ngựa” [37,153]. Không cần nói tới con số cụ thể để chỉ khoảng cách mà chủ yếu mượn lối nói ước lượng. Đó chính là một nét đặc trưng trong cách nói của người miền núi.
Tìm hiểu ngôn ngữ văn xuôi của Cao Duy Sơn, người đọc còn được thưởng thức vô vàn những câu văn giàu hình ảnh. Nhà văn nói về sự có mặt của một sinh linh bé bỏng trên cõi đời này là “đi ra với trời với đất” [35,186]. Để nói về sự trưởng thành, đủ chín chắn để xây dựng gia đình của những chàng trai, nhà văn mượn rất nhiều hình ảnh để diễn đạt: “Cây hoa đã đến kỳ đâm nụ, con ong đã đến ngày cho mật” [35,44]. “Kỳ đâm nụ” của hoa, “ngày cho mật” của ong chính là những hình ảnh ẩn dụ để nói đến tuổi lấy vợ, lấy chồng của những chàng trai, cô gái. Cao Duy Sơn cũng có cách nói rất gần gũi nhưng không kém phần đặc sắc khi nói tới tuổi già của con người: “Giờ tôi như cái cây cho quả, già quá rồi, quả cũng đã khô héo, như cái trăng trên trời muộn quá rồi không còn tròn nữa. Ngày ông không dám cướp lấy tôi, như trái cây chín mọng mà không ăn, như cái trăng lúc còn tròn mà không ngắm, giờ quả chỉ còn xơ, trăng giờ đã héo, ăn không được nhìn chỉ buồn” [36,56]. Những hình ảnh “quả khô”, “trăng héo” thật giàu sức gợi. Nó không chỉ giúp người đọc hình dung ra hình ảnh con người bị thời gian lấy đi tuổi tác, bị tuổi tác lấy đi nhan sắc, sức lực… mà còn gợi ra được một sự tiếc nuối, day dứt và xót xa.
Có thể nói, thủ pháp so sánh, cách nói ước lượng, giàu hình ảnh được rất nhiều nhà văn sử dụng để tạo nên những trang viết sinh động, có hồn. Tuy nhiên nó lại rất phù hợp với lối nói và lối tư duy của người miền núi. Vì thế qua ngòi bút của các nhà văn dân tộc thiểu số, hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người vùng cao được hiện ra hết sức sinh động, cụ thể và hồn nhiên, chất phác. Bước vào sáng tác của nhà văn Cao Duy Sơn, người đọc được thỏa sức thưởng thức ngôn từ, văn phong sống động mang đậm sắc thái dân tộc. Nó giúp cho Cao Duy Sơn có thể chuyển tải được toàn bộ ý đồ nghệ thuật của mình vào văn chương một cách dụng dị, tự nhiên nhất. Có thể nói: thủ pháp so sánh liên tưởng, cách nói ước lượng, giàu hình ảnh đã “khiến cho lối dẫn truyện quềnh quàng không trau chuốt bộc lộ đúng như lối sống mộc mạc của người dân Tày, trở thành thủ pháp văn chương khá hấp dẫn”. Điều đó cũng góp phần không nhỏ để làm cho “ngôn ngữ văn xuôi Tày trở nên phong phú, sinh động, trong sáng hơn, những câu chuyện không chỉ mang ý nghĩa thời sự mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc” [50,33].
Những phương diện nghệ thuật nói trên đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải những giá trị nội dung, những nét bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn đến với độc giả. Người nghệ sĩ ấy đã đắm mình trong tâm hồn và cuộc sống của đồng bào mình để rồi thể hiện điệu hồn, điệu sống của họ trên những trang văn giàu tính nhân văn, nhân bản. Với những phương diện nghệ thuật nổi bật ấy, Cao Duy Sơn đã đem đến cho độc giả khắp mọi miền một bức tranh toàn diện và chân xác về con người và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
PHẦN KẾT LUẬN
Cao Duy Sơn là một nhà văn đã sống gắn bó máu thịt với quê hương Cao Bằng, được nuôi dưỡng và “đắm mình trong những vỉa tầng văn hóa nguyên bản” của dân tộc Tày trên mảnh đất Cô Sầu nên tác phẩm của ông, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, đều bắt nguồn từ vùng đất ấy. Đến với sáng tác của Cao Duy Sơn, người đọc bị ám ảnh bởi những trang văn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc ấy in dấu trên muôn vàn số phận, bạt ngàn cảnh sắc và những nét đặc trưng văn hóa truyền thống được nhà văn phản ánh trong tác phẩm. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần định hình một phong cách riêng của Cao Duy Sơn trong nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Có thể nói, quê hương đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng và bồi đắp cho những mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của Cao Duy Sơn. Đó là cảm hứng về thân phận con người, về tâm hồn và tính cách đồng bào dân tộc thiểu số. Đó còn là cảm hứng về những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc và những cảm hứng trữ tình về thiên nhiên miền núi. Trên trang viết của nhà văn, bức tranh về cuộc sống và con người miền núi hiện lên với nhiều gam màu, đường nét…khác nhau. Những phận người bất hạnh nhưng vẫn ngời lên bao phẩm chất tốt đẹp đáng trân trọng, ngợi ca. Những khung cảnh thiên nhiên đậm chất miền núi cũng được khai thác ở mọi góc độ không - thời gian. Và cùng với đó là biết bao những phong tục, tập quán đẹp của người Tày đã được Cao Duy Sơn khắc họa say sưa với thái độ tự hào pha chút dự cảm lo âu về sự mai một trong tương lai. Mỗi tác phẩm của Cao Duy Sơn là một sự tìm tòi, khám phá, phát hiện mới mẻ, độc đáo về con người dân tộc thiểu số. Từ đó giúp cho người đọc có thể tiếp cận một cách sâu sắc, đầy đủ và rõ ràng hơn về vùng đất, cuộc sống dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa này.
Để chuyển tải có hiệu quả những vấn đề quan trọng của cuộc sống và con người miền núi đến với người đọc, Cao Duy Sơn chú trọng đến những yếu