Áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, qua thực tiễn Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải phòng - 14

3.2.3.2. Giáo dục quyền con người cho đội ngũ kiểm sát viên, xây dựng văn hóa pháp luật kiểm sát viên

- Giáo dục quyền con người cho đội ngũ kiểm sát viên – điều kiện góp phần đảm bảo chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

Do tính chất, yêu cầu của công việc của kiểm sát viên về áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho nên họ cần có hiểu biết cơ bản về quyền con người và những yêu cầu, kỹ năng tác nghiệp để bảo vệ quyền con người. Do vậy hiệu quả giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ chỉ thực sự đảm bảo khi kết hợp với công tác giáo dục quyền con người cho kiểm sát viên.

Mục đích quan trọng nhất của giáo dục quyền con người là trang bị những kiến thức cơ bản, xây dựng ý thức tôn trọng, bảo vệ và những kỹ năng sử dụng quyền con người của bản thân mỗi người và của những người khác.

Con người càng hiểu biết nhiều về các quyền của chính mình thì càng tôn trọng các quyền của những người khác và như vậy càng có cơ hội chung sống hoà bình. Chỉ khi nào người dân được giáo dục về quyền con người thì lúc đó chúng ta mới có thể hy vọng ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền con người cũng như ngăn chặn xung đột.

- Xây dựng văn hóa pháp luật của kiểm sát viên

Văn hoá pháp luật là hệ thống các yếu tố, các giá trị vật chất và tinh thần thuộc lĩnh vực tác động của pháp luật được thể hiện trong ý thức và hành vi của con người. Văn hóa pháp luật của kiểm sát viên thể hiện ở sự tôn trọng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người, sự công tâm, thái độ đúng mực, lịch sự, ý thức trách nhiệm, chia sẻ trong giải quyết công việc. Văn hóa pháp luật của kiểm sát viên.

Cần xây dựng quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiểm sát viên, giữa kiểm sát viên và điều tra viên. Theo pháp luật, điều tra viên là đối tượng phải chấp hành các yêu cầu điều tra của kiểm sát viên. Kiểm sát viên cần có thái độ đúng mực, có bản

lĩnh đồng thời có ứng xử lịch sự, thân thiện, trao đổi với điều tra viên về những vấn đề mà mình yêu cầu, trường hợp những vấn đề mà kiểm sát viên yêu cầu điều tra nhưng điều tra viên không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiệ n được thì kiểm sát viên và điều tra viên cần phối hợp để cân nhắc kỹ. Trường hợp cả hai không thể thống nhất được thì báo lên cấp trên để xem xét xử lý.

3.2.4. Nhóm giải pháp về tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của các tổ chức đảng, giám sát nhà nước và xã hội đối với hoạt động áp dụng pháp luật của viện kiểm sát về kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

3.2.4.1. Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của các tổ chức đảng đối với hoạt động áp dụng pháp luật về kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của viện kiểm sát nhân dân

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, đối với ngành kiểm sát nói riêng. Hiến pháp đã xác định nguyên tắc, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng.

Áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, qua thực tiễn Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải phòng - 14

Liên hệ vào áp dụng pháp luật của viện kiểm sát trong hoạt động áp dụng pháp luật của viện kiểm sát về kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, cần xác định đúng trách nhiệm của các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ đảng viên về đảm bảo chất lượng ADPL, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

3.2.4.2. Kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với hoạt động áp dụng pháp luật về kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của viện kiểm sát nhân dân

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân đối với đối với hoạt động của VKS và của các kiểm sát viên.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định cơ chế kiểm soát trở lại của cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Đây là việc thể chế hóa tư tưởng kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp năm 2013, quy định rò các thiết chế giám sát

bằng hình thức dân chủ đại diện gồm có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định cơ chế giám sát thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua các phương thức kiểm tra, giám sát nhà nước và xã hội đối với hoạt động của VKS nói chung, áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói riêng để đảm bảo tính có căn cứ, tính hợp pháp của hoạt động này, phòng ngừa sai sót và mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng nền tư pháp nước ta thực sự trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3.2.5. Nhóm giải pháp về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật, đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của viện kiểm sát

3.2.5.1. Xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/ 6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kế hoạch số 05-KH/CCTP của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã chỉ rò nhiệm vụ chính của VKSND từ nay đến năm 2020 là tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là: VKS các cấp thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, từ nay đến năm 2020, VKSND các cấp phải tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của VKSND các cấp theo lộ trình cải cách tư pháp. Các nội dung cụ thể là:

Kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát

hoạt động tư pháp ở VKSND các cấp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, thành lập mới một số đơn vị chức năng cấp vụ trực thuộc VKSND tối cao, đó là:

Thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng: Việc thành lập đơn vị này là nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mặt khác, đảm bảo sự đồng bộ với tổ chức của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy trên cơ sở tách ra từ Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án an ninh, ma túy. Việc thành lập đơn vị này là nhằm phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và đảm bảo sự đồng bộ với tổ chức CQĐT của Bộ Công an theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.

Thành lập mới Vụ hợp tác quốc tế. Việc thành lập đơn vị này xuất phát từ tình hình thực tiễn là năng lực tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài của các cơ quan tư pháp nói chung và của VKSND nói riêng còn rất hạn chế, nhất là trong điều kiện giao lưu quốc tế của nước ta hiện nay và những năm tiếp theo. Đơn vị này ngoài việc thực hiện chức năng tham mưu, quản lý về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân thì còn có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu để cùng với các đơn vị chức năng của Việt Nam như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và phối hợp với cơ quan tư pháp của nước ngoài trong việc tăng cường năng lực giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài trong điều kiện đất nước mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế.

Thành lập mới Vụ thi đua khen thưởng của ngành Kiểm sát nhân dân. Đơn vị này có chức năng tham mưu, quản lý về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân. Việc tăng cường công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm động viên cán bộ, công chức trong ngành thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ nhất là trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay.

Trên cơ sở thành lập mới một số đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, cũng cần

xem xét, lựa chọn để triển khai thành lập đơn vị tương ứng ở cấp dưới của VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, ở VKSND cấp tỉnh có thể thành lập thêm hai phòng nghiệp vụ là: Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án tham nhũng và Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ theo chủ trương của Đảng, tăng cường kiểm sát viên có năng lực cho VKSND các địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào chức danh kiểm sát viên; nghiên cứu phương án tăng thời hạn bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm không thời hạn đối với chức danh kiểm sát viên, điều tra viên của VKSND; nghiên cứu đề án đổi mới chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân theo lộ trình chung.

Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng công tố viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện công tố trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực điều tra, kỹ năng công tố, trình độ ngoại ngữ và tin học. Công tố viên trong thời gian tới phải được đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ điều tra tội phạm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ công tố chỉ đạo điều tra, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa.

Nghiên cứu đổi mới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công tố viên đủ năng lực để giảng dạy và nghiên cứu về kỹ năng công tố, phương pháp điều tra tội hạm, thống kê hình sự và nghiên cứu tội phạm học.

Nghiên cứu đổi mới chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cho ngũ cán bộ, công tố viên. Lương và chế độ đãi ngộ phải phù hợp với đặc thù của hoạt động công tố và trong bối cảnh chung của sự phát triển kinh tế, có tính đến khả năng phát triển kinh tế của từng địa phương. Nghiên cứu cơ chế khen thưởng bổ nhiệm trước thời hạn đối với công tố viên có sáng kiến, có thành tích xuất sắc trong công tác.

3.2.5.2. Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của viện kiểm sát

Tiếp tục, tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện, kỹ thuật cho VKS trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự. Như: về trụ sở làm việc; Về kinh phí đấu tranh phòng chống tội phạm là loại kinh phí đặc thù, cần được nghiên cứu bổ sung nhằm có đủ kinh phí để bảo đảm vừa đấu tranh vừa phòng chống tội phạm có hiệu quả; Về phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý, phòng ngừa tội phạm phải bảo đảm đồng bộ, văn minh, hiện đại để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Nội dung chương 3 tập trung phân tích các quan điểm cơ bản và giải pháp đảm bảo chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của các VKSND cả nước nói chung, ở thành phố Hải phòng nói riêng.

Cách tiếp cận của tác giả là đặt vấn đề áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trong điều kiện triển khai thi hành Hiến pháp 2013, tiếp tục cải cách tư pháp, sửa đổi bổ sung BLHS, BLTTHS. Từ đó tác giả lý giải về các quan điểm, giải pháp được đề xuất. Tiêu biểu là các quan điểm, giải pháp cơ bản sau:

Áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, chiến lược cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc tư pháp dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp quy định, bảo đảm mọi quyết định của các cơ quan tố tụng có căn cứ và đúng pháp luật.

Tiêu biểu về các giải pháp cơ bản: về hoàn thiện pháp luật hình sự, Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự; giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm sát viên về áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

KẾT LUẬN LUẬN VĂN


Trên cơ sở tham khảo các nguồn tư liệu khoa học, thực tiễn và với kinh nghiệm công tác của bản thân, tác giả luận văn đã nghiên cứu đề tài “Áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, qua thực tiễn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải phòng”.

Từ góc độ của chuyên ngành đào tạo thạc sỹ luật học Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, tác giả đã phân tích cơ sở lý luận của áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, thực trạng ở VKSND thành phố Hải phòng về các kết quả, ưu điểm cùng một số hạn chế.

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn địa phương cũng như thực tiễn của ngành kiểm sát ở một số địa phương khác của đất nước, tác giả đã đề xuất có lý giải cơ sở về các quan điểm, giải pháp cơ bản đảm bảo chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND ở nước ta nói chung, đối với ngành kiểm sát thành phố Hải phòng nói riêng.

Theo đó, tác giả đã phân tích nội dung các quan điểm, giải pháp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn: triển khai thi hành Hiến pháp 2013, tiếp tục cải cách tư pháp, sửa đổi bổ sung BLHS, BLTTHS, xây dựng nền tư pháp dân chủ, pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Luận văn có giá trị tham khảo trong nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn. Xin được trân trọng giới thiệu luận văn với tất cả sự khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý để hoàn thiện.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022