Áp Dụng Pháp Luật Của Tòa Án Trong Giai Đoạn Giám Đốc Thẩm, Tái Thẩm Các Vụ Án Hình Sự

- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm sau khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị (30 ngày kể từ ngày tuyên án), không bị kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

- Những bản án và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;

- Những quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Việc quy định rò ràng thời hạn thi hành bản án, quyết định của Tòa án thể hiện việc chặt chẽ trong trình tự thủ tục thi hành bản án. Điều 256 BLTTHS quy định:

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành bản án hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án [45].

Ra quyết định thi hành bản án và quyết định của Tòa án là giai đoạn độc lập với hoạt động xét xử nhưng phụ thuộc vào kết quả xét xử của Tòa án. Tất cả các bản án, quyết định của Tòa án là kết quả của một quá trình tố tụng từ khởi tố vụ án đến điều tra truy tố xét xử, phải được đưa ra thi hành để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cả quá trình tố tụng. Các trường hợp người bị kết án bị bệnh nặng hoặc có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là lao động duy nhất trong gia đình, vì lý do công vụ đủ điều kiện theo quy định tại Điều 61 BLHS năm 1999 có thể xem xét được hoãn chấp hành hình phạt tù, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước ta.

Ra quyết định thi hành bản án của Tòa án khẳng định những bản án cụ thể có hiệu lực pháp luật, yêu cầu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải thi hành nghiêm túc bản án của Tòa án, là sự chính thức hóa của cơ quan nhà nước trong việc cưỡng chế các chủ thể bị ADPL phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý mà Tòa án đã quyết định. Theo quy định tại Điều 257 BLTTHS năm 2003 thì việc thực hiện quyết định thi hành án của Tòa án được pháp luật

giao cho nhiều cơ quan khác nhau, như: Công an thi hành hình phạt tù, hình phạt tử hình, trục xuất. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), phần dân sự của bản án, án phí, thực hiện việc xử lý vật chứng… Tòa án ra quyết định thi hành các loại hình phạt: Tử hình, hình phạt tù, hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt trục xuất.

Cơ quan công an phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án biết về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được phải nêu rò lý do. Nếu người bị kết án bỏ trốn thì chánh án đã ra quyết định thi hành án phải có văn bản yêu cầu cơ quan công an ra quyết định truy nã bắt người bị kết án đi chấp hành án.

Nếu người bị kết án đang tại ngoại chưa chấp hành hình phạt tù mà mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lập công lớn và xét thấy không còn nguy hiểm cho xã hội, được Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đề nghị miễn chấp hành hình phạt thì Tòa án cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét miễn hình phạt tù gồm 03 thẩm phán xem xét có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho người bị kết án được đề nghị theo Điều 57 BLHS năm 1999.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

Khi chấp hành được 1/3 thời hạn chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách của án treo, mà người kết án có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt pháp luật, quy định của cơ quan thi hành án và được cơ quan thi hành án đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời hạn cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách của án treo. Tòa án phải thành lập Hội đồng xét giảm gồm 03 thẩm phán hoặc 01 thẩm phán, 02 Hội thẩm xem xét quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc thời gian thử thách cho họ. Dù được giảm thời hạn nhưng người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo chấp hành thực tế được 20 năm tù, người chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, thời hạn thử thách của án treo phải bảo đảm chấp hành thực tế được 1/2 thời hạn. Trường hợp đặc biệt người già yếu, ốm đau, vị thành niên, lập công

trong quá trình cải tạo có thể được xét giảm án sớm hơn nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành thực tế là 2/5 thời hạn.

Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án nhân dân qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa - 8

Tuy không phải là cơ quan thi hành án hình sự nhưng Tòa án có trách nhiệm phải ra quyết định đưa ra thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật theo đúng trình tự thủ tục luật định, quyết định việc cho người bị kết án hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, miễn, giảm hình phạt tù, thời gian thử thách của án treo, thời hạn cải tạo không giam giữ, thời hạn cấm cư trú, thời hạn chấp hành quản chế, phải theo đúng điều kiện, tiêu chuẩn luật định. Để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đảm bảo thực hiện đúng chính sách hình sự nhân đạo, quyền của người bị kết án trong giai đoạn thi hành bản án hình sự.

1.2.3.4. Áp dụng pháp luật của Tòa án trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự

Về nguyên tắc thì tất cả các bản án phải được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên bản án là những sản phẩm chủ quan của Hội đồng xét xử, là những con người cụ thể, mặc dù được đào tạo, tuyển chọn cẩn thận nhưng vẫn có những sai sót trong quá trình ADPL tại Tòa án. Vì vậy BLTTHS năm 2003 quy định về việc giám đốc thẩm đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhằm phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng về xử lý nội dung vụ án hoặc vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng cần phải kháng nghị hủy bản án để xét xử lại. Về căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2003 quy định:

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không

đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với

những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự [45].

Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 275 BLTTHS năm 2003:

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới [45].

Việc kháng nghị giám đốc bất lợi cho bị cáo chỉ được thực hiện trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Còn kháng nghị giám đốc có lợi cho người bị kết án không giới hạn về thời gian, kể cả khi người bị kết án đã chết.

Theo Điều 279 BLTTHS năm 2003 thì:

Thẩm quyền giám đốc thẩm:

1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.

2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.

3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự trung ương, của Tòa hình sự, các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

4. Những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này thì cấp có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án [45].

Điều 285 BLTTHS năm 2003 quy định:

Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;

3. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại [45].

Sau khi có quyết định kháng nghị của Viện trưởng hoặc chánh án Tòa án cấp tỉnh đối với bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án cấp huyện trực thuộc tỉnh, đã có hiệu lực pháp luật, Ủy ban thẩm phán của Tòa án cấp tỉnh gồm: Chánh án, các phó chánh án và một số thẩm phán Tòa án cấp tỉnh giám đốc thẩm đối với các bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân cấp huyện trực thuộc tỉnh đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc. Thành viên Ủy ban thẩm phán ngang quyền với nhau, phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán tham gia phiên họp cùng biểu quyết theo đa số, bác kháng nghị giám đốc hoặc chấp nhận kháng nghị giám đốc, hủy bản án sơ thẩm để xét xử hoặc điều tra lại. Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Ủy ban thẩm phán tán thành.

Tòa hình sự TANDTC thành lập Hội đồng giám đốc thẩm gồm 03 thẩm phán TANDTC, giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh. Quyết định bác kháng nghị giám đốc hoặc chấp nhận kháng nghị giám đốc, hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc điều tra lại.

Hội đồng thẩm phán TANDTC gồm chánh án, phó chánh án và một số thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự trung ương, của Tòa hình sự, các Tòa phúc thẩm TANDTC bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc. Phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng thẩm phán tham gia biểu quyết theo đa số quyết định việc bác kháng nghị giám đốc hoặc chấp nhận kháng nghị giám đốc, hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc điều tra lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán tán thành.

Việc xem xét các bản án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc không phải là một cấp xét xử, nên không tổ chức phiên tòa như sơ thẩm và phúc thẩm. Chỉ khi xét thấy cần thiết, Tòa án mới triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa

vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên họp giám đốc thẩm. Thường chỉ có thành viên Hội đồng giám đốc thẩm và đại diện Viện kiểm sát. Một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quyết định kháng nghị. Hội đồng tập trung thảo luận làm rò cơ sở thực tế, căn cứ pháp lý của vụ án cũng như cơ sở thực tế, căn cứ pháp lý của quyết định kháng nghị. Xem xét việc kháng nghị giám đốc có chính xác không, đúng thời hạn luật định không, bản án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay định tội, lượng hình có sai lầm nghiêm trọng. Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Quyết định giám đốc thẩm nhằm hủy bỏ những bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng về ADPL nội dung hoặc tố tụng.

Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án trong giai đoạn tái thẩm

Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Điều 291 BLTTHS năm 2003 quy định:

Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật [45].

Điều 293 BLTTHS năm 2003 quy định:

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án pháp dân tối cao.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực… [45].

Điều 295 BLTTHS năm 2003 quy định:

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ [45].

Ngày đăng: 26/06/2022