Áp Dụng Pháp Luật Trong Giai Đoạn Xét Xử Phúc Thẩm

tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo… để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật… [7].

Việc luận tội của kiểm sát viên duy trì quyền công tố tại phiên tòa phải căn cứ vào kết quả xét hỏi, những tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và lời trình bày của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày về bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát và đưa ra đề nghị của mình. Kiểm sát viên duy trì quyền công tố tại phiên tòa phải đưa ra lập luận để đối đáp lại từng ý kiến của bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác.

Những người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác để làm rò sự thật khách quan. Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh luận, chỉ yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ án. Hướng việc tranh luận vào làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử giữ thái độ khách quan, công tâm với cả bên buộc tội và gỡ tội. Bên nào trình bày có lý lẽ hơn, có sức thuyết phục hơn thì chấp nhận ý kiến của bên đó. Dù là ý kiến của bị cáo hay kiểm sát viên, đều có giá trị như nhau, miễn là ý kiến đó phản ánh khách quan tình tiết của vụ án. Kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa là cơ sở cho Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện vụ án, để đưa ra một quyết định ADPL chính xác.

Sau khi xét hỏi, nghe tranh luận và lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Các thành viên của Hội đồng xét xử tiến hành nghị án biểu quyết các vấn đề phải giải quyết của vụ án, như: Bị cáo có phạm tội hay không? Tội danh cụ thể nào trong BLHS, hình phạt cụ thể áp dụng đối với mỗi bị cáo, bồi thường, án phí, hình phạt bổ sung, xử lý vật chứng... Việc biểu quyết Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật, Hội đồng xét xử cũng như

mỗi thành viên của Hội đồng xét xử độc lập với nhau, chỉ tuân theo pháp luật để biểu quyết một cách vô tư khách quan các vấn đề của vụ án. Thẩm phán và Hội thẩm bình đẳng và có quyền quyết định về vụ án ngang nhau. Quyết định của Hội đồng xét xử là quyết định của đa số thành viên, không nhất thiết phải là sự đồng ý của tất cả các thành viên. Thành viên Hội đồng xét xử có ý kiến thiểu số, có quyền bảo lưu ý kiến bằng văn bản lưu vào hồ sơ vụ án. Biểu quyết của các thành viên Hội đồng xét xử phải được ghi vào biên bản nghị án, được các thành viên ký trước khi tuyên án. Vì vậy quyết định ADPL hình sự chủ yếu và quan trọng nhất của Tòa án là quyết định của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, luôn mang tính tập thể, không phải của riêng cá nhân nào.

Bản án phản ánh nội dung vụ án, những phân tích đánh giá của Hội đồng xét xử, chứa đựng các quyết định của Hội đồng xét xử, phải được các thành viên của Hội đồng xét xử ký xác nhận trước khi chủ tọa phiên tòa tuyên án. Bản án là văn bản ADPL của Hội đồng xét xử áp dụng đối với bị cáo, là phán quyết chính thức của nhà nước đối với những công dân bị truy tố trước tòa án, khi bản án có hiệu lực pháp luật là căn cứ pháp lý duy nhất để xác định một người có tội hay không. Đồng thời bản án là sản phẩm chủ yếu của cơ quan Tòa án cũng là kết quả của quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bản án là thước đo đánh giá chất lượng xét xử của Tòa án, thể hiện năng lực trình độ và đạo đức nghề nghiệp của thành viên Hội đồng xét xử, đặc biệt là đối với mỗi thẩm phán.

Như vậy, một trong những nội dung quan trọng của hoạt động ADPL hình sự của Tòa án là xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Bằng những hoạt động tố tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm tiến hành định tội và lượng hình cho mỗi bị cáo, kết quả được thể hiện là bản án hình sự sơ thẩm. Quá trình này đòi hỏi Hội đồng xét xử phải tuân thủ triệt để các quy định của BLHS, BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan mới có thể ban hành một bản án hình sự sơ thẩm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao.

1.2.3.2. Áp dụng pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm

Bản án sơ thẩm không bao giờ có hiệu lực pháp luật ngay, mà phải sau một thời gian nhất định (30 ngày, kể từ ngày tuyên án theo điều 234 BLTTHS năm 2003), khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật, nghĩa là sau khi bị tuyên bố ADPL, những chủ thể sẽ bị ADPL hoặc có quyền lợi liên quan, không phản đối bản án bằng việc không thực hiện quyền kháng cáo trong hạn luật định. Điều 231 của BLTTHS năm 2003 quy định những người có quyền kháng cáo:

Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án nhân dân qua thực tiễn tỉnh Thanh Hóa - 7

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội [45].

Nếu cảm thấy hài lòng về bản án, quyền và lợi ích của họ đã được đảm bảo, họ sẽ không thực hiện quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.

Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, sau khi tuyên án sơ thẩm, xét thấy trật tự công cộng, lợi ích của nhà nước, của công dân có nguy cơ bị xâm hại thì thực hiện việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm. Điều 232 BLTTHS năm 2003 quy định: "Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm" [45].

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, trật tự công cộng, lợi ích của nhà nước. BLTTHS năm 2003 quy định quyền phản đối bản án, quyết định của Tòa án bằng cách kháng cáo, kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. Khi bị kháng cáo, kháng nghị thì phần bị kháng cáo, kháng nghị của bản án hình sự sơ thẩm không có hiệu lực pháp luật và được xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Thực hiện xét xử hai cấp là kế thừa những giá trị văn minh của nền tư pháp thế giới.

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (theo quy định tại Điều 230 của BLTTHS năm 2003). Kiểm tra, xác định việc ADPL của Tòa án cấp dưới đã chính xác hay chưa, nếu phát hiện những sai phạm trong việc ADPL của Tòa án cấp dưới thì Tòa cấp phúc thẩm có thể khắc phục những sai sót của Tòa án cấp dưới, để đảm bảo cho việc ADPL của Tòa án được chính xác, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước.

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án cùng với đơn kháng cáo hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Tòa cấp phúc thẩm phải phân công thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị mở phiên tòa trong thời hạn luật định. Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và nội dung bị kháng cáo, kháng nghị, xác định rò những vấn đề cần phải xem xét quyết định tại phiên tòa phúc thẩm, áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn, ấn định ngày mở phiên tòa, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, triệu tập hoặc mời những người tham gia tố tụng, trích xuất bị cáo..., các công việc cần thiết cho việc mở phiên tòa phúc thẩm.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa cấp phúc thẩm không có quyền trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, nếu xét thấy cần thiết thì yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ. Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ. Những người kháng cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự đều có quyền xuất trình tài liệu, chứng cứ bổ sung.

Trước khi mở phiên tòa người kháng cáo có đơn xin rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút kháng nghị thì thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu xin rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì do Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm hoặc phần bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực từ ngày có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Việc xét xử phúc thẩm được tiến hành tại phiên tòa phúc thẩm do Hội đồng xét xử phúc gồm 03 thẩm phán cấp tỉnh hoặc 03 thẩm phán TANDTC, khi cần thiết có thêm 02 hội thẩm (trong thực tế, thì hầu như khi xét xử phúc thẩm không có hội thẩm tham gia), xét xử lại phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp dưới trực tiếp, bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo hoặc kháng nghị toàn bộ thì cấp phúc thẩm chỉ xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị của bản án, phần còn lại có hiệu lực pháp luật theo bản án sơ thẩm. Chỉ trong trường hợp bị cáo có vai trò cao hơn kháng cáo được giảm mức án thì các bị cáo có vai trò thấp hơn tuy không kháng cáo nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa phúc thẩm thuộc TANDTC xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Bản án, quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án.

Theo quy định tại Điều 248, 249, 250 BLTTHS năm 2003 thì khi xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:

- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vì nhiều bản án hình sự sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhưng vẫn bị kháng cáo, kháng nghị.

- Sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo:

+ Miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho bị cáo.

+ Áp dụng tội nhẹ hơn cho bị cáo.

+ Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng.

+ Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, như: Giữ nguyên mức phạt tù cho hưởng án treo; chuyển sang phạt tiền; cải tạo không giam giữ.

- Có thể tăng hình phạt đối với bị cáo trong trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại đề nghị tăng hình phạt.

- Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại trong những trường hợp sau:

+ Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

+ Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

+ Có căn cứ chứng minh bị cáo có tội nhưng Tòa sơ thẩm tuyên vô tội

- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau:

+ Hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, do chính sách hình sự thay đổi, không có năng lực trách nhiệm hình sự…

+ Hành vi của bị cáo đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

+ Bị cáo chết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành tương tự như phiên tòa sơ thẩm, các nguyên tắc chung đều áp dụng cho cả phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm như: Xét xử công khai, trực tiếp, liên tục và bằng lời nói… Trước khi xét hỏi

một thành viên của Hội đồng xét xử (thường là chủ tọa phiên tòa) đọc tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo hoặc kháng nghị. Phần xét hỏi tại phiên tòa tập trung làm sáng tỏ, các vấn đề liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có thể trình bày ý kiến của mình, xuất trình tài liệu chứng cứ mới, chứng minh sự kiện phạm tội, các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự của bị cáo…Các tài liệu chứng cứ, đã được cấp sơ thẩm nghiên cứu, thẩm tra, đánh giá cũng như chứng cứ mới xuất trình tại giai đoạn phúc thẩm (giai đoạn chuẩn bị và tại phiên tòa phúc thẩm) đều phải được xem xét, thẩm tra, đánh giá, kết luận và giải quyết công khai tại phiên tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ được căn cứ vào những chứng cứ cũ và mới đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm để phán quyết đối với bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tính hợp pháp và căn cứ của bản án sơ thẩm và hướng giải quyết vụ án.

Sau khi xét hỏi, nghe tranh luận, ý kiến của những người tham gia tố tụng, phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành nghị án để biểu quyết việc giữ nguyên hay thay đổi bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Các thẩm phán ngang quyền với nhau, quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm là quyết định của đa số Thẩm phán thành viên. Thẩm phán có ý kiến thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng văn bản, lưu vào hồ sơ vụ án. Biên bản nghị án ghi ý kiến của các thẩm phán và được các thẩm phán ký xác nhận trước khi tuyên án.

Bản án phúc thẩm có thể y án sơ thẩm hoặc thay đổi một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm, có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Người tham gia tố tụng không có quyền kháng cáo mà chỉ có quyền khiếu nại đối với bản án và vẫn phải thi hành. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Hiệu lực của bản án phúc thẩm chỉ bị thay đổi theo quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc TANDTC và quyết định giám đốc thẩm của TANDTC.

1.2.3.3. Áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án trong giai đoạn thi hành bản án hình sự

Theo quy định tại phần thứ năm của BLTTHS năm 2003, Điều 20 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thì Tòa án còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn thi hành án hình sự, như: Chánh án hoặc phó chánh án làm Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, quyết định thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 255, 256 BLTTHS năm 2003), yêu cầu truy nã với người bị kết án bỏ trốn (khoản 4 điều 256 BLTTHS năm 2003), quyết định việc tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án đối với người bị kết án chưa hoặc đang chấp hành án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 61, 62 BLHS năm 1999, quyết định miễn hình phạt tù trong trường hợp chính sách hình sự thay đổi không xem một hành vi nào đó là có tội nữa theo BLHS sửa đổi năm 2009, hoặc người bị kết án lập công, mắc bệnh hiểm nghèo theo Điều 57 BLHS năm 1999, quyết định giảm hình phạt cho người bị kết án đã tích cực chấp hành án theo quy định tại Điều 58, 59, 76 BLHS năm 1999, quyết định đưa người bị kết án đi bắt buộc chữa bệnh theo Điều 311, 315 BLTTHS năm 2003, quyết định hoặc cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án nếu sau khi chấp hành xong bản án một thời gian luật định không phạm tội mới theo Điều 270, 271 BLTTHS năm 2003.

Thi hành bản án và quyết định của Tòa án là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết án hình sự nói chung. Dưới góc độ lý luận, đây là giai đoạn tổ chức thực hiện văn bản ADPL, cụ thể là thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc tổ chức thi hành đầy đủ các quyết định của Tòa án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Các quyết định của bản án được đưa ra thi hành phải đúng với trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn. Những bản án và quyết định được đưa ra thi hành phải là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, theo qui định tại Điều 255 BLTTHS năm 2003 bao gồm:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022