mua hàng của người này mà không mua hàng của người kia. Để giảm bớt được vấn đề bán hàng rong đeo bám du khách, chính quyền địa phương đã có một số phương pháp như là yêu cầu tất cả các xã thực hiện nghiêm túc lên thị trấn đón tất cả những công dân của xã mình cho lên xe ô tô chở về địa phương và cấm họ không đi bán rong nữa. Nhưng điều này cũng chỉ được một thời gian không dài. Để thực hiện triệt để hiện tượng này, chính quyền cần tạo công việc có thu nhập cho họ và tuyên truyền cho họ biết được những điều không tốt khi bán hàng rong. Nhưng theo chúng tôi nhìn nhận thì tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn đã hình thành chợ bán hàng của đồng bào Dao ở ngay trung tâm của thôn cũng là ngay trạm để xe của các đoàn khách du lịch, nhưng chợ xây xong đã lâu, thời gian đầu hoạt động thì có đông đồng bào vào bán, nhưng được một thời gian thì chợ đến giờ chỉ có một đến hai người bán hàng. Vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do cơ bản là để chợ hoạt động tốt, chính quyền phải cấm tất cả những người khác không được bán hàng rong, không được đeo bám khách trong thôn, xã làm như vậy để đảm bảo công bằng cho những người ngồi trong chợ bán hàng, để khách du lịch dừng chân vào đó thăm quan và lựa chọn mua sắm. Nhưng việc này chính quyền chưa làm triệt để nên dẫn đến tình trạng chợ còn đó người vẫn bán rong. Đối với chính quyền xã và thôn Lý, xã Lao Chải, khi đưa công dân xã mình về thì họ vẫn chưa có công việc thay thế để cho đồng bào có thu nhập, vì thế hiện tượng bán hàng rong không cấm triệt để mà chỉ mang hình thức. Được biết chính quyền xã đang có chủ trương xây dựng chợ tập trung để đưa bà con vào chợ bán hàng, nhưng chúng tôi nghĩ nếu làm không triệt để rồi lại tiếp tục giống thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn.
Về sản phẩm lưu niệm :
Hàng lưu niệm ở Sa Pa cho khách du lịch đa dạng về mẫu mã và chủng loại như chăn thổ cẩm, quần áo thổ cẩm và nhiều mặt hàng lưu niệm
khác. Nhưng chúng tôi quan sát và thăm dò ý kiến của khách du lịch và những cá nhân tham gia bán hàng thì đều biết về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
“Trước đây mình bán hàng cho thím mình ở đây được 3 đến 4 năm, nhưng từ khi lấy chồng, mình và chồng mình đã gom góp ít tiền và vay mượn thêm để mua lại cửa hàng này. Hàng hóa ở đây đa dạng và nhiều chủng loại khác nhau, mình không phải đi đến nơi làm ra sản phẩm để lấy về bán mà trực tiếp có người mang hàng đến bán cho mình tại cửa hàng này. Hàng này mình khẳng định là không phải hàng ở Sa Pa hay Lào Cai làm ra, ví dụ như các sản phẩm thổ cẩm, hay một số mặt hàng khác này là do họ mua từ bên Trung Quốc mang đến bán vừa rẻ, mẫu mã đa dạng và bắt mắt. Còn một số trang sức như vòng tay, tai, cổ…có màu sắc tộc người là do những người ở dưới xuôi làm và họ mang lên đây bán. Mình khẳng định với bạn là không có sản phẩm nào là của người dân tộc cả”.
(Chị N.T.P, 31 tuổi, đến từ Vĩnh Phúc, bán hàng ở thị trấn Sa Pa)
Chúng tôi quan sát gian hàng của chị và những gian hàng khác có đặc điểm chung là gian hàng của chị này có những gì thì những gian hàng khác đều có những thứ đó, chỉ khác là chủ gian hàng nào có nhiều vốn hơn thì mua những sản phẩm đó với số lượng nhiều hơn. Cũng quay trở lại với du khách
T.B.M đến từ đoàn thanh niên quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, khi anh cho rằng toàn bộ những sản phẩm lưu niệm ở Sa Pa đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng tôi có cuộc khảo sát dọc tuyến phố Cầu Mây, hai hành lang vỉ hè của tuyến phố là nơi bà con các dân tộc Hmông, Dao ngồi bán (vì bán hàng ở đây, đồng bào không mất tiền thuê địa điểm, còn những gian hàng được xây dựng vững chắc đều là những gian hàng thuê địa điểm giá thuê từ 8 triệu đến 10 triệu một tháng) chúng tôi có hỏi thì họ cũng cho biết là hàng không phải họ làm ra mà họ mua từ những người bán buôn cho họ. Vì vậy cùng với việc hạn chế bán hàng rong, thì chính quyền địa phương nên phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào để họ có thu nhập và cung cấp hàng lưu niệm cho khách du lịch mà đồng bào làm ra.
Có thể bạn quan tâm!
- Khai Thác Các Giá Trị Văn Hóa Tộc Người Hmông, Dao Trong Hoạt Động Du Lịch Của Địa Phương
- Những Tác Động Của Du Lịch Đến Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội
- Hoạt Động Du Lịch Gắn Với Văn Hóa Tộc Người Từ Góc Độ Nhà Nghiên Cứu Và Tổ Chức Du Lịch
- Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa - 10
- Ubnd Xã Lao Chải, Báo Cáo Công Tác Chỉ Đạo Điều Hành,tình Hình Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Năm 2014 Và Phương Hướng Nhiệm Vụ Năm 2015.
- Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa - 12
Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.
Cơ sở hạ tầng và dịch vụ ăn uống tại hai địa bàn nghiên cứu:
Như chúng tôi khảo sát, tuyến đường từ Sa Pa xuống Tả Phìn rất khó đi, nhiều đoạn đường bị hỏng vẫn chưa nâng cấp được, nhất là ở trung tâm thôn Sả Xéng cũng là trung tâm của xã có đoạn đường khoảng hơn 500m từ bãi đỗ xe đến ngã ba trung tâm của thôn, đường trũng và khi mưa xuống thì thành những khúc sông làm hạn chế đi lại của khách du lịch và người dân địa phương. Nhiều du khách phản ánh về hiện tượng này. Còn vấn đề ăn uống thì ở Tả Phìn cũng có mấy gia đình kinh doanh ăn uống, nhưng chất lượng của món ăn không đa dạng, không ngon, một số hộ kinh doanh ăn uống còn để đồ ăn uống thiếu vệ sinh làm mất mĩ quan cho du khách.
Còn đối với thôn Lý, xã Lao Chải tuy mới có một nhà hàng ăn uống và dịch vụ ngủ tại nhà, họ làm rất chuyên nghiệp, ăn uống sạch sẽ, cảnh quan ngay cạnh suối Mường Hoa nhưng không gian nhỏ, khi đông khách đến thì không có chỗ ngồi thoải mái. Đường giao thông đi thuận tiện hơn bên Tả Phìn, nhiều du khách phàn nàn là đường xuống thôn ô tô không đi xuống được, đi bộ xuống tham quan khá xa và mệt. Nhưng cảnh quan ở Lao Chải không phong phú ngoài ruộng bậc thang và suối Mường Hoa, không có nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Không gian diễn ra hoạt động văn hóa dân tộc tại thị trấn Sa Pa:
Nhiều du khách trở lại Sa Pa sau vài năm đến du lịch thì có phản ánh là tại sao không gian sinh hoạt văn hóa của Chợ tình ở thị trấn lại biến thành một cái sân lát gạch đá trơn bóng như này? Nhiều du khách ngỡ ngàng về sự thay đổi của thị trấn, họ cho rằng chính quyền địa phương ở Sa Pa đang làm phá vỡ đi không gian sống của văn hóa tộc người nơi đây. Điều này đã có tác động không nhỏ đến du lịch của Sa Pa. Tâm lý khách du lịch đến Sa Pa là muốn tìm một không gian sống khác lạ với nơi họ sinh sống và tìm đến những điều mà chỉ có đến Sa Pa mới có như không gian văn hóa tộc người, những nét sinh hoạt truyền
thống vùng cao qua phiên chợ, những cuộc gặp gỡ giao lưu và sân chơi các trò chơi truyền thống của đồng bào thiểu số ở Sa Pa thường được diễn ra tại sân trung tâm của thị trấn Sa Pa, nó đã trở thành một địa điểm mà nhiều du khách thích thú. Sa Pa càng hiện đại bao nhiêu thì càng làm mất đi hình ảnh trong du khách về văn hóa con người nơi đây.
3.4. Thế ứng xử của cộng đồng Hmông, Dao trong hoạt động du lịch
Chúng ta không thể phủ nhận việc du lịch đã mang lại những lợi ích thiết thực và cơ bản đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đặc biệt là cộng đồng Hmông, Dao. Trước đây, khi du lịch chưa khởi sắc ở Sa Pa thì không mấy người biết đến các đồng bào ở đây, đồng nghĩa với việc đồng bào luôn luôn sống trong cảnh “chưa đến mùa gặt đã hết thóc phải ăn ngô mấy tháng” và đời sống của người dân không biết thu nhập gì khác ngoài thu nhập từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Đồng bào còn sống du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Không có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội cho con em mình đến trường để học, để thay đổi cuộc sống sau này. Nếu không có hoạt động du lịch thì không ai biết đến bản sắc văn hóa của cộng đồng tộc người ở đây. Tất cả những phân tích trên đây để chứng minh một điều là du lịch đã mang lại sự ấm no cho đời sống của các tộc người ở Sa Pa, tạo ra nhiều cơ hội, nhiều nguồn thu nhập, ổn định cư trú và có thêm nhiều việc làm mới, ít phụ thuộc vào thiên nhiên.
Tuy nhiên cộng đồng ở đây tiếp nhận du lịch một cách thụ động, họ không có vốn hiểu biết về một hoạt động mới, về một luồng văn hóa mới tác động đến họ, họ chưa thiết lập được mối quan hệ xã hội mới để dần thích nghi với sự thay đổi do du lịch mang lại. Mà du lịch “đột ngột” khoác lên vai họ những lối sống văn hóa mới mà hoàn toàn xa lạ với họ. Trước những tác động của du lịch đó, đồng bào ứng xử với hoạt động du lịch, với khách du lịch theo hình thức cung - cầu tự phát, mà chưa có sự hòa hợp giữa hai bên tạo nên một
khoảng cách chưa hiểu nhau trong hoạt động du lịch này. Ứng xử trong hoạt động du lịch của đồng bào Hmông, Dao được thể hiện qua những khía cạnh sau:
Thứ nhất, ứng xử của nam nữ thanh niên người Hmông, Dao trước sự hiếu kì của khách về không gian riêng của họ tại thị trấn Sa Pa.
Chính tính hiếu kì của du khách đã làm cho đêm giao lưu đi tìm bạn tình của các chàng trai cô gái người dân tộc thấy e thẹn và những chàng trai cô gái ấy không thích hành động của khách du lịch khi nhìn họ với con mắt tò mò và thậm chí có nhiều khách du lịch còn chụp ảnh họ. Chúng tôi đã được gặp những chàng trai, cô gái đã tìm thấy nhau qua những cuộc giao duyên sau mỗi ngày chợ tan và màn đêm buông xuống.
“Trước đây anh chị không biết nhau và những lần cùng gia đình và người dân trong thôn đi ra thị trấn bán hàng, cứ tối đến anh chị cùng với những chàng trai cô gái trong thôn bản đi cùng đều tụ tập với nhau thành những đội và thi nhảy múa xem những người nào nhảy hay nhất và múa đẹp nhất rồi ghép thành từng cặp nhảy múa với nhau, đây là nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống của thanh niên nam nữ đồng bào mình. Cũng chính những cuộc giao lưu như vậy mà nhiều người đã thành vợ thành chồng. Những bước nhảy và thổi khèn này của mình đã được học từ nhỏ, từ những ngày cùng các anh chị trong thôn đi lên thị trấn, rồi những buổi giao lưu của các thanh niên nam nữ tại trong thôn. Từ đó mình biết nhẩy và thổi khèn, còn những cô gái cũng vậy, theo các chị đi chơi. Đây như một nét truyền thống của đồng bào mình, cứ lớp người đi trước dạy bảo những lớp người theo sau thành một truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Sau một thời gian, mình thấy khách du lịch cũng thích và ra xem bọn mình nhảy múa với nhau và du khách cũng thích, họ cũng thích tham gia cùng với các nhóm, các đội ở đây. Nhưng được vài năm, cách cư xử của khách du lịch không tốt khi các bạn thanh niên nam nữ không nhảy múa nữa vì họ còn đi với nhau theo cặp, thế là có một vài khách du lịch họ bảo trả tiền cho họ để họ nhảy múa cho khách đó xem. Ngoài ra còn nhiều khách du lịch cứ chĩa ống kính máy ảnh vào những cặp tình nhân ngồi trong những tảng đá, những ghế đá gốc cây, làm cho những cặp tình nhân đó ngượng và ngại khi những hành vi không đẹp của du khách. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cặp tình nhân họ không tìm đến khuôn viên của thị trấn nữa, mà họ đi tìm những nơi khác xa hơn, vắng lặng hơn để họ được thổi khèn và nhảy múa cho nhau để được ngồi bên nhau tâm sự riêng tư của họ”.
(Anh L.P.T (37 tuổi) và chị C.T.C (36 tuổi) thôn Lý, xã Lao Chải)
Những chia sẻ của anh chị người Hmông này đã cho chúng tôi thấy nguyên nhân ra đi của những đêm giao duyên tình cảm nam nữ vào các buổi tối cuối tuần tại khu chợ ở Sa Pa. Ở vùng cao chợ thường họp vào cuối tuần và cũng là thời gian để những nam thanh nữ tú người Hmông, Dao tìm đến nhau để rồi họ lên vợ nên chồng. Nếu như khách du lịch thử đặt mình vào trong vị trí của các chàng trai cô gái người Hmông, Dao và với sự hiếu kì của những du khách, liệu những người đó có cư xử như những người dân ở đây không? Đơn cử những đôi trai gái người Kinh và những du khách người nước ngoài khi ngồi tình tứ với người mình yêu ở trong ghế đá của các khuôn viên, công viên công cộng vào những buổi xế chiều mà có một vài người đi ngang qua chỗ họ ngồi và chĩa ống kính của máy ảnh vào chỗ họ đang ngồi và chụp ảnh, liệu phản ứng của những đôi bạn trẻ đó ra sao? Liệu có cư xử “đẹp” như những bạn thanh niên nam nữ người Hmông, Dao này không? Hay lại có những cuộc đọ sức với nhau tại chỗ đó. Chính vì vậy, theo chúng tôi nguyên nhân của sự ra đi của những buổi giao lưu của đôi trái gái này không nằm ngoài nguyên nhân từ khách du lịch. Nhưng sự tác động vô hình của khách du lịch đã làm cho những ngày cuối tuần chỉ còn hoạt động của chợ chứ không còn những buổi giao duyên nam nữ nữa. Và rồi để lại ở thị trấn Sa Pa vào những buổi tối là những đôi nam nữ thanh niên độ tuổi còn đi học, hoặc đã thành vợ thành chồng, hoặc những đôi bạn đến thị trấn vào buổi tối ngày cuối tuần để đáp ứng sự hiếu kì của du khách về những điệu múa, điệu nhảy, thổi khen của những chàng trai cô gái người dân tộc và để họ thu lại một khoản tiền để bù đắp cho công sức họ bỏ ra. Đây chính là sự thích nghi với kinh tế thị trường, khi mà nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, thì ắt sẽ có nguồn cung đáp ứng. Khi mà du khách muốn xem những điệu nhảy, múa đó thì du khách phải mất tiền chứ không thể múa không được. Vì với khoản thu nhập đó, để các đôi, nhóm nhảy múa đó tái sản xuất sức lao động. Trở lại với
bài viết của tác giả Trần Hưng đề cập đến sự thương mại hóa trong chợ tình Sa Pa vào năm 2007 [21] tác giả đứng về góc nhìn của khách du lịch, chứ tác giả không đứng về vị trí của chủ thể văn hóa đó, đứng ở góc độ nhà nghiên cứu thì tác giả sẽ không thể nào đánh giá về “chợ tình” như trong bài tác giả viết.
Thứ hai, ứng xử của của người bán hàng, bán hàng rong là người dân tộc Hmông, Dao.
Những người dân bán hàng ở dọc các tuyến phố du lịch là những người bán hàng lâu năm tại chợ cũ của Sa Pa, khi chợ mới được đưa vào sử dụng, do họ không có nhiều tiền để mua các ki ốt ở những nơi đông khách du lịch, nên Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa bố trí cho những người kinh doanh này ở phía cuối của chợ trên tầng 2, nơi mà một ngày may chăng có vài người khách đi qua để xem và mua hàng. Một số người đã nhanh chân chọn cho mình những điểm bán dọc hành lang các tuyến phố để bán hàng cho khách du lịch thì có thu nhập khá hơn, bán hàng được nhiều hơn và nhộn nhịp nhất là vào ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần họ tập trung về các tuyến phố và khu vực quanh nhà thờ, sân trung tâm của thị trấn để bán hàng cho khách du lịch bằng cách họ trải một tấm giấy bóng hoặc vỏ bao để bầy bán những sản phẩm mà họ “làm ra” và họ được chính quyền huyện Sa Pa cho phép bầy bán dọc các tuyến phố vào những ngày này, còn những hộ người Kinh không được bầy bán như họ ở các tuyến phố này.
“Từ khi Nhà nước không cho bán nữa và bắt di chuyển ra chợ mới, không thích đâu, nhưng họ không cho bán trong chợ cũ nữa. Ra chợ mới không thích bán vì bán ở đó không ai mua, ở đó khách họ mua hết của người Kinh rồi. Chỉ hy vọng bán hàng cuối tuần ở đây thôi, nhưng bán chậm lắm, mùa hè thì bán được nhiều hơn vì khách Việt Nam họ thích mua, có ngày bán được 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, nhưng cũng có ngày bán được 100 đến 200 nghìn đồng, còn bây giờ thì ngày bán được 200 đến 300 nghìn đồng, có ngày được 50 nghìn đồng có ngày không có bán được”.
(Bà C.S.M, 57 tuổi, người Hmông ở Lao Chải bán hàng ở thị trấn)
Theo khảo sát của chúng tôi thì, đa số những người bán hàng ở đây họ đều thích khách du lịch đến Sa Pa nhiều hơn để họ bán được nhiều hàng và bán được nhiều thì họ có nhiều tiền để mua những thứ cần thiết cho gia đình và cho con đi học. Những gia đình có người đi bán hàng thì ở nhà, những ông chồng phải làm những việc mà trước đây chỉ có phụ nữ làm như là nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo…, khi cấy lúa hay thu hoạch thì họ có tiền thuê thêm người để làm thay cho họ, họ chỉ bán hàng để mang tiền về. Những người bán hàng cho rằng, từ khi có khách du lịch, họ đỡ vất vả hơn trước đây nhất là các công việc ra đình, đồng ruộng. Có nhiều điều kiện để sắm sửa những vật dụng cần thiết cho gia đình như: ti vi, tủ lạnh, bếp ga…
Những người bán hàng rong thì cho biết, họ không thích bán hàng rong, vì vất vả và nhiều người đi cùng nên khó bán. Nhưng một số khác lại thích đi bán hàng rong vì bán hàng họ được giao tiếp với khách du lịch nhiều hơn, họ thích được nói chuyện với khách hơn, nhất là khách nước ngoài, vì được nói chuyện như vậy, khả năng ngoại ngữ của họ sẽ tốt hơn và sẽ giúp họ bán được nhiều hàng hơn với những công việc khác như hướng dẫn viên cho khách, dẫn được hoặc để bán được nhiều hàng hơn. Chúng tôi có đi cùng với những người bán hàng rong từ khách sạn Công Đoàn tới Lao Chải cùng đi là đoàn khách ghép có cả nước ngoài và Việt Nam đi bộ xuống Lao Chải. Chúng tôi có nói chuyện với một người phụ nữ 30 tuổi trên lưng địu một cái gùi trong đó có nhiều sản phẩm được làm từ hàng thổ cẩm, phía trước ngực thì địu một đứa con còn bé. Chị có tâm sự với chúng tôi
“Trước đây nhà mình nghèo lắm, không biết làm gì từ ruộng nương, nhưng từ khi có khách du lịch đến, mình thấy nhiều người đi bán hàng ở chợ, ở nhà (những gia đình nào nằm ven đường đi của khách du lịch) mình thì cũng muốn có chỗ để bán, nhưng cũng chỉ bán được những ngày cuối tuần mà lại nhiều vốn nữa, mình thì không có tiền nên mình mua được ít hàng và mang theo du khách để bán và cũng học thêm được tiếng nữa. Còn nhà mình thì ở tận sâu trong bản nên không bán ở nhà được. Nhưng giờ Nhà nước cấm không cho bán rong theo khách nữa, nên mình cũng không biết làm gì để ăn, thỉnh thoảng vẫn lên đây bán, nhưng cũng phải cẩn thận hơn không là chính quyền lại bắt về xã”.
(Chị L.N.N, 30 tuổi, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).