Trong đó, BEit là các chỉ tiêu đo lường hiệu quả của ngân hàngi tại thời điểm t được xác định bằng phương pháp chỉ số tài chính; FSt là biến độc lập đo lường thâm nhập của NHNNg tại thời điểm t; Bit là nhóm biến liên quan đến các đặc điểm của ngân hàng i tại thời điểm t; Mt là chỉ số kinh tế vĩ mô α, β, γ, δ là các hệ số hồi quy,
𝜇𝑖𝑡 là sai số của mô hình. Mô tả chi tiết các biến trong mô hình nghiên cứu được mô tả ở Bảng 3.2.
Biến | Định nghĩa | Hệ số hồi quy | Dấu kỳ vọng |
ROA | Lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản | ||
Nhóm biến đo lường thâm nhập của NHNNg | |||
FBA | Tài sản của NHNNg trên tổng tài sản của toàn ngành ngân hàng | β | β<0 |
NFB | Số lượng NHNNg trên tổng số ngân hàng của toàn ngành ngân hàng | β | β<0 |
Nhóm biến liên quan đến các đặc điểm của ngân hàng | |||
ETA | Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản | γ1 | |
LTA | Cho vay trên tổng tài sản | γ2 | |
SIZE | Quy mô ngân hàng bằng logarit tổng tài sản | γ3 | |
Biến chỉ số kinh tế vĩ mô | |||
GDP | Tốc độ tăng trưởng GDP | δ | |
Nguồn: Tác giả tổng hợp. |
Có thể bạn quan tâm!
- Lý Thuyết Về Ảnh Hưởng Của Thâm Nhập Ngân Hàng Nước Ngoài Đến Hiệu Quả Của Các Ngân Hàng Trong Nước
- Mô Hình Nghiên Cứu Thực Nghiệm Đối Với Rq1
- Mô Hình Nghiên Cứu Đối Với Rq2 Bằng Phương Pháp Chỉ Số Tài Chính
- Kiểm Định Các Giả Định Của Mô Hình Hồi Quy Dữ Liệu Bảng
- Số Ngân Hàng Trong Mẫu Nghiên Cứu Giai Đoạn 2009 – 2019
- Kiểm Định Tính Cân Bằng Dài Hạn Của Thị Trường Ngân Hàng Việt Nam
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
Biến phụ thuộc trong mô hình 3.4
Như đã trình bày ở Mục 2.3.3.1 phương pháp chỉ số tài chính có 3 nhóm chỉ số là nhóm chỉ số phản ánh khả năng sinh lời, nhóm chỉ số phản ánh thu nhập và chi phí và nhóm chỉ số phản ánh chất lượng tài sản. Lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây cho thấy nhóm chỉ số phản ánh khả năng sinh lời và nhóm chỉ số phản ánh chi phí được hầu hết các nghiên cứu sử dụng. Hai chỉ số được lựa chọn
trong các nghiên cứu của 2 nhóm này là tỷ lệ lợi nhuận so với tổng tài sản và chi số chi phí ngoài lãi so với tổng tài sản thường được sử dụng.
Lý do chọn 2 chỉ số trên là vì các nghiên cứu thực nghiệm đã thực hiện xem xét tác động cạnh tranh và tác động lan tỏa lên hiệu quả của các ngân hàng trong nước theo 2 kênh riêng lẻ, mà không xem xét đến tác động tổng hợp. Manlagđit (2011) cho rằng nếu thâm nhập của NHNNg vừa tạo ra tác động cạnh tranh vừa tạo ra tác động lan tỏa sẽ làm giảm lợi nhuận và làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết NHNNg sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng trong nước qua 2 tác động là tác động cạnh tranh và tác động lan tỏa. Tác động cạnh tranh sẽ làm giảm hiệu quả, còn tác động lan tỏa sẽ làm tăng hiệu quả của ngân hàng trong nước, và tùy theo sự vượt trội của tác động cạnh tranh hay tác động lan tỏa mà NHNNg sẽ ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực đến hiệu quả của ngân hàng trong nước (Levine, 1996).
Như vậy, nếu cho rằng trường hợp NHNNg vừa tạo ra tác động cạnh tranh vừa tạo ra tác động lan tỏa sẽ làm giảm lợi nhuận và làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng trong nước (Manlagđit, 2011) là không hợp lý. Trong trường hợp NHNNg tạo ra 2 tác động mà tác động lan tỏa vượt trội hơn tác động cạnh tranh thì lợi nhuận của ngân hàng trong nước vẫn tăng. Do đó, việc lựa chọn chỉ số hiệu quả nên dựa trên tác động tổng hợp của tác động cạnh tranh và tác động lan tỏa.
Từ lập luận trên, nghiên cứu này chỉ sử dụng một chỉ số đo hiệu quả phổ biến là tỷ lệ lợi nhuận so với tổng tài sản để xem xét tác động tổng hợp của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam.
Nhóm biến đo lường thâm nhập của NHNNg
Trong giai đoạn nghiên cứu do NHNNg bị hạn chế trong việc mở chi nhánh, cũng như không có dữ liệu về quá trình thành lập hệ thống chi nhánh của các NHNNg nên phương pháp chỉ số tiếp xúc không thể áp dụng. Vì vậy, nghiên cứu này sử dụng phương pháp tổng hợp để đo lường thâm nhập của NHNNg.
Khi sử dụng phương pháp tổng hợp, các nghiên cứu thực nghiệm thường sử dụng tỷ lệ tài sản của NHNNg so với tổng tài sản của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ số lượng NHNNg so với số lượng của hệ thống ngân hàng để đo lường thâm nhập của NHNNg (Barajas và cộng sự, 2000; Claessens và cộng sự, 2001; Claessens và Lee, 2003; Denizer, 2000; Lensink và Hermes, 2004; Manlagđit, 2011).
Kế thừa các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này đo lường thâm nhập của NHNNg tại Việt Nam bằng 2 biến là tỷ lệ tài sản NHNNg so với tổng tài sản của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ số lượng NHNNg so với số lượng của hệ thống ngân hàng.
Nhóm biến liên quan đến các đặc điểm của ngân hàng
Khảo sát tài liệu nghiên cứu cho thấy có nhiều biến khác nhau được sử dụng để phản ánh đặc điểm của ngân hàng trong mô hình thực nghiệm. Claessens và cộng sự (2001) sử dụng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản, tiền gửi khách hàng trên tài sản và tỷ lệ tài sản không sinh lãi trên tài sản, tỷ lệ dự phòng nợ xấu trên tài sản. Các biến này cũng được sử dụng trong các nghiên cứu của Claessens và Lee (2003), Unite và Sullivan (2003), Lensink và Hermes (2004), Xu (2011) và Luo và cộng sự (2017). Trong khi đó, Shen và cộng sự (2009) sử dụng các biến như tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản, tài sản thanh khoản cao trên tài sản, cho vay trên tiền gửi khách hàng, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước và qui mô của ngân hàng tính bằng logarit tổng tài sản ngân hàng. Manlagđit (2011) sử dụng 5 biến đại diện đặc điểm của ngân hàng là tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản, tiền gửi khách hàng trên tài sản, cho vay trên tài sản, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên tài sản và thị phần của ngân hàng tính bằng tài sản của ngân hàng trên tài sản toàn ngành.
Trên cơ sở xem xét các biến liên quan đến đặc điểm ngân hàng trong các tài liệu nghiên cứu, nghiên cứu này chọn 3 biến là tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản, cho vay trên tài sản và qui mô ngân hàng là nhóm biến phản ánh đặc điểm ngân hàng trong mô hình nghiên cứu. Vốn chủ sở hữu có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cung cấp nguồn lực ban đầu cho ngân hàng, là cơ sở tạo niềm tin cho khách hàng đến giao dịch với ngân hàng, là vốn đệm phòng ngừa rủi ro kinh doanh cho ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tài sản phản ánh khả năng tạo ra thu
nhập lãi của ngân hàng. Quy mô ngân hàng thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngân hàng trên thị trường.
Biến kinh tế vĩ mô
Biến kinh tế vĩ mô được nhiều nghiên cứu sử dụng là tốc độ tăng trưởng GDP (Barajas và cộng sự, 2000; Claessens và cộng sự, 2001; Claessens và Lee, 2003; Denizer, 2000; Lensink và Hermes, 2004; Luo và cộng sự, 2017; Manlagđit, 2011; Xu, 2011). Nghiên cứu này cũng sử dụng tốc độ tăng trưởng GDP là biến đại diện cho yếu tố kinh tế vĩ mô trong mô hình nghiên cứu.
3.2.2. Mô hình nghiên cứu đối với RQ2 bằng phương pháp phân tích hiệu quả biên
3.2.2.1. Lựa chọn phương pháp phân tích hiệu quả biên trong luận án
Như đã trình bày trong Mục 2.3.3.2, Chương 2 phương pháp phân tích hiệu quả biên gồm có phương pháp tham số và phương pháp phi tham số. Vấn đề sử dụng phương pháp tham số hay phi tham số trong việc đo lường hiệu quả để cho kết quả tốt nhất vẫn còn nhiều tranh luận. Khảo sát của Berger (1993) cho rằng phương pháp tham số là phương pháp cho kết quả tốt nhất, trong khi Thrall (1999) lại cho rằng phương pháp phi tham số cho kết quả tốt hơn phương pháp tham số.
Phương pháp phân tích hiệu quả biên tham số yêu cầu phải chỉ định dạng hàm phù hợp với hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nếu chỉ định dạng hàm sai sẽ dẫn đến kết đo lường không chính xác. Vì các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng rất đa dạng và phức tạp, nên việc xây dựng hàm sản xuất mô phỏng hoạt động của các ngân hàng là hết sức khó khăn. Do đó, luận án này sử dụng phương pháp phi tham số DEA để đo lường hiệu quả NHTM Việt Nam.
3.2.2.2. Xác định mô hình cho phương pháp DEA
Lựa chọn mô hình tối thiểu hóa đầu vào hoặc tối đa hóa đầu ra
Nghiên cứu của Sathye (2003) cho thấy mô hình tối đa hóa đầu ra không thích hợp cho việc đo lường hiệu quả của ngành ngân hàng ở các nước đang trong thời kỳ
cải cách mở cửa, chẳng hạn như trường hợp của Việt Nam. Quá trình cải cách và mở cửa thị trường ngân hàng sẽ dẫn đến sự thâm nhập của NHNNg ngày càng gia tăng. Sự xuất hiện của NHNNg với tư cách là những đối thủ cạnh tranh có công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường ngân hàng trong nước. Trước sức ép từ các NHNNg, các ngân hàng trong nước buộc phải kiểm soát chi phí đầu vào tốt hơn để bù đắp một phần lợi nhuận bị suy giảm do cạnh tranh.
Ngoài ra, thông qua hoạt động của NHNNg, ngân hàng trong nước sẽ dần học hỏi được kinh nghiệm quản lý, do đó, các nguồn lực đầu vào sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Hơn nữa, một số nghiên cứu đo lường hiệu quả cho rằng trong quản lý, các ngân hàng thường tập trung kiểm soát chi phí đầu vào hơn là chú trọng gia tăng sản lượng đầu ra (Berger, 2007; Drake và cộng sự, 2006; Elyasiani và Mehdian, 1990; Goddard và cộng sự, 2001). Vì vậy, mô hình tối thiểu hóa đầu vào là mô hình thích hợp cho nghiên cứu này.
Lựa chọn mô hình CRS và VRS
Phương pháp DEA được sử dụng rất phổ biến trong các nghiên cứu thực nghiệm về đo lường hiệu quả. Tuy vậy, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc lựa chọn giữa mô hình CRS và VRS. Một số nghiên cứu gần đây ủng hộ việc sử dụng mô hình VRS, vì nó phù hợp với thực tiễn là các ngân hàng không thể cùng hoạt động ở quy mô tối ưu do cạnh tranh không hoàn hảo, bị giới hạn về tài chính cũng như các ràng buộc về mặt pháp lý (McAllister và McManus, 1993; Sufian, 2009; Wheelock và Wilson, 1999). Hơn nữa, đường biên của VRS linh hoạt hơn CRS, nó cho phép xác định điểm hiệu quả của kết quả đầu ra so với đầu vào thay đổi theo quy mô của các ngân hàng trong mẫu nghiên cứu (Halkos và Tzeremes, 2009).
Trong trường hợp Việt Nam, mô hình VRS là mô hình thích hợp vì những ràng buộc về pháp lý, giới hạn tài chính và thị trường cạnh tranh không hoàn hảo nên các ngân hàng sẽ không hoạt động ở cùng quy mô tối ưu.
Lựa chọn các biến đầu vào, đầu ra trong mô hình DEA
Phương pháp DEA yêu cầu xây dựng mô hình với các biến đầu vào và đầu ra cho phù hợp với đặc điểm kinh doanh của các NHTM. Lược khảo một số nghiên cứu ở các nước đang phát triển và nền kinh tế chuyển đổi, cũng như ở Việt Nam về phân tích hiệu quả của các NHTM sử dụng phương pháp DEA trong Bảng 3.3 cho thấy có 3 cách tiếp cận thường được sử dụng để lựa chọn các biến đầu vào và đầu ra trong mô hình DEA là: phương pháp tiếp cận sản xuất, phương pháp tiếp cận trung gian, và phương pháp cách tiếp cận chi phí.
Tác giả | Dữ liệu | Đầu vào | Đầu ra |
Ayadi và cộng sự (1998) | 10 ngân hàng Nigeria giai đoạn 1991-1994 | Tổng chi phí, chi phí lãi và tiền gửi | Cho vay, thu nhập từ lãi và thu ngoài lãi |
Sathye (2003) | 94 ngân hàng Ấn Độ giai đoạn 1997-1998 | Chi phí lãi, chi phí ngoài lãi, tiền gửi và số nhân viên | Thu lãi thuần, thu ngoài lãi, cho vay thuần và thu ngoài lãi |
Havrylchyk (2006) | Ngân hàng Ba Lan giai đoạn 1997- 2001 | Vốn chủ sở hữu, số nhân viên và tiền gửi | Cho vay, trái phiếu chính phủ, khoản mục ngoại bảng |
Grigorian và Manole (2006) | Ngân hàng tại 17 nền kinh tế chuyển đổi giai đoạn 1995-1998 | Vốn huy động, vốn chủ sở hữu, số nhân viên | Cho vay và đầu tư chứng khoán |
Nguyễn Việt Hùng (2008) | 32 ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2000-2005 | Chi phí nhân viên, tài sản cố định ròng, tiền gửi | Thu nhập lãi ròng và thu nhập ngoài lãi |
Nguyễn Minh Sáng (2014) | Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 1992-2013 | Chi phí nhân viên, tài sản cố định và tiền gửi | Thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi |
Fernandes và cộng sự (2018) | Ngân hàng tại 5 nước Châu Âu giai đoạn 1995-1998 | Chi phí lãi, chi phí ngoài lãi | Tổng thu nhập |
Zhu và cộng sự (2019) | 49 Ngân hàng Trung Quốc giai đoạn 2004-2012 | Chi phí lãi, chi phí ngoài lãi, tỷ lệ an toàn vốn | Thu nhập lãi, thu nhập ngoài lãi, nợ xấu |
Nguồn: Tác giả tổng hợp. |
Phương pháp tiếp cận sản xuất xem NHTM như đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng các đầu vào là lao động và vốn để sản xuất đầu ra là số lượng tài khoản tiền gửi và tiền vay. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận trung gian xem NHTM đóng vai trò như là một định chế tài chính trung gian giữa người gửi tiền và người đi vay, theo đó, ngân hàng sử dụng vốn huy động từ tiền gửi khách hàng và các khoản mà ngân hàng vay trên thị trường tài chính là đầu vào, và đầu ra là cho vay và các tài sản sinh lãi khác. Phương pháp tiếp cận chi phí chú trọng vào việc phân tích đóng góp thuần của các khoản mục tài sản hoặc nợ vào doanh thu của NHTM để phân loại biến đầu vào và đầu ra.
Để thống nhất với các biến đầu vào và đầu ra trong mô hình Panzar – Rosse, nghiên cứu này áp dụng cách tiếp cận trung gian xem NHTM là một định chế tài chính trung gian sử dụng các đầu vào là chi phí lãi đại diện cho vốn huy động (I1), chi phí nhân viên (I2), chi phí ngoài lãi đại diện cho vốn vật chất (I3) để tạo các đầu ra là thu nhập lãi (Y1) và thu nhập ngoài lãi (Y2). Mô tả chi tiết các biến trong mô hình DEA ở Bảng 3.4.
Biến | Định ngĩa |
Biến đầu ra | |
Y1 | Thu nhập lãi |
Y2 | Thu nhập ngoài lãi |
Biến đầu vào | |
I1 | Chi phí lãi |
I2 | Chi phí nhân viên |
I3 | Chi phí khác |
Nguồn: Tác giả tổng hợp. |
Tóm lại, trong luận án này, phương pháp DEA được sử dụng với mô hình tối thiểu hóa đầu vào và giả định hiệu quả thay đổi theo quy mô để ước lượng hiệu quả kỹ thuật của các NHTM Việt Nam. Các biến đầu vào và đầu ra trong mô hình DEA được lựa chọn theo cách tiếp cận trung gian, theo đó, 3 biến đầu vào là chi phí lãi đại
diện cho vốn huy động (I1), chi phí nhân viên (I2), chi phí khác đại diện cho vốn vật chất (I3) để tạo 2 biến đầu ra là thu nhập từ lãi (Y1) và thu ngoài lãi (Y2). Việc xác định hiệu quả của các NHTM bằng phương pháp DEA được xử lý bằng phần mềm STATA do Lee và Yong-Bae (2010) phát triển.
3.2.2.3. Mô hình nghiên cứu đối với RQ2 bằng phương pháp DEA
Mô hình nghiên cứu đối với RQ2 bằng phương pháp DEA được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh Mô hình 3.4. Biến phụ thuộc trong Mô hình 3.4 là chỉ số hiệu quả được xác định bằng phương pháp chỉ số tài chính được thay bằng độ đo hiệu quả kỹ thuật được xác định bằng phương pháp DEA. Hơn nữa, theo Chen (2009) các nhóm yếu tố chính tác động đến hiệu của ngân hàng xác định bằng phương pháp DEA bao gồm nhóm các yếu tố về đặc điểm của ngân hàng, và môi trường kinh tế vĩ mô. Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của NHTM được xác định bằng phương pháp DEA tương tự như các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của NHTM được xác định bằng phương pháp tài chính.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của NHTM được xác định bằng phương pháp DEA cũng cho thấy các yếu tố liên quan đến đặc điểm ngân hàng như tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản, cho vay trên tài sản, quy mô ngân hàng, tốc độ tăng trưởng GDP có ảnh hưởng đến hiệu quả ngân hàng (Ariff và Luc, 2008; Casu và Molyneux, 2003; Girardone và cộng sự, 2004; Salas và Saurina, 2003).
Do độ đo hiệu quả kỹ thuật được xác định bằng phương pháp DEA là biến bị chặn có giá trị trong khoảng từ 0 đến 1. Theo Gujarati (2004) khi biến phụ thuộc bị chặn thì hồi quy Tobit là mô hình phù hợp nhất được lựa chọn trong nghiên cứu.
Mô hình hồi quy Tobit được xây dựng để ước lượng mối quan hệ tuyến tính giữa các biến giải thích khi biến phụ thuộc bị chặn do Tobin (1958) đề xuất. Dựa trên mô hình Tobit chuẩn hóa cho dữ liệu chéo của Tobin (1958), nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã triển khai mô hình này cho dữ liệu bảng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng