Ưu, nhược điểm của phương pháp tham số và phương pháp phi tham số
Ưu điểm của phương pháp tham số là có tính đến ảnh hưởng của sai số ngẫu nhiên đến độ đo hiệu quả của ngân hàng. Nhược điểm chính của phương pháp này là yêu cầu phải xác định một dạng hàm cụ thể đối với đường biên hiệu quả, nếu việc xác định dạng hàm sai thì kết quả ước tính không đáng tin cậy (Delis và Tsionas, 2009). Trong khi đó, việc xác định hàm sản xuất phù hợp với hoạt động của ngân hàng là rất khó khăn do ngân hàng sử dụng đầu vào đa dạng từ nhiều nguồn và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ rất phức tạp.
Ưu điểm của phương pháp phi tham số DEA là không cần phải xác định dạng hàm đối với đường biên hiệu quả; DEA cho phép áp dụng trong trường hợp ngân hàng sử dụng nhiều đầu vào để sản xuất nhiều đầu ra; DEA xây dựng đường biên hiệu quả trên mẫu nghiên cứu thực tế, nên cho kết quả sát với thực tế hơn phương pháp tham số.
Tuy nhiên, nhược điểm chủ yếu của phương pháp này là chỉ phân tích hiệu quả dựa trên nội tại của ngân hàng mà không xét đến các yếu tố ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, do đó, nếu cần xem xét yếu tố bên ngoài tác động đến độ đo hiệu quả của ngân hàng phải tiến hành phân tích hồi quy bổ sung. Ngoài ra, độ chính xác của kết quả phân tích từ phương pháp DEA phụ thuộc rất lớn vào cỡ mẫu nghiên cứu (Cooper và cộng sự, 2000; Dyson và cộng sự, 2001; Stern, 1994).
2.3.4. Lý thuyết về ảnh hưởng của thâm nhập ngân hàng nước ngoài đến hiệu quả của các ngân hàng trong nước
Lý thuyết về ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đối với hiệu quả của các ngân hàng trong nước được Levine (1996) phát triển trên cơ sở lý thuyết về tác động của công ty nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực sản xuất. Các nghiên cứu của Caves (1974), Dunning (1980), Dunning (1983) và Hymer (1960) cho rằng hoạt động của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất có thể tạo ra (i) tác động lan tỏa, và (ii) tác động cạnh tranh lên hiệu quả của các công ty trong nước.
Có thể bạn quan tâm!
- Lựa Chọn Phương Pháp Đo Lường Cạnh Tranh Trong Luận Án
- Các Nghiên Cứu Sử Dụng Phương Pháp Tiếp Cận Phi Cấu Trúc
- Phương Pháp Đo Lường Hiệu Quả Của Ngân Hàng Thương Mại
- Mô Hình Nghiên Cứu Thực Nghiệm Đối Với Rq1
- Mô Hình Nghiên Cứu Đối Với Rq2 Bằng Phương Pháp Chỉ Số Tài Chính
- Mô Hình Nghiên Cứu Đối Với Rq2 Bằng Phương Pháp Phân Tích Hiệu Quả Biên
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
(i) Tác động lan tỏa
Tác động lan tỏa của các công ty nước ngoài đến các doanh nghiệp nội địa thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, hiệu ứng mô phỏng, cơ chế hình thành vốn con người và sự dịch chuyển lao động.
Thứ nhất, chuyển giao công nghệ được thực hiện khi các công ty nước ngoài có nhu cầu tăng hiệu quả của các nhà cung cấp hoặc khách hàng thông qua sự liên kết đầu vào - đầu ra với các công ty trong nước. Các công ty nước ngoài có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bên cung ứng nhằm giúp họ nâng cao chất lượng các sản phẩm trung gian, hoặc họ có thể đưa ra các mức tiêu chuẩn chất lượng cao hơn cho các nguyên liệu đầu vào, tạo ra động lực cho các nhà cung cấp trong nước đầu tư đổi mới công nghệ. Trong trường hợp các công ty nước ngoài là đối tượng cung cấp sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao) cho khách hàng trong nước, các công ty nước ngoài sẽ tạo ra sự chuyển giao tri thức thông qua việc cung cấp dịch vụ đào tạo để hướng dẫn cách thức hoạt động và vận hành các sản phẩm mà họ cung cấp. Mức độ chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào năng lực hấp thụ và ứng dụng công nghệ mới của các doanh nghiệp nội địa, môi trường kinh tế, sự tham gia của các công ty trong nước vào chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm của các công ty nước ngoài.
Thứ hai, hiệu ứng mô phỏng xảy ra khi các công ty nội địa tiến hành quan sát, bắt chước, ứng dụng các công nghệ cao hay quy trình hiện đại mà các công ty nước ngoài đang áp dụng. Tuy nhiên, nếu tồn tại khoảng cách lớn về công nghệ hoặc mức độ phức tạp của sản phẩm được cung cấp bởi các công ty nước ngoài, thì việc quan sát, bắt chước hay ứng dụng của các công ty nội địa là chưa đủ. Do đó, một cơ chế lan truyền nữa từ các công ty nước ngoài là hiệu ứng hình thành vốn con người và sự dịch chuyển lao động.
Thứ ba, hiệu ứng hình thành vốn con người và dịch chuyển lao động xuất hiện khi các công ty nước ngoài liên kết đào tạo tuyển dụng lao động, và khuếch tán lao động chất lượng cao (Berger và Diez, 2008; Görg và Greenaway, 2004). Để hoạt động tại các nước nhận đầu tư, các công ty nước ngoài có thể phải liên kết với các cơ
sở nghiên cứu và đào tạo, thậm chí tài trợ chi phí đào tạo nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho hoạt động sản xuất. Cơ hội việc làm tại các công ty nước ngoài có thể thúc đẩy người học lựa chọn các ngành khoa học và công nghệ mới. Khi các công ty nước ngoài không thể thuê toàn bộ lực lượng này, nó có thể làm tăng nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho các công ty trong nước. Bên cạnh đó, người lao động làm việc cho các công ty nước ngoài được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và dần nắm bắt các bí quyết kỹ thuật, kỹ năng quản lý. Khi người lao động chuyển sang làm việc cho các công ty trong nước sẽ áp dụng công nghệ và kỹ năng quản lý từ các công ty nước ngoài để áp dụng cho các công ty trong nước. Nhờ sự dịch chuyển lao động mà tri thức kỹ năng được khuếch tán trong các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Kết quả của tác động lan tỏa từ công ty nước ngoài sẽ thúc đẩy các công ty trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình quản lý hiện đại, gia tăng chất lượng nguồn nhân lực, từ đó, làm tăng hiệu quả hoạt động của các công ty trong nước.
(ii) Tác động cạnh tranh
Các công ty nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa, và cạnh tranh trực tiếp với các công ty trong nước. Blomström và Kokko (1998) chỉ ra rằng sự xuất hiện của các công ty nước ngoài sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp trong nước. Tác động cạnh tranh phụ thuộc vào cấu trúc thị trường và trình độ công nghệ của nước nhận đầu tư. Đối với các nước chậm phát triển, tác động cạnh tranh của các công ty nước ngoài lên các doanh nghiệp trong nước diễn ra rất khốc liệt. Kết quả của tác động cạnh tranh trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tình trạng giảm sản lượng của doanh nghiệp trong nước trong ngắn hạn, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước bị sụt giảm, thậm chí có thể phải rời khỏi thị trường, hoặc bị thâu tóm, sáp nhập. Một số doanh nghiệp trong nước có thể tiếp tục tồn tại nếu vượt qua được giai đoạn điều chỉnh cơ cấu để thích nghi với môi trường cạnh tranh.
Dựa trên lý thuyết về ảnh hưởng của các công ty nước ngoài đến hiệu quả của các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực sản xuất, Levine (1996) đã phát triển lý thuyết này trong lĩnh vực ngân hàng.
Levine (1996) cho rằng thâm nhập NHNNg sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng trong nước qua 2 tác động là tác động cạnh tranh và tác động lan tỏa. Tác động cạnh tranh xảy ra trong quá trình NHNNg tổ chức hoạt động kinh doanh sau khi thâm nhập. Do có ưu thế về tiềm lực tài chính, sở hữu công nghệ ngân hàng hiện đại, kỹ năng quản trị ngân hàng hiệu quả, sản phẩm dịch vụ đa dạng, các bí quyết marketing, NHNNg cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng trong nước và dần chiếm lĩnh thị phần của các ngân hàng trong nước, từ đó, làm cho lợi nhuận của các ngân hàng trong nước sụt giảm.
Ngoài tác động cạnh tranh, Levine (1996) cho rằng NHNNg còn tạo ra tác động lan tỏa lên hiệu quả của ngân hàng trong nước. Tác động lan tỏa xảy ra khi ngân hàng trong nước, quan sát, học hỏi, mô phỏng chiến lược kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, công nghệ từ các NHNNg. Các ngân hàng trong nước tăng cường đầu tư để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản trị, từ đó làm tăng hiệu quả của các NHTM trong nước.
Lý thuyết về ảnh hưởng của NHNNg cung cấp cơ sở cho các tranh luận về vấn đề tại sao sự thâm nhập của NHNNg có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các ngân hàng trong nước. Những lập luận của lý thuyết này có thể được tóm lược ở 3 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, thâm nhập của NHNNg có thể dẫn đến việc chiếm lĩnh thị phần của các ngân hàng trong nước, dẫn đến giảm lợi nhuận của ngân hàng trong nước.
Thứ hai, thâm nhập của NHNNg có thể tạo ra tác động lan tỏa tích cực lên hiệu quả của các ngân hàng trong nước. NHNNg giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới, công nghệ ngân hàng hiện đại và hiệu quả hơn vào thị trường ngân hàng trong nước. Sự xuất hiện của các sản phẩm dịch vụ này kích thích các ngân hàng trong nước cũng phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và áp dụng công nghệ tương tự, từ đó, hiệu quả của các ngân hàng trong nước được nâng lên. Ngoài ra, sự hiện diện của NHNNg tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng trong nước tiếp cận kỹ năng quản lý ngân hàng hiệu quả. Thâm nhập của NHNNg còn giúp đổi mới cơ chế giám sát đối với hệ thống
ngân hàng của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng trong nước. Tất cả những hiệu ứng lan tỏa có thể góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả ngân hàng trong nước.
Thứ ba, các NHNNg có thể giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng trong nước. NHNNg đưa đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao và các nhà quản lý giỏi để làm việc tại các chi nhánh của họ. Thông qua hoạt động này, nhà quản lý và nhân viên của các ngân hàng trong nước có thể tìm hiểu và học hỏi từ các nhân viên và nhà quản lý của NHNNg. Hơn nữa, các NHNNg có thể đầu tư đào tạo lao động địa phương làm việc cho họ. Qua quá trình chuyển dịch lao động, đội ngũ nhân viên từ NHNNg có thể chuyển sang làm việc cho ngân hàng trong nước, từ đó, chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống ngân hàng trong nước được nâng lên và hiệu quả ngân hàng được cải thiện.
Như vậy, tùy vào sự vượt trội của tác động cạnh tranh hay tác động lan tỏa, mà tác động tổng thể đến hiệu quả của ngân hàng trong nước là tích cực hay tiêu cực. Trường hợp động cơ thâm nhập của NHNNg là theo sau khách hàng thì thường tác động lan tỏa sẽ vượt trội, còn nếu động cơ thâm nhập của NHNNg là tìm kiếm lợi nhuận thì tác động cạnh tranh sẽ vượt trội.
2.3.5. Tổng quan các nghiên cứu về ảnh hưởng của thâm nhập ngân hàng nước ngoài đến hiệu quả của các ngân hàng thương mại trong nước
2.3.5.1. Các nghiên cứu ở các quốc gia và khu vực
Claessens và cộng sự (2001) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của 7.900 ngân hàng ở 80 quốc gia trong giai đoạn 1988 - 1995. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập của NHNNg làm giảm hiệu quả của các ngân hàng trong nước.
Claessens và Lee (2003) nghiên cứu ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng trong nước ở 39 quốc gia có thu nhập thấp trong giai đoạn 1995 – 2000. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để đo lường hiệu quả
của các ngân hàng trong nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thâm nhập của NHNNg không ảnh hưởng đến hiệu quả của các ngân hàng trong nước.
Lensink và Hermes (2004) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của 982 ngân hàng ở 48 quốc gia trong giai đoạn 1990 – 2996. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập của NHNNg làm tăng hiệu quả của các ngân hàng ở các có trình độ phát triển tài chính ở mức thấp, và làm giảm hiệu quả của các ngân hàng ở các nước có trình độ phát triển tài chính ở mức cao.
2.3.5.2. Các nghiên cứu ở trong phạm vi quốc gia
Denizer (2000) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để phân tích tác động của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1980 – 1997. Kết quả nghiên cứu cho thấy gia tăng sự hiện diện của NHNNg sẽ làm giảm hiệu quả của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Barajas và cộng sự (2000) cũng sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để nghiên cứu tác động của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng Colombia trong giai đoạn 1985 – 1998. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thâm nhập NHNNg làm giảm hiệu quả biên của các ngân hàng Colombia.
Unite và Sullivan (2003) kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng Philippine bằng phương pháp chỉ số tài chính trong giai đoạn 1990 – 1998. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập của NHNNg làm giảm hiệu quả của các ngân hàng Philippine. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với bằng chứng thực nghiệm của (Denizer, 2000).
Shen và cộng sự (2009) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập của NHNNg đến hiệu quả của ngân hàng Trung Quốc trong giai đoạn 1997-2007. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thâm nhập của NHNNg làm tăng hiệu quả của ngân hàng Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu này mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của (Unite & Sullivan, 2003).
Tương tự Unite và Sullivan (2003), Manlagđit (2011) cũng kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng Philippine bằng phương pháp chỉ số tài chính, nhưng giai đoạn nghiên cứu từ 1990 đến 2006. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thâm nhập của NHNNg làm giảm hiệu quả của các ngân hàng Philippine và phù hợp với kết quả nghiên cứu của (Unite và Sullivan, 2003).
Xu (2011) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để kiểm tra ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của ngân hàng Trung Quốc tương tự Shen và cộng sự (2009). Tuy nhiên, khác với Shen và cộng sự (2009) đo lường thâm nhập của NHNNg bằng phương pháp tổng hợp, Xu (2011) đo lường thâm nhập của NHNNg bằng phương pháp không gian phân bổ. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập NHNNg làm giảm lợi nhuận biên của các ngân hàng Trung Quốc trong giai đoạn 1999 - 2006.
Luo và cộng sự (2017) cũng sử dụng phương pháp chỉ số tiếp xúc để đo lường thâm nhập của NHNNg trong nghiên cứu ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng Trung Quốc giai đoạn 2002 – 2011. Tuy nhiên, khác với Xu (2011) sử dụng chỉ số tiếp xúc ở địa phương có số chi nhánh ngân hàng lớn nhất, Luo và cộng sự (2017) xây dựng chỉ số tiếp xúc cho toàn bộ mạng lưới chi nhánh ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập của NHNNg làm tăng hiệu quả của ngân hàng Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Shen và cộng sự (2009), nhưng mâu thuẫn với một số nghiên cứu như Unite và Sullivan (2003) và Manlagđit (2011).
2.3.5.3. Nghiên cứu ở trong nước
Lien và cộng sự (2015) sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để kiểm tra tác động của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam giai đoạn 1992
– 2012. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập NHNNg làm tăng hiệu quả của các NHTM Việt Nam.
Tương tự Lien và cộng sự (2015), Pham và Nguyen (2020) cũng sử dụng phương pháp chỉ số tài chính để kiểm tra tác động của thâm nhập NHNNg đến hiệu
quả của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2009 – 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy thâm nhập NHNNg làm giảm hiệu quả của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của Lien và cộng sự (2015).
Mục này đã khảo cứu các nghiên cứu đã thực hiện về ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các ngân hàng trong nước làm cơ sở cho việc xác định khe hở nghiên cứu và phát triển giả thuyết liên quan đến RQ2. Kết quả khảo cứu được tổng hợp ở Bảng 2.4.