Ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam - 2


Nam. Các ngân hàng ở nước đang phát triển được đặc trưng bởi các đặc tính khác so với các ngân hàng ở các nước phát triển như nguồn vốn, cơ cấu sở hữu, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thấp hơn, về công nghệ, trình độ quản lý… điều đó đặt ra câu hỏi kết quả của các nghiên cứu tại các nước phát triển có thể là áp dụng đối với các nước đang phát triển hay không. Theo các nghiên cứu về vai trò của sở hữu nhà nước tại nhiều quốc gia trên thế giới, sở hữu nhà nước có xu hướng làm giảm tỷ suất sinh lời, gia tăng nguy cơ rủi ro Demirguc-Kunt và Huizinga (1999), Claessens và cộng sự (2000), Micco và cộng sự (2004).

Thực tế tại Việt Nam cho thấy tác động mạnh của sở hữu nhà nước tại các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng do nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được phản ánh rò thông qua sự tăng trưởng nóng của tín dụng dẫn tới hệ lụy nợ xấu cao do sự phân bổ tín dụng chưa hiệu quả (Đinh Tuấn Minh, 2012, Trịnh Quang Anh, 2013). Bên cạnh đó, các lợi ích nhóm nảy sinh từ việc vị trí điều hành hay quyền lực của những người đại diện vốn Nhà nước đã khiến cho tỷ suất sinh lời của hệ thống NHTM nói chung bị ảnh hưởng (Báo Thanh niên, 2012).

Những bất cập trong quản lý của các ngân hàng cũng như các khó khăn cũng nảy sinh trên nhiều mặt hoạt động, trong đó có vấn đề vốn chủ sở hữu, đặc biệt là vấn đề sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải làm rò vai trò sở hữu nhà nước trong sự so sánh với các loại hình sở hữu khác trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Từ tầm quan trọng của vấn đề, từ chỗ số lượng nghiên cứu về vấn đề này chưa nhiều, chính là vấn đề mới còn khoảng trống trong nghiên cứu tại môi trường Việt Nam. Đó là lý do tác giả chọn đề tài “Ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam” làm đề tài luận văn.

1.2 Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu của đề tài:

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:


Xác định mối quan hệ giữa hình thức sở hữu nhà nước và tỷ suất sinh lời của NHTMCP Việt Nam được nghiên cứu đồng thời với các nhân tố khác ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của NHTMCP Việt Nam.

Nghiên cứu ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các NHTMCP Việt Nam.

Với mục tiêu nghiên cứu ở trên luận văn hướng đến trả lời hai câu hỏi sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.

Hình thức sở hữu nhà nước có ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời NHTMCP Việt Nam không?

Ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời NHTMCP Việt Nam như thế nào?

Ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam - 2

1.3 Đối tương/Phạm vi nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu: Nâng cao tỷ suất sinh lời là một trong những mục tiêu quan trọng của mỗi ngân hàng hiện nay. Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời, trong đó luận văn tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các NHTMCP Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam giai đoạn từ năm 2007 cho tới năm 2014. Luận văn chọn giai đoạn nghiên cứu từ năm 2007 vì đây là năm đầu tiên NHNN tiến hành cổ phần hóa các NHTMNN đánh dấu bởi sự kiện cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam.

1.4 Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp thống kê mô tả áp dụng để phân tích tình hình sở hữu và tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam trong giai đoạn năm 2007 - 2014.

Phương pháp định lượng được áp dụng thông qua mô hình hồi quy dữ liệu bảng bao gồm: kiểm định lựa chọn mô hình hồi quy, xử lý yếu tố nội sinh, kiểm tra độ tin cậy của mô hình. Cụ thể một số kiểm định được sử dụng như sau:

Sử dụng kiểm định Hausman Test để lựa chọn phương pháp FE và RE.


Sử dụng kiểm định Breusch-Pagan để lựa chọn giữa phương pháp RE và OLS.

Để xử lý nội sinh, bài luận văn sử dụng mô hình động trong đó biến phụ thuộc trễ một thời kỳ làm biến độc lập, phương pháp hồi quy được sử dụng là SGMM.

Kiểm định độ tin cậy kết quả mô hình theo SGMM: kiểm định AR (1), AR(2) và Hansen test.

1.5 Kết cấu của luận văn Chương 1: Giới thiệu

Chương 2: Cơ sở lý thuyết về ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng thương mại

Chương 3: Thực trạng về hình thức sở hữu nhà nước và tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam

Chương 4: Mô hình kiểm định ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam

Chương 5: Kết luận và khuyến nghị

1.6 Ý nghĩa khoa học của đề tài nghiên cứu

Về mặt lý luận, luận văn đã phân tích, đúc kết các khái niệm, kết luận về ảnh hưởng của hình thức sở hữu nhà nước đến tỷ suất sinh lời của các NHTMCP Việt Nam đồng thời đánh giá các nhân tố khác ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của các NHTMCP Việt Nam. Từ việc kết hợp phân tích thực trạng với phân tích định lượng luận văn đã tìm ra được bằng chứng về mối quan hệ nghịch biến giữa hình thức sở hữu nhà nước và tỷ suất sinh lời của các NHTMCP Việt Nam, nghĩa là các NHTMCP do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối có tỷ suất sinh lời thấp hơn các NHTMCP.

Do đó, về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ là đóng góp hữu ích giúp các nhà quản lý có chính sách tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam phù hợp và hiệu quả nhất cũng như giúp cho các nhà quản trị ngân hàng nghiệp tìm ra các nhân tố quan trọng để tập trung kiểm soát nâng cao tỷ suất sinh lời của ngân hàng.


Kết quả nghiên cứu này không chỉ là một tài liệu tham khảo quan trọng cho học viên có ý định thực hiện các nghiên cứu tương tự cho bối cảnh Việt Nam bằng việc đưa thêm các biến mở rộng mô hình nghiên cứu mà còn cung cấp nhiều tài liệu tham khảo quan trọng khác thông qua phần tài liệu tham khảo.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


Nội dung chương 1 đã trình bày một cách tổng quát nhất về đề tài bao gồm: giới thiệu vấn đề nghiên cứu, lí do nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Đồng thời cũng nêu lên ý nghĩa khoa học của đề tài.


CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA HÌNH THỨC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐẾN TỶ SUẤT SINH LỜI CỦA CÁC NHTM‌

2.1 Lý thuyết nền của nghiên cứu:

Các nghiên cứu về tác động của hình thức sở hữu nhà nước lên tỷ suất sinh lời dựa trên các lý thuyết sau:

2.1.1 Lý thuyết người đại diện:

Theo Coriat và Weinstein (2011), lý thuyết người đại diện ra đời vào đầu những năm 1970 khi các nhà kinh tế nghiên cứu việc phân chia rủi ro giữa người ủy quyền và người đại diện do họ có mục tiêu và sự phân công lao động khác nhau. Người ủy quyền (chủ sở hữu) giao phó công việc cho người đại diện thông qua một hợp đồng. Những vấn đề mà lý thuyết người đại diện nghiên cứu chỉ xuất hiện trong chừng mực mà lợi ích của người ủy quyền và người đại diện có sự khác nhau và nhất là giữa họ có thông tin không hoàn hảo (không có toàn bộ thông tin xác đáng) về trạng thái và hành vi của các tác nhân, thông tin không đối xứng giữa các tác nhân (thường thì người đại diện biết nhiều hơn người ủy quyền về công việc mình phải làm). Sự tồn tại của thông tin không hoàn hảo và thông tin không đối xứng dẫn tới những hành vi cơ hội của người đại diện.

Có hành vi cơ hội trước khi ký hợp đồng khi người ủy quyền không có đầy đủ thông tin về người đại diện dẫn tới việc mà lý thuyết người đại diện gọi là sự lựa chọn nghịch. Có những hành vi cơ hội sau khi ký hợp đồng khi người ủy quyền không tuân thủ những điều khoản của hợp đồng dẫn tới việc mà lý thuyết người đại diện gọi là rủi ro đạo đức. Sự không hoàn hảo, không đối xứng về thông tin giữa người ủy quyền và người đại diện dẫn tới chi phí người đại diện (Bouba-Olga, 2010).

Thực tế, không thể có một hợp đồng hoàn hảo giữa người ủy quyền và người đại diện vì vậy vấn đề người đại diện luôn tạo ra một chi phí gọi là chi phí người đại diện. Chi phí người đại diện là những chi phí tiền tệ và phi tiền tệ mà các bên phải gánh chịu do sự cần thiết phải thiết lập những hệ thống ràng buộc và kiểm tra. Chi phí người đại diện gồm 3 bộ phận cấu thành, chi phí cho việc kiểm tra và động viên, chi phí nghĩa vụ và chi


phí do mất mát phụ trội. Chi phí cho việc kiểm tra và động viên là những chi phí do người ủy quyền bỏ ra để kiểm tra, định hướng hành vi của người đại diện. Chi phí nghĩa vụ là những chi phí mà người đại diện gánh chịu để đảm bảo là mình không gây ra những hành động làm thiệt hại người ủy quyền hay để có thể bổi thường cho người ủy quyền khi cần thiết. Chi phí do mất mát phụ trội là phần chênh lệch không thể tránh được giữa kết quả hành động của người đại diện đối với người ủy quyền và kết quả của hành động thật sự vì mục đích tối đa hóa lợi ích của người ủy quyền mang lại Coriat và Weinstein (2011). Lý thuyết người đại diện đã đưa ra những kết luận sau (Jensen và Meckling, 1976):

Người đại diện hành xử vì lợi ích của người ủy quyền nhiều hơn khi hợp đồng giữa người ủy quyền và người đại diện dựa trên kết quả, hay nói cách khác, hợp đồng dựa trên kết quả là hiệu quả trong việc kiềm chế hành vi cơ hội của người đại diện.

Người đại diện hành xử vì lợi ích của người ủy quyền nhiều hơn khi người ủy quyền có hệ thống thông tin kiểm tra hoạt động của người đại diện, hay nói cách khác hệ thống thông tin kiểm tra hoạt động của người đại diện có khả năng kiềm chế hành vi cơ hội của người đại diện

Chi phí người đại diện càng lớn khi người đại diện sở hữu ít hoặc không sở hữu cổ phiếu của công ty hay nói cách khác sở hữu của người đại diện trong doanh nghiệp tăng lên thì hành vi cơ hội của người đại diện sẽ giảm đi.

Như vậy, lý thuyết người đại diện cho rằng các Ngân hàng thương mại nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn các Ngân hàng thương mại tư nhân là do thiếu sự giám sát của thị trường vốn cộng với ảnh hưởng của các yếu tố chính trị. Ngược lại các Ngân hàng thương mại tư nhân thường chịu sự giám sát chặt chẽ của thị trường vốn nên có kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn.

2.1.2 Lý thuyết lựa chọn công cộng

Lý thuyết lựa chọn công cộng giải thích các yếu tố thể chế, các quá trình chính trị chi phối như thế nào đến việc ra đời và triển khai một chính sách công cũng như tính hạn chế về phương diện hiệu quả của nó. Các cá nhân vì quyền lợi cá nhân hạn hẹp, hành


động một cách khá duy lý nhìn từ góc độ riêng của họ, có xu hướng tạo ra các kết quả phi lý về mặt tập thể (Buchanan, 1986)

Nội dung lý thuyết lựa chọn công cộng cho rằng sự thất bại của chính phủ là do: không có khả năng lãnh đạo, hoặc không sẵn lòng của chính phủ để hành động theo hướng quan tâm đến sở thích của công chúng, đội ngũ công chức không có động lực làm việc, tham nhũng, sử dụng nguồn lực/tiền bạc bởi một số người và nhóm trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến nhà chính trị nhằm thay đổi chính sách công do đó chính trị có xu hướng bị chi phối bởi các nhóm nhỏ, ít người được lợi ích lớn trong khi chi phí phân tán rộng rãi (Sử Đình Thành, 2010)

Như vậy, lý thuyết lựa chọn công cộng nghiên cứu về hành vi của các quyết định đến từ các chính trị gia dựa trên các giả thuyết về tính tư lợi, tối đa hóa thỏa dụng, từ đó đưa ra nhận định mục đích của các chính trị gia không hẳn là tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa thỏa dụng cá nhân, chính trị, khiến cho các Ngân hàng thương mại nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn các Ngân hàng thương mại tư nhân.

2.1.3 Lý thuyết quyền sở hữu:

Lý thuyết quyền sở hữu được phát triển bởi Furubotn và Svetozar (1972), sau đó là Fama và Jensen (1983), Hart và Moore (1990). Lý thuyết đánh giá ảnh hưởng của những hình thức sở hữu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo lý thuyết quyền sở hữu, một quyền sở hữu trên một tài sản được xác định bởi ba thuộc tính sau đây:

Quyền được sử dụng tài sản

Quyền có được thu nhập từ tài sản

Quyền chuyển nhượng tài sản cho một người thứ ba.

Với lý thuyết quyền sở hữu, doanh nghiệp được xem như một tập hợp những hợp đồng thiết lập một cấu trúc nhất định những quyền sở hữu. Chức năng đầu tiên của quyền sở hữu, đặc biệt của sở hữu tư nhân là cung cấp cho những cá thể sự khuyến khích, động viên nhằm tạo ra, duy trì và giá tăng giá trị tài sản (Coriat và Weinstein, 2011). Lý thuyết quyền sở hữu đã chỉ ra rằng, cấu trúc những quyền sở hữu một mặt phải tận dụng được


những lợi thế chuyên môn hóa, mặt khác phải đảm bảo một hệ thống động viên và kiểm soát có hiệu quả. Quản trị có hiệu quả cần hướng tới các giá trị sau: tính công bằng, tính giải trình, tính minh bạch và tính trách nhiệm để đảm bảo các bên có quyền lợi liên quan đều có trách nhiệm hợp tác tích cực trong việc phát triển công ty.

Như vậy, lý thuyết về quyền sở hữu nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trong việc xác định kết quả kinh doanh, theo đó tại các Ngân hàng thương mại nhà nước, đa phần các mục tiêu chính trị được theo đuổi thay vì việc tối đa hóa lợi nhuận khiến cho hiệu quả tài chính của các tổ chức này kém hơn các Ngân hàng thương mại tư nhân.

Mặc dù cả ba lý thuyết áp dụng ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ nghiên cứu riêng cho lĩnh vực ngân hàng, nhưng đều cho rằng các tổ chức có sở hữu nhà nước sẽ có hiệu quả hoạt động thấp hơn các tổ chức tư nhân. Do đó qua ba lý thuyết trên có thể cho rằng cho các Ngân hàng thương mại nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn các Ngân hàng thương mại tư nhân.‌

2.2 Tổng quan về tỷ suất sinh lời của ngân hàng thương mại

2.2.1 Khái niệm

Ngân hàng là một loại hình tổ chức có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng cộng đồng địa phương, chủ thể tham gia nói riêng. Tuỳ theo điều kiện của mỗi nước và sự phát triển của hệ thống tài chính nước đó mà có những định nghĩa khác nhau về Ngân hàng. Theo Trầm Thị Xuân Hương và các tác giả (2013) thì các định nghĩa khác nhau về NHTM bao gồm:

Theo Ngân hàng thế giới: ngân hàng là tổ chức tài chính nhận tiền gửi chủ yếu dưới dạng không kỳ hạn hoặc tiền gửi được rút ra với một thông báo ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm).

Tại Hoa Kỳ: NHTM là một tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, chuyên cung cấp các dịch vụ về tài chính như nhận tiền gửi, chuyển tiền, thanh toán, cho vay, đầu tư, đổi tiền, mua bán ngoại hối và các dịch vụ khác liên quan đến tiền như bảo quản, ủy thác, làm đại lý trong nước và quốc tế.

Xem tất cả 90 trang.

Ngày đăng: 07/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí