Phân Biệt Ẩn Dụ Tu Từ Với Ẩn Dụ Từ Vựng


Ẩn dụ tượng trưng là đặc điểm của ngôn ngữ thơ. Nó trở thành một phương tiện tu từ đắc lực trong việc bộc lộ tâm hồn sâu kín qua cái cảm quan kì diệu của con người.

Ví dụ:


Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi

(Huy Cận)


+ Nhóm biến thể ẩn dụ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

- Nhân hóa

Nhân hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư, thái độ của mình.Ví dụ:

ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 3

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối

Đêm bâng khuâng đôi miếng lẫn trong cành

(Xuân Diệu)

Về mặt hình thức, nhân hóa được cấu tạo theo 2 cách. Thứ nhất là, dùng từ ngữ chỉ tính chất hoạt động của con người để biểu thị tính chất, hoạt động của đối tượng không phải là con người.Ví dụ:

Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu

(Vũ Đình Liên)


Thứ hai là, coi đối tượng không phải là người như con người để trao gửi, trò chuyện, tâm sự. Ví dụ:

Núi cao chi lắm núi ơi ?

Núi che mặt trời chẳng thấy người thương

(Ca dao)


- Vật hóa

Vật hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta dùng một hình thức di chuyển thuộc tính, dấu hiệu ngược chiều lại với nhân hóa, tức là lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người nhằm mục đích châm biếm, đùa vui, nhiều khi qua đó để thể hiện tình cảm, thái độ sâu kín của mình. Ví dụ:

Gái chính chuyên lấy được chín chồng Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi

Đến khi quanh đứt lọ rơi

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng

(Ca dao)

Bài ca dao trên đem tới cho người đọc tiếng cười vui vẻ và sảng khoái. Ở đó, hình thức di chuyển thuộc tính, dấu hiệu ngược chiều lại với nhân hóa được thể hiện nhằm mục đích châm biếm, đùa vui hóm hỉnh mà thâm thúy. Qua đó, người viết thể hiện tình cảm, thái độ của mình trước hiện thực một cách sâu sắc và thấm thía.

Tóm lại, theo Đinh Trọng Lạc, nhóm ẩn dụ thực chất là phương thức chuyển nghĩa theo mối liên tưởng tương đồng giữa hai sự vật, trong đó cái được so sánh gọi tên thay cho cái so sánh. Đó là cơ chế chuyển từ trường nghĩa này sang một trường nghĩa khác. Cụ thể là:


(1). Từ trường thể chất sang trường tinh thần, ta có ẩn dụ và ẩn dụ tượng trưng.

(2). Từ trường sự vật sang trường con người, ta có nhân hóa, ngược lại ta có vật hóa.

(3). Từ trường cảm giác này sang trường cảm giác khác, ta có ẩn dụ bổ sung [34, tr. 215].

Trên đây là cách phân loại ẩn dụ của một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ như: Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Cù Đình Tú và Đinh Trọng Lạc. Quan niệm và cách phân loại về ẩn dụ tu từ được trình bày theo những cách khác nhau nhưng không hề mâu thuẫn, đối lập mà chúng bổ sung cho nhau nhằm đem đến một cách hiểu đầy đủ và thống nhất về ẩn dụ tu từ. Cách phân loại trên dựa vào cơ sở quan hệ liên tưởng tương đồng, làm rõ tính chất mở và khả năng sinh sản lớn lao của ẩn dụ tu từ. Mặt khác, cách phân loại này cũng thống nhất với cách phân loại hoán dụ tu từ (dựa trên liên tưởng lô gích khách quan).


1.3. ĐẶC ĐIỂM CỦA ẨN DỤ TU TỪ


1.3.1. Phân biệt ẩn dụ tu từ với ẩn dụ từ vựng

Ẩn dụ từ vựng là ẩn dụ nghĩa chuyển đã được cố định hóa trong hệ thống ngôn ngữ, được đưa vào trong từ điển và được toàn dân sử dụng.

Trong khi đó, ẩn dụ tu từ mang tính sáng tạo riêng. Nó được dùng với nghĩa ngữ cảnh, cách chuyển đổi tên gọi lâm thời hay những cách dùng tiếng Việt có tính cách cá nhân. Ẩn dụ loại này được sử dụng như một biện pháp tu từ nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình và giá trị thẩm mỹ cho sự diễn đạt.

Ví dụ:


Dù ai nói ngả nói nghiêng Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

(Ca dao)


Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

(Nguyễn Du)

Ở câu trên, từ chân trong cụm từ kiềng ba chân, nét nghĩa vị trí dưới cùng của chân (người) được giữ lại. Nét nghĩa này đã được cố định hóa trong nghĩa của từ trên. Bởi thế, mọi người đều có thể sử dụng và sử dụng trong mọi ngữ cảnh khi cần thiết.

Ở câu dưới, Kim Trọng gọi mình là kẻ chân mây cuối trời tức là kẻ đi xa trong cuộc chia li này. Như vậy, chân trong cụm từ chân mây cuối trời được dùng để chỉ Kim Trọng. Chỉ trong văn cảnh này mới cho phép ta hiểu như vậy, nếu tách khỏi văn cảnh thì nghĩa đó không còn nữa.

1.3.2. Phân biệt ẩn dụ tu từ với so sánh tu từ

Trong cuốn 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Đinh Trọng Lạc đã khẳng định: "So sánh tu từ là cách đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan không đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có cùng một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả bằng hình ảnh một lối tri giác mới về đối tượng" [34, tr. 154]. Về bản chất, ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau. Tuy nhiên cần phân biệt ẩn dụ tu từ với so sánh tu từ.

Sự giống nhau giữa ẩn dụ tu từ và so sánh tu từ chính là cách liên tưởng để rút ra được nét tương đồng giữa hai đối tượng khác loại. Nét tương đồng này là cơ sở để hình thành nên ẩn dụ tu từ cũng như so sánh tu từ.

Ví dụ:


Thiếp như hoa đã lìa cành

Chàng như con bướm lượn vành mà chơi

(Nguyễn Du)


Hai đối tượng được so sánh ở đây (hoa người con gái, con bướm chàng trai) có sự tương đồng là sự tinh túy, xinh đẹp; sự kiếm tìm cái đẹp và tình yêu. Hoa gắn liền với hương thơm, màu sắc. Hoa đẹp nhưng chóng tàn, giống như người con gái đẹp nhưng tuổi xuân mau phai nhạt. Mối quan hệ của bướm với hoa (bướm say hoa, bướm gần hoa, bướm lượn vành bén hoa…) là mối quan hệ để duy trì nòi giống nếu xét trên quan điểm sinh học. Thiếu sự cộng sinh ấy thì cả cây và bướm đều bị đe dọa tuyệt diệt. Từ sự tương đồng ấy, người con gái trong ca dao muốn nói tới cảnh ngộ của mình và lời oán thán đối với chàng trai nọ trong tình yêu đôi lứa.

Ẩn dụ cũng được xây dựng trên liên tưởng tương đồng như thế. Ví dụ, nói về đứa con yêu bé bỏng của mình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có liên tưởng thú vị và ý nghĩa: Mặt trời của bắp thì mọc trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng. Điểm gặp gỡ ở hình ảnh thơ là ánh sáng, là sự cần thiết của ánh sáng đối với con người và vạn vật.

Tuy nhiên giữa chúng lại có những điểm khác nhau rõ rệt. So sánh tu từ có cấu tạo gồm hai vế là đối tượng được so sánh và đối tượng được dùng để so sánh. Ẩn dụ là so sánh ngầm ẩn. Suy nghĩ, tình cảm trong ẩn dụ được thể hiện gián tiếp. Nếu như so sánh là cụ thể hóa nhận thức và tình cảm đối với đối tượng thỉ ở ẩn dụ, phương pháp chuyển nghĩa thông qua những sự vật cụ thể lại khái quát hóa, trừu tượng hóa một vấn đề nào đó, đồng thời đưa ra một thể thống nhất mới của hình tượng nghệ thuật, tạo nên những trường nghĩa mới.

Ví dụ:


Đôi ta là bạn thong dong

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng Bởi chưng thày mẹ nói ngang

Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau.

(Ca dao)


Bài ca dao trên gồm 2 vế: vế trước biểu đạt sự so sánh đồng nhất giữa sự vật đôi ta (anh và em) với đũa ngọc mâm vàng đẹp và quý. Đôi đũa ngọc ấy được đặt trong mâm vàng vừa hòa hợp lại vừa cao sang và đáng trân trọng. Trong vế đầu của bài ca dao này thì đũa ngọc và mâm vàng là những sự vật vật chất cụ thể. So sánh trên gồm có 2 vế theo kiểu cấu tạo: A như B rất quen thuộc trong lối ví von của ca dao. Như vậy, so sánh giúp cho câu thơ thêm sinh động và đem đến cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ.

Vẫn là đũa ngọc - mâm vàng nhưng ở vế sau của bài ca lại là cách nói ẩn dụ tu từ. Ở đây, đũa ngọc, mâm vàng không còn là những sự vật cụ thể mà là hình ảnh tượng trưng biểu thị chàng trai và cô gái trong quan hệ tình cảm với nhau. Hình ảnh này chỉ có một vế - đối tượng được dùng để biểu thị đũa ngọc, mâm vàng. Đối tượng được biểu thị là đôi ta (cặp uyên ương trời sinh đang sống trong những phút giây ngọt ngào hạnh phúc) thì ẩn đi. Cái điều gắn kết tưởng chừng không thể khác được trong suy nghĩ và trong cuộc sống đã bị cắt chia, bị xé lẻ và bị đẩy về hai phương trời, hai dòng đời khác nhau.

1.3.3. Phân biệt ẩn dụ tu từ với hoán dụ

"Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa bằng cách dùng một đặc điểm hay một nét tiêu biểu nào đó của một đối tượng để gọi tên chính đối tượng đó" [36, tr. 203].

Ẩn dụ tu từ và hoán dụ tu từ đều có những tính chất giống nhau: rút gọn lời nói và tạo hình, vay mượn ngôn ngữ để làm giàu ngôn ngữ, mang vào ngôn ngữ những yếu tố lạ, tạo bất ngờ, gây cảm xúc.

Ẩn dụ tu từ và hoán dụ tu từ có điểm khác nhau: ẩn dụ được xây dựng trên liên tưởng tương đồng còn hoán dụ lại dùng cái quan hệ tất yếu để kết hợp những yếu tố có cùng với nhau một mẫu số chung, thành một hệ thống lôgic.

Ví dụ:


Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông dường nào Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu

(Xuân Quỳnh)

Hình ảnh con thuyền di động khắp nơi trên biển cả mênh mông sóng vỗ, mối quan hệ khăng khít giữa thuyền và biển cũng chính là hình ảnh, tâm trạng của đôi bạn tình đang yêu nhau tha thiết. Như vậy, ẩn dụ trên được xây dựng trên trường liên tưởng. Còn hoán dụ áo chàm trong câu thơ của Tố Hữu được xây dựng trong mối quan hệ gần gũi khách quan:

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Tố Hữu)

Áo chàm - chiếc áo người dân miền núi Việt Bắc thường mặc (mang đậm màu sắc dân tộc) để chỉ người dân Việt Bắc trong cuộc tiễn đưa cán bộ cụ Hồ.

Ẩn dụ và hoán dụ là hai phương thức chuyển nghĩa cơ bản của các đơn vị ngôn ngữ. Trong một từ nhiều nghĩa, có thể nghĩa này được chuyển theo phương thức ẩn dụ, nghĩa kia lại theo hoán dụ. Ví dụ:

Từ chân trong từ điển được giải thích với một số nét nghĩa như sau:

(1). Bộ phận cuối cùng của cơ thể người (hay động vật), dùng để đi, đứng, thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người (hay động vật). Nước đến chân mới nhảy.

(2). Chân con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là một thành viên một tổ chức. Có chân trong hội đồng.


(3). Phần dưới cùng của một số vật, tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền. Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Trong ba nét nghĩa trên, nét nghĩa (1) được dùng với nghĩa gốc của từ chân. Nét nghĩa (2) được dùng theo cách nói hoán dụ và nét nghĩa (3) dùng theo lối ẩn dụ.

Thực ra, ranh giới giữa ẩn dụ và hoán dụ không phải là tuyệt đối khi ta thấy một đơn vị ngôn ngữ được dùng mang dấu hiệu của hiện tượng nào nhiều hơn thì xếp vào hiện tượng đó. Mọi ẩn dụ đều phảng phất tính hoán dụ và mọi hoán dụ đều có ít nhiều tính cách ẩn dụ.

Trên cơ sở những quan điểm về ẩn dụ nêu trên, chúng tôi rút ra kết luận về khái niệm ẩn dụ làm cơ sở cho sự nghiên cứu, khảo sát của đề tài luận văn như sau:

Ẩn dụ là cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có nét tương đồng hay giống nhau. Bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi dựa trên sự đồng nhất hóa cá sự vật, hiện tượng, tính chất khi tư duy liên tưởng của con người phát hiện ra ở chúng ít nhất cùng có một nét hay một đặc điểm nào đó.

Ẩn dụ là một trong hai phương thức chuyển nghĩa cơ bản của ngôn ngữ đã tuân thủ quy luật tiết kiệm kì diệu của ngôn ngữ. Theo đó, người ta đã dùng cái hữu hạn để biểu hiện cái vô hạn và nó có mặt ở tất cả các cấp độ của ngôn ngữ. Về mặt từ vựng, quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ được thể hiện ở chỗ: cùng một hình thức âm thanh có thể diễn đạt được nhiều nội dung khác nhau. Đồng thời, cùng một đối tượng cũng có nhiều cách diễn đạt khác nhau.

Khi một từ hoặc một ngữ nào đó được dùng làm ẩn dụ thì nghĩa gốc ban đầu của nó không còn nữa mà nó sẽ được hiểu theo nghĩa bóng. Các nghĩa được tạo ra theo phép ẩn dụ tu từ không được cố định hóa trong hình thức ngôn ngữ thành ý nghĩa của từ trong từ điển. Ẩn dụ tu từ mang tính sáng

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí